Truyện Ngắn Vaccine

Thủ tướng Justin Trudeau vất vả với những câu hỏi về chuyện vaccine. Hình cắt từ video

Thường thì những chuyện cứ diễn di diễn lại, thay đổi cách diễn tiến, trước vầy, sau lại khác (nay gọi là “diễn biến phức tạp?) và dây dưa không chịu kết thúc thường được giới thông tấn kêu bằng “truyện dài” – như kiểu truyện dài nhân dân tự vệ ngày xưa trước 1975 ở Việt Nam.

Nhưng người viết lại dùng tựa “Truyện ngắn Vaccine” cho Chuyện Mỗi Tuần kỳ nầy, lý do là hy vọng nó sẽ kết thúc nhanh, nếu không thì khổ lắm, khổ cho tất cả mọi người, ai cũng khổ.

Sau khi những tủ siêu lạnh nầy trống rỗng, Thủ hiến Ontario Doug Ford (bên mặt)
đòi mang pháo tọng vô cái ying-yang của CEO hãng Pfiser. Hình nầy chụp ngày 8 tháng 12, khi các tủ lạnh còn chờ thuốc. Photo: Nathan Denette /CP

Mọi người đều biết rằng với cái con vi rút Cô rô nà hiện nay, hy vọng duy nhứt để thế giới có thể trở lại một chút bình thường của ngày trước là “vaccine” (Ký tui được khuyến cáo là từ nay nên xài chữ nầy cho thống nhứt với các bài vở khác trên TB, thay vì “vắc xanh” theo âm tiếng Tây).

Người hùng lớn tuổi và nhỏ con, Bác sĩ Anthony Fauci (đã bị bịt miệng và trở thành “pháo xì” gần 4 năm)  của Huê kỳ nói rằng chỉ tới khi có trên 60 phần trăm người dân được chích vaccine thì miễn dịch bầy đàn mới đạt được nhờ con vi rút hết người để lây.

Bởi thế cho nên ngoài những người nghi ngờ tác dụng hoặc cho là tác hại của vaccine, phần còn lại của loài người vẫn ngóng chờ  được chích vaccine. 

Canada là nước nhanh nhẩu nhứt trong số các quốc gia đặt mua thuốc chủng, tới 400 triệu liều theo hợp đồng với nhiều công ty sản xuất thuốc chủng, trong đó, lượng nhiều nhứt là hai công ty Pfizer và Moderna, những nơi có vaccine được chấp thuận cho xài đầu tiên. 

Phải nói là Canada đặt hàng nhiều- nhiều nhứt thế giới tính theo dân số. Nhiều tới mức đã bị quốc tế mắng mỏ, cho là ỷ nhiều tiền tích trữ thuốc chủng, làm mất phần của các nước nghèo: Mua chi nhiều vậy, chích chớ pha nước tắm hay sao!

Ông Thủ tướng xứ Canada đã từng khẳng định rằng trễ lắm tới tháng 9 nầy, trên cả nước những người muốn được chích – bất kể nam phụ lão (chưa có ấu), đều được chích. 

Bởi vậy cho nên từ ngày ổng lên tivi “hồ hởi” báo cáo với quốc dân,  Ký tui – một người già trong công viên, là “đối tượng” ưu tiên, sắp hàng thứ hai sau người già trong viện dưỡng lão và nhơn viên y tế,  đã được thân hữu khắp năm châu e-meo, phôn hỏi thăm. Họ hỏi đủ thứ với giọng điệu ghen tỵ thấy ghét, rằng đã chích chưa, chích có đau không, có phản ứng gì không, vân vân và vân vân… 

Vậy nhưng tới bữa nay, như 38 triệu người dân Canada, Ký tui vẫn phải ca “Chờ em chờ đến bao giờ…” (trong tác phẩm “Chờ người”của nhạc sĩ vừa qua đời Lam Phương) vì tới bữa thứ Sáu tuần rồi, lượng vaccine ở hầu hết các tỉnh bang đều đều đã cạn kiệt. 

Tính ra, tới ngày 30 tháng 1, trong 100 người Canada chỉ mới có 2.5 người được chích …một liều (hai loại thuốc chủng được phép sử dụng ở Canada đều cần phải chích hai liều mới đủ (ép) phê). Theo bảng sắp hạng chích ngừa của các quốc gia trên thế giới, Canada đứng hàng thứ 10 (và đang tuột dần).

Có người mỉa mai rằng trong số các nước tiền tiến, chiến dịch tiêm chủng của Canada chỉ khá hơn Úc đại lợi và Nhựt bổn. Chua chát ở chỗ Úc đại lợi chỉ vừa lên kế hoạch tiêm chủng mới đây thôi, và Nhựt bổn chưa có kế hoạch. Thêm nữa, con số các ca bịnh ở hai nước này chưa tới mức báo động vàng chớ chưa nói tới cỡ báo động đỏ ở Canada    

Nói cho ngay, trách ông Trudeau và bà Tổng trưởng Anand (vị công chức cao cấp nhứt có trách nhiệm mua vaccine cho Canada) thì cũng tội cho họ. Huê kỳ – anh bạn vừa tái xác nhận tình bằng hữu chí thiết (sau 4 năm làm mặt lạnh) nhưng vẫn phe lờ chuyện “chỉ đạo” cho Pfizer gởi thuốc cho “bạn vàng” Canada. Ích kỷ khỏi phải nói, xưởng Pfizer bên Huê kỳ sản xuất ào ào thuốc, nhưng tới nay vẫn nhứt định giữ cho riêng mình, buộc Canada phải nhận từ xưởng bên Bỉ quốc.

Hậu quả là Pfiser đã coi Canada không ra củ khoai tây gì khi giảm lượng thuốc phải giao theo hợp đồng trong tháng 2 nầy tới hơn ba phần tư.

Trong lúc ông Trudeau vẫn tự tin và trấn an dân Canada (mà nhiều người cho là nói dóc) rằng yên chí, họ sẽ “tăng tốc” gởi bù khi xưởng sản xuất được “nâng cấp xong”, Pfiser đã tỉnh queo phe lờ khi nhà máy của họ ở Puurs (Bỉ) trở lại sản xuất.  (Chuyện nầy đã khiến ông Chủ tỉnh Ontario Doug Ford đã nhảy dựng lên, khuyến cáo ông Thủ tướng mang pháo cắm vô cái ying-yang – không hiểu là cái gì, của chủ tịch công ty Pfizer).  

Tình hình khá mất mặt nầy đã khiến một nhà khoa học người Canada hiện đang mần việc bên Ăng lê, Sir John Bell, phải than rằng Canada đang “quá phụ thuộc” vào Hoa Kỳ. Sir John là giáo sư y khoa của Đại học Oxford, chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển vắc xanh Astrazeneca-Oxford, khuyên (quá đúng) như vầy: “Mặc dù chính quyền hiện tại ở Hoa Kỳ (ý chỉ Biden), sẽ thông cảm hơn – chánh quyền trước đây sẽ không chia cho bạn một hũ nào trong số (vaccine) này. Vậy nên , bạn biết bạn phải độc lập và tự chủ trong các vấn đề an ninh y tế nầy.” 

(Cũng phải nói thêm rằng chuyện khan hiếm vaccine trên thế giới, đặc biệt là thế giới phương Tây đã trở thành “chiến tranh thuốc chủng”. Các quốc gia kha khá ở lục địa Âu châu và Anh quốc cũng đang rơi vào cuộc tranh giành khốc liệt thứ tiên dược, có thể giảm nhẹ gánh nặng cho ngành y tế và đồng thời vực dậy nền kinh tế quốc gia. 

Tuần rồi, Anh quốc không cho xuất cảng vaccine của Astrazeneca-Oxford, sản phẩm Anh quốc sang các nước trong khối EU, Liên Âu đã nổi giận và ra luật kiểm soát lượng thuốc chủng của Pfizer sản xuất ở các nước Liên Âu (chánh yếu là ở Bỉ) sang Anh quốc.)

Lời khuyên của Sir John là chí lý. Thiệt ra thì Canada cũng đã nghĩ tới việc tự lực tự cường, chỉ hiềm quá xá trễ. Hồi cuối tháng 8 năm 2020, tức là mới cách đây có hơn 4 tháng, Thủ tướng Tí điệu và Tổng trưởng Canh tân, Khoa học và Kỹ nghệ đã công bố việc Canada đầu tư 126 triệu đô vào việc thiết kế, xây dựng một cơ sở sản xuất sinh học ở Montreal. Chú ý là có từ “thiết kế” nghen, tức là bắt đầu từ con số không. Ai cũng biết rằng từ thiết kế, qua xây dựng, rồi tới trang bị để đi vào hoạt động là một trình tự khá dài, đầu gian nan trắc trở. Vậy chắc là con vi rút Covid-19 không có gì để sợ cái trung tâm sản xuất vaccine này. 

Không biết là tới trận đại dịch sau, Canada có còn phải cãi nhau (năn nỉ) với các công ty sản xuất thuốc vaccine  không nữa.

Thiệt khó

Trong khi đa số người dân có thái độ ngoan ngoãn (như Ký tui) nằm nhà ngóng cổ chờ vaccine rụng, có một số người nôn nóng đã tìm nhiều cách để vượt rào.

Câu chuyện đáng chú ý nhứt trong tuần rồi là vụ một cặp vợ chồng ở B.C., chuyện không chỉ được bàn tán ở địa phương mà còn được đồn thổi ra quốc tế.

Rodney và Ekaterina Baker. Hình trên trang Facebook

Hai anh chị đó – ảnh tên Rodney Baker, chỉ là Ekaterina, thiệt là thuận vợ thuận chồng, đã bao nguyên một chuyến bay để lên Beaver Creek, một cộng đồng hẻo lánh chỉ có 100 dân, đa phần là người bản địa, ở Yukon, vùng lãnh thổ xa xôi nhứt của Canada gần Alaska để “chích khín” vaccine.

Hành trình của họ khá dài và khá xa xôi. Họ lên Whitehorse, thủ phủ của Yukon bữa 19 tháng 1 rồi từ đó bao máy bay vù lên  Beaver Creek, cách đó 450 cây số.

Beaver Creek nằm trong số các cộng đồng thôn dã của Yukon. Vì là những vùng xa xôi hẻo lánh, có người ở cách bịnh viện tới vài giờ đường, mà bịnh viện cũng không đủ nhơn lực và vật lực để đối phó nếu Covid-19 hoành hành, dân địa phương được ưu tiên chích vaccine. 

Tại đây, chàng và nàng tới một trạm chích ngừa lưu động, tự khai láo là “nhơn viên mới được tuyển dụng tại một motel địa phương.” Kết quả là mỗi người được nhận một mũi vaccine Moderna. 

Chích xong, họ dọt lẹ về Whitehorse. Xui xẻo, về tới phi trường Whitrhorse, họ bị phạt về tội vi phạm lịnh cách ly kiểm dịch 14 ngày của Yukon. Màn “chích hớt” bị khám phá. 

Nhưng sự việc không chỉ dừng ở biên giới Beaver Creek, Whitehorse, Yukon hoặc Canada. Sau ngày 20 tháng 1, khi không còn bi nhiêu tin tức về ông 45 (cũng như “tuýt” của ổng để khai thác), báo chí Bắc Mỹ đã phải đỏ mắt kiếm tin để lấp đầy khoảng trống. Vậy là cuộc đời ái tình sự nghiệp của cặp trai tài gái sắc nầy được lôi lên mặt báo. 

Họ là “multi-millionaire”  (nếu không lầm thì tiếng Việt đương đại kêu bằng “đại gia”). Chàng  Rodney 55 tuổi, là Giám đốc, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Great Canadian Gaming Corporation. Theo lời tự khai trên trang mạng thời công ty nầy là “một trong những công ty giải trí và cờ bạc lớn nhất và năng động nhất ở Canada. Với 25 khách sạn trên khắp Ontario, British Columbia, Nova Scotia và New Brunswick, các cơ sở của chúng tôi bao gồm hơn 16.000 máy đánh bạc, 575 bàn cờ bạc, 71 tiện nghi ăn uống và hơn 500 phòng khách sạn.”  

Nàng Ekaterina là một kiều nữ 32 tuổi, một ngôi sao màn bạc đang lên.

Ngày 25 tháng 1, công ty CGGC  ra thông báo cho hay chàng đã từ chức, cả ba chức.

Theo luật về các biện pháp khẩn cấp dân sự (Civil Emergency Measures Act), người không tự cô lập và không tuân giữ các khai báo khi nhập cảnh sẽ bị phạt tới 575 đô và bỏ tù 6 tháng.  Khoản tiền phạt đó hổng nhằm nhò gì so với thâu nhập của chàng và nàng. Lương chánh của chàng mỗi năm 1.4 triệu đô Canada, chưa kể bonus và các khoản phụ cấp khác. Có tin rằng chỉ riêng năm 2018, tổng thâu nhập của chàng (lương+bổng) là 6.2 triệu.

Họ vẫn còn phải chịu thêm một hậu quả cay đắng cho sự nông nổi, thiếu kiên nhẫn của họ. Vaccine Moderna phải chích 2 phát mới hiệu quả, anh chị mới “hớt” được phát đầu, theo khuyến cáo của Moderna, mũi thứ hai phải được chích sau ba tuần, trễ nhứt là 42 ngày thì thuốc chủng mới “phát huy hết hiệu quả.” Yukon đương nhiên là sẽ không chịu cho họ lên chích nữa. Trong lúc đó, Bộ Y tế British Columbia đã ra thông báo đặc biệt về cặp vợ chồng đại gia Baker: Họ sẽ phải chờ tới phiên mới được chích liều thứ hai. Theo kế hoạch chích ngừa Covid-19 của tỉnh bang B.C., thời điểm dành cho lứa tuổi của hai người – từ 59 đến 30, sẽ được chích trong khoảng từ tháng 7 tới tháng 9. Tức là họ sẽ được chích mũi thứ hai sớm nhứt là 5 tháng trời! Không biết hiệu quả quả thuốc chủng sẽ ra sao, hoặc còn hiệu quả hay không

Có người đặt câu hỏi như vậy, cái vụ đi chích hớt nầy có đáng không, đặc biệt là cả hai người đều còn trẻ, khỏe mạnh, có dính Covid-19 cũng không dễ bỏ mạng trừ khi có bịnh kín/bịnh nền gì đó.

Đúng là “đi đâu mà vội mà vàng, để vấp phải đá để quàng phải dây.” Cứ từ từ, sớm muộn gì cũng tới lượt mình thôi, không 2021 thì 2022. 

Những người như chàng và nàng hiện được kêu bằng mắc cái chứng “Vaccine Impatiene” – thiếu kiên nhẫn chờ vaccine.

Số nầy không ít, và không chỉ có ở Canada, nơi đang thiếu vaccine. Bên Huê kỳ cũng có, mặc dầu không do thiếu mà do nhiều nhưng không biết cách phân phối hoặc do chánh sách ưu tiên, cho nên có chỗ chích ào ào, có nơi tà tà rỉ rả. Hiệp chúng quốc Huê kỳ có 50 tiểu bang thì có tới 50 kế hoạch chích ngừa khác nhau, với ưu tiên dành cho các “đối tượng” khác nhau. Tỷ như ở Wisconsin, những người nuôi chồn lấy da làm áo lông ở các mink farm đang được xem xét ưu tiên trong giai đoạn thứ hai, ở New Jersey, những người hút thuốc có thể được ưu tiên. (Nhưng theo Ký tui thì Colorado là nơi ngon nhứt: người làm báo được sắp vào danh sách các người lao động ở tuyến đầu, ngang hàng với bác sĩ, y tá.) 

Vậy nên sanh ra chuyện những người “impatient” chạy đến những nơi mà thành phần của họ đang được chích thoải mái để cho nhanh.

Với chánh sách bất kỳ ai trên 65 đều được oeo-còm, tiểu bang của nắng, biển và cam Florida, trước nay đã là nơi du lịch tốt, nay lại càng hấp dẫn hơn, nơi vừa tới chơi vừa tới chích, một hot spot của “vaccine tourism” – du lịch vaccine.

Báo chí bên Huê kỳ cho hay tiểu bang nầy từ khi bắt đầu tổ chức chích ngừa Covid-19 tới nay đã trở nên đông đảo các du khách tóc bạc hay muối tiêu hơn. Cả nội địa, từ các tiểu bang khác như Georgia, New York, Pennsylvania, tới quốc tế, như Canada (dĩ nhiên, Florida hồi nào giờ là nơi các con chim già phía bắc xuống trốn tuyết) và tuốt từ Ba tây lên. Báo The Guardian đưa tin ông đốc tờ Jay Wolfson, một giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Nam Florida nói rằng các đồng nghiệp của ông ở St. Petersburg (Florida) kể với ổng rằng trong hàng người rồng rắn trước điểm chích ngừa của họ có cả người từ Venezuela!

Nghe nói chánh quyền Florida vừa ra quyết định chỉ chích cho những người có chứng minh thơ của Florida. Quyết định này được đưa ra khá trễ, sau khi 50 ngàn người không có thứ đó đã được chích xong.

Thăm dò của Angus Reid tháng 7 so với tháng 9, 2020: Câu hỏi: nếu có vaccine, bạn sẽ chích hay không?
Xanh đậm: có là chích liền; Xanh lợt: có, nhưng chờ ít lâu; Đỏ: không chích; Xám: không chắc

Thiệt tức cười và khó hiểu tâm lý con người. Bởi bên cạnh những người chờ thuốc, và nóng lòng chờ tời phiên được chích, còn có những người chần chờ khi được kêu đi chích. Họ không chống vaccine, không phải là anti-vaxxer mà là thành phần mắc chứng “vaccine hesitancy” – do dự với vaccine.

Số nầy không phải là ít, và đã tăng dần, nhứt là sau khi có tin chích xong lăn đùng ra tử vong (như ở Na uy). Trong số họ, có cả các bác sĩ, y tá, người làm việc trong các nhà chăm sóc người cao tuổi, tức là những người ở tuyến đầu. Thái độ của họ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới những người thuộc các thành phần khác. Họ sẽ nói, “tới bác sĩ còn không dám chích, tui…sợ lắm. Để từ từ coi sao.” Trong lúc đó, con vi rút không có từ từ, và vì không đủ tỷ lệ người được chích ngừa, miễn dịch cộng đồng sẽ không đạt được. Công sức, tiền bạc đổ vô vaccine coi như đổ xuống sông xuống biển!  

Cũng may, nhờ thấy quan tài nhiều người đã đổ lệ. Đợt dịch thứ hai trong hai tháng vừa qua ở Canada đã khiến tỷ lệ chần chờ do dự trong dân Canada giảm xuống. 

Sắp hàng rồng rắn trước Lakes Park Regional Library (Fort Myers, Florida) để chờ chích vaccine.
Photo: Andrew West/News-Press via Reuters

Trong cuộc thăm dò ý kiến công chúng của công ty Maru / Blue đã được tiến hành cuối tháng 12 vừa rồi những người được hỏi rằng họ sẽ trả lời như thế nào nếu họ được đề nghị có cơ hội tiêm vaccine trong tuần tới, 55% người được hỏi trả lời ngay rằng “chích liền”.  Chỉ mới một tháng trước đó, tỷ lệ trả lời như vậy chỉ là 36%.

Ký Gà

Xem thêm

Nhận báo giá qua email