Tu huynh Trần Văn Bửu:

Tận tụy với giáo dục, mang tình người đến với đồng bào nghèo
Cuốt tháng 10 năm 2009, qua sự giới thiệu của ông Samsey, cư ngụ ở Ottawa, tu huynh Trần Văn Bửu gửi điện thư đến Thời Báo mô tả thảm cảnh đồng bào miền Trung phải gánh chịu do trận bão Ketsana quét qua Đông Nam Á. Ông Samsey là cựu học sinh của Frère Bửu, khi ông dạy ở trường La Salle Miche ở Nam Vang.
Ông Trần Văn Bửu cho biết ông là tu sĩ dòng La San (La Salle), chuyên trách về giáo dục trẻ em nghèo. Tỉnh dòng La San Việt Nam (Dòng Anh Em Trường Công giáo- Institute of the Brothers of the Christian Schools) được thành lập năm 1680. Các tu sĩ dòng này
tuy cũng có khấn dòng, nhưng không nhận lãnh Bí tích truyền chức Thánh nên không phải là linh mục.
Hơn 80 quốc gia trên thế giới có các trường trung, đại học do tu sĩ dòng La San quản trị. Riêng tại Việt Nam, trước ngày mất nước, dòng La San sở hữu và điều hành 23 trường trung, tiểu học: Taberd. Đức Minh, La San Chánh Hưng, La San Nghĩa thục dành cho học sinh khuyết tật thị giác tọa lạc ở Sài Gòn, Pellerin, Phú Vang (Huế), Thánh Giu se (Mỹ Tho), Adran và La San Kỹ thuật (Đà Lạt), Kim Phước (Kontum), Bình Lợi (Qui Nhơn), La San Ban Mê Thuột, Bá Ninh, Xóm Bóng ở Nha Trang, Gagelin (Bình Ðịnh)…
Trước năm 1954, Dòng La San có các trường Puginier ở Hà Nội, Thánh Giu se ở Hải phòng, sau di cư vào Nam.
Sau biến cố tháng Tư năm 1975, Cộng sản Việt Nam trưng thu tất cả các trường La San, buộc các sư huynh của dòng tu này phải rời các cơ sở giáo dục đã được các vị dày công xây dựng và vun bồi trong hơn một thế kỷ, chỉ còn được lưu giữ nhà hưu dưỡng Mai Thôn ở Thanh Đa, Sài Gòn. Một số tu sĩ bỏ nước ra đi, tiếp tục công việc giảng dạy ở Nouvelle Calédonie, Thái Lan, Pháp, và Hoa Kỳ. Khi chế độ Hà Nội thực thi chính sách gọi là “đổi mới”, các sư huynh lại tiếp tục bôn ba các nơi để tìm nguồn tài chánh mở trường dạy trẻ em nghèo ở Cái Nhum, và hiện đang mở rộng ở các nơi khác, trở lại mức khởi điểm cách nay hơn 150 năm.
Tuy nhiên, sau 43 năm cưỡng chiếm miền Nam, đến tháng 2 năm nay, nhà cầm quyền Thừa Thiên vẫn không quên chính sách trưng thu, cưỡng chiếm đất của trường La San Bình Linh, đã được xây dựng ở Huế cách nay hơn 105 năm.
Vì sứ mạng thụ nhân
Frère Trần Văn Bửu, cựu học sinh Taberd Sài Gòn, khấn hứa trọn đời và được điều động sang Kampuchia dạy học vào năm 1962. Sau tháng Tư đen 1975, tu huynh Trần Văn Bửu
sang Thái Lan tiếp tục phục vụ ngành sư phạm 10 năm, kế đó đến Pháp và sau cùng là New Caledonia.
Tận tâm với thiên chức là giáo dục trẻ em nghèo, sau khi Hà Nội nới lỏng chính sách cai trị, với sự trợ giúp của cựu học sinh và mạnh thường quân, sư huynh Trần Văn Bửu trở lại Huế mở trường dạy may cắt cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, lớp sửa xe gắn máy cho thanh thiếu niên không có điều kiện học văn hóa và các lớp học miễn phí trẻ em mồ côi, thiếu nhi dân tộc thiểu số ở Cam Lộ, Quảng Trị. Bên cạnh đó, tu huynh Trần Văn Bửu còn dành thời gian dạy tiếng Anh và tiếng Pháp cho những sinh viên không có khả năng tài chánh trang trải học phí các lớp học sinh ngữ.
Đồng hành cùng Quỹ Cộng đồng Thời Báo
Từ năm 2012 đến nay, qua Hội Từ thiện La San Huế, Quỹ Cộng đồng Thời Báo (Thoi Bao Community Fund- TBCF) đã chuyển giao tặng dữ hiện kim của quý vị mạnh thường quân, ân nhân, độc giả Thời Báo đến đồng bào nghèo, nạn nhân thiên tai, đồng bào thiểu số ở các tỉnh: Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình. Năm 2012, TBCF chuyển $8.125 quà Tết cho 1 336 gia đình. Năm 2013, Quỹ Cộng đồng Thời Báo đã chuyển cho Hội Từ thiện La San Huế 11.053 Gia kim để giúp cho 1080 gia đình nghèo ở những vùng Ngọc Hồ (Huế), Cây Da (Quảng Trị), Cồn Hến (Huế), Kim Đôi (Huế), Khê Sanh (Quảng Trị), Cồn Sẽ (Quảng Bình) và Mỹ Lộc (Quảng Trị) có được ít nhiều hương vị trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Cũng trong năm này, tháng 9 và tháng 10, Quỹ Cộng đồng Thời Báo chuyển gấp về cho Frère Trần Văn Bửu $7.000 để cứu trợ nạn nhân thiên tai ở xã Tam Trang, Quảng Bình.
Năm 2014, Frère Bửu gửi thư đến Thời Báo: “Đã nhiều năm các anh đã đại diện độc giả Thời Báo gởi tiền cứu trợ đồng bào Miền Trung, việc các anh làm là một việc từ thiện không ai phủ nhận được. Đồng bào nghèo đói thì phải cho họ ăn nhưng có một cái nghèo đói khác trầm trọng hơn nhiều là nghèo đói giáo dục, học vấn, kiến thức, tinh thần mà đòi hỏi một công việc về lâu về dài và kiên trì. Trong những vùng mà tôi đã đến cứu trợ tôi đã tận mắt thấy những cảnh đau lòng là con em bỏ học rất nhiều để vào trong Nam kiếm sống và tiền kiếm được cũng chỉ đủ sống qua ngày. Tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tôi đã đứng ra tổ chức dạy hè trong một tháng rưỡi cho 500 em học sinh từ lớp 6 tới lớp 12. Tôi kêu gọi một số sinh viên sư phạm hy sinh làm việc này. Năm này là năm thứ 5. Bây giờ tôi muốn xây một ngôi trường 3 lớp để có thể dạy cả năm. Chi phí là 25,000 đô la. Xin các anh giúp cho tôi một phần. Tôi xin hết lòng cám ơn các anh”.
Sau khi xem xét khả năng tài chánh và đề nghị nêu trên của tu huynh Trần Văn Bửu, Quỹ Cộng đồng Thời Báo và công ty Thời Báo Media đã tài trợ 25.000 Gia kim để xây cất trường học cho trẻ em nghéo ở làng Cây Da, Quảng Trị. Trường đã được khánh thành vào tháng 8 năm 2014.
Các năm kế tiếp, TBCF mỗi năm đều chuyển về cho Hội Từ Thiện La San Huế quà Tết cho đồng bào nghèo theo chỉ định của quý vị ân nhân, năm 2015 3.000 Gia kim, năm 2016 3.500 Gia kim, và 2.000 Gia kim cho nạn nhân Formosa và năm ngoái 5.000 Gia kim.
Ngày 24/01 vừa qua, vị tu sĩ dòng La San, 80 tuổi, đã được chuyển vào bệnh viện Bình Dân để giải phẫu do hệ tiết niệu không hoạt động tốt trong nhiều năm qua.
Ngay sau khi nhận được tin này, Thời Báo đã chuyển về cho Frère Trần Văn Bửu 500 Gia kim để phụ giúp phần nào chi phí điều trị.
Tận tụy với sứ mạng giáo dục và mang tình người của các mạnh trường quân đến với đồng bào nghèo, đến lúc lâm bệnh, vào bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn, sư huynh Trần Văn Bửu vẫn còn trăn trở: “Tối qua frère không ngủ được là vì trong lòng nôn nao nỗi lo cho dân nghèo (gần 200 gia đình) ở các xã thượng nguồn Sông Hương không biết năm nay họ ăn tết ra sao! Ở đó họ nghèo lắm, năm nào frère cũng quyên góp quà đến tặng cho họ ăn tết. Mỗi gia đình được một đòn bánh tét, một cặp bánh chưng và bịch mứt gừng. Năm nay, giờ này frère vẫn còn ở đây thì không biết làm sao kịp lo giúp cho họ”.
Khi rời bệnh viện trở về Huế, sư huynh Trần Văn Bửu lại bị đột quỵ Hiện nay, ông đã hồi phục phần nào tuy vẫn còn yếu.
Hy vọng rằng, tu sĩ Trần Văn Bửu sẽ vượt qua thời gian khó khăn này để tiếp tục chặng đường ông đã đi trong suốt sáu thập niên qua.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email