Chị Trần Thị Nga, sinh năm 1977, ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, là một trong các nhà hoạt động thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành phản đối công ty Formosa gây thảm họa môi trường miền Trung, trợ giúp dân oan khiếu kiện.
Chị Nga trước đây là một lao động xuất khẩu làm việc ở Đài Loan, bị tai nạn và bị chính phủ Việt Nam chủ trương “đem con bỏ chợ” đã làm ngơ, không can thiệp hoặc giúp đỡ chị. Vì vậy trong thời gian ở Đài Loan, chị đem kinh nghiệm và hiểu biết trợ giúp những công nhân cùng hoàn cảnh bị lừa đảo ở nước ngoài.
Sau khi về nước, chị Trần Thị Nga với những người cùng chí hướng sáng lập Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam
Chị Trần Thị Nga bị lực lượng an ninh Cộng sản vây bắt tại nhà hôm 21/1 năm 2017 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật hình sự.
Sáu tháng sau, vào tháng 7, bà Nga bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế và y án trong phiên tòa phúc thẩm vào tháng 12 cùng năm 2017.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch, Phóng viên Không Biên giới, Ủy ban Nhân quyền Việt Nam, các chính phủ: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Liên Hiệp Quốc sau phiên tòa đã công bố thông cáo báo chí yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho bà Trần Thị Nga.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, vào thời điểm đó, ngày 26/7/2017, đã bày tỏ quan ngại về việc Hà Nội kết án chị Trần Thị Nga mức án quá nặng đối với những hoat động mà ông Ted Osius cho là ôn hòa và cho rằng cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ của Hà Nội hoàn toàn mơ hồ.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới ( RSF) ngày 7 tháng 3 năm 2019 ra thông cáo báo chí về tình trạng của những nữ tù nhân trên khắp thế giới đang bị giam giữ trong những điều kiện được mô tả là vô nhân đạo trong đó có trường hợp của tù nhân Trần Thị Nga.
Đại diện Hoa Kỳ tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Jason Ross Mack, hôm 22/1/2019, tại Geneva, Thụy Sĩ khuyến nghị Việt Nam trả tự do cho ít nhất 4 tù nhân lương tâm: Hồ Đức Hòa, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Bắc Truyền, “những người đã bị bắt độc đoán hoặc không phù hợp với pháp luật chỉ vì thực hiện các quyền con người của mình”.
Tháng 5 năm 2019, Việt Nam và Mỹ tổ chức Đối thoại nhân quyền hàng năm và ông Scott Busby, Phó Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động đã gặp chị Trần Thị Nga trong trại giam Gia Trung. Sau khi tiếp xúc với chị Nga, ông Scott Busby cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đưa trường hợp của bà Trần Thị Nga với chính phủ Việt Nam và sẽ gây áp lực đòi CSVN trả tự do cho bà.
Mùa Thu năm 2019, các cuộc thương thảo giữa Mỹ và Việt Nam về việc trả tự do cho bà Trần Thị Nga được tiến hành. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Mark T. Esper, đến thăm Việt Nam, nhà cầm quyền CS Việt Nam đồng ý cấp giấy thông hành cho bà Nga và gia đình rời khỏi đất nước.
Đến bến bờ Tự do
Sau khi định cư tại Atlanta, Georgia, bà Trần Thị Nga, hôm 17/01, đã dành cho Thời Báo và Rạng Đông News cuộc phỏng vấn dưới đây:
*Chào mừng chị đã đến được bến bờ Tự do. Xin chị cho biết điễn tiến cuộc hành trình từ trại tù Gia Lai đến Mỹ?
– Ngày 27/12/2019, Bộ Công gửi cho cán bộ trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai đơn làm hộ chiếu. Cán bộ trại giam đưa tôi đơn này yêu cầu tôi điền vào hồ sơ để làm hộ chiếu. Tới trưa ngày 9/1/2020 họ gọi tôi thu xếp quần áo đồ đạc mà không thông báo với tôi là đi đâu. Trước đó, công an có yêu cầu tôi ký vào giấy nhận tội họ mới làm hộ chiếu cho tôi nhưng tôi cương quyết không ký vào giấy này. Có chết tôi cũng không ký nên họ thôi không buộc tôi ký. Cơ quan công an làm thủ tục cho tôi lên máy bay theo diện đặc biệt. Từ Pleiku tôi được đưa đến phi trường Nội Bài. Có đến mấy chục công an và an ninh thuộc 5 hay 6 cơ quan áp giải tôi lên phi cơ. Tôi là người cuối cùng lên máy bay. Họ không muốn tôi tiếp xúc với bất cứ ai trước khi lên phi cơ, cách ly tôi với tất cả mọi người. Chồng tôi, Phan Văn Phong và hai con trai đã từ nhà đi thẳng ra sân bay Bội Bài, Hà Nội. Phi cơ quá cảnh ở Nhật và các nơi khác. Sau cuộc hành trình dài hơn 30 giờ chúng tôi đến Atlanta lúc 7 giờ tối ngày 10 tháng 1.
*Lý do nào đã dẫn chị đến quyết định lưu vong đổi lấy tự do?
– Quyết định phải đi lưu vong đến với tôi rất khó khăn vì khi ra đi khỏi đất nước Việt Nam công việc tranh đấu cho dân oan, cho những người đi lao động xuất khẩu sẽ bị hạn chế nhưng tôi buộc phải đặt vấn đề tương lai của các con tôi lên hàng đầu. Là một người mẹ, ai cũng muốn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho con mình, sau đó đến gia đình và xã hội mặc dù ở VN, tôi cũng đã làm tốt công việc của một người mẹ. Chính phủ VN đã trục xuất tôi vì tôi bới móc những sai phạm của họ.
*Nguyên nhân thúc đẩy chị và những người khác thành lập Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam?
– Trong bất cứ xã hội nào, vai trò người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng. Phụ nữ sẽ là những người mẹ. Nếu quyền của phụ nữ được tôn trọng, người mẹ sẽ có ảnh hưởng rất tốt các con của mình, giúp con cái thành người tốt, hữu ích cho xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quyền của người phụ nữ bị chà đạp. Phụ nữ là những người đi kêu oan cho con của mình bị công an bắt giữ, đánh đập vô tội vạ, phải đi khiếu kiện chống lại chính quyền cướp nhà, cướp đất. Đó là lý do Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam ra đời.
*Trong 3 năm tù chị có bao giờ bị đối xử tàn tệ?
– Tôi từng bị biệt giam ở trại tạm giam Hà Nam vì lên tiếng phản đối hành vi mà phía cơ quan công an đã dùng bạo lực để lột quần áo của tôi ra. Tôi phản đối cơ quan công an bắt những người tù khác phải viết đơn tố cáo tôi theo ý của họ. Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát đã dùng những đơn tố cáo đó làm bằng chứng để kết tội tôi. Tôi phản đối thì công an dùng biện pháp biệt giam tôi, không cho mua đồ ăn, không cho thăm gặp gia đình, không được nhận đồ tiếp tế, không được dùng xà bông, dầu gội, kem đánh răng
*Nhận định của chị về chế độ lao tù Cộng sản?
– Sau một năm tại trại tạm giam tỉnh Hà Nam thì họ chuyển tôi đến trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai, cách nhà tôi hơn 1.000 cây số. Tôi bị giam ở đó từ ngày 27 tháng Hai năm 2018 cho tới ngày tôi được xuất cảnh sang Mỹ. Không chỉ riêng tù nhân lương tâm, cả tù hình sự, ngoài mặt thì cán bộ trại tù làm ra vẻ tử tế, nhưng trên thực tế họ dùng những biện pháp ngầm để hành hạ, áp bức về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi tháng tù nhân được 15 cân gạo, 15 cân rau, 7 lạng thịt, cá. Có những trại tù như trại Hà Nam, họ chỉ cho ăn duy nhất rau muống già có cả rễ, gốc, có cả rau thối, có khi không cắt rửa. Sau khi họ phát rau, mình mới đem những đọt rau muống còn xanh rửa lại mới ăn được”.
*Là một người mẹ có 2 con còn nhỏ, chị có cảm thấy con đường tranh đấu của chị gian nan?
– Tôi tin rằng bất cứ cha mẹ nào cũng đặt con mình lên trên hết nhưng nếu như chỉ vì bản thân, chỉ vì gánh nặng gia đình, vì con mình, mình làm ngơ trước vấn nạn của người khác ngày hôm nay, thì ngày mai cái vấn nạn đó sẽ đổ trên đầu mình và gia đình mình…Mình cần phải cân bằng giữa gia đình và xã hội. Vì tương lai của mình, của gia đình, của con cái mình, của quê hương, mình phải tranh đấu. Tuy có 2 con trai nhưng tôi không thấy chuyện tranh đấu có khó khăn, bình thường thôi, là chuyện đương nhiên mình phải làm. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng cảm thấy cô đơn trên hành trình đầu tranh vì chung quanh có nhiều người ủng hộ việc làm của tôi nhưng họ im lặng để sống theo kiểu “chụp giật để tồn tại qua ngày”.
*Nhận định của chị về sự việc xảy ra ở Đồng Tâm?
– Đó là một tội ác hết sức man rợ không thể tưởng tượng được. Bản thân tôi từng là nạn nhân và tôi cũng từng giúp nhiều người bị chính phủ Việt Nam bách hại qua nhiều vụ việc khác nhau nhưng khi nhìn thấy hình ảnh cụ Kình bị giết như vậy, tôi rùng mình, tôi sợ. Tôi không thể ngờ được là cùng người VN nhưng họ đã nhân danh thi hành nhiệm vụ hành xử ác độc với một người dân như vậy, tôi cảm thấy rất đau lòng.
*Cảm tưởng của chị khi đến Atlanta?
– Từ khi tôi đến Atlanta, tôi được cộng đồng người Việt giúp đỡ chân tình, không riêng gì tôi mà cả gia đình. Tôi cảm nhận được tình cảm yêu thương tốt lành chân thật của những người tôi đã gặp. Tình cảm này khó có thể đón nhận được ở trong nước vì dù có yêu thương nhau cũng không thể tự do, thoải mái bày tỏ.
*Nếu có thể xin chị cho biết về hướng đi trong tương lai?
– Sau 3 năm ngồi tù, bị cách ly với mọi thứ, bị tra tấn thể xác lẫn tinh thần thì hiện tại tôi cần dành một khoảng thời gian để phục hồi tinh thần cũng như sức khỏe của bản thân và ổn định cuộc sống ở môi trường hoàn toàn mới đối với tôi. Tôi cũng cần dành thời gian để chăm sóc hai con để bù đắp lại những gì chúng đã bị tổn thương. Chính các con tôi cũng là nhân chứng và cũng là nạn nhân trong thời gian tôi bị theo dõi, bắt bớ, đánh đập từ ngày 7 tháng 1 năm 2010 đến 2017 và trong 3 năm tôi bị giam cầm từ 2017 đến 2020. Từ năm 2010 đến 2017, mẹ con tôi ở trong nhà tù rộng. Từ 2017 đến 2020 tôi bước vào nhà tù hẹp. Tuy tôi không có tội nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã ngăn cấm các con tôi không được gặp tôi mặc dù chúng đã đi hàng ngàn cây số từ Hà Nội để vào gặp mẹ ở trại tù Gia Lai chỉ vì họ buộc tôi phải ký tên vào bản nhận tội nhưng tôi không chịu ký. Tôi đã nói thẳng với các cơ quan chính phủ VN rằng việc không cho con tôi gặp tôi là một tội ác. Tôi bị trại giam từ chối không cho gọi điện thoại về nhà cũng như thân nhân không được thăm nuôi lần đầu một năm và lần thứ nhì 6 tháng chỉ vì tôi ‘không nhận tội’.
Ngày trước tôi ở vị thế là một người tranh đấu nơi tiền tuyến, nay tôi có thể nói là đã tạm lui về phía sau để cho các bạn trẻ có cơ hội tiến lên. Tôi sẽ dùng hết khả năng, kinh nghiệm để hỗ trợ và đồng hành với những nhà tranh đấu ở trong nước.
*Chị có điều gì trình bày thêm nhân dịp đầu năm?
– Tôi là một người bị nhà cầm quyền CSVN bách hại nhưng tôi được may mắn hơn những tù nhân lương tâm khác hiện đang còn bị giam giữ trong ngục tù ở VN vì tôi đã được rất nhiều người, nhiều tổ chức xã hội dân sự kể cả các cơ quan quốc tế, tôn giáo, người dân trong nước, cộng đồng người Việt hải ngoại quan tâm, vận động cho tôi được trả tự do. Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ gia đình tôi có được tự do như hôm nay. Nhân dịp đầu năm mới xin kính chúc tất cả quý vị ân nhân một năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều sức khỏe và xin tiếp tục đồng hành cùng với những tù nhân lương tâm và gia đình họ đang còn ở VN.
Bà Trần Thị Nga là tù nhân chính trị thứ tư trong vài năm qua đã được phóng thích trong thời gian thụ án nhưng phải đi lưu vong để đổi lấy tự do, sau Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tháng 10 năm 2018), Nguyễn Văn Đài (tháng 6 năm 2018), và Lê Thu Hà (tháng 6 năm 2018).
Cuộc đời bà Trần Thị Nga từ nay đã sang trang mới. Ngày 12/01, lần đầu tiên gia đình chị Nga đi dự thánh lễ chủ nhật ở giáo đường CácThánh Tử Đạo Việt Nam ở thành phố Atlanta.
“Tôi đi dự thánh lễ để cầu nguyện và cảm tạ Chúa đã che chở và đồng hành với gia đình tôi trong khi tôi ở ngục tù. Trong suốt thời gian tôi bị cách ly, Chúa là người duy nhất tôi có thể nói chuyện thoải mái nhất. Khi ra khỏi tù, người đầu tiên tôi phải cảm ơn là Chúa”, chị Trần Thị Nga cho biết.
“Chúng tôi hy vọng sẽ sớm hội nhập xã hội mới và sẽ tự lập để không trở thành gánh nặng cho đất nước Hoa Kỳ đã giúp tôi được sống trong Tự do, Dân chủ và Nhân quyền”, chị Nga nói thêm.
Chị Trần Thị Nga đã được lãnh nhận bí tích rửa tội và trở thành giáo dân Công giáo vào năm 2008 tại nhà thờ Thái Hà.
Hôm 21/01, chị Trần Thị Nga đã gửi thư cám ơn Tòa đại sứ Mỹ tại VN, Tòa đại sứ Đức tại VN, Tổ Chức “Chống Tra Tấn và Bắt giữ Người Tuỳ Tiện”, Ủy ban Bảo vệ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Các Tổ chức Quốc tế, Các Đoàn thể, Hội đoàn, Đoàn thể các Tôn giáo, quý vị ân nhân đã giúp đỡ chị đã được ra khỏi chốn ngục tù.
VPY