TỬ THẦN COVID-19

Không nghi ngờ gì nữa, Covid-19 là đại họa cho Trung Quốc và thế giới. Hàng trăm bài báo đã viết về đề tài này, từ kinh tế, khoa học, chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống… hầu như địa hạt nào cũng liên quan đến đại dịch. Tất nhiên mỗi lần đọc một bài báo mới về Covid-19, người ta luôn thấy mới mẻ hơn, lạ hơn. Covid-19 là hiện thân mới nhất của tử thần. Nhiều người thoát chết khi tiếp xúc với nó. Tuy nhiên hình ảnh Tử thần lăm lăm trong tay lưỡi hái săn đuổi sinh mệnh con người luôn rất thực. Không thế trong nhiều tháng liền Vũ Hán và nhiều thành phố khác của Trung Quốc bị bế quan tỏa cảng, nội bất xuất ngoại bất nhập, gần như kinh tế Trung Quốc tê liệt bởi người ta không biết phải làm gì trong tình trạng hỗn loạn đáng sợ này, sau đó là kinh tế thế giới. Tuần lễ cuối cùng của tháng hai, chỉ số Dow Jones bốc hơi hơn 10%.
Góp với tiếng nói chung, Đài tiếng nói NPR cho phát sóng một báo cáo có tên: How COVID-19 Kills: The New Coronavirus Disease Can Take A Deadly Turn vào hôm Lễ Tình Nhân. Thoạt mới nghe, nhiều người bị thu hút bởi cái tít nóng hổi ấy. Họ biết Covid-19 là hiện thân của tử thần. Tuy nhiên đi sâu vào vấn đề Covid-19 giết người bằng cách nào ít ai hiểu cặn kẽ về nó. Theo thông tin cung cấp từ phía Trung Quốc gởi đến Tổ chức Y tế Thế giới WHO (World Health Organization) 80% ca bệnh không có gì nguy kịch cho lắm (mild). Tức chỉ khoảng 2% dẫn đến tử vong. Với số ca bệnh lên đến hơn 70.000 ca, làm bài toán nhân đơn giản, con số tử vong sẽ lên đến 1.400 người! Còn trên thực tế, tính đến ngày 16 tháng 02 năm 2020, theo tạp chí mạng www.worldometers.info số ca nhiễm bệnh là 71.330 và số người chết là 1.775. Làm bài toán chia, ta có khoảng 2.5% tử vong trong số những ca nhiễm bệnh sẽ thiệt mạng. Tức cứ 40 người mắc bệnh sẽ có một người ra đi. Câu hỏi được đặt ra: không có gì nguy kịch cho lắm (mild) thực ra mang hàm ý gì trong cách nói của Trung Quốc. Không nguy kịch gì mà từ dân chúng đến chính quyền lại tỏ ra lại đáng sợ đến thế? Hãy tưởng tượng, nếu tại Mỹ nạn cúm hoành hành, cứ một ngàn người nhiễm cúm sẽ có 25 người chết, lúc đó chúng ta có hoảng loạn lên hay không?
Triệu chứng đầu tiên của Covid-19 khá giống những ca viêm phổi bao gồm các triệu chứng như sốt, ho khan, khó thở -Bác sĩ Carlos del Rio, một giảng viên y khoa sức khỏe toàn cầu tại trường Đại học Emory University cho biết. Vẫn theo ông, một số khác có triệu chứng nhức đầu, đau cổ họng. Trong khi một số khác cho biết họ mệt lử, vài trường hợp liên can đến tiêu chảy. Gần như Covid-19 khá giống với cảm lạnh hay bệnh cúm.
Với những triệu chứng này, Covid-19 có vẻ đâu nguy hiểm gì lắm. Hầu như ai trong chúng ta chẳng đôi lần trải qua những lần ốm vặt kiểu này. Chỉ cần nghỉ ngơi, thuốc men, dăm hôm sẽ bình phục, năm sau đến hẹn lại lên. Không thế nhiều bác sĩ lúc đầu do chưa biết đã dặn bệnh nhân nhiễm Covid-19 chỉ cần đi khám rồi chịu khó để ý kỹ hơn bình thường một chút. Khi có những triệu chứng diễn tiến ốm nặng hãy tỏ ra khẩn trương. Những can thiệp y tế quan trọng hoàn toàn không cần thiết. Theo nữ bác sĩ Yoko Furuya, một chuyên gia về dịch bệnh học tại trường Columbia University Irving Medical Center Covid-19 tấn công phổi người khỏe sau khi họ bị nhiễm Covid-19, khoảng 2% trong số này có các triệu chứng diễn biến xấu, nghiễm nhiên trở thành nạn nhân tử vong. Hiện nay tỷ lệ tử vong là 2.3%. Khi Covid-19 tiến sâu vào phổi, chúng sinh sản rất nhanh, phá hủy những tế bào phổi. Hệ thống đề kháng của cơ thể (immune system) lập tức coi các vi khuẩn này là “kẻ lạ mặt” tấn công cơ thể nên tập trung phản công bằng cách cô lập và kiểm soát những kẻ xâm nhập lạ mặt này, chặn đứng quá trình ồ ạt sinh sản của chúng. Tất nhiên khi hệ thống đề kháng của cơ thể phản công chống lại Covid-19 thì nhiều tế bào phổi khỏe mạnh bị chết, dẫn đến tình trạng viêm. Hệ quả: Người nhiễm Covid-19 sau đó mắc bệnh viêm phổi (pneumonia). Điều này đồng nghĩa với các túi khí (air sacs) bên trong phổi bị viêm, dịch lỏng tràn vào các túi khí này khiến quá trình hít thở trở nên khó khăn, nặng hơn dẫn đến tử vong. Theo bác sĩ del Rio các triệu chứng này ảnh hưởng nặng nề ngăn cản phổi trong việc giúp máu hấp thụ khí oxy. Từ đây các phản ứng hệ lụy khác nhanh chóng diễn ra. Tình trạng viêm phổi càng trở nên nặng hơn vì thiếu oxy. Tất nhiên mọi cơ quan bên trong cơ thể cần khí oxy để vận hành. Trong đó có gan, thận, tim…
Khoảng 3% đến 5% các ca này đến phòng cấp cứu. Bình thở khí oxy tỏ ra khá hữu hiệu. Một số ca nặng hơn sử dụng máy ECMO (extracorporeal membrane oxygenation) có chức năng hoạt động giống với phổi người, giúp cơ thể hấp thụ oxy và bài thải khí carbon dioxide (CO2) khi phổi của họ tạm thời mất khả năng hoạt động. Máy này giúp cứu sống được nhiều người. Tất nhiên không phải ai cũng may mắn có được kỹ thuật y học tân tiến này. Hệ quả, 2.3% tử vong với số bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Người dễ bị Covid-19 hoành hành trong độ tuổi trung niên và người già. Theo nữ bác sĩ Yoko Furuya hệ thống đề kháng của họ suy yếu dần khi tuổi tác gia tăng. Những ai hút thuốc nhiều năm càng có nguy cơ trở thành nạn nhân tử vong của Covid-19 vì phổi của họ yếu hơn. Ngoài ra những ai có sức khỏe kém hoặc mang những căn bệnh mãn tính khác như bệnh tim mạch, tiểu đường, hay bệnh viêm phổi mãn tính sẽ gặp khó khăn trong quá trình điều trị sau khi nhiễm Covid-19. Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Trung tâm NIAID (National Institute of Allergy and Infectious Diseases) cho biết nhiều người trẻ, khỏe mạnh vẫn có thể là nạn nhân tử vong của Covid-19 mặc dù đa số người chết là người cao tuổi hoặc người có những căn bệnh mãn tính khác. Ông từng bị Bạch ốc khuyến cáo không nên phát biểu linh tinh vì tỏ ra quan ngại một cách quá nhạy cảm đối với đại dịch Covid-19.
Theo tổ chức WHO phần lớn nạn nhân Covid-19 tử vong do nhiều cơ quan nội tạng cơ thể mất khả năng hoạt động cùng một lúc (multi-organ failure). Khi cơ thể bị mất quá nhiều oxy, nhiều cơ quan của cơ thể sẽ mất khả năng hoạt động. Tim không đập máu sẽ ngừng lưu thông. Máu không lưu thông buộc các cơ quan nội tạng dừng lại chức năng của chúng. Theo bác sĩ del Rio, khi tình trạng nhiều cơ quan nội tạng mất khả năng hoạt động cùng một lúc xảy ra, được chữa trị kịp thời vẫn mất nhiều tuần lễ, thậm chí nhiều tháng mới có thể bình phục hẳn. Như thế, phát hiện và điều trị sớm đối với Covid-19 là điều rất cần thiết. Nếu thông tin không được cập nhật như ở Trung Quốc, người dân thiếu các phương cách chống bệnh cần thiết, và chờ đợi bệnh viện quá lâu khiến nhiều bệnh nhân chết trước khi được điều trị. Không ít chết trong quá trình điều trị vì bệnh đã quá nặng. Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, khả năng các dòng vi-rút corona, trong đó có Covid-19 sẽ trở nên bình thường giống như các vi-rút bệnh cúm (flu) hay vi-rút cảm lạnh (common cold) vì khả năng lây lan rất nhanh của chúng. Không ít tỏ ra lo ngại Covid-19 sẽ giống như vi-rút các loại cúm khác, năm nào cũng về, đến hẹn lại lên.
Cuộc chạy đua đi tìm công thức vaccine cho Covid-19 đang diễn ra ráo riết. Thông thường muốn chế tạo ra một loại vaccine chủng ngừa mới đòi hỏi thời gian và chi phí không rẻ. Thành ra sản xuất một lượng lớn vaccine là điều khiến các nhà nghiên cứu đau đầu. Chuyện gần đây chúng ta nghe nói nước này, nước kia, tổ chức này, trung tâm nọ đã sản xuất được vaccine tiêm ngừa Covid-19. Thực ra chỉ là chuyện nói vậy biết vậy, không có căn cứ thực tế. Đồng thời hàng loạt tin sai thực tế khiến bức tranh kiểm soát diễn biến đại dịch Covid-19 càng nhiêu khê, phức tạp hơn.
Cổ nhân từng nói: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Với Covid-19, liệu chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa căn bệnh này? Phải chăng cơ bản hơn cả vẫn là phòng thân. Tránh tiếp xúc với người khác khi có thể. Sử dụng khẩu trang (tuy nhiên theo nhiều ý kiến việc làm này không cần thiết vì khẩu trang chỉ giúp người đã nhiễm Covid-19 bớt phát tán loại vi-rút này và nhân viên y tế hạn chế bớt lây lan tốt hơn). Tránh tiếp xúc quá gần với những người có biểu hiện triệu chứng khả nghi. Cẩn thận hơn với người vừa từ các khu vực lây nhiễm nặng (như Trung Quốc, Nam Hàn, Ý, Iran, Việt Nam). Nói thì nói vậy, dù áp dụng khá kỹ, tình hình con số những ca mắc bệnh mới vẫn liên tục xảy ra, khiến không ít hoảng sợ, vô tình càng khiến chân dung Tử thần Covid-19 hiện lên rõ nét hơn. Tóm lại, cứ tránh xa cơ hội lây lan khi những hạt nước bọt chứa Covid-19 bay trong không khí sau đó đi vào phổi là tốt nhất, kiểu có kiêng có lành…
Theo Wikipedia, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi lại hôm mùng 1 tháng 12 năm 2019. Thế nhưng mãi đến Tết Canh Tý (25 tháng 01, 2020) mới bùng phát một cách dữ dội (tức gần hai tháng sau đó). Có lẽ trước đó do giới hữu trách chủ quan, hoặc không mấy quan tâm, hoặc vì sợ ảnh hưởng xấu do thông tin lây lan. Rồi nhà chức trách tính toán thật nhanh, chỉ thị được đưa xuống, hạn chế thông tin tối đa, đóng cửa chữa trị nhằm tránh những xáo trộn xã hội một cách không cần thiết. Vô tình đẩy nhiều người dân vào tình cảnh không biết gì, mù mờ thông tin, không thể tự bảo vệ cho bản thân. Nên khi căn bệnh bùng phát lúc đó tình trạng lây nhiễm đã diễn lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Đây là bài học đắt giá của Trung Quốc, nếu mạnh dạn đẩy mạnh những chiến dịch phòng chống dịch bệnh từ sớm, dân chúng hiểu rõ hơn về Covid-19 sẽ sớm bảo vệ cho mình và người thân, thay vì rơi vào cảnh nước đến chân mới nhảy.
Giá như người dân biết sớm hơn, Vũ Hán sẽ không là nạn nhân và Trung Quốc sẽ không sốt vó vì rất nhiều người đến Vũ Hán nhiễm vi-rút Covid-19 rồi đem đi phát tán khắp nơi… Cuối cùng là toàn cầu, không chỉ TQ mà là Nam Hàn, Nhật Bản, Ý, là Phố Wall, mà đến cả Bạch ốc cũng phải nhức đầu không biết chuyện này rồi sẽ ra sao…
Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email