Lọ là người am tường kinh Phật hay sống gần chùa nghe giảng kinh thường xuyên mới biết đến luật nhân quả, bánh xe karma, thuyết luân hồi… Nhiều người sống xa chùa, không theo đạo Phật nhưng vẫn có cơ hội (Phật duyên) nghe về những điều các Phật tử được nghe, tỷ như câu: Tướng do tâm sanh – Một triết lý thoạt nghe tưởng rất bình thường giản dị nhưng càng gẫm càng thấy đó là một tư tưởng rất lắng sâu, rất cô đọng, khả dĩ có thể lay chuyển các suy nghĩ liên hệ đến phạm trù, chiều kích lắng sâu của tư duy, của những cõi kín kẽ tâm hồn. Vâng. Đúng vậy, tướng do tâm sanh – có bao giờ bạn nghe qua và nghĩ về câu nói ấy chưa.
Theo tác giả Thanh Nhàn trên trang Tramhuong.com, nói một cách khái quát, khái niệm “tâm” và “tướng” được giải thích như sau (nguyên văn): Trong văn hóa truyền thống của Đạo gia và Phật gia đều có quan niệm: “Tâm sinh tướng, cảnh tùy tâm chuyển”. Tâm tốt thì trong tư tưởng chắc chắn có sự bao dung, độ lượng. Sống không vụ lợi, biết nghĩ cho người khác. Tâm luôn biết nhẫn trước mọi nghịch cảnh, không vụ lợi, lo toan. Đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Tướng là mặt ngoài của tâm, tâm thế nào thì tướng cũng như thế. Tướng theo tâm mà biến hóa. Vậy nên có thể nói chữ tâm là yếu tố quyết định mọi việc xảy ra trong đời người.
Vâng. Trong cuộc sống chúng ta thường đánh giá rất “ngã tắt” khi tiếp cận một ai đó. Quả thế. Lần đầu gặp gỡ chúng ta dễ đưa ra những suy nghĩ nhận định khá cơ bản về họ trước khi có dịp hiểu kỹ. Trước một cá nhân mới gặp chưa đủ cơ hội tìm hiểu, tư duy chúng ta thường dựa vào các đặc điểm nhân dạng bên ngoài để thiết kế một lý lịch trích ngang. (Điều này có thể đúng, có thể sai, tuy nhiên đa phần khoảng lệch giữa kịch bản thiết kế từ những quan sát nhận định ban đầu và nhân cách thực sự của họ thường có những khác biệt). Tóm lại, cái bẫy chung: Người ta thường đánh giá vội vã từ những quan sát bên ngoài. Con người thường nhanh chóng xác định một điểm tựa cố định (điểm A) từ những chi tiết nhân dạng để tiên đoán về kết quả mối quan hệ trong tương lai (điểm B). Thực tế có thể đúng, có thể sai, đôi khi chỉ là 50-50.
Hồi nhỏ, nhớ bà Bảy bán quán lúc đó khuôn mặt nhìn thiệt dễ sợ. Mẹ biểu đi mua kẹo đắng (nước màu) kho cá, cầm cái chén mẻ vừa gặp bà bảy hai đầu gối thằng nhỏ bỗng run bắn. Lóng ngóng, lúng búng mãi nói được một câu nhưng bà Bảy nghe không rõ buộc phải quát lên: Mua nước tương hả, sao không cầm chai theo. Thằng nhỏ hết hồn. Khựng lại. Đôi mắt thụt sâu trong hốc sọ của bà Bảy chằm chặp nhìn nên khuôn mặt nó xanh lè như tàu lá chuối thiếu điều muốn tè trong quần. Mua kẹo đắng. Ba tiếng đó cố gắng lắm nó mới phát âm chuẩn nhưng bà Bảy vẫn lừ lừ nhìn nó. Ở đây chỉ có kẹo ngọt chứ không có kẹo đắng. Nói vậy nhưng bà Bảy vẫn đưa tay đón lấy cái chén sành sứt mép, miệng bà móm mém: Sao mà mày ở dơ vậy, cu! Nói xong bà đưa cho thằng nhỏ cục xà phòng, biểu: Về nhà kêu mẹ mày tắm cho.
Thiệt tình! Hai chuyện ở dơ và mua kẹo đắng hoàn toàn đâu ăn nhập gì với nhau.
Rồi nhà bên có ông giáo già tóc bạc phơ, hàm răng trời phú trắng và đều, nụ cười đôn hậu hiền lành, dáng dấp nhẹ nhàng thanh thoát như một ông tiên. Ông hay uống trà, trên cái kệ đóng sát vách tường lúc nào cũng có chai đậu phọng rang và một cái hộp thiếc đựng mứt gừng (do bà giáo làm). Lâu lâu ông giáo già thấy thằng nhỏ chạy qua chơi, biểu: Nhổ tóc bạc cho ông. Dĩ nhiên khỏi nói. Thằng nhỏ cực vui khi nghĩ đến phần thưởng. Nó lanh chanh cầm cái nhíp rồi nhẹ nhàng bới tóc ông giáo, tìm những sợi tóc bạc hăng hái nhổ. Một cọng. Hai cọng. Ba cọng… Cứ thế. Ba mươi cọng. Bốn mươi ba cọng… Con mỏi tay rồi ông ơi. (Nó than). Vậy thôi nghỉ đi, cu. (Ông giáo cười ùng ục trong cổ họng). Con nhổ cho ông thêm bảy cọng nữa cho đủ 50 cọng, nha. (Thằng nhỏ giao kèo). Ừ. Nhổ xong con tự đổ đậu phọng trong chai ra ăn nghen, cu. Dạ.
Cứ thế, dòng đời trôi đi. Đứa trẻ lớn lên. Tuổi dậy thì ngồ ngộ dễ thương. Tự nhiên cơ thể có những dấu hiệu đổi thay. Giọng nói ồm ồm (bể tiếng). Hai nhũ hoa nơi ngực tự nhiên sưng lên, nhoi nhói đau. Rồi những dấu hiệu khác ập đến vận đúng câu: Nữ thập tam, nam thập lục. Nó bắt đầu thấy con đường mỗi ngày vẫn đạp xe từ nhà ra trường học cấp II ngoài thị trấn ngắn hơn khi nhỏ bạn nói: Mai gặp nha, tui “dìa” đây, tới nhà tui rồi. Nghe nhỏ nói vậy mà lòng nó cứ thấy tiếc hùi hụi. Cảm giác lâng lâng nhè nhẹ. Khuôn mặt của nhỏ bạn sao mà hiền, mà dễ thương đến vậy. Tiếng nói của nhỏ nghe ngọt như mía lùi. Tui dìa nha – nghe mà tự nhiên mủi lòng nghĩ đến bài hát Cây Điệp Vàng của Nguyễn Ngọc Thiện: Cây điệp vàng trước nhà em mỗi tối, xác hoa vàng rụng xuống kín chân tôi… Nhỏ nói xong rồi bẻ lái quẹo xe vào con hẻm mọc đầy tầm vông và hoa giấy. Bóng nhỏ xa dần. Phần còn lại của con đường sao mà bâng khuâng man mác, cổ họng thằng nhóc cứ ư ử ngân nga: Em có biết, một mai khi thức dậy, hai dấu chân tôi để lại…
Rồi bộ não và trí nhớ thằng nhóc in đậm bao nhiêu khuôn mặt người. Giật mình. Hóa ra tâm trí con người ta cũng đáng nể thật, nếu ví nó như phần cứng của máy tính, chao ôi, nội khoản lưu giữ hết các chi tiết khuôn mặt của bao người (thân và quen) sức chứa phải khủng khiếp đến cỡ nào. Hèn gì người ta bảo não người là một máy tính vĩ đại nhất! Trong đó các khuôn mặt người quen, người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng bao mối quan hệ khác đã để lại những ký ức khó quên. Vâng. Những khuôn mặt. Tâm và tướng. Ông giáo già. Bà Bảy bán quán. Nhỏ bạn thời cấp II…
Chà. Giữa biển người mênh mông ấy. Có người nó quen thân, quen sơ sơ, hoặc chỉ đôi ba lần tình cờ gặp gỡ. Có người nó chẳng có dính dáng gì. Nhiều người nó chỉ biết qua tạp chí, qua vô tuyến, qua những trang mạng internet, vậy mà lý lịch trích ngang của họ vẫn được nó quan tâm. Phải vậy thôi. Họ là người của công chúng. Có thể là một ca sĩ với giọng ca ngọt ngào trữ tình đằm thắm. Có thể là một nhà hoạt động xã hội. Một diễn viên điện ảnh. Hoặc họ sẽ là một chính khách, chẳng hạn như Cựu tổng thống Trump hay Tổng thống Putin.
Hai nhân vật ấy. Hai khuôn mặt ấy. Vâng. Không luận họ đã làm gì, để lại những ảnh hưởng như thế nào đối với thế giới. Chỉ xin được lạm bàn đôi chút về khuôn mặt của họ để bàn về chữ “tướng” vốn có những liên quan đến hành động của họ. Rồi từ chữ “tướng” chúng ta lấn sang chữ “tâm” bởi tâm và tướng là hai vế của câu nói: Tướng do tâm sanh.
Không phải nhà tướng số học, chỉ lý sự vay mượn những cảm nhận phần nhiều nặng cảm tính của kẻ vốn sính lối tư duy bình dân cà dưa tương muối; thông thường chúng ta dễ có cảm tình với ai đó có cái tướng rất thiện; đặc biệt thiện đến nỗi chúng ta không thể nghĩ họ là người ác. Gần như lúc đầu gặp họ, vẻ hiền lành chất phác trên khuôn mặt hiện ra quá rõ nét, tâm tình đôn hậu trong từng lời ăn tiếng nói khiến chúng ta có thiện cảm. Thế là chúng ta nghĩ ngay đến câu: Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo bộ lòng mới ngon.
Song cũng có những người ta vừa gặp ta đã không dám an tâm gửi vàng vì trong bụng cứ thấy lấn cấn, hoang mang lo lắng. Tất nhiên sau đó càng thấy chuyện mình cần phải cảnh giác là điều hoàn toàn có cơ sở. Thậm chí có người vừa gặp ta đã cảm thấy bất an. Hừm. Có cái gì đó lạ lắm. Không hẳn trên khuôn mặt họ có nhiều vết xâm hung tợn, rắn rít nhện dơi hay vài giọt nước mắt (mực tàu xâm đen thui) đọng ngay trên khóe mắt. Vâng. Càng không phải một khuôn mặt chếch lên từ lưỡng quyền phủ đầy những nét bặm trợn hằn học để người ta cảm thấy lưỡng lự khi tiếp cận. Chỉ là cảm nhận, cảm xúc. Rồi trong bụng thầm nghĩ: Hạng này cần phải né tránh, càng xa càng tốt.
Nào có phải trực giác con người luôn luôn đúng hoàn toàn. Song thiên hạ vẫn có thói quen tin nó. Thói thường chúng ta luôn hy vọng trực giác của mình sẽ đúng với nhận định sơ bộ khi ta đánh giá về một ai đó. Tuy nhiên nhiều lần trong đời ta đã trách nhầm Thạch Sanh và quá tin vào những Lý Thông để rồi sau đó rước họa vào thân, hoặc nhẹ hơn là những lần vô ý đánh mất cơ hội được giao du, quan hệ với người tốt.
Với Cựu tổng thống Trump, khi có dịp quan sát so sánh khuôn mặt của ông thời trai trẻ và khuôn mặt tuổi trung niên, sau cùng là khuôn mặt hiện nay từ những tấm ảnh cũ và tấm ảnh mới nhất, bạn có thấy tướng của ông có thay đổi? Nếu có, phải chăng tâm của ông đã thay đổi. Tâm thay đổi nên tướng ông thay đổi?
Với Tổng thống Putin cũng thế. Nếu có dịp quan sát những tấm ảnh thời ông còn trẻ, rồi thời ông trung niên, rồi thời ông mấp mé đạt đến đỉnh cao quyền lực, sau đó là những năm tháng ông tìm mọi cách củng cố địa vị quyền lực; bạn có thấy khuôn mặt ông có những đổi thay rõ rệt. Tất nhiên ta không nói đến những nếp nhăn, những vạt mỡ, những sợi tóc bạc… vốn là những đường nét khuôn mặt tịnh tiến trên một trục tọa độ có tên thời gian; chúng ta chỉ nói đến những cảm nhận đánh giá tâm tướng: Trên trên khuôn mặt ấy, bạn thấy bao nhiêu phần thiện, bao nhiêu phần ác!
Ai rồi cũng sẽ già. Chúng ta không thể thay đổi được quy luật đó. Rắn lột da nhiều lần cuối cùng vẫn già, vẫn lăn ra chết. Tướng rắn liệu có khác tướng người? Hay tướng người cũng thế, mặt có thể sẽ già (dù những vay mượn đắp đỗi giằng co, những chỉnh sửa thẩm mỹ cắt xén cơi nới, những căng, bóc, hút, bơm, nhuộm, tẩy… (rặt những trò để người ta có thể gian lận, cầm cự). Còn cái tướng thì sao? Những đường nét cơ bản của khuôn mặt (tướng) liên hệ trực tiếp đến chữ tâm đâu thể lừa thiên hạ vì nó là cái ngọn của chữ tâm, luôn bộc lộ tại mỗi thời khắc hiện tại. Nói khác đi chữ tâm đổi thay sẽ kéo theo những đổi thay của chữ tướng trên khuôn mặt mỗi người.
Chẳng phải là nhà điều tra tội phạm hình sự, quan sát những biểu hiện lo lắng thôi người ta vẫn có thể nhận ra nét tâm của một cá nhân thông qua những nét tướng xuất hiện trên khuôn mặt. Người làm chuyện sai thường có biểu hiện bộc lộ khác thường (ngoại trừ những người nói dối chuyên nghiệp). Họ khó giấu hết những cảm xúc bối rối vì đang che đậy một điều gì đó đáng hổ thẹn. Họ không thể vô tư trong sáng kiểu: Cây ngay không sợ chết đứng.
Vâng. Nói đến chữ tâm nhiều người nghĩ đến chữ tâm cố định – Đó là chữ tâm triết lý sống, là niềm tin đã kết tinh trở thành bản chất thực của họ. Nó khác với chữ tâm dao động, một dạng tư tưởng hời hợt, sao cũng được, những chữ tâm mang tính vô thưởng vô phạt, không đại diện cho nhân cách gốc. Ở đây ta đang nói đến những dạng người nông cạn, thiếu chiều sâu, dễ dãi, xuề xòa, thậm chí là ba phải, gió chiều nào xoay chiều ấy. Cũng có nhiều chữ tâm dễ bị lung lạc, dễ bị cám dỗ trước lôi kéo lợi lộc. Khi tay trót nhúng chàm họ sẽ sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ. Chúng ta đang nói đến những cá nhân hành động của họ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều sinh linh khác khi chữ tâm của họ bị thoái hóa. Chữ tâm mục ruỗng, chữ tướng làm sao có thể bình thường được?
Nay nhìn lại. Những khuôn mặt chính khách cỡ bự. Những khuôn mặt người thuộc nhóm người-của-công-chúng. Những nguyên thủ quốc gia. Những kẻ đang nắm quyền hành. Những cá nhân có địa vị và hành động của họ sẽ tạo ra những thay đổi trong xã hội; bất luận đó là quyết định xua quân tấn công một nước láng giềng nhỏ bé hiền lành hay thử nghiệm đầu đạn hỏa tiễn có gắn hạt nhân, những quyết định mang tính đàn áp, đè nén, những biển thủ công quỹ, những gian lận, những đầu nậu chính trị, những lũng đoạn đảng phái, thậm chí là bán nước, là diệt chủng… bạn có nhận ra chữ tâm (tư tưởng) trong lòng họ và chữ tướng xuất hiện trên khuôn mặt luôn có những mối liên hệ nào đó rất đáng để chúng ta suy nghĩ. (Tỷ như khuôn mặt Tổng thống Nga lần này?)
Hay đây chỉ là chuyện vặt, xa bao tử, tuyệt nhiên chẳng ăn nhập đến sinh hoạt thường ngày của bạn. Và như thế, một nét mặt ác hay một hành vi thâm độc, bất luận nơi đâu, thời đại nào, xem ra điều đó chỉ là chuyện nói cho vui, nói cho bớt nhạt mồm?
Nhưng. Nếu. Giả sử như. Nếu bạn tin vào chữ tâm và chữ tướng, khi quan sát chữ tướng xuất hiện trên khuôn mặt ai đó qua những giai đoạn thăng trầm đời người, rất có thể bạn sẽ nhận ra ảnh hưởng của chữ tâm lên chữ tướng. Và như thế, hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra sự thay đổi của chữ tướng trên khuôn mặt những kẻ từng một thời gian ác khi họ hoán cải, hoàn lương.
Phải chăng câu nói “tướng do tâm sanh” cũng từ đó mà trở thành thuyết phục, vượt qua sự thử thách giấy-quỳ-tím của thời gian, trở thành kinh điển, trở thành một chân lý đứng vững trước những đổi thay thời đại?
Nguyễn Thơ Sinh