Theo các thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả Tổng Điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019- 2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế VN) tổ chức ngày 15/04, tỷ lệ người thừa cân, béo phì tại Việt Nam đã tăng thêm hơn 10% trong vòng 10 năm, cụ thể là từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Trong khu vực thành thị thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 26,8%, ở nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì nơi trẻ em Việt Nam cũng đang tăng nhanh một cách đáng ngại, đặc biệt là ở các vùng đô thị, nhất là hai thành phố lớn nhất Hà Nội và Sài Gòn.
Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế VN cho biết Việt Nam đang chịu một gánh nặng “ba lần” về dinh dưỡng trẻ em. “Ba lần” là vì vẫn còn tồn tại nạn thiếu dinh dưỡng, thiếu những chất dinh dưỡng, nhưng thừa cân, béo phì và nhất là thừa cân, béo phì trẻ em lại đang gia tăng với tốc độ chóng mặt mà chúng ta chưa có giải pháp gì để giải quyết.
Điều tra quốc gia 2019-2020 cho thấy trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có tỷ lệ thừa cân, béo phì tính bình quân trên toàn quốc là 7,4%, riêng ở các thành phố thì lên đến 9,8% và ở trẻ em nông thôn thì là 5,7%. Ở một số thành phố lớn, tỷ lệ này còn cao hơn, ví dụ như Hà Nội là 11,5% và TPHCM là 14,4%.
Một số tỉnh có kinh tế khá hơn như Lâm Đồng, Bình Dương, thì tỷ lệ này cũng xấp xỉ 10%.
Những con số gần đây cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em lứa tuổi học đường là 41% ở Hà Nội và đến 50% TPHCM.
Trẻ em ở các gia đình khá giả, hay những gia đình bố mẹ lo buôn bán, vắng nhà nhiều, thì thường các em không có chế độ ăn lành mạnh, hợp lý như những trẻ em khác, ăn nhiều thức ăn đường phố hay fast-food nhiều, uống nước ngọt có gaz, ăn nhiều chất ngọt, khiến cho những trẻ em đó có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao hơn những trẻ em khác.
Có một nghiên cứu cho thấy nếu trẻ nhỏ không được nuôi bằng sữa mẹ mà được nuôi bằng sữa bột thì tỷ lệ thừa cân, béo phì của những trẻ em này cũng cao hơn.
Bên cạnh đó còn có hoạt động thể lực. Những đứa trẻ ít hoạt động thể lực thì cũng thừa cân, béo phì nhiều hơn, đặc biệt là trẻ em ở thành phố.