“Ủn” mời “Ỉn” thăm Bình Nhưỡng

Tổng thống Mon Jae-in chuyện trò thân mật với Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un, tại buổi trình diễn nghệ thuật

Lý Anh

Trong dịp Đại Hàn tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 2018 tại Pyeongchang, ngoài việc cử các lực sĩ, cổ động viên và đoàn nhạc giao hưởng và ca vũ đến thi đấu và trình diễn, Kim Jong-un (Ủn) còn cử một đoàn đại biểu cấp cao dẫn đầu là ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Quốc hội Bắc Hàn, em gái Ủn là Kim Yo-jong, đặc sứ, cùng một số quan chức cao cấp khác đến Pyeongchang dự lễ khai mạc và hội kiến Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in (Ỉn).

Sau khi dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2018 tối 09/02, trưa ngày 10/02, đặc sứ Kim Yo-jong và ông Kim Yong-nam cùng phái đoàn cấp cao Bắc Hàn đã đến Thanh Ngõa Đài hội kiến Tổng thống Moon Jae-in. Tại đây bà Kim đã chuyển cho “Ỉn” bức thư “Ủn” mời ông sớm sang thăm Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ ý muốn Nam Bắc Hàn thống nhất. Nhận lá thư của Kim Jong-un do em gái ông ta chuyển đến, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in không nhận lời ngay, chỉ nói: “Cùng nhau tạo điều kiện để lời mời này trở thành hiện thực”.

Tối cùng ngày, họ lại gặp nhau cùng xem đội Hockey nữ hỗn hợp gồm các cầu thủ Nam Bắc Hàn thi đấu với đội Thụy Sĩ. Tối 11/02, Tổng thống Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong, lại gặp nhau tại buổi trình diễn của đoàn nghệ thuật Bắc Hàn tại Hán Thành. Đó là lần gặp thứ 4 trong vòng 3 ngày 09, 10, 11/02.
Nói chuyện với nhau trước buổi biểu diễn, Tổng thống Moon Jae-in nói với bà Kim Yo-jong và phái đoàn Bắc Hàn rằng: “Hai miền nam bắc nên hợp tác để ‘tia lửa’ nảy sinh trong cuộc gặp lần này biến thành một ‘ngọn đuốc’”.

Hy vọng những lời Tổng thống Moon Jae-in nói trên trở thành hiện thực, mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên và Châu Á cũng như toàn thế giới.

Cuộc gặp và bắt tay lịch sử

Ngày 09/02, ông Cho Myoung-gyon, Bộ trưởng Thống nhất Đại Hàn và nhiều quan chức cấp cao đã ra sân bay đón phái đoàn cao cấp của Bắc Hàn đến Đại Hàn dự Thế vận hội Mùa Đông 2018. Kể từ sau khi Nam Bắc Hàn ký hiệp định đình chiến năm 1953, ông Kim Yong-nam là quan chức cao nhất của miền bắc đến miền nam, bà Kim Yo-jong là thành viên đầu tiên của vương triều họ Kim có mặt ở Đại Hàn.

Trong 3 ngày lưu lại Đại Hàn, ông Kim Yong-nam từng 5 lần gặp Tổng thống Moon Jae-in, bà Kim Yo-jong chỉ gặp 4 lần. Trước lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2018 ở Pyeongchang, ông Kim Yong-nam được Tổng thống Moon Jae-in mời dự tiệc. Trong lễ khai mạc Thế vận hội, Tổng thống Moon Jae-in mới gặp và bắt tay bà Kim Yo-jong. Cú bắt tay giữa Tổng thống Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong được truyền thông đánh giá là “cú bắt tay lịch sử”.

Trong dịp bà Kim Yo-jong và ông Kim Yong-nam cùng phái đoàn cấp cao Triều Tiên hội kiến cùng Tổng thống Moon Jae-in và quan chức cao cấp Đại Hàn ở Thanh Ngõa Đài trưa ngày 10/02, bà Kim Yo-jong đã chuyển đến Tổng thống Moon bức thư của “Ủn” mời ông sớm sang thăm Bắc Hàn. Tổng thống Moon rất vui vẻ, hy vọng hai bên đạt được các điều kiện cần thiết để lời mời của Kim Jong-un có thể trở thành hiện thực.
Một quan chức làm việc tại Thanh Ngõa Đài nhận xét, tuy chưa gật đầu, nhưng Tổng thống Moon Jae-in cũng muốn lời mời này trở thành hiện thực để mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên triển vọng đàm phán hai chiều giữa hai miền Nam và Bắc Hàn có thể không được Hoa Kỳ và Nhật Bản hoan nghênh. Tối 10/02, các vị cùng xem đội nữ Hockey Nam Bắc Hàn đầu cùng đội nữ Hockey Thụy Sĩ. Tối 11/02, trước khi trở về miềm bắc, bà Kim Yo-jong, ông Kim Yong-nam đã cùng Tổng thống Moon Jae-in thưởng thức buổi trình diễn của đoàn nhạc giao hưởng và ca múa Bắc Hàn.

Trước buổi biểu diễn, Tổng thống Moon Jae-in nói, được gặp đặc sứ Kim Yo-jong và phái đoàn Bắc Hàn là một sự kiện quan trọng. Ông hy vọng: “Hai miền nên hợp tác để ‘tia lửa’ từ cuộc gặp lần này biến thành một ‘ngọn đuốc’”.
ông Kim Yong-nam đáp lời: “Thật hạnh phúc và xúc động khi được cùng chia sẻ với nhau những giây phút quý báu. Tôi sẽ trở về Bắc Hàn với niềm hy vọng mới, chúng ta sẽ còn cơ hội gặp nhau. Có thể nói, chúng ta đã tạo ra cơ hội để gặp nhau thường xuyên”.

Đến Thanh Ngõa Đài, trước khi hội kiến Tổng thống Moon Jae-in, bà Kim Yo-jong viết trong sổ lưu niệm mong muốn quan hệ Nam – Bắc Hàn thắt chặt hơn. Bà viết: “Tôi hy vọng Bình Nhưỡng và Hán Thành tiến đến gần nhau hơn trong trái tim của người dân chúng ta, Hy vọng đất nước sớm thống nhất và thịnh vượng”.
Ông Kim Yong-nam cũng viết trong sổ lưu niệm: “Ý muốn của người dân Nam – Bắc Hàn là đất nước thống nhất, cùng nhau nỗ lực hợp tác vì thống nhất”.

Trước khi hội kiến, hai vị khách đặc biệt đến từ Bình Nhưỡng đã cùng Tổng thống Moon Jae-in chụp hình lưu niệm trước bức tranh thư pháp của họa sĩ nổi tiếng Đại Hàn Shin Young Bok. Trên tranh có bản đồ Bán đảo Triều Tiên, cùng dòng chữ dài do họa sĩ Shin viết: “Mong chờ nỗ lực tìm kiếm và tạo ra những hướng đi mới giữa thế bế tắc nhằm vượt qua sự chia cách để đi đến thống nhất”.

Một quan chức cao cấp làm việc ở Thanh Ngõa Đài cho biết, trước khi chụp hình, Tổng thống Moon Jae-in đã nói cho bà Kim Yo-jong và ông Kim Yong-nam ý nghĩa của bức tranh này.

Dư luận của Đại Hàn

Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in muốn sưởi ấm lại quan hệ với Bắc Hàn bị “đóng băng” sau một thập niên do chính phủ bảo thủ cánh hữu cầm quyền gây ra. Vừa lên cầm quyền tháng 05/2017, tháng 06 ông đã mời Bắc Hàn tham dự Thế vận hội Mùa Đông 2018 ở Pyeongchang, cùng diễu hành trong 2 buổi lễ khai và bế mạc … Đặc biệt, mối quan hệ giữa đặc sứ Kim Yo-jong và Chủ tịch Quốc hội Bắc Hàn Kim Yong-nam với Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in trong những ngày đầu Thế vận hội khiến dư luận bàn tán xôn xao:

Tiến sĩ Kim Sung-han, giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế (GSIS) và Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Ilmin tại Đại học Nam Hàn, trước kia từng làm thứ trưởng các bộ Ngoại giao, Thương mại … nhận định: “Đoàn Bắc Hàn đến miền nam được truyền thông chú ý nhiều. Nụ cười trang nhã trước công chúng Đại Hàn và thế giới của em gái Kim Jonng-un cũng thu hút nhiều người. Dịp này, Bắc Hàn đã thể hiện mình như một quốc gia bình thường, dù chỉ trong chốc lát. Tôi nghĩ rằng, chỉ mấy ngày đầu, Bắc Hàn đã giành được một trong những huy chương quan trọng nhất của Thế vận hội Mùa Đông 2018: Đó là ‘huy chương vàng ngoại giao’”.

Không riêng gì Tiến sĩ Kim, nhiều người khác cũng cho rằng, Bắc Hàn đã tận dụng Thế vận hội Mùa Đông 2018 ở Pyeongchang như một phương tiện để đặt một chướng ngại ngăn cách giữa Đại Hàn và Hoa Kỳ, cũng như làm giảm áp lực trừng phạt đang đè nặng lên mình.

Thái độ của Hoa Kỳ và Nhật Bản

Giữa lúc Nam và Bắc Hàn “xích lại gần nhau”, Hoa Kỳ lại muốn tiếp tục gia tăng áp lực đối với Bắc Hàn. Khi tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2018, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tránh bắt tay Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam và Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un.
Khi đoàn lực sĩ Nam và Bắc Hàn cùng tiến vào sân vận động dưới lá cờ màu trắng có hình Bán đảo Triều Tiên, mọi người đều đứng dậy hoan nghênh, chỉ ông Pence vẫn ngồi im.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi gặp Tổng thống Moon Jae-in đã tìm cách thuyết phục phía Đại Hàn nối lại tập trận chung với Hoa Kỳ và Nhật Bản … Qua những thể hiện trên, chứng tỏ Hoa Kỳ và Nhật Bản không muốn hai miền nam bắc Bán đảo Triều Tiên hoà dịu và xích lại gần nhau.

Tin của hãng thông tấn Reuters cho hay, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã trải qua một trong những thời điểm cô đơn dài nhất trong lịch sử làm chính trị của mình. Đó là thời điểm diễn ra trong lễ khai mạc Thế vận hội. Ông Pence được sắp xếp ngồi giữa Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, phía trước bà Kim Yo-jong chỉ một hàng ghế.

Trước khi đến Đại Hàn dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông 2018, ông Pence nói Bắc Hàn lợi dụng Thế vận hội để tuyên truyền, khẳng định không có “khoảng trống nào” giữa Hoa Kỳ, Đại Hàn và Nhật Bản, tuyên bố sẽ tiếp tục trừng phạt nặng Bình Nhưỡng. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn NBC vài tiếng trước khi lễ khai mạc bắt đầu, ông Pence nói Hoa Kỳ quyết không nhượng bộ. Hoa Thịnh Đốn bảo lưu mọi phương án đối phó Bình Nhưỡng.

Không riêng gì Hoa Kỳ bất mãn với diễn biến bất ngờ và quá mau lẹ trong quan hệ Nam – Bắc Hàn, Nhật Bản cũng không vui vẻ gì. Trong cuộc gặp Tổng thống Moon Jae-in trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu Đại Hàn nhanh chóng khôi phục các cuộc tập trận chung với Mỹ, nhưng đã bị ông Moon bác bỏ. Ông Moon nói, đây là chuyện nội bộ của chúng tôi, Nhật Bản đề nghị như vậy là vi phạm chủ quyền của Đại Hàn. Dư luận cho tằng, dù Nhật Bản không tham gia các cuộc tập trận chung này, nhưng phụ thuộc rất lớn vào sức bảo vệ của Hoa Kỳ khi nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn đạn đạo Bắc Hàn.

Giáo sư chính trị quốc tế Takashi Kawakami giảng dạy tại Đại học Takushoku, Nhật Bản, cho rằng: “Diễn biến này có thể đoán được, nhưng với Nhật Bản, đó là một viễn cảnh ác mộng. Bắc Hàn đang khéo léo đặt một cái nêm vào giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đại Hàn”.

Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Nhật Bản lại nói: “Chiêu hòa bình trong Thế vận hội của Bắc Hàn chỉ nhằm trì hoãn thời gian đến khi nước này hoàn thành phát triển vũ khí nguyên tử”.
Ngày 13/02, Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera  tuyên bố,  Nhật Bản không bao giờ thay đổi lập trường tăng cường gây sức ép đối với Bắc Hàn buộc nước này từ bỏ kế hoạch phát triễn vũ khí nguyên tử. Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Onodera khẳng định: “Quan điểm của Nhật Bản không bao giờ thay đổi. Chúng tôi luôn theo đuổi phương thức gây sức ép đối với Bắc Hàn buộc nước này từ bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử. Nhật Bản cũng như nhiều các quốc gia khác luôn mong muốn Thế vận hội Pyeongchang thành công tốt đẹp”.

Bất luận thế nào, hai miền Nam Bắc Hàn “xích lại gần nhau” khiến tình hình chính trị và an ninh ở khu vực thay đổi, là điều đáng mừng đối với người dân Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.
Lý Anh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email