Thị trưởng Montreal Valérie Plante hôm thứ Hai 18/11 loan báo kế hoạch lắp đặt đèn cho người đi bộ và đồng hồ đếm ngược ở mỗi bộ đèn giao thông trong thành phố nhằm đặt sự an toàn của người đi bộ lên hàng ưu tiên cao hơn cả sự lưu thông xe cộ trôi chảy.
Theo kế hoạch mà bà Plante cho biết mất từ 5 đến 8 năm để hoàn thành, các tín hiệu với đồng hồ đếm ngược dành cho người đi bộ sẽ được lắp đặt tại tất cả các giao lộ, và thời gian băng qua đường sẽ gia tăng để tiện lợi cho “những người đi đường dễ bị tổn thương nhất”, như trẻ em và người già.
Năm 2018 có 18 người đi bộ bị thiệt mạng và 87 người bị thương trầm trọng trong các tai nạn giao thông tại Montréal.
2.300 giao lộ có đèn giao thông được quản lý bởi thành phố, trong đó có 315 chiếc đã có đồng hồ đếm ngược và không cần phải làm gì thêm.
Eric Alan Caldwell, thành viên ban chấp hành thành phố phụ trách quy hoạch và giao thông đô thị cho biết, đèn ở 1985 ngã tư còn lại sẽ được lập trình lại để thêm từ 4 đến 6 giây cho người đi bộ băng qua. Trong số đó, 1.300 hiện thiếu tín hiệu cho người đi bộ và sẽ được nâng cấp với tín hiệu và bộ đếm giờ.
Bà Plante cho biết, để tài trợ cho kế hoạch, ngân sách từ năm 2020 đến năm 2022 dành cho đèn đi bộ đang được tăng thêm 43%, từ 42 triệu lên 58,5 triệu đô-la.
Bà Plante nói, các chính quyền thành phố trước đây luôn đưa ra những quyết định với ưu tiên là lưu thông trôi chảy. Bà nói tiếp: “Bây giờ chúng tôi thay đổi. Bây giờ ưu tiên là an toàn, và sau đó lưu thông trôi chảy, và tôi tin rằng chúng ta có thể làm cả hai”.
Caldwell cho biết thành phố hy vọng sẽ nâng cấp 250 giao lộ mỗi năm, ưu tiên cho các giao lộ nguy hiểm nhất.
Cadwell cho biết thêm, bộ đèn đếm ngược dựa trên tốc độ đi bộ. Luật an toàn giao thông cho phép tốc độ đi bộ lên tới 1,4m mỗi giây, hoặc 5,04km/giờ.
Thành phố sử dụng tốc độ đi bộ chuẩn là 1,1m mỗi giây, hoặc dưới 4km/giờ.
Trong các khu vực có bệnh viện, nhà già hay trường học, vận tốc đi bộ của các đèn đếm ngược sẽ được ấn định là 0,9m/giây hoặc 3,24km/giờ.
LT (Theo CBC)