HỎI:
Cháu với chị cháu là hai chị em ruột, cách nhau 5 tuổi, sinh ra từ một cha, một mẹ, được nuôi dạy như nhau nhưng có một thời gian cháu đi du học xa nhà khoảng 4 năm, khi về cháu lập gia đình và ra ở riêng ngay nên cháu thực sự không nhớ rõ tính nết chị cháu thế nào? Tuy nhiên, giao hảo giữa hai chị em những khi gặp nhau thì rất vui vẻ và hòa thuận vì chị cháu khéo ở lắm. Chị hay cho cháu những cái quà nhỏ, lúc thì một cái keychain lạ mắt, lúc thì hộp kẹo đậu phọng hay gói chà là…Nói tóm lại, mẹ cháu mất rồi, chị như người mẹ thứ hai săn sóc cháu rất dễ thương.
Cuối năm ngoái, chồng chị và cũng là anh rể cháu, bất ngờ qua đời vì bị tai biến mạch máu não, các con chị đều ở xa cả nên sau tang lễ ít lâu, chúng nó ngỏ ý hỏi cháu có vui lòng cho mẹ chúng dọn về ở với cháu cho bà đỡ buồn và bớt hiu quạnh không? Vợ chồng cháu nhà cửa rộng rãi mà chỉ có một con gái duy nhất đang học năm cuối đại học nên cháu thấy nếu để chị về ở cùng thì cũng vui, bèn đem việc hỏi ý chồng con. Hai người đều ba phải, trả lời là tùy cháu, vợ/mẹ muốn sao thì cứ làm, chỉ cần make sure đừng để sự chung đi tới đụng rồi bất hòa, gây sứt mẻ tình chị em.
Thế là cháu đón chị về từ đầu năm đến nay. Sống gần nhau, cháu mới phát hiện là chị nói láo vô song, chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện không đáng gì cả chị cũng nói láo tỉnh bơ. Ví chị nói láo nhiều quá nên chị không nhớ nổi chuyện gì đã nói, chuyện gì chưa nên tự chị vạch tội mình, lạy ông tôi ở bụi này, nói láo lòi đuôi, câu sau nghịch câu trước, khiến cháu rất bực. Khi bị cháu bắt quả tang và hỏi vặn, chị nói linh tinh, ngụy biện, biến báo, để bào chữa khiến cháu càng giận thêm vì cảm thấy chị giả dối một cách trắng trợn. Cháu nghĩ là cô sẽ dễ dàng cảm thông và hiểu được tâm trạng cháu khi phải suốt ngày sống bên cạnh một người lớn, có thể đã hơi già, mà cứ nói láo ngay cả những khi không có gì bắt buộc phải nói láo, I got sick, cô.
Một vài lần, cháu thấy chị tội nghiệp quá nên cháu cố bình tĩnh, ngồi xuống với chị nhưng trăm lần như một, khi cháu nói phải quấy để mong thức tỉnh chị, cho chị thấy hình ảnh xấu xí, kỳ cục của một người nói láo thành thần, nói láo bất cứ cái gì thì chị trở nên hung dữ, to tiếng, mắt trợn trừng, làm cháu càng chán thêm. Câu hỏi của cháu với cô là bây giờ cháu phải làm sao? Nếu muốn chị dọn ra thì cháu phải giải thích lý do với mấy đứa con chị. Thứ nhất, cháu không nỡ. Thứ nhì, một là chúng nó không tin vì không trải qua kinh nghiệm như cháu thì tình nghĩa trong họ hàng bà con sứt mẻ; hai là chúng nó cũng biết sự thật này và nay tới lượt cháu cũng biết (mà không chấp nhận) thì chúng càng lấn cấn hơn, giao hảo giữa đôi bên rồi cũng đi tới chỗ có vấn đề, quan trọng nhất là phải tìm một nơi ở khác cho mẹ chúng nó, tiện nghi, an ninh như nhà cháu, có lẽ cũng không dễ. Cuối cùng, cha mẹ chúng cháu đều đã qua đời, cháu rất buồn, rất áy náy nếu vì lẽ gì chị em không đùm bọc được nhau.
Cô có cao kiến nào, xin giúp cháu. Cháu cảm ơn cô rất nhiều và kính chúc cô sức khỏe.
Minh Hằng
TRẢ LỜI:
1/ Kinh nghiệm sống tổ tiên chúng ta để lại là: “Sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ.” Không phải chung chạ là tốt nhất.
2/ Cháu không áp dụng sự khôn ngoan này từ đầu, vì tự tin hay vì tình cảm, căn bản là cháu có lòng tốt. Tổ tiên lại có câu khác cho trường hợp này: “Đã đẵn thì phải vác.” Cháu không nói rõ bà chị cháu nói dối như thế nào, lúc nào nhưng cháu khó chịu và bực bội đến nỗi phải tâm sự với cô thì cô hiểu sự “vác”của cháu nặng quá sức cháu rồi. Bây giờ tiến thoái lưỡng nan, bỏ đại giữa đường không được mà vác thì không nổi, vậy cháu phải né thôi. Cô biết “né” không dễ đâu nhưng để né được, cháu cần thực sự hiểu cái tâm lý bất thường của một người mắc bệnh nói láo kinh niên như bà chị cháu. Lẽ ra bà ấy cần đi gặp bác sĩ nhưng chừng như cháu khó thuyết phục bà làm việc này. Vậy, không chữa được bà thì cháu nên học cách đối xử với bệnh nhân, as a care giver. Cháu lên mạng, tìm hiểu vấn đề, sẽ hiểu được nguyên nhân gây bệnh và từ đó, biết cháu phải làm gì.
Phần cô chỉ biết đại khái, nói láo do nhiều động cơ: trước khi trở thành bệnh kinh niên hay cố tật, nói láo vì sợ bị đòn, bị trừng phạt (lúc còn bé.) Là người lớn, sợ bị chê bai, sợ bị ghét bỏ hay coi thường, thích thấy mình hoàn hảo, thích được khen, được ngưỡng mộ..vv..Những cái sợ và những cái thích ấy có thể là động lực thúc đẩy một đứa bé, một người lớn luôn học hỏi, trau dồi mình để tiến thân, để nổi lên nhưng ở bà chị cháu, cái sợ, cái thích to hơn, nhiều hơn, mạnh hơn ý chí và nỗ lực lương thiện nên xui bà đi con đường tắt, con đường lười biếng, dối trá, tự vẽ vời mình thành nhân vật mình muốn như một thợ vẽ dở, kém cỏi, có lẽ cũng qua được mắt một số khán giả nhưng không qua được mắt cháu vì cháu quan tâm hơn, tinh tế hơn.
Nếu cháu chọn giải pháp né thì chỉ cần giữ một khoảng cách giữa hai người, không tạo cơ hội đối chất vô ích. Nếu thấy ra vấn đề mà thương người có bệnh, cháu có thể kiên nhẫn, cho bà chị uống loại thuốc bọc đường, tìm những điểm ưu tú của chị (thế nào cũng có) để khen mạnh lên rồi nhè nhẹ “chữa” sau. Những khi bắt quả tang bà phịa, cháu nhẹ nhàng, dịu dàng “nắm tay bà,” khen nết tốt của bà trước rồi từ từ giải thích cho bà biết đã tốt thế thì không cần phải tìm cách nói sai sự thật nữa vì làm thế chỉ hại cho bà (mất credit) chứ chẳng ích lợi gì cả, cái kim trong túi có lúc nó chích đau đấy! Cứ thế một lúc xem sao nhé?
“Tài cán”của cô chỉ nhiêu đó thôi, chúc cháu thành công với thiện ý của mình. Thêm chút tình nữa là hoàn hảo.
Bùi Bích Hà