Vaccine: Một, hai, ba…

Tuần trước vừa có một Chuyện Mỗi Tuần về vaccine dài thậm thượt. Tuần này lại vaccine. Chưa chán à?

Làm sao chán được, khi đó là đề tài duy nhất đem lại chút lạc quan trong tình hình này. Một chút ánh sáng cuối đường hầm.

Đúng là “ánh sáng cuối đường hầm”, vì trong những ngày cuối năm lạnh lẽo và u tối, những con số về Covid-19 trên khắp thế giới ngày càng thêm xấu.

Một người đàn ông đang cắt tỉa cỏ tại một đài tưởng niệm những người đã chết vì Covid-19 ở Miami, Florida. Photo: Scott McIntyre for The New York Times

Ở Bắc Mỹ, Hoa kỳ đã liên tục ghi nhận mỗi ngày từ 150 đến 180 ngàn ca bệnh. Số trường hợp dương tính ở Mỹ tính đến 22 tháng 11 là 12.207.135 người, số tử vong tăng đến mức 2000 người/ngày, 256.533 người Mỹ đã bỏ mạng.

Canada lúc đầu dịch có khá hơn, nhưng từ tháng 10 cho đến nay, tình hình xấu dần. Tính đến hôm 22 tháng 11, cả nước đã có 329 ngàn trường hợp, với hơn 11.455 người chết. Thành phố lớn nhất nước đã được đặt trong tình trạng lockdown. Nunavut, khu vực xa xôi từng được coi là miễn nhiễm với Covid-19 đột nhiên ghi nhận trên 100 trường hợp chỉ trong vòng nửa tháng!

Ở Hoa Kỳ, tiểu bang California của Hoa Kỳ ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm vào thứ Bảy vì các ca virus corona tăng đột ngột đe dọa làm tràn ngập các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Los Angeles, quận lớn nhất của tiểu bang với khoảng 10 triệu dân, đã cảnh cáo rằng có thể sẽ có biện pháp lockdown quyết liệt hơn sắp xảy ra.

Vậy thì CMT có tiếp chuyện vaccine là phải.
Khi năn nỉ dân chúng tuân giữ các biện pháp chống dịch mà các cấp chính phủ đưa ra theo khuyến cáo của các cơ quan y tế đề ra, Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau đã báo động: “Đây là tương lai của đất nước chúng ta. Đó là tương lai của con cái chúng ta. Đó là tương lai của những người thân yêu và các vị cao niên của chúng ta, là nền kinh tế của chúng ta, là các doanh nghiệp của chúng ta, đó là tất cả mọi thứ.”

Vùng Đại đô thị Toronto (GTA) từ thứ Hai này đã bị lockdown.
Lễ Giáng sinh coi như…tiêu (Ông Trudeau nói “normal Christmas is quite frankly out of the question”).
Liệu có được ăn Tết ta? (cho tới nay, chưa thấy hội đoàn nào ra thông báo về chuyện tổ chức Hội chợ Tết cả)

Hôm 9 tháng 11, Pfizer tung tin vaccine của họ – hợp tác sản xuất với BioNTech, có hiệu quả đến 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19.

Hiệu quả của vaccine mRNA (Pfizer và Moderna): Mũi thứ nhất, ba tuần sau tiêm mũi thứ hai. Sau mũi thứ hai một tuần người chủng được bảo vệ

Một tuần lễ sau, Moderna cũng công bố vaccine của họ cho thấy có hiệu quả đến gần 95%.
Rồi đến tuần vừa rồi, AstraZeneca công bố vaccine của họ, hợp tác với Đại học Oxford (Anh quốc) đã qua đợt thử nghiệm thứ ba, có hiệu quả ngừa con virus SARS-CoV-2, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Mà không chỉ có ba loại vaccine đó.
Hiện đang có trên 150 công ty, tổ chức, trường đại học đang nghiên cứu và phát triển vaccine chống Covid-19.

Nỗ lực của cả thế giới đổ vào cuộc chiến tranh chống siêu vi này là một cố gắng khổng lồ.
Toàn là những tin vui trong giờ tuyệt vọng.

Vậy thì cứ coi như chắc chắn có vaccine. Và vaccine có hiệu quả, không thứ này thì thứ kia. Nhưng …chừng nào thì vaccine đến?

 

Ít ra, vài tháng nữa

Tại sao thế? Trước hết, vaccine phải được các cơ quan kiểm soát và cấp phép các loại dược phẩm chấp thuận cho sử dụng. Ở Mỹ là Food and Drug Administration (FDA) và ở Canada là Health Products and Food Branch (HPFB) thuộc Health Canada (Bộ Y tế).

Tin mới nhất, FDA đã nhận được đơn yêu cầu cho phép sử dụng vaccine của Pfizer và BioNTech vào cuối tuần trước. Đây là đơn xin được phép cho sử dụng khẩn cấp (Emergency use authorization – EUA). Cả Moderna cũng đang nhanh nhảu nộp đơn. Việc xét duyện như thế cũng sẽ …khẩn cấp. Có thể là khoảng một tuần nữa, BNT162b2của Pfizer, và sau đó là mRNA-1273 của Moderna sẽ được chấp thuận.
Khi FDA đã chấp thuận, HPFB của Canada cũng sẽ nhanh thôi, người ta tin là như thế với vaccine chống dịch – mặc dù trước đây, về mặt thuốc men, đã có nhiều ca FDA chấp thuận nhưng HPFB ngâm cả…vài năm.

Nhưng sau đó là chuyện sản xuất, vận chuyển, phân phối, và đặc biệt là kế hoạch phân phối, rồi mới đến chích ngừa.

 

Người phản đối vaccine, sóng điện thoại 5G và mặt nạ ở Tây ban nha, nơi Covid-19 đang hoành hàng khốc liệt. Photo: Marcos del Mazo/LightRocket via Getty

Mặc dù Pfizer là một hãng bào chế khổng lồ, họ cũng không thể sản xuất đủ cho các khách hàng đã đặt hàng ngay trong năm nay, hoặc tam cá nguyệt đầu tiên của năm 2021. Khách hàng ưu tiên 1 của họ ở Bắc Mỹ là…Hoa kỳ – ông Trump vừa quyết liệt khẳng định rằng ưu tiên số 1 là dân Mỹ. Canada lại không có xưởng bào chế vaccine nào hết. Như thế, khả năng sớm nhất để Canada nhận được lô hàng đầu tiên sẽ là tháng 3, tháng 4 năm tới. (Tết Nguyên đán cũng coi như xong).

Cần nhắc lại rằng trong đợt bùng phát dịch cúm heo năm 1976, Hoa Kỳ đã quyết định tiêm phòng cho toàn bộ dân của họ trước khi cho phép các nhà sản xuất vaccine xuất cảng sản phẩm sang Canada.
Cũng may, thời gian này là để Canada chuẩn bị cho việc vận chuyển, phân phối, và đặc biệt là kế hoạch phân phối. Vaccine của Pfizer phiền phức ở chỗ phải được giữ trong độ lạnh -75 độ C, do đó, gây ra không ít khó khăn cho công đoạn đó.

 

Ưu tiên tiêm chủng

Ở Hoa kỳ, Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ cung cấp vaccine chống “Cúm Tàu” cho dân chúng miễn phí. Với hệ thống y tế miễn phí sẵn của Canada, chắc người dân cũng sẽ được hưởng như thế, không cần ông Trudeau phải lên tiếng.
Cũng không lo thuốc thiếu. Canada đã đặt tới 7 thứ vaccine từ 7 nơi khác khác nhau, trong đó có 4 hãng vừa khoe thành công đã kể ở trên.
Trước sau gì, những người muốn được chích ngừa cũng sẽ được chích ngừa. Tuy nhiên, như với mọi thứ free khác trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe, sẽ có những thành phần ưu tiên, nhất là khi chưa có đủ cùng một lúc cho tất cả mọi người.
Vậy ai sẽ là những người được ưu tiên số 1?
Chưa thấy các cơ quan y tế Hoa kỳ nói gì, nhưng nếu dựa vào bảng xếp hạng ưu tiên của CDA trong thời đại dịch cúm năm 2015, sẽ có 5 bậc.
Mặc dầu mới đây TT Mỹ đã nói rằng vaccine sẽ giúp cho các vị cao niên vui hưởng tuổi vàng của họ, nhưng trên bảng này, cao niên (65+) chỉ được xếp ở bậc 4.
Bậc 1 gồm thành phần có cơ nguy cao (high risk) nhất: phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, cùng các nhóm nghề nghiệp có liên quan đến sức khỏe, an ninh của xã hội: quân nhân được điều động, nhân viên y tế công cộng, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân bệnh nặng (ER, ICU), các nhân viên sản xuất vaccine, dịch vụ cứu thương (EMS) nhân viên công lực (Cảnh sát) và cứu hỏa.
Bậc 2 sẽ là thành phần dân chúng có nguy cơ cao, cấp 2 ( thấp hơn bậc 1): người trong nhà có tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ em dễ mắc bệnh. Cùng bậc này có nhân viên hỗ trợ quan trọng cho quân đội, vệ binh quốc gia, dịch vụ tình báo, nhân viên nhà quàn, các nhân viên y tế khác, dịch vụ xã hội, dịch vụ thông tin liên lạc, IT, các cơ sở tiện ích (điện nước), các hoạt động quan trọng của chính phủ.
Bậc 3: thành phần dân chúng có nguy cơ cao cấp 3: trẻ em khỏe mạnh. Các nhóm nghề nghiệp: binh sĩ hiện dịch, các nhân viên chăm sóc sức khỏe khác, các ngành hạ tầng cơ sở quan trọng khác, các bộ phận quan trọng khác của chính quyền.
Bậc 4: Thành phần dân chúng có nguy cơ cao cấp 4: người thành niên có nguy cơ cao, cao niên từ 65 tuổi trở lên.
Bậc 5 đương nhiên là những người còn lại, tức là người khỏe mạnh từ 19 đến 64 tuổi.
Covid-19 có nhiều điểm tương tự như cúm, nhưng cũng có nhiều đặc điểm của nó, do đó, có thể sẽ có một số xáo trộn trong thứ tự này, nhưng chắc không nhiều lắm.
Covid-19 đặc biệt nhắm vào các cơ sở dành cho người già. Con siêu vi SARCoV-2 nâng bậc “high risk” cho người cao tuổi. Số tử vong ở những nơi này đặc biệt cao, hy vọng các bô lão sẽ được nâng bậc trên thang ưu tiên nhận vaccine chống/ngừa Covid-19.
Canada không cái thang như thế. Hồi dịch cúm H1N1 năm 2009, khi có số vaccine đầu tiên, chính phủ Canada đề nghị chích trước cho: Những người mắc bệnh mãn tính dưới 65 tuổi. Phụ nữ mang thai. Trẻ em dưới năm tuổi (nhưng không phải trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi.) Những người sống trong các môi trường hoặc cộng đồng xa xôi và hẻo lánh. Nhân viên chăm sóc sức khỏe liên quan đến ứng phó với đại dịch hoặc những người cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu. Người trong gia đình tiếp xúc với, và người chăm sóc cho, những người có nguy cơ cao và những người không thể được chủng ngừa (như trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu).
Không khác Hoa kỳ bao nhiêu, nhưng khác ở chỗ không xếp bậc.
Lần này, một cơ quan trước nay vẫn đưa các khuyến nghị cho Y tế Công cộng Canada (PHAC) về vaccine và các vấn đề liên quan đến vaccine The National Advisory Committee on Immunization (Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng -NACI), đã vừa đưa ra khuyến nghị đầu tiên về các nhóm mục tiêu để chủng ngừa COVID-19.
NACI đề nghị ưu tiên cho bốn nhóm: (1) ‘Những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19’, gồm những người trọng tuổi và vài nhóm khác cần được xác định. (2) Những người có nhiều khả năng truyền COVID-19 cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 và những nhân viên cần thiết để đáp ứng với COVID-19,’ : gồm những người sống cùng với các thành viên của nhóm đầu tiên, nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc cá nhân và người chăm sóc làm việc với cao niên. (3) ‘Những người đóng góp vào việc duy trì các dịch vụ thiết yếu khác cho hoạt động của xã hội,’ gồm cả những người làm việc ở tuyến đầu như cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên cửa hàng tạp hóa. (4) ‘Những người có điều kiện sống hoặc làm việc khiến họ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và nơi lây nhiễm có thể gây ra những hậu quả không cân xứng, bao gồm cả các cộng đồng bản địa,’ gồm cả những người sống hoặc làm việc ở những nơi xa và nơi khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nhưng cái khuyến cáo này không nói rằng nhóm nào sẽ ưu tiên hơn nhóm nào mà chỉ gợi ý rằng các quyết định thứ tự cho các nhóm ưu tiên cần dựa trên các yếu tố: nguồn cung cấp vaccine, diễn tiến dịch Covid -19 vào lúc đó, kết quả phân tích lợi – hại và đặc điểm của những loại vaccine.
Bác sĩ Theresa Tam, giám đốc y tế công cộng của Canada, nói rằng các đề nghị của NACI “chỉ là điểm khởi đầu” khi chính phủ xác định nhóm nào nên ưu tiên tiêm chủng.
Bà nói: “Chúng tôi biết người dân Canada sẽ hiểu sự cần thiết phải ưu tiên một số nhóm trong những tuần đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho đến khi có đủ thuốc cho tất cả những ai muốn.”
Tâm cho biết bà “lạc quan một cách thận trọng” rằng một loại vaccine có thể được phép sử dụng ở Canada vào tháng 3 năm 2021.

 

Chừng nào chúng ta trở lại cuộc sống bình thường?

Vậy là chắc chắn khỏi ăn tết Nguyên đán!
Nhưng, câu hỏi vẫn là chừng nào chúng ta trở lại cuộc sống bình thường, hoặc tối thiểu, khỏi phải né tránh nhau trên đường phố, mang cái mặt nạ (khó thở), được trở vào một nơi thờ phụng để thực hành nghi thức tôn giáo của mình, được mời bạn bè, thân thuộc đến nhà – hoặc đến nhà họ, được thoải mái ngồi trong một nhà hàng…?

Câu trả lời của các chuyên gia y tế là phải đến khi có từ 60 đến 70% dân số được chủng ngừa thì miễn dịch bầy đàn mới đạt được.

 

Như với vaccine của AstraZeneca, một video lan truyền cho rằng thuốc này có chứa tác mảnh mô lấy từ bào thai bị phá
và sẽ làm thay đổi DNA của người được chủng. Hình của BBC

Emanuel Goldman, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Rutgers, cho biết: “Chỉ đến khi một tỷ lệ đáng kể dân số được tiêm phòng, và lượng ca bệnh giảm xuống mức rất thấp, chúng ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm (không cần đeo mặt nạ)”. Và ngay cả sau đó, theo ông, các nhà nghiên cứu sẽ phải cảnh giác theo dõi bất kỳ thay đổi nào của con virus SARSCov-2 vì nó ngày càng tìm thấy ít vật chủ (host) để nhào vô. Nó có thể sẽ “cố gắng biến đổi theo cách làm cho vaccine kém hiệu quả hơn”.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm (NIAID) Hoa Kỳ cũng đồng ý như thế.

Chỉ bằng cách tiêm chủng cho hàng triệu người và theo dõi cách hệ thống miễn dịch của họ phản ứng, các chuyên gia sẽ tìm ra những gì cần thiết để dập tắt COVID-19 hoặc ít nhất là làm cho nó khó lây lan hơn nhiều. Ông “hy vọng rằng khi đất nước và thế giới được tiêm chủng ồ ạt, virus này về cơ bản sẽ bị dồn vào đường cùng, không có chỗ để đi vì mọi người đều được bảo vệ.”

Nhưng để đạt được tỷ lệ đó (60 đến 70% dân số) không dễ. Chưa gì mà mức độ chống vaccine đã gia tăng do những tin đồn, những thuyết âm mưu.

Ở Mỹ, các cuộc thăm dò cho thấy người dân Hoa Kỳ ngày càng ít tin tưởng hơn về sự an toàn của vaccine. Cuộc thăm dò ý kiến của YouGov vào tháng 5 cho thấy khoảng 55% người trưởng thành ở Mỹ nói họ sẵn sàng chích vaccine Covid-19. Đến cuối tháng 7, con số này đã giảm xuống còn 41% – thấp hơn nhiều so với mức 60-70% cần thiết.

Một thăm dò của chính phủ Canada gần đây cho thấy mức độ sẵn sàng nhận vaccine COVID-19 hiệu quả dường như đang giảm dần. Trong khi 71% số người được hỏi cho biết vào tháng 4 rằng họ sẽ tiêm vaccine, con số này đã giảm xuống còn 61% vào tháng 8.

Đó là chưa kể đến thực tế là những quốc gia, lục địa nghèo chưa được chủng ngừa hoặc chỉ được chủng ngừa rất ít.

Thế giới cũng chẳng khá gì hơn.
Trong khi dịch bệnh đang tiếp tục hoành hành.
Tính đến thứ Bảy, theo trang mạng Coronavirus Resource Center của Đại học Johns Hopkins đã có hơn 57,7 triệu trường hợp được báo cáo về COVID-19 trên toàn thế giới, với hơn 37 triệu trường hợp được liệt kê là đã hồi phục hồi. Số người chết trên toàn cầu là hơn 1,3 triệu người.

Tại châu Âu, Nga báo cáo 24.822 ca bệnh mới và thêm 467 trường hợp tử vong, mặc dù Nga đã khoe có, và cho dùng, loại vaccine có hiệu quả Sputnik V từ lâu! Mức độ gia tăng đang làm căng thẳng hệ thống chăm sóc sức khỏe rộng lớn nhưng thiếu thốn của Nga.

Tại châu Á, Ấn Độ có thêm 46.232 trường hợp nhiễm coronavirus mới được xác nhận trong 24 giờ qua, với tình hình đặc biệt đáng báo động ở New Delhi. Các khu chăm sóc đặc biệt và lò hỏa táng chính của thủ đô đã gần hết công suất.

Con số nhiễm coronavirus ở Châu Phi đã vượt qua hai triệu ca được xác nhận. Toàn lục địa có ​​hơn 48.000 ca tử vong.

Nhưng, chắc phải dừng ở đây, để CMT kỳ này còn là chuyện lạc quan!

Đỗ Quân
(lượm lặt từ CBC, BBC, CTV, và nhiều nguồn khác)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email