Thời gian vèo đưa. Ôi. Năm 2021 như cái lò xo bị ép cứng bật ra làm thiên hạ giật mình. 365 ngày hóa ra chẳng dài như người ta vẫn tưởng. Lá rụng. Cành khô. Trơ trụi. Đen đủi. Những con quạ lì lợm thi gan với mùa đông. Ngày tháng trôi đi. Rồi lá mọc. Nụ chồi phơn phớt đầu cành như thứ bột phấn màu xanh lá mạ. Rồi lá xanh hơn, dày thêm, một năm trôi qua như bị bàn tay gian lận vô hình biển thủ. Năm 2021 cuối cùng như con khô mực nướng già lửa, cong queo, thu ngắn lại. Và năm nay, Valentine 2022 lại về… Ôi. Vẫn là những ngổn ngang của Covid-19 khi Valentine đang rập rình ngoài cửa.
Tội nghiệp. Hoa hồng vẫn đỏ ối. Kẹo chocolate vẫn ngọt ngào. Và đề tài tình yêu hình như chẳng hề lạm phát bởi trái tim người trẻ lúc nào cũng thừa mứa những đợi chờ trong trẻo lấp lánh pha lê những khát khao đầu đời rung động. (Tuy nhiên) luật chơi có vẻ khác bởi sự có mặt nhiều phương tiện máy móc cá nhân, con người buộc phải cơi nới, dồn nén san sẻ những ô vuông tâm lý nhằm thích nghi với những đổi thay thời đại. Tình yêu xem ra vẫn thế? Hay nó có khác nhưng mình không nhận ra? Hẳn thiên hạ đã tịnh tiến những cung bậc cảm xúc thời xuân trẻ và tự hào cho rằng chúng là gia sản rất riêng của thế hệ?
Vẫn là biểu tượng của trái tim đỏ chót to đùng. Vẫn gấu bông. Vẫn những cánh thiệp (dành cho người hoài cổ và tham lam lưu cữu những xúc cảm chân phương một thuở). Vẫn những hộp kẹo thơm ngon. Vẫn những bó hồng rực rỡ. Đôi hoa tai nào còn lấp lánh những xúc cảm nôn nao chờ đợi. Mùi nước hoa nào còn níu kéo những ân cần gian díu thuở phập phồng vụng trộm ban sơ. Đôi guốc cao gót ngày ấy. Màu son môi cánh sen phơn phớt hồng một dạo. Valentine vẫn ngây thơ như mọi thuở? Vẫn nhẹ nhàng ngồi xuống. Ghế băng ấy. Hàng cây cũ. Kỷ niệm ùa về. Ôi, chợt nhặt được câu thơ ai đó gieo vần lơ lửng vướng vào sợi tơ nhện của nhiều năm trước, nhè nhẹ rung khi cơn gió giữa đông cỡn lên những hứng tình. Cũng xong. Có nhiều thứ đã hóa thạch vào không gian, lặng lẽ âm thầm như chiếc đồng hồ cũ tuột dây thiều. Bóng cũ, kỷ niệm xưa, đôi mắt lạc thần của người đàn ông góa vợ. Chợt bàng hoàng: Có con chim nào muốn mình là chim lẻ bạn?
Vắng dần những lá thư điện tử ngắn ngủi trong hộp thư. Người ta đâu còn xài email nữa. Có nhiều thứ tiện dụng hơn. Ôi. Hóa ra anh vẫn còn sử dụng email ư? Ừ. Anh luôn luôn cũ, vẫn còn sử dụng chúng. Sao không Facebook? Không Twitter? Sao anh chậm chạp thế? Hóa ra anh chậm chạp thật. Vẫn là chiếc flip phone. Lũ trẻ nhìn thấy bật cười. Ôi chao, lạc hậu lỗi thời chẳng lẽ cũng là cái tội hay sao?
Lơ lửng trên không là chiếc lá khô của mùa thu năm trước. Màu lá bạc phếch theo thời gian khi chất diệp lục đã ngả màu tóc bạc trước khi có dịp tô lên vành môi thứ son óng ả trĩu nặng gam màu vàng vọt. Thu đến. Không thể cưỡng lại được. Rồi lá rụng. Omicron, một biến thể tai hại của covid-19 đã phá vỡ nhiều mối lương duyên. Giọng hát nào đã rụng xuống. Những ngôi sao tắt ngấm. Đời người cả đấy. Chao ôi. Tiếng hát còn nguyên dư âm ngọt ngào xúc cảm mà người đã khuất, tự hỏi chúng còn đong đầy được bao nhiêu khóe mắt. Tiếc và thương. Vẫn là những giọt mật tình yêu rịu ngọt. Môi khô nứt, chao, một dạo nó đâu hèn hạ tầm thường đến thế!
Tiệm ăn Valentine năm nay sẽ khác trước (nếu tạm lấy mấy lễ lớn khác trong năm ra đối chiếu và phỏng đoán). Có thể lắm. Noel 2021 cánh thợ nấu hibachi mặt anh nào cũng nhăn như chuột kẹp vì khách ế, mỗi anh chỉ nấu được bốn, năm bàn/tối. Thế là xong. Tiền buộc-boa kém đi. Cười trừ. Còn làm gì khác hơn được. Thôi. Tới đâu hay tới đó. Cẩn thận hơn để mình đừng dính Covid-19 là tốt.
Chuyện chính trị chính em có chút ồn ào hơn bởi tự nhiên Putin khuấy động muốn châm ngòi gây chiến. Giữa lúc đó chả mấy chốc mùa phiếu giữa kỳ 2022 chính thức khai mào. Tết con cọp năm nay xoàng xĩnh? Chẳng biết. Mà cũng chẳng màng đến nữa. Nhiều nơi bên nhà cảm xúc Tết bị Covid-19 năm ngoái tẩn cho một trận nhừ tử. Sống có vẻ giả. Mọi cái cứ như đùa. Cũng xong. Biết đủ là đủ. Ở Mỹ những tấm biển cần người, tuyển người mọc lên như trêu ngươi, chẳng đánh động được ai. Người có việc vẫn đeo bám vào nghề cũ. Người thất nghiệp thì đủng đỉnh, chẳng đi đâu mà vội.
Thế đấy. Chân dung Valentine 2022 rút cục vẫn là một sự kiện mang tính thói quen, hồi ức như mớ quả chua còi cọc trên cành (năm nay đen đủi, khô khốc) ngậm ngùi thương cảm. Những mắt xích thời gian lỏng lẻo rệu rã. Đã chữa khỏi Covid-19 vẫn chẳng thấy phấn chấn thêm được là bao. Rồi Valentine lại đến, niên lịch năm nào cũng thế, mỗi tháng hai nó lại về, lẳng lơ như ả nạ dòng háo hức đêm hội biết đâu chẳng vớ phải một giai tơ ngờ nghệch, cuồn cuộn bắp thịt nhưng vụng về lóng ngóng. Thôi. Thế cũng xong. Anh và ả, kẻ cối, người chày; bát canh bánh đa cua nấu rau cần gẫm lại hoàn toàn vô hại nếu như cả cối lẫn chày đều đồng lòng tự nguyện.
Lảng bảng mùa Valentine, nói đến bánh đa cua lại nhớ đến bát cháo hành. Lại nhớ đến câu chuyện Thị Nở-Chí Phèo của Nam Cao hy vọng bạn đọc còn nhớ của ông, một nhà văn vắn số. Tra lục trên mạng (hóa ra) Chí Phèo nguyên thủy mang tên “Cái Lò Gạch Cũ”; khi in thành sách lần đầu năm 1941 NXB Đời mới Hà Nội đã tự tiện đổi thành “Đôi Lứa Xứng Đôi”. Khi truyện ngắn này được tái bản trong tập Luống Cày (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản năm 1946), Nam Cao chính thức đặt lại tên cho đứa con cưng này là “Chí Phèo”.
Trong ba tên gọi ấy, “Đôi Lứa Xứng Đôi” được coi là cái tên đặt cho thị hiếu đương thời, sặc mùi tình cảm lãng mạn ủy mị pha trộn yếu tố bi hài được khai thác đến độ bóc trần vốn chỉ có ngòi bút Nam Cao thâm uyên mới thực hiện được. Bằng giọng văn châm chọc (có phần nhẫn tâm khi ông miêu tả nhan sắc Thị Nở) Nam Cao đem lại cho độc giả một ấn tượng khó quên trước mối tình hàng độc, gay cấn đến ngạt thở khi Chí Phèo trong cơn say khướt, một mối lương duyên tiền định bị hủy hoại.
Một đêm Chí bắt gặp Thị Nở ngồi ngủ dưới ánh trăng vườn chuối trên con đường ả ra sông kín nước. Rồi Chí Phèo dở trò tọc tạch. Thị Nở kêu làng, kêu nước. Chí Phèo không sợ. Ngược lại hắn gào to hơn ả. Mả bố cái thằng nát rượu bố láo ấy. Ả là người bị hãm kêu cứu nhưng hắn lại cậy thói hống hách, biết tỏng lời gào của mình sẽ át đi lời gào của ả nên tha hồ cả vú lấp miệng em. Ở một góc độ du côn nào ấy, hắn biết mình có thể vô hiệu hóa tiếng gào của ả. Giọng hắn là giọng đàn ông. Hắn lại là thằng chuyên rạch mặt ăn vạ. Hắn mà kêu thì làng nước chẳng ai dại dột dây vào. Không khéo người ta còn kháo: Lại cái thằng Chí Phèo nát rượu ấy. Ngủ đi. Không việc gì phải bận lòng đến hắn.
Thế là hắn được ăn cơm trước kẻng với Thị Nở. Rồi hôm sau hắn ngã ốm, ả không thấy hắn ra đường bèn đánh liều tạt vào lều hắn. Dù sao hai người cũng đã một lần gạo thổi thành cơm. Tiền nhân bảo: Cây kim đâm thịt thì đau, cây thịt đâm thịt nhớ nhau suốt đời. Ả đã được nếm quả ngọt, khác hẳn với bà cô luống tuổi không chồng. Ả thất thân với hắn. Thế thì đã sao. Một ngày nên nghĩa (dù cái sự trai trên, gái dưới ấy chỉ là chuyện tình cờ trớ trêu không hơn, không kém).
Rồi ả nhìn vào. Hắn ốm. Ốm thật chứ không đùa. Ả tội nghiệp hắn. Rồi ả tự nhủ không thể bỏ rơi hắn. Ai lại làm thế, thất đức lắm. Hơn nữa ả với hắn, ôi, cái duyên ăn nằm chết giẫm ấy bắt ả suy nghĩ mãi. Chẳng học hành cao siêu gì. Ả là ả, đơn giản như gốc sung, quả khế hay củ ráy; thế mà ả sống có nghĩa có tình. Rồi ả tong tả chạy về nấu cho hắn một bát cháo hành, thứ cháo loãng đun nhừ chữa cảm thông dụng trong dân gian. Rồi ả bưng bát cháo sang cho hắn. Đói. Lử. Lả. Hắn một mạch ăn hết bát cháo định mệnh ấy.
Rồi hắn như được đánh thức. Mùi da thịt người đàn bà khiến hắn bừng tỉnh. Hắn thèm được làm người (thay vì lâu nay vẫn sống như một quỷ dữ trong cái làng Vũ Đại nhếch nhác ấy). Hắn can tâm làm đứa ác nô cho Bá Kiến giàu sang hiểm độc đẩy bao kẻ vào vòng oan nghiệt, tan nhà nát cửa. Từ bát cháo hành ấy hắn bỗng muốn được hoàn lương, muốn được ngựa bỏ đường cũ, muốn được sống bình thường tử tế như bao nhiêu phó cối, thợ rèn, thợ mộc, thợ ruộng, thậm chí như người đàn ông thả ống lươn đã nhặt hắn tại cái lò gạch cũ rồi trao cho một bà góa mù nuôi nấng.
Vâng. Phiên bản Valentine độc đáo của Việt Nam dưới dạng một truyện ngắn có thua gì Romeo và Juliet của William Shakespeare. Bát cháo hành là một biểu tượng tình yêu nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam khai thác triệt để như cách tỏ tình đơn sơ ý nhị. Còn trong truyện (chỉ vì) bát cháo hành chết tiệt ấy Chí Phèo bỗng khát khao lột bỏ chiếc mặt nạ quỷ dữ xuống, muốn buông đao, chẳng phải để thành Phật mà chỉ là được gầy dựng một mái ấm với người đàn bà nhan sắc có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam.
Như đã kể, Thị Nở dở người. Yêu nhau sang hôm thứ sáu ả nảy ý định hỏi ý kiến bà cô dở tính (năm mươi tuổi vẫn chưa chồng) xem có nên yêu Chí Phèo? Vừa mở miệng ả đã bị mắng té tát. Thế là ả đùng đùng nổi cơn, xộc sang nhà Chí Phèo trút hết những giận dữ, thuật lại lời bà cô đã mắng. Thế là Chí Phèo hoảng hốt. Ô. Tình yêu vừa mới đến. Thế mà hai cô cháu ả dám cả gan phá vỡ giấc mộng hoàn lương của hắn. Chao. Thị mắng hắn xong rồi tất tả ra về. Hắn kéo lại thì bị ả xô ngã.
Thị Nở bỏ đi. Chí Phèo như điên lên. Rồi hắn nốc rượu. Hắn muốn được say, cơ khổ, mùi rượu càng khiến hắn nhớ đến mùi cháo hành. Rồi hắn nổi điên. Hắn muốn được say. Muốn được vác dao đến nhà đâm chết hai cô cháu ả. Nam Cao đã kể lại (nguyên văn) lời hăm dọa của Chí Phèo: “Ðến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó. Nhưng hắn say. Rồi ngõ vào nhà Thị Nở hắn không vào mà hắn lại lạc chân dẫn đến ngõ nhà Bá Kiến”.
Một kết cuộc tang thương. Chí Phèo muốn được làm người, dù động cơ ban đầu là trả thù trong lúc phẫn chí, uất ức. Nhưng định mệnh trớ trêu là thế. Hắn đang say, và hắn quên khuấy dự định ban đầu. Chẳng rõ Nam Cao cố tình luồn lắt tạo ra một cốt truyện ly kỳ hay chỉ là những dẫn dắt của mạch truyện với những tình tiết ngẫu hứng, ngẫu nhiên, chỉ biết Chí Phèo đâm Bá Kiến rồi tự sát. Hắn để lại một Thị Nở với giọt máu yêu thương nhen nhóm. Cái lò gạch cũ lại hiện ra. Một mô-tuýp kết cấu vòng tròn (từng thấy trong truyện cổ tích Ba Điều Ước – Nghèo gặp tiên, được ban cho ba điều ước nhưng trớ trêu thay cuối cùng lại chẳng được gì). Một thiên tình sử đáng để người ta suy gẫm.
Valentine lại về. Chuyện tình Chí Phèo – Thị Nở kể lại nhằm hâm nóng chút gam màu cảm xúc tình yêu giữa lúc đại dịch vẫn chưa chịu bỏ đi. Chích ngừa thì đã hẳn, rồi cũng khẩu trang, cũng e dè cẩn thận vậy mà vẫn cứ lây lan. Có người bảo Covid-19 đã giết vợi người có bệnh nền, thế mà tình hình vẫn đầy ái ngại hoang mang. Đồ thị biểu diễn đạo hàm Covid-19 với những biến thể mới bỗng trở nên ly kỳ khó tiên liệu, y như những tình tiết trong truyện ngắn Chí Phèo (Cái Lò Gạch Cũ hay Đôi Lứa Xứng Đôi) khiến người ta chỉ còn biết trông vào hai chữ: Hên xui. Mr. Biden đang cố gắng muốn Covid-19 biến mất nhưng xem ra nó cứ chường mặt, trêu ngươi. Ngày nào Mỹ cũng cả ngàn người chết.
Hay thôi. Cứ lạc quan lên. Đừng suy nghĩ nhiều nữa. Valentine là ngày của tình yêu, của người đang yêu đừng nghĩ đến những chuyện bi thương.
Romeo và Julliet có thể không tròn duyên, y như Chí Phèo và Thị Nở, nhưng chí ít những giây phút ngọt ngào của họ (lãng mạn ngọt ngào với Romeo và Julliet nhưng bản năng đến độ thực dụng đối với Chí Phèo và Thị Nở) mãi mãi vẫn là biểu tượng của trái tim, của tình yêu, của Valentine, đúng không thưa quý vị?
Nguyễn Thơ Sinh