Chẳng có tháng nào ở nước Mỹ không có chuyện về súng đạn.
Và hình như cũng chẳng có tháng nào mà nước Mỹ không có chuyện người da đen bị bắn.
Nhưng tuần trước, chuyện lên đến đỉnh điểm, có đến ba vụ liên quan đến súng đạn, và người da đen.
Đoạn video đó dài gần 10 phút, được phát trực tiếp (livestream) trên facebook.
Người phụ nữ da đen trẻ nói một cách rõ ràng, khúc chiết và lịch sự với người cảnh sát rằng ông ta vừa bắn bốn phát đạn vào bạn trai của cô ta trong lúc anh đang định rút ví ở túi quần sau lấy bằng lái xe và giấy tờ xe theo lệnh của ông ta.
Giọng nói của viên cảnh sát không được như thế. Đó là một giọng đã bị lạc, đầy hoảng hốt, sợ hãi:
“F—! Tôi bảo hắn đừng lấy nó, tôi bảo hắn lấy tay ra.”
Người phụ nữ da đen giải thích, “Ông bảo anh ấy lấy ID ra, thưa ông, bằng lái xe của anh ấy. Lạy Chúa tôi, xin đừng bảo tôi rằng anh ấy đã chết. Xin đừng bảo tôi rằng bạn trai của tôi đã ra đi như thế.”
Hình ảnh đi kèm với âm thanh, được thu bằng bằng ống kính ở mặt trước của một chiếc điện thoại thông minh cho thấy người phụ nữ trẻ, rất trẻ ngồi ở ghế trước chiếc xe. Trên ngực áo của Philando Castile, 32 tuổi, người bạn trai của cô ta ngồi ở ghế tài xế, đẫm máu. Ở ngoài cửa sổ chiếc xe là một cảnh sát viên. Được ghi từ trong xe nên mặt, phần đầu và chân của ông ta không có trong khung hình, chỉ có phần thân trên và khẩu súng được cầm bằng cả hai tay chĩa vào trong xe.
Trước đó, ở đầu đoạn video, cũng bằng một giọng rõ ràng, từ tốn, người phụ nữ trẻ ấy, mà sau này người ta biết là cô Diamond Reynolds, nói như một người đang kể chuyện, hoặc một người dẫn tin trên truyền hình, “… Chúng tôi bị buộc đưa xe vào lề vì một cái đèn sau bị cháy. Ông ta giết bạn trai của tôi. Anh ấy có giấy phép, anh ấy mang súng… anh ấy có giấy phép mang súng. Anh ấy đang cố lấy ID và cái ví của anh ấy khỏi túi… anh ấy đã báo cho viên cảnh sát biết rằng anh ấy đang… anh ấy có súng và anh ấy đang lấy ví ra, người cảnh sát đã bắn vào cánh tay anh ta…”
Cô rất lịch sự khi đáp lại những mệnh lệnh của cảnh sát, hầu như tất cả các câu nói của cô đều có thưa gửi, “Sir.” Trong lúc đó, lời lẽ của người cảnh sát đầy hoảng hốt và tiếng chửi “F..k.”
Sự việc được đoạn video ghi lại diễn ra ở Falcon Heights, một thị trấn rất nhỏ ở St Paul, Minnesota, ngày 6 tháng 7. Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, đoạn video đó được hàng chục ngàn lần chia sẻ, hơn 4 triệu người xem.
Trước đó một ngày, đã có hai đoạn video khác được tung ra trên internet. Đó cũng là một cái chết bởi đạn của cảnh sát và người bị bắn cũng là một ông da đen.
Alton Sterling, 37 tuổi, một người bán CD và DVD dạo trên hè phố, bị bắn trước một cửa hiệu tạp hóa Triple S ở Baton Rouge, Louisiana hôm thứ Ba 5 tháng 7, một ngày sau lễ Quốc khánh Hoa kỳ.
Anh bỏ mạng vì đạn của một trong hai cảnh sát viên của Baton Rouge, Blane Salamoni và Howie Lake II. Hai ông cảnh sát này được sở Cảnh sát Baton Rouge phái đi đáp ứng một cú gọi 911 vô danh, báo rằng có một người đàn ông có súng đã đe dọa tính mạng một người trước tiệm tạp hóa vừa kể.
Cả hai video, rõ ràng là do những người đã chứng kiến sự việc ghi lại, cho thấy Sterling đã bị bắn khi anh đang bị hai cảnh sát viên đè ngửa xuống mặt đường. Trong video thứ nhất, đưa lên mạng ngay đêm thứ Ba, người ta thấy Sterling bị quật ngã ngửa từ nắp máy của một chiếc xe, hai người cảnh sát đè lên anh rồi một người rút súng chĩa vào ngực anh trước khi có tiếng súng nổ. Video thứ hai ở góc cạnh rõ hơn, cho thấy hai tay của Sterling không đang đưa về phía túi quần, trên tay không có gì cả. Người chủ của tiệm tạp hóa Triple S, ông Abdullah Muflahi, cũng xác nhận với báo chí trong cuộc xô xát Sterling không cầm súng và hai tay của anh ta không gần với các túi quần.
Cảnh sát nói họ đã thu được một khẩu súng tại hiện trường.
Khi người Mỹ chưa hết bàng hoàng với hai vụ bắn giết, khi cô Reynold vẫn còn lạc giọng kể lại sự việc xảy ra bên trong chiếc xe bị chặn lại chỉ vì một bóng đèn sau khi hỏng thì ở Texas, năm cảnh sát viên ngã xuống vì những phát đạn bắn sẻ.
Chuyện diễn ra ở Dallas hôm thứ Sáu trong cuộc tuần hành trên đường phố của dân chúng để phản đối hai cái chết vì đạn của cảnh sát kể trên. Cuộc tuần hành này biến thành một thảm kịch, khi một người da đen bắn sẻ vào những cảnh sát viên đang giữ trật tự cho cuộc tuần hành hợp pháp và hòa bình, diễn ra đồng loạt với nhiều cuộc biểu tình khác ở khắp nước. Tên bắn sẻ, một cựu chiến binh trẻ người Mỹ da đen được Cảnh sát trưởng Dallas cho là đã “tìm cách để giết những cảnh sát da trắng.” Micah Johnson chết vì chất nổ do robot của cảnh sát đưa đến chỗ hắn ẩn nấp khi hắn đang thương thuyết.
Khi vụ nổ súng diễn ra, sở cảnh sát Dallas đã phổ biến ngay một bức ảnh trên các mạng xã hội internet. Trong ảnh là anh Mark Hughes, một người da đen mặc quần short, áo ngụy trang rằn ri, trên vai khoác một khẩu súng dài. Anh Hughes đi trong đội ngũ những người xuống đường. Thông điệp của Dallas Police Department viết, “Đây là một trong các nghi can của chúng tôi. Xin giúp chúng tôi tìm hắn ta!”
Ngay sau khi những bức ảnh được công bố, người anh của Mark, ông Cory Hughes, đã tiếp xúc với cảnh sát rồi gọi cho em, Biết mình đang là người đang bị mang cái hồng tâm lên lưng, Mark Hughes vội vã tự nộp cả mình lẫn súng cho cảnh sát. Anh được thả ra sau đó, và xác nhận là người vô can. Hughes có giấy phép mang súng và ở Texas, người có giấy phép mang súng dài được phép mang khơi khơi ngoài đường.
Mark Hughes nói với thông tấn sau đó rằng lúc cái thông báo giết người đó được tung ra, “Tôi đang nói chuyện và cười giỡn với mấy cảnh sát viên.”
Chính anh ta đã xác nhận như thế: “Tôi không thể tin được. Nghĩ lại, tới 20 phần 20 là tôi có thể đã bị bắn chết dễ dàng.’
Chuyện lớn hơn:
Da đen và cảnh sát
Trong vụ ở Falcon Heights, không có gì có thể là nguy hiểm với người cảnh sát đã chặn bạn trai của Reynolds. Philando Castile đang ngồi trong chiếc xe chật hẹp với một phụ nữ bên cạnh và một đứa bé gái bốn tuổi ở băng sau. Người partner của ông cảnh sát đó đang hờm súng ở cửa xe bên kia.
Chỉ có trong những phim hành động bạo lực với các tay súng trứ danh như…Tom Cruise, Jason Statham, Vince Diesel, Pierce Bosnan, Kevin Bacon, hay Kiefer Sutherland mới có thể ngồi như thế mà rút ra một khẩu súng ngắn trước khi hai cảnh sát viên đang chĩa súng vào người anh ta bóp cò.
Vậy thì có thể tạm nghĩ là sự việc trở nên nặng nề bởi hai yếu tố. Philando Castile là người da đen, và một người da đen có súng
Castilo là người da đen thứ 136 năm nay bị cảnh sát bắn chết ở nước Mỹ
Với vụ ở Baton Rouge, Sterling đã bị hai cảnh sát đè lên người, bị khống chế hoàn toàn.
Ở vụ thứ ba, mạng của Hughes quá lớn. Anh quá may mắn đề không trở thành nạn nhân thứ 137. Trong sự hoảng loạn của cả một thành phố, với những cảnh sát viên truy lùng kẻ đã giết đồng đội của họ, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Người da đen ở Mỹ và súng đạn, tội ác có những liên hệ hiển nhiên đến nỗi trở thành hình tượng. Hầu như ở mọi phim ảnh, kể cả những phim nói lên những nỗi oan ức của người da đen, cũng rẫy đầy những ông Mỹ đen làm những chuyện phạm pháp.
Nhưng chuyện người da đen bị cảnh sát chiếu cố nhiều hơn là một thực tế, có bằng chứng, thống kê đàng hoàng.
Không khó để tìm được các con số, các biểu mẫu, các thống kê chỉ ra sự chênh lệch quá cao giữa da đen – da trắng (và các màu da khác) về mặt bị cảnh sát chặn xét hỏi, bị giam giữ, là tù nhân có án, và bị bắn chết.
Phân tích của tạp chí Times cho thấy trong số các sở cảnh sát lớn nhất của các tiểu bang Connecticut, Illinois, North Carolina và Rhode Island, những tiểu bang có dữ liệu toàn diện nhất về việc dừng xe vi phạm luật, thì người lái xe da đen có khoảng giữa 1,5 và 5,2 lần cơ nguy chiếc xe của họ bị lục soát hơn các tài xế da trắng. Các cuộc lục soát này luôn luôn diễn ra có sự đồng ý của người lái xe (làm sao dám không đồng ý), vì vậy cảnh sát không cần phải vận dụng đến bất kỳ căn cứ nào theo quy định của pháp luật để khởi sự cuộc lục soát. Họ chỉ cần một cớ duy nhất để bắt xe ngừng lại, thường là các lỗi nhỏ nhặt như đi quá tốc độ vài dặm hoặc chuyển làn đường mà không bật đèn báo hiệu.
Các nhà nghiên cứu cũng phân tích số liệu thống kê về sự giam giữ tại Hoa kỳ của nam giới người Mỹ gốc Phi như tuổi tác, địa điểm, nguyên nhân và tác động đối với trẻ em. Họ ghi nhận rằng trong lúc số người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm từ 12 đến 13% dân số của Hoa kỳ, họ đã chiếm đến 35% những người bị giam trong các nhà tù loại jail, và 37% số tù nhân của các nhà tù loại prison trong tổng số 2,2 triệu tù nhân nam năm 2014 (Số liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, 2014). Dữ liệu điều tra dân số năm 2000 về số lượng và chủng tộc của tất cả các cá nhân bị giam giữ tại Hoa Kỳ tiết lộ một sự không tương xứng lớn về mặt chủng tộc trong số những người bị giam giữ ở mỗi bang: ở hai mươi tiểu bang, tỷ lệ người da đen trong số tù nhân vượt quá tỷ lệ người da đen trong dân số của các tiểu bang đó.
Một nghiên cứu của báo Anh, trang web của báo The Guardian The Counted (những người được đếm) ghi nhận trong năm 2015 có 1.146 người chết dưới bàn tay của cảnh sát. The Counted ước lượng trong số này có ít nhất 306 ngưởi da đen. Tờ báo Mỹ Washington Post đưa ra con số khiêm nhượng hơn, 258 người.
Cũng theo dữ kiện của The Counted, người da đen nam giới trong độ tuổi từ 15 và 34 có nhiều rủi ro bị giết chết bởi cảnh sát hơn những người Mỹ khác đến chín lần trong năm đó. Nhóm này cũng chiếm 15 phần trăm của tất cả các trường hợp tử vong khi đụng độ với các viên chức pháp luật, mặc dù chiếm chỉ 2 phần trăm dân số Hoa kỳ và cao hơn số da trắng cùng độ tuổi đến 5 lần.
Chuyện lớn hơn nữa: Người da đen , da trắng và Tu chính án thứ 2
Trước nay, cứ mỗi lần xảy ra bạo lực bằng súng đạn, và khi có lời kêu gọi giới hạn và kiểm soát gắt gao chuyện mua súng, người ta lại thấy tổ chức National Rifle Association (Hiệp hội Súng Hoa kỳ – NRA) lên tiếng bảo vệ quyền có súng của người Mỹ.
NRA viện dẫn Tu chính án thứ 2 – the Second Amendment, điều luật trong Hiến pháp khẳng định quyền được có vũ khí của người Mỹ.
Trong video được cô Reynolds truyền trực tiếp lên internet, và trong những phát biểu sau đó của cô, Reynolds khẳng định Castilo bị bắn sau khi đã thông báo cho cảnh sát rằng anh có giấy phép mang súng.
Nhưng về vụ này, mãi cho đến gần hai ngày sau, NRA mới lên tiếng trên trang facebook của họ, sau khi bị chính hội viên đặt vấn đề. Và lần này, NRA ngọng, họ đưa ra lời nhận định “no comment”, lấy cớ là vì thông tin còn chưa rõ ràng và cần phải điều tra kỹ, vì thế “Trong lúc này, NRA thấy cần phải không có nhận định trong khi cuộc điều tra đang còn tiếp diễn.”
Trong vụ Sterling bị bắn, NRA cũng không lên tiếng.
Và trong vụ ở Dallas, Mark Hughes suýt chết, mặc dù tất cả mọi người – kể cả cảnh sát, đều biết anh có súng, và súng của anh có giấy phép.
Thậm chí, anh còn nói rõ rằng anh mang súng dự cuộc tuần hành hôm đó để bày tỏ niềm tin của mình vào Tu chính án thứ hai của Hoa kỳ, Theo Cory Hughes, người anh của Mark và cũng là một trong những người tổ chức cuộc tuần hành, họ đã sắp xếp để có một phát biểu về chủ điểm này, với Hughes là hình ảnh minh họa.
Vậy nhưng NRA cũng không lên tiếng.
Ba người trong ba vụ là người da đen.
Ngược lại, NRA đã nhanh chóng lên tiếng chia buồn và ca tụng các cảnh sát viên bị sát hại ở Dallas. Họ nhân danh 5 triệu thành viên của hiệp hội ca ngợi những người can đảm chạy về phía hiểm nguy để bảo vệ thành phố và người dân của Dallas. Thông cáo của NRA kết thúc, “Với những trái tim trĩu nặng, các thành viên NRA, tôn vinh sự anh hùng của họ và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình họ.”
Nhiều bình luận của thông tấn Mỹ đặt câu hỏi phải chăng Tu chính án thứ hai không áp dụng cho người da đen, mặc dù họ cũng là công dân Mỹ.
Một trong những câu mỉa mai mà người da đen nói về “cái tội” khiến họ bị cảnh sát chặn xe là “Driving while black” (lái xe khi là người da đen) có thể sẽ có thêm một dị bản nữa “Carrying while black” – đã đen mà còn mang súng!
Chúng ta có một vấn đề của người Mỹ
Nhà báo Darryl Fears của tờ The Washington Post viết, “Hai trăm bốn mươi năm sau ngày độc lập đầu tiên, người Mỹ vẫn sống bằng các mã màu được hình thành trước khi quốc gia ra đời. Chúng ta đánh dấu nhau bằng màu da. Chúng ta chỉ định các thành kiến vô nghĩa cho người khác căn cứ vào màu da. Chúng ta ngưỡng mộ, sợ hãi và thù ghét người khác dựa vào màu da sáng hay tối của họ.
Trong lúc nhiều khoa học gia khẳng định chủng tộc là thứ không có thật, sự kỳ thị chủng tộc lại là có thật.”
Ngay sau cái chết của Sterling ở Baton Rouge và Castile ở Minnesota, Tổng thống Barack Obama – lúc đó đang ở Âu châu, đã nói, “We have an American issue” – Chúng ta có một vấn đề của người Mỹ.
Phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen là đáng kể) và nhiều tổ chức của ngươi da đen đã tập hợp và tổ chức những cuộc tuần hành, xuống đường ở khắp nước Mỹ.
Hôm thứ Sáu, vụ một người da đen “bắn tỉa” giết chết 5 cảnh sát viên da trắng thành phố Dallas lại đổ thêm dầu vào lửa, vào hố sâu chia rẽ giữa người da đen và cảnh sát nói riêng, ngưởi da đen và người da trắng nói chung.
Năm 2008, khi dân Mỹ bầu lên một tổng thống da đen, nhiều người Mỹ đã nghĩ rằng nước Mỹ sẽ thay đổi. Nhưng nay, khi chỉ còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, xung đột giữa người Mỹ với nhau chẳng những không thay đổi mà còn nặng nề hơn.
Hôm thứ Bảy 9 tháng 7, những cuộc xuống đường của người da đen ở Mỹ đã trở nên nhiều hơn, đông hơn và hung hăng hơn.
Phóng viên của BBC nhận định về thái độ của người xuống đường ở Baron Rouge, “không phải là sự giận dữ mà là sự phẫn nộ.”
Hàng trăm người diễu qua tòa nhà quốc hội tiểu bang. Họ đứng trên các bậc thềm, giơ cao nắm đấm, kiểu chào của “black power”.
Trong cuộc xuống đường buổi tối thứ Bảy, người biểu tình tụ tập trước tổng hành dinh cảnh sát, do nhóm New Black Panther Party (Đảng Báo đen mới) dẫn đầu, với những thành viên mang súng công khai. Đã có vài vụ đụng chạm giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động và một số người bị bắt.
Ở St Paul, Minnesota, một nhóm người biểu tình vây quanh dinh thống đốc tiểu bang từ thứ Sáu không giải tán.
Những nhóm lớn khác chặn xe cộ trên highway, ném đá, chai lọ vào cảnh sát, và cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay, lựu đạn khói để giải tán.
Ở các thành phố lớn khắp nước, Nashville, San Francisco. Cả New York và thủ đô Washington D.C. cũng có những cuộc biểu tình lớn.
Chắc chắn sẽ còn nhiều biến động.
God bless America!
Đỗ Quân