Không nghi ngờ gì nữa, Covid-19 chính là hiện thân của tử thần xuất hiện khắp nơi trên hành tinh. Thông điệp chết chóc của nó không ai có thể chối cãi. Để rồi không phải là tin vịt, là tin hoax mà là một sự trừng phạt tàn khốc. Từ giá cổ phiếu thị trường chứng khoán bốc hơi thảm hại cho đến cuộn giấy vệ sinh bỗng trở thành mặt hàng khan hiếm, từ nhà hàng cho đến tiệm nails, từ trường học cho đến ngôi thánh đường uy nghiêm quen thuộc, từ chợ búa một dạo hàng cá hàng tôm om ỉ tiếng mài dao, tiếng chém thớt cho đến những ngôi chùa cổ an nhiên hiền lành… tất cả đều bị Covid-19 tấn công không khoan nhượng, không khách sáo!
Giữa tháng ba, mấy tiệm nails ban đầu chỉ mới rung rinh. Sau từ từ vắng dần. Lượng khách giảm hơn 50%. Rồi càng lúc càng tệ hơn. Có chỗ khách giảm tới 70%. Một số thợ nails thấy vậy vội xin nghỉ ở nhà vì thấy ớn con vi-rút Covid-19, sợ lây bệnh cho người thân. Số còn lại nấn ná đi làm với hy vọng cố đấm ăn xôi mong duy trì nguồn thu nhập. Nhưng tình hình càng lúc càng tệ hại hơn, không còn là ế vừa vừa, ế okay (ế chấp nhận được) như thuật ngữ dân làm nails thường khôi hài nói đùa mấy tháng mùa đông. Nay vì con Covid-19 mà tiệm ế khủng khiếp, ế đến nỗi thợ đông hơn khách. Tiệm vắng một cách đáng sợ. Vắng y như Chùa Bà Đanh!
Tại sao gọi là vắng như Chùa Bà Đanh vậy chú? Một cô bé thợ nails ngây ngô có đôi mắt đen láy hỏi người đàn ông trung niên vừa từ California dọn qua Texas với công việc xếp khăn (một nghề mới xuất hiện gần đây dành cho người phụ giúp clean-up trong mấy tiệm nails sang trọng, mỗi tiệm có tới mấy chục ghế spa, có menu phục vụ thức uống có cồn hẳn hoi). Con nghe người ta nói vắng như Chùa Bà Đanh mà không biết họ nói vậy là có ý gì? Một cô bé thợ nails khác hỏi. Cô là du học sinh, qua đây đi làm nails nhiều hơn đi học.
Người đàn ông trung niên nhìn hai cô gái trẻ với câu hỏi tưởng đơn giản mà cắc cớ biết bao. Anh đáp với nụ cười cầu tài: Thì chú cũng nghe người ta nói vậy. Chắc họ ví “vắng như Chùa Bà Đanh” vì ngôi chùa đó vắng người đến viếng, chú đoán vậy. Tưởng gì, tụi con tưởng chú lớn cái gì chú cũng biết. Hóa ra chú cũng như tụi con. Hai cô bé mỉm cười tinh nghịch nhìn anh thợ xếp khăn tuổi trung niên trên tinh thần đồng hương, đồng hội đồng thuyền cùng làm chung trong một tiệm nails.
Lập tức nhóm thợ nãy giờ ngồi ngáp vặt, chờ khách phía sau phòng giải lao bỗng nhao nhao lên. Nhiều giả thiết xoay quanh ngôi chùa nổi tiếng huyền thoại “đệ nhất vắng khách” khá ly kỳ. Có người đoán đó là một ngôi chùa nằm sâu trong một hẻm vắng ở Sài Gòn, ẩn khuất khó tìm nên vắng vẻ. Có người gợi ý đó là một ngôi chùa hoang vu thờ vong của một bà vãi tên Đanh nào đó ở miền Tây. Có người đưa ra giả thiết đó là một ngôi chùa huyền thoại, không có thực, nên câu nói “vắng như Chùa Bà Đanh” chỉ là câu nói thuận miệng, vần theo âm điệu, không hơn không kém.
Giữa bối cảnh đó, Covid-19 đã chính thức đổ bộ lên đất Mỹ. Nó bắt đầu tấn công chú Sam tới tấp. Thông tin nóng hổi loan đi khắp nơi. Diễn biến xảy ra nhanh chóng từng phút, từng giờ (không còn là từng ngày nữa). Thiên hạ hoang mang. Hai từ “dao động” không còn phù hợp để diễn tả tình hình căng thẳng. Thay vào đó là tâm trạng nhốn nháo. Tổng thống Mỹ từng tự tin, coi thường Covid-19 chẳng là cái thá gì. Theo ông vụ lùm xùm này sẽ nhanh chóng qua đi. Kinh tế vẫn khởi sắc. Mỹ là số một, mọi cái sẽ không thay đổi. Tạm thời thiên hạ không nên ồn ào, thổi phồng, lo lắng thái quá. Thậm chí Đảng Cộng hòa còn cho rằng truyền thông và Đảng Dân chủ đang sử dụng Covid-19 như hình thức truất phế mới chống lại ông. Nay ông đã thừa nhận mình là Tổng thống thời loạn (Wartime) chiến đấu với những kẻ thù vô hình (invisible enemy). Xem ra Covid-19 lần này thực sự là một đại họa, một biến cố vô tiền khoáng hậu (vốn chưa từng xảy ra trong quá khứ, kể cả đối với những người già).
Tối hôm đó về nhà người đàn ông trung niên liền hỏi người em bà con xa: Chú có biết vắng như Chùa Bà Đanh là vắng kiểu gì không? Người em vội trả lời: Thì đó là một ngôi chùa vắng vẻ có tên là Chùa Bà Đanh chứ gì, anh? Theo em, vì ít người đến viếng nên chùa tất nhiên sẽ vắng vẻ. Nghe vậy, người đàn ông trung niên vẫn không phục lắm. Lát sau anh đề nghị: Chú chịu khó lên mạng nghiên cứu về Chùa Bà Đanh thử xem sao. Người em nhìn ông anh họ: Sao tự nhiên bữa nay anh có hứng thú với Chùa Bà Đanh vậy, bộ muốn đến đó du lịch sao? Du lịch gì, chú! Mấy đứa nhỏ trong tiệm nails hỏi anh về Chùa Bà Đanh, mình là người lớn, không có câu trả lời thỏa đáng sợ tụi nó cười. Vậy sao? Thì là vậy đó. Chú giỏi máy vi tính chịu khó lên mạng tìm kiếm thông tin giúp anh.
Gõ lên máy, thông tin về Chùa Bà Đanh hiện ra nhanh chóng. Trong đó thành ngữ “vắng như Chùa Bà Đanh” được giải thích khá cặn kẽ. Hóa ra giai thoại câu chuyện ngôi chùa cổ – Chùa Bà Đanh – hoàn toàn có thật. Nó không nằm ở Sài Gòn, càng không nằm trong một hẻm vắng nào đó, hay chỉ là một ngôi chùa tưởng tượng ở miền Tây mà là một ngôi cổ tự ngoài miền bắc. Cụ thể hơn, Chùa Bà Đanh còn có tên gọi khác oai nghiêm hơn: Bảo Sơn Nữ. Theo tờ Dân Trí, Chùa Bà Đanh thuộc thôn Đanh Xá (có chữ Đanh ở đây), xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Tọa lạc trên một diện tích 10 mẫu, Chùa Bà Đanh được coi là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Hà Nam cũng như tại miền Bắc. Chùa Bà Đanh cách Thành phố Phủ Lý tầm 7 km.
Giải thích tại sao câu thành ngữ “vắng như Chùa Bà Đanh” trở nên quen thuộc với người việt ba miền, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, vài chi tiết thú vị được kể lại như sau. Do ban đầu ngôi chùa đặc biệt này xây trên một mỏm đất giáp sông Đáy, ba mặt bao bọc bởi rừng rậm thâm u, lắm thú dữ. Đường bộ dẫn đến chùa phải xuyên rừng già nguy hiểm nên rất ít người tìm đến. Còn đi bằng đường sông phải đáp đò, vừa nhiêu khê, vừa bất tiện, nên ít người muốn đến đây thắp hương hành lễ.
Tương truyền theo lời các bậc tiền bối, Chùa Bà Đanh thờ một vị thần nữ linh thiêng cai quản việc điều mưa khiển gió giúp nông dân canh cửi an bình nên tên chính thức của chùa là Chùa Đức Bà làng Đanh (nay thuộc thôn Đanh Xá), sau người dân gọi là Chùa Bà Đanh cho tiện. Ngoài lý do ngôi cổ tự cách xa khu vực dân cư nên nghiễm nhiên rơi vào cảnh vắng vẻ, theo các cụ lớn tuổi còn một lý do khác. Các cụ cho biết vì ngôi chùa tôn thờ vị thần nữ rất linh thiêng nên ngày xưa dân chúng ngại chuyện đến đây, họ sợ ăn nói thất thố, hoặc vô ý có hành vi mạo phạm nào đó khiến vị thần nữ nổi giận, vô tình rước họa vào thân. Tuy nhiên, thực mục sở thị, đến tận nơi xem tận mắt mới thấy đây là ngôi chùa cổ thâm u, trang nghiêm xứng danh đệ nhất vắng vẻ dù ngày nay đường xá thuận tiện hơn xưa rất nhiều.
Rảnh rỗi ngồi chiết tự, tại sao một ngôi cổ tự yên bình thanh tịnh đáng kính như thế lại chết tên với những bối cảnh buôn bán ế ẩm (vốn chẳng ai ưa) như đang thấy hôm nay. Quả nhiên thế, thành ngữ “vắng như Chùa Bà Đanh” không xuất hiện trong các ngữ cảnh khi người ta nói đến những nơi đông như trảy hội, những dịp lễ lạc, hội chợ tết, hát xướng, thi đấu thể thao… Phải chăng do cái tên làng Đanh nghe chát chúa, hay cái tên Đanh của một bà vãi già nào đó khuôn mặt lúc nào cũng khó đăm đăm.
…Lái xe trên đường phố Mỹ sẽ cảm nhận rõ đâu đâu ở Mỹ cũng vắng như Chùa Bà Đanh. Từ mấy nhà hàng fastfood cho đến các tiệm coffeeshop, donut, cây xăng; xe đậu giảm hẳn so với trước đây. Còn mấy phòng tập gym mới càng thê thảm hơn, không một bóng xe. Trường học đang giữa niên khóa im ỉm đóng cửa như đang nghỉ hè. Chợ thưa thớt xe. Người ta mua vội thứ mình cần rồi tất tả ra về chứ không la cà, dềnh dàng như trước. Nhiều văn phòng công sở nhân viên mang máy vi tính về nhà làm việc. Nhiều hãng xưởng đóng hẳn cửa. Tiệm fastfood chủ yếu bán thức ăn nhanh qua cửa sổ drive-though. Nhà hàng chỉ bán thức ăn to-go. Bước vô ngân hàng người xếp hàng cách nhau xa cả thước. Những ngôi thánh đường vắng vẻ. Tại Ý, người già nhiễm bệnh chết trong cô đơn, không được gặp mặt con cháu lúc hấp hối. Tắt thở xong xe chở thi hài đưa thẳng ra lò thiêu. Những cụ trên 80 nhiễm bệnh, khỏi chữa luôn. Đời người gẫm lại, lắm lúc cảm thấy sao nó vô nghĩa, vô thường đến lạnh gáy.
Nhiều tiệm nails của người Việt đã đóng cửa. Lác đác vài tiệm nails ở các thành phố nhỏ, vùng sâu, vùng xa, khách còn lảng vảng nên chủ tiệm nấn ná bật đèn open gỡ gạc tiền rent. Quả nhiên thế, dân sống tại các thành phố lớn cảm nhận rõ hơn nỗi lo sợ do Covid-19 gây ra so với những thành phố nhỏ. Tại các tiệm Home Depot, lượng khách vào tiệm mua đồ giới hạn; cứ hai người mua hàng trong tiệm bước ra thì hai người khách khác mới được phép bước vào. Tại các chợ của người Hoa, người Việt mình cũng thế, cũng áp dụng cùng một công thức tương tự (vì dân Á đông lo xa, đi chợ mua gạo, nước mắm, mì tôm… phòng xa). Người đứng xếp hàng khá dài, cách xa cả hai mét. Tại các chợ Mỹ, người ta chỉ xếp hàng mua thứ cần thiết. Còn tại mấy nơi vui chơi như rạp xi-nê, viện bảo tàng, mall, sở thú, công viên… tình hình còn tệ hơn Chùa Bà Đanh.
Nghe xong thông tin người em họ tìm thấy trên mạng về ngôi cổ tự gắn liền với câu thành ngữ “vắng như Chùa Bà Đanh”, vẻ mặt người đàn ông trung niên gật gù tâm đắc. Hóa ra là vậy. Chùa Bà Đanh là ngôi chùa có thật. Câu nói cửa miệng truyền khẩu về ngôi chùa đó cũng là câu nói có thật. Sau đó anh cảm ơn người em họ: Mai vô tiệm nails anh có chuyện để kể cho mấy đứa nhỏ nghe rồi. Vừa nói xong, chủ tiệm nail gọi phone cho anh, thông báo: Mai tiệm mình đóng cửa, anh khỏi ra nha. Mình sẽ nghỉ chừng hai tuần để coi tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp ra sao. Chứ mấy bữa rồi, anh thấy đó, không chỉ tiệm mình mà chỗ nào cũng vắng như Chùa Bà Đanh!
Người đàn ông trung niên cảm ơn chủ tiệm rồi cúp phone. Sau đó anh thầm nghĩ trong đầu, cầu mong cơn đại dịch Covid-19 sớm qua đi để anh còn đi làm, gặp mấy cô thợ nails anh sẽ tường tận giải thích gốc gác câu thành ngữ “vắng như Chùa Bà Đanh” cho họ nghe.
Chẳng biết Covid-19 (ngoài những tai họa đáng sợ) nó có đem lại điều gì lợi ích cho loài người? Nhưng ít nhất, nhờ nó, một người đàn ông trung niên Việt Nam bỗng có dịp hiểu thêm văn hóa Việt với câu thành ngữ mà anh nghe nhiều lần tronag đời nhưng mãi đến bây giờ mới hiểu rõ về nó là câu: Vắng như Chùa Bà Đanh.
Nguyễn Thơ Sinh