HỎI:
Nhân mùa lễ Tạ Ơn, em muốn kể cho cô nghe một câu chuyện trong gia đình em từng làm em rất khó chịu và khổ tâm. Cũng muốn tiện dịp này, xin hỏi ý kiến cô luôn.
Em có bà chị ruột, bình thường là một người tốt, hay giúp đỡ và vui tính. Đó là những ưu điểm của chị. Khuyết điểm của chị, theo em, to hơn cả ba cái tốt kia và xóa sạch chúng. Trong tình chị em, hiểu rõ chị, em thường to nhỏ khuyên can, cân nhắc, mổ xẻ những gì chị thể hiện, mong chị nhìn lại mình mà thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ, để các tính tốt của chị tiếp tục phát triển, đem lại lợi lạc cho chị thay vì lấy đi của chị hết mọi credits, biến chị từ một người rộng lượng, có từ tâm, thành một ngưởi nhỏ mọn và tính toán.
Không phải chỉ một mình em mà các anh chị em trong nhà cũng thấy ở chị những gì em thấy. Mẹ em thường phải kêu lên: “Ai mà nhận của nó một cái móng tay là lãnh theo cái búa tạ!” Nghĩa là mỗi khi chị làm điều gì giúp ai hay cho ai, bất luận điều lớn nhỏ, lớn thì cái búa lớn, nhỏ thì cái búa nhỏ, là sau đó phải nghe chị kêu rêu, trách móc, phàn nàn, sao vô ơn, không thấy trả lại chị cái gì hết?
Em học được đâu đó cái câu “Thi ân bất cầu báo,” đem nói với chị thì chị trả lời: “Ờ, mày nói câu đó là của bọn quân tử Tàu, ngu sao cứ nhắm mắt làm ơn hoài, còn nghe chửi nữa, ngu gì dữ dzậy? Làm ơn bỏ tao ra ngoài nha!” Em tức quá nên trả lời chị luôn: “Em không bỏ thì người ta cũng bỏ, chị khỏi yêu cầu. Bây giờ em nói tiếng quân tử Việt Nam nè, coi chừng chị làm ơn mắc oán đó, của cho không bằng cách cho đâu, chị làm một chút mà kể một núi thì đừng cho nữa vì phước đâu chưa thấy mà núi sẽ đè bẹp chị đó!” Thế là chị chị bù lu bù loa, nói em rủa chị, sao lại về hùa với những kẻ vô ơn, ăn cháo đái bát, tư cách gì mà lên mặt dạy luân lý chị?
Đã lâu rồi, em né, không đá động tới chị nữa. Tuy vậy, những dịp lễ lạt hay vui chơi, gia đình tụ họp, không bao giờ chương trình thiếu mục kể ơn và đòi nợ của chị với ai đâu, em ráng không nghe nhưng câu chuyện vay trả eo xèo của chị cứ lồng lộng bên tai em, làm em nhức đầu rất khó chịu, chẳng lẽ vì chị mà bỏ cả gia đình, về nửa chừng, thì vô lý quá!
Mong cô có ý kiến công bằng để hoặc chính em phải điều chỉnh hay những ai có tâm lý giống chị sẽ được cơ hội nghiệm ra ý nghĩa của sự làm ơn để họ đừng mất phước báu, uổng lắm!
Cám ơn cô rất nhiều và kính chúc cô một lễ Tạ Ơn an bình, nhiều niềm vui.
Thảo Phương
TRẢ LỜI:
Cô cảm ơn Thảo Phương tín nhiệm cô mà viết thư cho cô. Em nói tới hai chữ “phước báu,” cô biết em có tâm đạo nên cô cũng biết là em hiểu được căn duyên của hai chữ này. Em góp ý cho bà chị hay bảo cô góp ý, chúng ta cứ phải làm thôi nhưng nhận được bao nhiêu còn tùy khả năng chị ấy. Tựa như sóng âm thanh trong không gian luôn có và có rất nhiều nhưng để nghe được, mình cần có thiết bị, đơn giản nhất là có cái “máy thu/receiver.” Nếu không, không gian xung quanh chúng ta sẽ lặng như tờ. Sóng âm thanh của tâm linh còn vi diệu hơn, nó cần cái receiver lắp đặt sẵn bên trong mỗi con người, tiếng Anh có thể dùng chữ “built-in.” Có thể em sẽ hỏi “Ai lắp đặt cái máy thu này?” nhưng cũng có thể em không cần hỏi vì em biết rồi, nó có hay không là do căn cơ phước đức của mỗi người, nôm na hiểu là nó do tâm sinh. Vậy, em đừng nôn nóng. Con đường tu tập cũng như con đường học vấn, kẻ nhanh người chậm, do tư chất, năng lực và cả hoàn cảnh sống của riêng mỗi người nữa. Cho hay bố thí, căn bản là hạnh tốt. Có người cho ai cái gì xong, cảm thấy vui và xem đó là phần thưởng rối quên đi. Có người cho xong thì canh cánh bên lòng, chờ đợi được khen (là phấn son phù phiếm,) chờ đợi được trả lại (là vì “ít vốn,” sợ hết, không còn gì cho mình.) Tóm lại, tâm có lành nhưng trí huệ chưa sáng đủ để soi rọi cho tâm vững vàng tiến bước. Trường hợp này, cãi nhau, phê bình, chỉ trích là dấy động sân si, không làm cho người trong cuộc sáng ra được, em không nên bài bác hay chỉ trích chị. Gặp người như chị em, cô thường tán thán công đức của họ, khuyến khích họ tiếp tục “cho” khi có cơ hội để tạo thêm phước (có phước mới có của để cho). Về sự trả lại, nếu như có thì mình hưởng thụ ngay (ăn uống hay tiêu xài). Nếu như không có, coi như của mình để dành (mấy ai có quỹ tiết kiệm phòng khi cơ lỡ?). Hỏi thêm chị em, là chị không được người thụ ơn trả lại ơn nhưng chị có được đời trả lại (bằng sự suôn sẻ, bình an, ngay cả bằng sức khỏe do cái tâm lành) mà vô tình không biết không? Giả dụ chị được ai làm ơn rồi lại gặp chính người đó để tạ ơn thì có sự sòng phẳng, dễ thôi, nhưng những ân nhân vô hình ra ơn cho mình mỗi giờ phút, mỗi ngày mà mình không thấy, thậm chí không hình dung ra, cứ mặc nhiên tọa hưởng, coi là chuyện đương nhiên, thì sao đây? Mình làm sao để khỏi là người quỵt nợ?
Tổ tiên mình có chữ “nợ đồng lần,” rất hay. Sống ở đời, vay trả/trả vay chằng chịt. Sống biết san sẻ và mang tâm tình biết ơn trong mọi lúc luôn là cách sống đem lại an lạc. Cô cảm ơn em đã viết thư. Chúc em mọi sự như ý.
Bùi Bích Hà