Vị luật sư nhân quyền

Jared Genser

H

ôm 1 tháng 10, chính phủ của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran đồng ý thả tù nhân, là một người đã bị cầm tù lâu nhất trong số những công dân Mỹ bị giam giữ trong nhà tù Iran. Đằng sau vụ thả người này là thành quả của nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ của một vị luật sư nhân quyền.

Đó là Jared Genser, luật sư chuyên làm công việc cứu những người bị tù oan ở những nơi xa xôi trên thế giới, từ Trung Quốc, Venezuela đến Iran và Miến Điện. Mục tiêu không bao giờ suy suyển của ông là giành lại quyền tự do cho bất kỳ ai bị giam giữ vì niềm tin tôn giáo hoặc chính trị của họ; những công cụ căn bản mà ông sử dụng trong việc cứu người là ngọn đèn hy vọng và bí quyết để gây ảnh hưởng đến các nhân vật có quyền lực, viết và đăng các bài quan điểm, vận động các giới chức chính phủ, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền trên thế giới, và lập hồ sơ thủ tục nay có thể chất lên thành đống.

Ông cho biết các nỗ lực vận động của ông đã giúp giải cứu được khoảng 350 tù nhân trong suốt một thập niên qua. Và, hôm ngày đầu của tháng 10 vừa qua, có thêm hai thân chủ của ông – nhà kinh doanh người Mỹ gốc Iran là Siamak Namazi và cha của ông này, Baquer, sắp sửa được tự do; người con Siamak, là tù nhân người Mỹ bị giam giữ lâu nhất trong nhà tù Iran, được tạm rời nhà tù, và người cha được tự do đi lại bất cứ đâu.

Một số công việc của luật sư Genser được mô tả là có thể làm sởn tóc gáy nhiều người và đã gây được sự chú ý của tài tử Orlando Bloom, và hiện đang trong giai đoạn dàn dựng để thực hiện một bộ phim truyền hình nhiều tập dựa trên những câu chuyện liên quan tới những công việc nói trên.

Luật sư Genser cho biết việc ông quyết định trở thành một luật sư nhân quyền xuất phát từ ý thức sâu sắc về nghĩa vụ đối với nhân loại và ý tưởng rằng tự do không bao giờ được coi là điều tự nhiên mà có.

Ý thức về nghĩa vụ của mình đối với người khác xuất phát từ việc chính cá nhân ông đã từng trải qua những kinh nghiệm sống như thế nào trong quá khứ, đầu tiên là qua cuộc đời ông bà của ông là người gốc Do Thái đã từng sống sót sau những đợt tàn sát chống người Do Thái ở Đông Âu trước khi họ di cư sang Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19, cũng như một lần lúc 10 tuổi ông bị rơi vào hôn mê với một căn bệnh hiểm nghèo và sau khi vược qua được đã giúp ông nhìn rõ hơn về chí hướng của mình.

Ông Genser, một trong số rất ít luật sư nhân quyền hoạt động trong lĩnh vực cứu người nói trên, theo quan điểm của ông, ông nói thẳng là ông không thích cái xu hướng đang trở thành một thứ trò chơi vờn nhau kiểu bắt con tin và sau đó thương lượng điều đình để cuối cùng đạt được kết quả là trao trả con tin/ tù nhân với nhau.

Kiểu trò chơi vờn nhau này có nguồn gốc từ năm 1979 khi các sinh viên Iran xông vào đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran, Iran, và bắt 52 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày cho đến khi Hoa Kỳ chịu tháo gỡ gần 8 tỷ đô la tài sản bị đóng băng của Iran. Một thí dụ gần đây hơn là vụ bảy người Mỹ được thả từ một nhà tù ở Venezuela cũng vào ngày 1 tháng 10 để đổi lấy hai người bà con của ông tổng thống Venezuela là Nicolás Maduro. Hai người bà con nói trên bị án tù 18 năm ở Hoa Kỳ do tội buôn bán ma tuý.

Luật sư Genser ước lượng có khoảng từ 65 đến 85 người Mỹ và vô số công dân ngoại quốc khác đang bị giam giữ sai trái trên toàn thế giới, trong đó có ngôi sao bóng rổ nữ Brittney Griner, hiện đang bị cầm tù 9 năm ở Nga vì tội tàng trữ ma tuý. Vì vậy, luật sư Genser trở thành một tiếng nói mạnh mẽ cho một giải pháp mới để đưa những người bị tù oan uổng nói trên được trở về nhà.

Các biện pháp sử dụng trong cuộc vận động bao gồm công khai lên án và các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các cá nhân và các tổ chức tiến hành và hỗ trợ cho việc bắt giữ con tin, cũng như biện pháp ngăn chặn phát triển kinh tế và hỗ trợ an ninh.

Nhưng luật sư Genser nhìn nhận rằng cho dù có thi hành hết các biện pháp trên cũng sẽ không thể ngăn chặn được các hành động bắt con tin, tuy nhiên việc làm này vẫn có thể khiến phía bên kia phải trả giá cao hơn và các cuộc thương thuyết có thể đạt được kết quả nhanh chóng hơn.

Lần đầu tiên luật sư Genser biến các nguyên tắc trong cuộc sống của mình thành hành động là khi đang theo học tại Đại học Harvard. Đó là tháng 11 năm 1997 và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân được mời đến để nói chuyện.

Theo lời ông Genser kể lại thì lúc đó sinh viên không hẳn phật lòng với việc đại học mời ông Giang mà sinh viên chỉ tức giận vì Harvard trải thảm đỏ để đón ông này. Anh sinh viên Genser và bốn nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc khác đã tổ chức một cuộc biểu tình quy tụ được 5,000 sinh viên ở bên ngoài sảnh đường – là cuộc biểu tình đông nhất tại Harvard kể từ chiến tranh Việt Nam.

Luật sư Genser nhận vụ án đầu tiên trước khi tốt nghiệp trường luật của Đại học Michigan. Trong khi đang theo một khoá học tại London năm 2000, ông được biết về câu chuyện của James Mawdsley, một công dân mang song tịch Anh và Úc, người đã được chứng kiến chính quyền quân phiệt Miến Điện đốt phá một trường học trong một trại tị nạn. Ông Mawdsley có khả năng phải nhận mức án 17 năm tù vì đã đưa tin này ra ngoài.

Luật sư Genser nộp hồ sơ vụ án với nhóm công tác điều tra về các vụ bắt bớ tuỳ tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc có trụ sở đặt tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Trở lại Hoa Kỳ vào mùa hè năm đó, ông bỏ ra rất nhiều thì giờ để liên lạc với các phụ tá của các nhà lập pháp liên bang và cuối cùng thuyết phục được 23 thành viên của lưỡng đảng tại quốc hội ký vào một lá thư thúc ép Miến Điện phải trả tự do cho ông Mawdsley. Bộ Ngoại giao đã chuyển lá thư này tới lãnh sự quán của Miến Điện.

Mùa thu sau đó, sau khi trở lại ký túc xá của Đại học Michigan tại Ann Arbor, điện thoại của ông Genser một hôm rung lên: đầu dây bên kia là tin ông Mawdsley sắp được thả. Ông Genser đã liền lập tức bay tới London và chờ tại phi trường Heathrow để đón ông Mawdsley bước ra khỏi phi cơ sau 415 ngày bị biệt giam. Đó là một trong những ngày vui sướng nhất trong đời luật sư Genser.

Sau khi tốt nghiệp trường luật, công việc đầu tiên ông nhận là tại công ty luật đa quốc DLA Piper. Tại đây, luật sư Genser biết tin chính quyền Trung Quốc đã bắt giam người bạn học và cũng là người từng đồng tổ chức cuộc biểu tình tại Harvard năm nào với ông là Dương Kiến Lợi.

Theary Seng

Là con của một lãnh tụ đảng cộng sản Trung Quốc, tiến sĩ Dương rời Trung Quốc năm 1989 do thất vọng vì đường lối của đảng. Ông khiến cho chính quyền Trung Quốc tức giận vì từng cầm đầu các cuộc biểu tình trong khi theo học tại Đại học California Berkeley và Harvard. Năm 2002, ông bất chấp nguy hiểm và trở về Trung Quốc để ủng hộ cho phong trào tranh đấu bất bạo động của giới thợ thuyền. Bị bắt và bị kết án tù, ông tưởng rằng mình sẽ bị đời lãng quên.

Nhưng không. Luật sư Genser đã ra sức vận động để đưa tới kết quả là bạn ông được trả tự do năm 2007. Cũng như lần trước, ông nộp hồ sơ cho nhóm WGAD và kêu gọi được một số thượng nghị sĩ của cả hai đảng cũng như giới giáo sư Harvard ký vào thỉnh nguyện thư. Ông cũng đặt vấn đề này với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Mặc dù sự kiên nhẫn là điều quan trọng để làm công việc cứu người, nhưng công việc này thực ra còn đòi hỏi sức làm việc không ngừng nghỉ. Luật sự Genser có được cả hai.

Một trong những vụ án luật sư Genser hiện đang theo đuổi có liên quan tới người bạn Theary Seng, là một luật sư và nhà tranh đấu người Mỹ gốc Cambodia, và cũng là tiếng nói thường xuyên chỉ trích Thủ tướng Hun Sen. Cô Seng hiện đang thụ án tù 6 năm vì bị cáo buộc âm mưu phản quốc. Sau khi tham dự một trong những phiên toà của cô Seng vào tháng 6 vừa qua, luật sự Genser đã lập tức tổ chức một cuộc họp báo ngay trước thềm tòa án thành phố Phnom Penh và ngay sau đó bị nhà chức trách buộc phải rời khỏi Cambodia. Đây không phải là lần đầu tiên ông bị trục xuất: Năm 2016, chính quyền Maldives đã trục xuất ông khi máy bay vừa đáp xuống trong chuyến đi vận động để kêu gọi thả cựu Tổng thống Mohamed Nasheed. Venezuela cũng cấm ông nhập cảnh. Trong suốt sự nghiệp tranh đấu của ông, luật sư Genser cũng đã từng gặp những lúc hoàn toàn bị rơi vào tuyệt vọng, như trường hợp khi một thân chủ của ông là nhà văn và nhà tranh đấu nhân quyền Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hoà bình năm 2010, đã bị từ chối để được điều trị một căn bệnh hiểm nghèo trong khi đang ở trong tù cho đến khi đã quá muộn.

Ngày Lưu Hiểu Ba từ trần là ngày đau đớn và buồn bã nhất trong cuộc đời luật sư Genser. Ông hiểu rằng ông không thể cứu được hết tất cả thân chủ của mình và học được bài học kinh ngiệm quý giá là tất cả mọi vụ án đều mang mầm mống thất bại cho đến khi đạt được thành công. Biết vậy nhưng ông vẫn không tránh được cảm giác đau buồn vì không thể làm tốt hơn.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email