Kể từ khi các ngân hàng cung cấp các thẻ nhựa để khách hàng sử dụng thay vì tiền mặt, đây là hình thức xài tiền rất tiện lợi và an toàn nhất, lại thêm không tốn kém (vì gần như miễn phí). Vì thế nên mọi người cần tận dụng sau khi biết qua một số những quy định và cẩn trọng cần thiết.
Trước hết cần phân biệt có 2 loại thẻ nhựa khác nhau của ngân hàng phát hành, cho dù là nó mang cùng nhãn hiệu Visa hay MasterCard, và cả hai loại thẻ này đều cho phép khách hàng rút tiền mặt từ máy ATM hoặc là dùng để trả tiền tại các cửa tiệm hay nhà hàng hoặc các dịch vụ đa dạng trên mạng Internet hay qua điện thoại. Tuy nhiên lệ phí có thể khác nhau tuỳ theo đó là loại thẻ nhựa nào.
Đầu tiên là thẻ nhà băng (debit card), tức là thẻ đại diện cho trương mục (account) của khách hàng. Khi dùng thẻ này, số tiền chi trả sẽ được rút thẳng ra từ trương mục của khách hàng ngay lúc đó, vì thế nên nếu như trương mục không còn đủ tiền thì thẻ này coi như sẽ không xài được vào lúc đó.
Loại thẻ thứ nhì gọi là thẻ tín dụng (credit card) là một hình thức cho vay của ngân hàng, lên tới một mức tối đa nào đó (credit line hay credit limit) tuỳ theo điểm tín dụng xấu tốt của khách hàng, tức là nếu có điểm tốt (hay thành tích trả tiền đều đặn từ lâu) thì sẽ được nhà băng dễ dàng cho mượn nhiều tiền hơn. Khi xài thẻ hoặc gọi báo cho ngân hàng để khiếu nại hay báo cáo mất thẻ v.v…, chúng ta cần phải biết mình đã dùng loại thẻ “debit card” hay “credit card”, thay vì nói là thẻ Visa hay MasterCard.
Trong một bài viết trước, chúng ta đã được các chuyên gia hướng dẫn về những trường hợp bất lợi khi dùng thẻ nhà băng (debit card), và thường được khuyên là hãy dùng thẻ tín dụng thì tốt hơn.
Ngoài ích lợi về sự tiện dụng của nó vì chúng ta không cần phải mang theo tiền mặt trong người, việc dùng thẻ tín dụng còn có một lợi ích đáng kể là sự an toàn của nó về nhiều mặt. Trong những trường hợp tranh chấp với các cửa hàng, chúng ta có thể khiếu nại với nhà băng để khoan trả tiền cho họ trước khi giải quyết những vụ tranh cãi để xem ai đúng ai sai. (Còn nếu đã trả tiền mặt hoặc bằng “debit card” cho chủ tiệm rồi thì đương nhiên là rất khó để đòi lại khi không hài lòng với các món hàng).
Một ích lợi to lớn mà nhiều người vẫn còn chưa rõ là khách hàng không phải lo sợ mất mát ngay cả khi thẻ tín dụng của mình bị thất lạc hay đánh cắp. Bởi vì cho dù kẻ gian có dùng thẻ của mình để tiêu xài, khách hàng cũng không phải chịu trách nhiệm cho những món tiền này.
Theo luật của chính phủ tại Hoa Kỳ quy định, cũng tương tự như tại Gia Nã Đại, khách hàng khi bị mất thẻ tín dụng chỉ có thể chịu trách nhiệm tối đa là 50 Mỹ-kim cho dù kẻ gian có dùng thẻ để mua hàng hoá lên đến cả ngàn đồng. Tuy nhiên, các nhà băng còn tiến xa hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng bằng cách không buộc khách hàng phải trả một đồng nào nếu như thẻ của mình bị đánh cắp và kẻ gian sử dụng để mua hàng hoá, thường được gọi là “zero liability policy”.
Cách thức báo cáo khi gặp trở ngại
Có 4 trường hợp chính khách hàng cần gọi ngân hàng để báo cáo khi gặp trở ngại để nhờ giúp đỡ: 1) thẻ bị cướp hoặc thất lạc; 2) thẻ bị chủ tiệm tính tiền sai (nhiều hơn số tiền mình đồng ý); 3) thẻ bị kẻ gian xài để mua hàng (fraud); 4) thẻ bị tính những khoản tiền khách hàng không đồng ý mua (unauthorized transactions).
Trong những trường hợp xui xẻo đó, chúng ta chỉ cần tốn chút thời gian gọi cho nhà băng để báo cáo, và một hồ sơ khiếu nại, thường gọi là “claim”, sẽ được thiết lập để ghi rõ những món nào không phải do mình xài thì nhà băng sẽ điều tra và không bắt mình phải trả tiền. Đây là điều mà nhiều người Việt vẫn còn chưa hiểu rõ quyền lợi nên thường tỏ ra lo lắng thái quá mỗi khi bị mất thẻ tín dụng. Cho dù kẻ gian có thành công để mua hàng bằng thẻ đánh cắp, khách hàng bị mất thẻ sẽ không bị thiệt thòi mà trách nhiệm này sẽ do nhà băng đứng ra đảm nhận.
Không những vậy, phần lớn các nhà băng ở Mỹ ngày nay đều còn phục vụ khách hàng tối đa bằng cách cho thêm người thông dịch để nói chuyện với khách hàng bằng bất cứ ngôn ngữ nào, và giờ giấc để cho khách hàng gọi báo cáo được coi như là lúc nào cũng mở cửa suốt ngày và suốt tuần, thường gọi là 24/7.
Trong trường hợp đầu thẻ bị mất hoặc cướp giật, hồ sơ giải quyết cũng rất đơn giản. Sau khi kiểm tra đúng lý lịch, nhân viên ngân hàng sẽ hỏi một vài vụ trả tiền mới nhất để khách hàng xác nhận xem có phải của mình đã đồng ý mua hay không, sau đó sẽ đóng thẻ này lại và gửi về cho khách hàng một thẻ mới với số mới rất an toàn, khiến kẻ gian không thẻ nào lấy tiền được.
Trong trường hợp thứ hai khi có tranh chấp về giá tiền, được gọi là “dispute”, chẳng hạn như mình đồng ý mua với giá $50 nhưng chủ tiệm tính giá $500, nhân viên ngân hàng sẽ hỏi hoặc hướng dẫn khách hàng là cần gọi thẳng cho cửa tiệm để giải quyết sự sai biệt này. Phần lớn các cửa hàng làm ăn lâu năm ở Hoa Kỳ đều giải quyết nhanh chóng các vụ tranh chấp này cho thoả đáng với khách hàng. Sau khi gọi cho cửa tiệm mà không được hài lòng (hoặc gọi hoài mà không ai trả lời), khách hàng có thể nhờ ngân hàng can thiệp và tạm thời ngưng lại khoản tiền này cho đến khi cửa tiệm phải giải quyết. Đến giai đoạn này, các cửa tiệm đều phải giải quyết hoặc chứng minh rõ ràng là số tiền họ tính là đúng.
Hai trường hợp thứ ba và thứ tư gần giống nhau, tức là khách hàng không hề biết hoặc không đồng ý các món tiền đã bị tính vào trương mục của mình. Trong trường hợp “fraud”, kẻ gian đã đánh cắp được thông tin (dù thẻ của khách hàng không hề bị cướp hoặc thất lạc) để mua hàng. Ngân hàng sẽ cúp thẻ, đồng thời cũng ngưng trả các món tiền này, và còn đòi lại các khoản tiền đã tính từ tháng trước để trả lại cho khách hàng. Trong trường hợp sau cùng, thường là khi khách hàng bị “dụ” mua thử lần đầu (free trial) một vài món hàng hay dịch vụ nào đó với giá rẻ, với điều kiện là sau đó phải cho biết là không muốn tiếp tục nữa, bằng không thì cửa tiệm này sẽ tự động tính tiền cho những tháng kế tiếp với khoản tiền cao hơn số tiền của lúc thử đầu tiên.
Thông thường khách hàng khi thấy các loại quảng cáo dụ thử kiểu này không để ý đến chi tiết là sau lần thử đầu tiên thì phải gọi ngưng gửi hàng (cancel) cho những lần kế tiếp, để tránh gặp rắc rối sau đó. Tuy vậy, ngân hàng vẫn luôn tìm cách bảo vệ cho khách hàng của mình trong những trường hợp này.
Một lời khuyên sau cùng cho khách hàng khi gọi báo cáo sự việc với ngân hàng, là trước khi các nhân viên nhà băng giúp đỡ mình, họ sẽ kiểm tra lý lịch cho thật rõ để biết người đang nói chuyện trên đường dây đúng thật là khách hàng chủ nhân của các thẻ tín dụng. Vì thế nên tuyệt đối tránh nhờ người thân (vì họ biết tiếng Anh), vì chỉ cần nói chữ “Vietnamese” là họ sẽ có cách tìm người thông dịch để nói chuyện. Khi được hỏi tên tuổi, địa chỉ, số an sinh xã hội, họ của mẹ (maiden name), số điện thoại, email, User name khi dùng Online banking là gì v.v…, cứ việc trả lời và đọc tên theo kiểu tiếng Việt (cho dù có phải đánh vần từng chữ một), tự động họ có cách để kiểm chứng (vì họ đã có đầy đủ các thông tin đó rồi). Khi thấy các thông tin này đúng khớp với hồ sơ thì các nhân viên sẽ tự động mở ra được hồ sơ trương mục để giải quyết vấn đề.
Khách hàng người Việt yếu kém về Anh-ngữ thường mắc lỗi lầm này nên hay dùng con cháu giỏi ngoại ngữ hơn để nói dùm mình, và thường bị từ chối nên từ đó đâm ra bực mình, và cứ luôn miệng xác nhận mình là chủ nhân của thẻ tín dụng, và đòi hỏi nhà băng hãy đóng lại các thẻ bị cướp hay thất lạc v.v… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khi khách hàng không kiểm chứng được một số thông tin như email, Username v.v… (vì có thể do con cháu trong nhà đã set-up lúc đầu), nhân viên ngân hàng sẽ từ chối không trả lời tiếp và yêu cầu khách hàng ra tận nơi ngân hàng và đem theo giấy tờ căn cước (ID card) để nhờ giúp đỡ.
Tuấn Minh