Vị tân Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ

Mai Loan

Dù tình hình kinh tế Hoa Kỳ hiện nay được xem như là đang ở trong giai đoạn khả quan nhất về thị trường nhân dụng, với tỉ lệ thất nghiệp trên toàn quốc xuống ở mức rất thấp, nhưng có lẽ một thành phần nhỏ nhoi và đặc biệt đang nằm trong số những người hồi hộp và thấp thỏm lo sợ không biết lúc nào sẽ bị sa thải khá bất ngờ và đau đớn: đó là các ông bà tổng trưởng trong nội các của TT Trump cũng như những phụ tá cao cấp đang làm việc trong Toà Bạch Ốc.

Thật vậy, chỉ vài ngày sau khi ông Rex Tillerson bị đuổi việc một cách không kèn không trống qua một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter, một quyết định sa thải khá ê chề lần đầu tiên xảy ra cho một vị ngoại trưởng Mỹ, những nhân vật cao cấp còn ở lại trong chính quyền Mỹ hiện nay có lẽ không ai dám tin rằng mình có thể tiếp tục ngồi ở công việc của mình từ đây cho đến cuối năm 2018, nói gì đến hết nhiệm kỳ của TT Trump vào cuối năm 2020.

Vì thế nên lời trấn an của ông John Kelly, bộ trưởng Phủ Tổng Thống, rằng sẽ không có một sự thay đổi nhân sự to lớn nào như nhiều lời đồn đoán tràn lan sau đó đã không thể trấn an sự lo sợ của những người còn lại. Khách quan mà nói, ngay cả chính ông John Kelly có lúc cũng tưởng chừng như có thể bị đuổi việc bất ngờ do bởi TT Trump là một người có thói quen thích hành hạ những người dưới quyền mình bằng một câu ngắn ngủi: “You are fired!” (Anh bị loại rồi! về đi, không ai cần xài nữa đâu.)
Sự việc diễn ra rất đúng sau đó, vì chỉ vài ngày sau là đến lượt Trung tướng H.R. McMaster, cũng bị cách chức để nhường chỗ cho ông John Bolton trở thành nhân vật thứ 3 đảm nhiệm chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ dù rằng ông Trump chỉ mới lên cầm quyền hơn 14 tháng.

Chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, tuy không cần phải được sự chuẩn thuận của Thượng Viện theo Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định như với hầu hết các viên chức cao cấp trong chính quyền, vẫn được xem như là một trong những chức vụ cao cấp nhất. Bởi vì nhân vật này là người thay mặt tổng thống để phối hợp các viên chức cao cấp nhất của các bộ ngoại giao, quốc phòng, tài chính v.v… hầu vạch ra một chính sách chỉ đạo về mặt an ninh quốc phòng trên tất cả các hồ sơ quan trọng. Điều quan trọng hơn nữa là nhân vật này lại làm việc ngay bên trong Toà Bạch Ốc, và vì thế nên được coi như là nhân vật thân cận nhất và tiếp xúc thường xuyên với vị tổng thống.

Ông John Bolton thật ra không phải là một khuôn mặt xa lạ trên chính trường vì được xem như là một nhân vật bảo thủ quá khích, với khuynh hướng diều hâu cực đoan nên đã gây ra nhiều tranh cãi từ lâu dù rằng ông là một viên chức từng trải và kinh nghiệm sau khi đã phục vụ trong nhiều cơ quan khác nhau như các bộ tư pháp, bộ ngoại giao và cơ quan USAID. Chức vụ sau cùng của ông là Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. dưới thời TT Bush Con.
Sau khi bản tin về Tướng H.R. McMaster bị cách chức và thay thế bởi ông John Bolton, đa số các chuyên gia đều lên tiếng báo động về sự lựa chọn của TT Trump vì cho rằng điều này sẽ càng khiến cho Hoa Kỳ dễ đi vào con đường hiếu chiến trên mặt trận ngoại giao, nhất là sau khi ông Rex Tillerson bị cách chức ngoại trưởng và bị thay thế bởi ông Mike Pompeo, vốn cũng được xem như là một trong những người có khuynh hướng cứng rắn.

Để hiểu biết khá đầy đủ hơn về ông John Bolton, nhiều bài viết đã phân tích về tiểu sử và thành tích của ông trong nhiều thập niên qua. Trong một bài phân tích ngắn trên tờ nhật báo USA Today, nhà báo William Cummings đã tóm gọn một vài nét chính về chân dung của vị tân cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Có thể tạm mô tả mà không sợ sai lầm rằng ông Bolton là một chính trị gia hiếu chiến nhất trong số những người hiếu chiến trên chính trường nước Mỹ. Ông đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ luôn có cái quyền ra tay trước tiên để đánh phủ đầu và dẹp tan những mối hiểm nguy có thể xảy ra. Đây là một khái niệm khó lòng được chấp thuận trong bối cảnh toàn cầu hoá của tất cả các nước khác cùng hợp tác và làm ăn, và quan niệm dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề chỉ là biện pháp cuối cùng sau khi đã thử hết tất cả các giải pháp còn lại. Vì thế nên nhiều chuyên gia đã lo sợ rằng việc bổ nhiệm ông Bolton sẽ càng khuyến khích TT Trump lựa chọn con đường ngoại giao đầy khiêu khích do bởi bản năng của ông thích tấn công người khác để đạt được mục đích nhất thời, và từ đó có thể dẫn Hoa Kỳ dễ rơi vào những cuộc xung đột quân sự không cần thiết.

1. Ông Bolton luôn nghĩ rằng việc ra tay đánh phủ đầu lên Ba Tư (Iran) và Bắc Hàn là điều đúng nhất.
Trong một bài xã luận đăng trên tờ nhật báo The Wall Street Journal hồi tháng 2 vừa qua, ông Bolton đã đưa ra những luận điệu để biện minh về mặt pháp lý cho việc ra tay đánh phủ đầu trước tiên lên Bắc Hàn để ngăn chặn cái mà ông gọi là “mối hiểm hoạ cận kề” của chương trình phát triển hạch tâm của nước này.
Ông Bolton cũng chống đối mạnh mẽ thoả ước giới hạn phát triển hạch tâm của Ba Tư mà nước này đã ký kết với Hoa Kỳ và nhiều đồng minh khác gồm có Nga, Pháp, Đức, Anh và Liên Hiệp Âu Châu. Trả lời một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News, ông Bolton nói rằng Hoa Kỳ “không còn lựa chọn nào khác hơn” là dội bom nước này. Theo nhiều chuyên gia trong viện nghiên cứu bảo thủ The American Conservative thuật lại thì ông Bolton từ nhiều năm qua gần như lúc nào cũng bị ám ảnh với việc Hoa Kỳ phải ra tay tấn công quốc gia Hồi-giáo này.

2. Ông Bolton vẫn còn nghĩ rằng việc tấn công Iraq trước đây là quyết định rất đúng.
Trong thời gian cuối năm 2002 và đầu năm 2003, ông Bolton cũng như nhiều viên chức cao cấp trong chính quyền TT Bush Con theo khuynh hướng “tân bảo thủ” đều ủng hộ giải pháp chiến tranh vì tin rằng chế độ của Saddam Hussein đang tích tụ các loại vũ khí tàn sát quy mô. Họ cũng tin chắc rằng cuộc chiến này sẽ nhanh chóng đạt được chiến thắng và rồi sau đó người dân trong nước Iraq sẽ sẵn sàng hoan hô đoàn quân giải phóng của Hoa Kỳ sẽ lật đổ được chế độ độc tài trong nước.
Tất cả những luận điệu và dự phóng đầy lạc quan đó đều đã trở thành sai bét và Hoa Kỳ đã phải trả một cái giá quá đắt về nhân mạng và tiền bạc cho sự sai lầm và sa lầy tại vùng Trung Đông này, với hậu quả kéo dài đến ngày nay. Đa số người dân Mỹ cũng như các chính trị gia dù là theo Cộng Hoà hay Dân Chủ cũng đều chấp nhận đó là một sự sai lầm, kể cả chính cá nhân của TT Trump.
Nhưng chỉ riêng ông Bolton thì vẫn xem quyết định tấn công Iraq vào năm 2003 là một điều rất đúng, nhân khi trả lời một cuộc phỏng vấn trên tờ Washington Examiner hồi năm 2015. Ông chỉ chê trách các quyết định sau cuộc tấn công này mới là sai lầm, và theo ông thì cái sai lầm lớn nhất là quyết định vào năm 2011 khi quân đội Mỹ rút lui khỏi chiến trường Iraq.

3. Ông Bolton đã chống đối quyết định điều tra vụ xì-căng-đan Iran-Contra.
Dưới thời TT Ronald Reagan, ông Bolton đang làm phụ tá Tổng trưởng Tư pháp lúc xảy ra vụ tai tiếng lớn nhất về việc chính phủ Reagan qua mặt Quốc Hội để lén bán vũ khí cho Ba Tư (dù rằng Ba Tư đã bị Hoa Kỳ cấm vận về vũ khí và kinh tế) và dùng số tiền này để tài trợ cho phiến quân Contra để chống lại chế độ cầm quyền tại Nicaragua. Một cuộc điều tra bởi một công tố viên độc lập để tìm hiểu ngọn nguồn của vụ xì-căng-đan này đã bị ông Bolton chỉ trích là trái với hiến pháp vì chỉ có vị tổng thống mới có thầm quyền đó.
Ông Bolton cũng tìm cách đả phá cuộc điều tra của Ủy ban Ngoại giao dưới thời nghị sĩ John Kerry để tìm hiểu về việc buôn bán thuốc phiện và chuyển vận vũ khí trái phép của nhóm phiến quân Contra.
4. Ông Bolton là người luôn chỉ trích mạnh mẽ tổ chức Liên Hiệp Quốc

Khi TT Bush Con muốn bổ nhiệm ông Bolton làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (một quyết định mà sau này ông Bush tỏ ra hối tiếc), nhiều người đã nhắc đến thành tích của ông Bolton là một người luôn đả kích mạnh mẽ cơ quan này. Trong một bài diễn văn đọc hồi năm 1994 tại diễn đàn “Global Structures Convocation”, ông Bolton không ngần ngại bình luận rằng: “Văn phòng Thường trực của Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York đặt tại một toà cao ốc có 38 tầng lầu. Nếu như nó bị đánh sập đến 10 tầng lầu, thì điều này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sinh hoạt thường ngày còn lại. Đây là một trong những cơ quan liên lạc giữa các chính phủ làm việc thiếu hiệu năng nhất.”
Ông cũng không hề che đây sự coi thường cơ chế của tổ chức này khi kết luận: “Hoa Kỳ muốn Liên Hiệp Quốc làm việc khi nào nước Mỹ cần làm, và đó là điều phải xảy ra đúng như vậy, bởi vì đối với Hoa Kỳ, câu hỏi duy nhất là cái nào đem lại quyền lợi quốc gia cho mình. Mà nếu như quý vị khó chịu với điều này, thì tôi xin lỗi, đó chỉ là sự thật mà thôi.”

Phải chăng vì vậy mà trong một bài bình luận khác đăng trên tờ nhật báo Washington Post, bình luận gia nổi tiếng theo khuynh hướng bảo thủ là ông George Will đã không ngần ngại gọi ông John Bolton là “người Mỹ nguy hiểm số 2” chỉ vì ông thích lựa chọn giải pháp chiến tranh quân sự đối với các nước như Ba Tư và Bắc Hàn, chứ không phải chỉ đơn thuần là chiến tranh cấm vận kinh tế hay mậu dịch v.v. “Nhân vật nguy hiểm số 1” theo ông George Will, dĩ nhiên không ai khác hơn chính là TT Trump, bởi vì chỉ có ông mới là người có thẩm quyền để ra lệnh khiêu chiến, dù rằng cái quyết định đó có thể đến rất bất chợt và tuỳ hứng, không ai biết trước, tương tự như sự lo sợ của hơn một chục các phụ tá cao cấp và tổng trưởng trong nội các đã bị đuổi việc trong năm qua.

Mai Loan
Houston, TX 25 tháng 03/2018

Xem thêm

Nhận báo giá qua email