Vị thủ tướng mau nước mắt

Phan Hạnh

Là người di tản buồn tị nạn chính trị, vào cuối năm 1975, chúng tôi đặt chân đến Canada dưới thời thủ tướng Pierre Trudeau. Lúc đó, đứa con đầu lòng của thủ tướng là Justin Trudeau mới 4 tuổi. Và bây giờ, đứa con của thủ tướng thuở đó cũng đã trở thành thủ tướng; cả hai đều có sức thu hút quần chúng kỳ lạ khi bắt đầu tham gia chính truờng, tạo ra một làn sóng đam mê cuồng nhiệt và danh hiệu Trudeaumania.
Trudeau cha trí thức, thông thái, kỷ luật cứng rắn, quyết đoán, cương nghị, nghiêm khắc, sang trọng và sống nghiêng về lý trí. Trudeau con bình dân, mềm mỏng, dễ dãi và sống nghiêng về tình cảm do ảnh hưởng từ người mẹ có tính tình cùng lối sống phóng khoáng cởi mở hòa đồng với mọi người. Ông ăn nói dịu dàng, gương mặt sáng sủa và miệng thường nở một nụ cười tươi tắn. Một điểm đặc biệt nữa là ông rất giàu tình cảm, rất dễ xúc động và mau nước mắt. Mấy năm qua trên chính trường, khá nhiều dịp ông xúc động bày tỏ sự cảm thông với dân, thay mặt chính phủ xin lỗi cho những sai lầm lịch sử trong quá khứ, xem đó như là một phần trong công việc của mình.

Sự cởi mở thân tình, gần gũi, lắng nghe và cảm thông với quần chúng của Justin Trudeau là điều mà thủ tướng cha, Pierre Trudeau, không có. Pierre giấu kín cảm xúc, nghiêm khắc cứng cỏi và dạy con cũng nên như vậy. Nhưng mỗi người một cá tính khác nhau; điều cha ông dạy đối với ông là không hợp. Ông nói ông chịu ảnh hưởng của mẹ ông, một người từng khổ sở vì chứng bệnh xáo trộn tâm lý và phải luôn đối phó với những dằn vặt về tình cảm.

Justin Trudeau phải đối phó với tình trạng tâm lý thay đổi bất thường của mẹ ông, sự chia tay gây nhiều tai tiếng của cha mẹ, cái chết của đứa em trai tên Michel và nhất là cái chết của người cha vào năm 2000. Không cách gì ông có thể giữ vững tinh thần để khỏi rơi nước mắt trước những mất mát đau thương đó. Ông đã tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ từ đức tin, từ bạn bè, và từ các phương thức trị liệu.
Trên thực tế, thủ tướng Justin Trudeau là người có cá tính còn phức tạp hơn cha, sâu đậm hơn về cảm xúc, yếu lòng hơn trên nhiều phương diện, có sở thích bao quát nhiều lãnh vực hơn và có mối quan hệ rộng rãi phóng khoáng hơn với mọi giới trong xã hội.

Theo như sự ghi nhận của giới truyền thông, kể từ khi trở thành Thủ tướng Canada ngày 4-11- 2015 đến nay, Justin Trudeau đã khóc trước công chúng ít nhất là 7 lần. Điều đặc biệt này làm ông khác hẳn với những người tiền nhiệm của ông, Với ông, nước mắt rơi thật dễ dàng, thật tự nhiên và thật chân thành. Không một ai có thể nghi ngờ tính chân thực của những giọt nước mắt tự phát không hề tính toán đó.
Nước mắt của Thủ tướng Trudeau phù hợp với cá tính con người ông. Vào thời điểm mà chủ nghĩa nam tính độc hại còn là một trong các đề tài chúng ta thảo luận hàng ngày, Thủ tướng Trudeau vận động cho sự bình đẳng phái tính và bênh vực nữ quyền. Ông không ngại và cũng chẳng mặc cảm xấu hổ phải che đậy sự phơi bày cảm xúc của ông trước đám đông. Tính chất đàn ông của Trudeau là một loại nam tính khác và có vẻ như là một thứ thuốc giải độc hoàn hảo cho thời của chúng ta.

Tuy nhiên, ông cũng không hoàn toàn từ bỏ sự hiển thị truyền thống của nam tính, ông yêu thích môn thể thao quyền Anh. Công dân Canada vẫn mong muồn vị lãnh đạo chính trị của họ cứng rắn trong các quyết định điều hành đất nước; ông biết điều đó. Việc khóc lóc trước công chúng của ông tiếp tục bị nhiều người xem đó như là một sự mất kiểm soát cảm xúc bản thân, một dấu hiệu của sự mong manh yếu đuối. BBC, cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước gần đây đã đăng một bài quan điểm với tựa đề “Can you trust a leader who cries?”, bạn có thể tin tưởng một nhà lãnh đạo hay khóc không? Chắc người ta sẽ không nêu lên câu hỏi đó với một vị lãnh đạo phái nữ.

1. Khóc khi nhìn lại ảnh kỷ niệm 40 năm

Ngày 14-2-2013, trong dịp đến viếng thăm Trường Cao Đẳng Loyalist ở Bellville, Justin Trudeau (lúc bấy giờ đang tranh cử chức vụ thủ lãnh Đảng Tự Do) cảm động rơi lệ khi được một nhân viên Sở Cảnh Sát thành phố Bellville là Jeff Ling trao tặng bức ảnh cảnh một nhân viên Cơ Quan Cảnh Sát Hoàng Gia Canada (chính là cha của Jeff Ling 40 năm trước đó) đang đứng nghiêm chào Thủ tướng Pierre Trudeau, trên tay đang bế đứa con đầu lòng 2 tuổi là Justin Trudeau. Bức ảnh do phóng viên nhiếp ảnh Rod MacIvor của nhật báo Ottawa Citizen chụp năm 1973 trước tư dinh Thủ tướng, 24 Sussex Dr. Ottawa. Giống như một bức ảnh, những giọt nước mắt trên mặt của Justin Trudeau nói lên ngàn lời.

Nhìn tấm ảnh trắng đen cũ đã 40 năm, ông bật khóc. Cha ông đó, người trong bức hình, người cha tận tụy việc nước, buổi sáng hối hả rời tư dinh, tay cắp nách đứa con thơ là ông đó. Những giọt nước mắt thay cho bao hồi tưởng kỷ niệm suốt 40 năm dài.
Phóng viên nhiếp ảnh Rod MacIvor, tác giả bức ảnh, làm việc cho hãng tin UPI (United Press International) đã theo sát mọi sinh hoạt của thủ tướng Pierre Trudeau suốt 10 năm. Bức ảnh tựa PET, viết tắt của Pierre Elliott Trudeau, đã mang lại cho MacIvor Giải Thưởng Nhật Báo Quốc Gia (National Newspaper Award) và trở nên nổi tiếng.
Thật là thích hợp và ý nghĩa khi người cảnh sát RCMP và vị thủ tướng 40 năm trước chính là cha của người cảnh sát và cha của thủ tướng hiện giờ. Đó là lý do chính khiến cho Justin Trudeau cảm động nhất.
Giống cha, Thủ tướng Justin Trudeau cũng rất tự nhiên trước ống kính máy ảnh. Với 20 sinh viên của Trường Cao Đẳng Loyalist ở Bellville đang theo học môn phóng viên nhiếp ảnh vây quanh chụp hình, ông không tỏ ra bối rối. Khóc trước đám đông là một cái gì rất tự nhiên đối với ông. Sau đó, Thủ tướng ngõ lời xin lỗi toàn thể khán giả là ban giảng huấn và hơn 200 sinh viên của trường về việc ông đã không ngăn được xúc động trên sân khấu.

2. Khóc cho thương phế binh

Ngày 3-5-2016, tại phòng họp Royal York Hotel, Thủ tướng Justin Trudeau đưa tay chùi nước mắt khi ngồi nghe thuyết trình về chuyện đời thật của các thương phế binh và việc chuẩn bị tổ chức Vận Hội Tranh Tài Thể Thao Thương Phế Binh (Invictus Games) sẽ diễn ra năm 2017 tại Toronto. Người ngồi bên cạnh là Hoàng tử Harry.
Khi một số thương phế binh bước ra sân khấu kể lại họ đã để lại trên chiến trường một phần cơ thể của họ trong trường hợp nào và họ đã phấn đấu vượt qua cảnh ngộ và số phận để sống lạc quan ra sao, Thủ tướng Trudeau không dằn được cơn xúc động.
3. Khóc khi gặp lại người tị nạn Syria

Ngày 07-12-2016, Thủ tướng Justin Trudeau khóc trong một buổi gặp mặt tái ngộ một nhóm người tị nạn Syria để phản ánh về năm đầu tiên của chương trình tị nạn.
Trong nhóm người di dân đó là Vanig Garabedian, nguyên là một bác sĩ phụ sản khoa ở quê hương cũ Syria của ông. Tại nơi gặp gỡ là một nhà hàng ăn ở Toronto, Vanig Garabedian nhắc lại kỷ niệm cảm động mà ông không bao giờ quên là, ngày 10 tháng 12 năm trước, khi đặt chân xuống phi trường Toronto sau chuyến bay từ Beirut, Lebanon để tạo dựng cuộc đời mới, không ngờ gia đình ông được Thủ tướng Trudeau đích thân chào đón, bắt tay và tặng quà áo khoác mùa đông.
Bác sĩ Garabedian kể cho các ký giả nghe rằng hai tiếng Thủ tướng thốt ra khi chào đón nhóm người tị nạn Syria là “Welcome home” khiến cho ông vô cùng cảm động. Ông nói thật không thể tưởng tượng là ông phải rời bỏ quê hương Syria ngập tràn khói lửa chiến tranh để đến một xứ sở mới xa lạ và được chính thủ tướng của nước đó hoan nghênh bằng hai tiếng “Welcome home”, chào đón trở về nhà. Điều đó vô cùng ý nghĩa đối với bác sĩ Garabedian. Ông nói rằng Canada không những là quê hương mới an toàn cho gia đình ông mà còn là nơi ông cảm thấy có trách nhiệm hòa nhập và đem hết khả năng cố gắng góp công xây dựng. Lời bày tỏ chân tình thắm thiết đó đã khiến cho Thủ tướng xúc động phải rút khăn giấy trên bàn lau nước mắt.
Được biết chính phủ Đảng Tự Do của Thủ tướng Trudeau lãnh đạo cam kết nhận 25,000 người tị nạn Syria.
4. Khóc cho những người bị bệnh khủng hoảng tinh thần

Đầu năm 2017, trong một buổi thảo luận với một nhóm công chức về đề tài sức khoẻ tâm thần, thủ tướng Justin Trudeau đã thành thật và thẳng thắn kể cho cử tọa nghe kinh nghiệm bản thân; ông đã vật lộn đối phó với vấn đề đó với những nghịch cảnh của nó như thế nào. Và ông khóc. Ông kể là vợ ông, Sophie, đã từng khuyên ông thử tập yoga để giảm căng thẳng. Ông thử, nhưng không mấy hiệu quả. Ông nói có khi cuối một ngày dài làm việc bù đầu đầy khó khăn, ông cảm thấy bứt rứt bực bội như muốn phải được đấm ai đó mới hả cơn hành hạ trong tâm trí. Ông nói, thế là ông đi chơi môn đánh box. Ông được đấm người khác, nhưng đồng thời ông cũng bị người khác đấm lại và ông ăn đòn trên võ đài. Khán giả nghe không nhịn được cười. Ông có cách khéo nói làm cho công chúng lắng nghe và cảm mến.
5. Khóc cho người Hồi giáo bị sát hại vì kỳ thị

04-02-2017. Thủ tướng Justin Trudeau lau nước mắt trong tang lễ ba nạn nhân người Hồi giáo đã bị một tay súng thanh niên da trắng cực hữu cuồng tín bắn chết ngày Chủ nhật 02-02-2017 tại Trung tâm Văn hóa Hồi giáo, Thành phố Quebec.
Thủ tướng cùng hàng ngàn quan chức, lãnh đạo cộng đồng, và công dân đến Trung Tâm Hội Nghị Quebec City để dự lễ tưởng niệm tang lễ của ba trong số sáu nạn nhân bị giết tại nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Quebec. Ông cam kết chính phủ Canada luôn tôn trọng mọi tôn giáo và cộng đồng người Hồi giáo. Ông nói vụ bắn giết mang tính chất kỳ thị đó là bài học để mọi người nên dè dặt khi dùng những từ ngữ và tuyên bố cực đoan có thể gây xúc phạm. Chống lại bất công và kỳ thị là trách nhiệm chung của mọi người. Vụ án mạng chỉ làm cho Canada quyết tâm hơn trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ những giá trị căn bản quan trọng của Canada.
6. Khóc bạn là ca sĩ Gord Downie từ trần

Sáng ngày Thứ Tư 18 tháng 10 năm 2017 tại trụ sở quốc hội, trước khi đi vào buổi họp hàng tuần với nội các chính phủ, thủ tướng mở một cuộc họp báo ngắn với nhân viên truyền thông để thông báo về cái chết vừa xảy ra đêm trước của Gord Downie – ca sĩ chính của ban nhạc kích động The Tragically Hip rất nổi tiếng của Canada – một người bạn ông mến phục. Thủ tướng ca ngợi Downie là một người yêu đất nước Canada đã suốt đời phục vụ cho lợi ích của quê hương. Gord Downie qua đời ở tuổi 53 sau hai năm chống chọi với bệnh ung thư não.
Xúc động mạnh, thủ tướng để mặc cho nước mắt chảy khi nói chuyện trước ống kính. Ông nói Downie là bạn ông mà thật ra cũng là bạn của mọi người, và cái chết của Downie mà một sự mất mát rất lớn cho Canada. Thủ tướng nói: “Bạn Gord của chúng ta yêu quê hương còn hơn là chúng ta yêu. Gord yêu mọi ngỏ ngách ẩn khuất, mọi câu chuyện, mọi khía cạnh của đất nước này mà ông đã tán dương chúc tụng suốt cả cuộc đời ông.”
Gord Downie phục vụ những lý tưởng cao đẹp, khơi sự quan tâm của công chúng về vấn đề cư dân bản địa từng bị chính quyền đối xử bất công; điển hình là trường hợp của Chanie Wenjack, một học sinh đã chết khi cố gắng trốn ra khỏi trường nội trú cưỡng bách.
7. Khóc cho thổ dân Canada từng bị ngược đãi

Ngày 25-11-2017 tại Happy Valley-Goose Bay, Thủ tướng Justin Trudeau cảm động rơi lệ khi thay mặt cho chính phủ Canada ngõ lời xin lỗi các học sinh thổ dân tỉnh bang Newfoundland và Labrador đã từng bị cưỡng bức rời xa gia đình để theo học các trường đạo nội trú do lệnh bắt buộc của chính phủ.
Trong hơn một thế kỷ, từ năm 1884 đến năm 1996, có tổng cộng vào khoảng 150.000 trẻ em người bản xứ thổ dân Canada đã bị tách rời khỏi gia đình và buộc phải học tại các trường nội trú theo chương trình giáo dục do nhà nước thực hiện.
Thủ tướng nói ông xin lỗi tất cả cựu học sinh thổ dân các bộ tộc Innu, Inuit, và NunatuKavut ở Newfoundland và Labrador đã từng bị phân biệt đối xử, ngược đãi, lạm dụng và bỏ bê tại các trường nội trú.
Qua nước mắt, ông nói: “Bảo rằng chúng tôi xin lỗi hôm nay là chưa đủ. Điều đó không thể bù đắp được những tổn hại đã xảy ra cho các bạn. Nó sẽ không trả lại vốn liếng ngôn ngữ và truyền thống mà các bạn đã mất. Nó không thể xóa đi sự cô lập và tổn thương mà các bạn phải gánh chịu khi bị tách biệt với gia đình, cộng đồng và văn hoá của các bạn. Lời xin lỗi quá hạn này sẽ không làm mất những tác hại nhưng nó là một dấu hiệu cho thấy chúng tôi là một chính phủ và là một quốc gia chấp nhận trách nhiệm về những thất bại của chúng tôi. Sự đối xử với trẻ em bản xứ tại các trường nội trú là một trang đen tối và đáng xấu hổ trong lịch sử nước ta”. Chúng tôi chân thành xin lỗi các bạn.”
Theo cơ quan truyền thông nhà nước là BBC, hơn ba ngàn trẻ em thổ dân đã chết tại các trường nội trú; nhiều những học sinh khác bị lạm dụng thể xác, tình cảm hoặc tình dục. Theo báo cáo chuẩn mốc “Truth and Reconciliation” (Chân Lý và Hoà Giải) được công bố vào tháng 12 năm 2015, chính sách cưỡng bức giáo dục là một nỗ lực của chính phủ muốn làm suy yếu văn hoá bản địa, coi như là “nạn diệt chủng văn hóa”.
Một nạn nhân sống sót tên Toby Obed đã đứng ra thay mặt cho tất cả cựu học sinh chấp nhận lời xin lỗi.
8. Khóc cho người đồng tính bị ngược đãi

Tại trụ sở Quốc Hội ở Ottawa ngày 29-11-2017, trong bài phát biểu dài 20 phút, Thủ tướng Justin Trudeau nhiều lần dùng khăn giấy lau nước mắt ngõ lời xin lỗi những người đồng tính (LGBTQ) đã từng bị luật pháp và chính sách liên bang phân biệt đối xử trong suốt bốn thập niên dài.
Hành động phân biệt đối xử này bị các nạn nhân cho là “bi thảm”. Hàng trăm công chức, kể cả quân đội và cảnh sát, nguyên là người đồng tính đã trở thành mục tiêu kỳ thị vì khuynh hướng tình dục của họ từng bị xã hội cho là bất thường và ghét bỏ.
Phát biểu trong một bầu không khí trầm lắng ở Hạ viện, Thủ tướng Trudeau bày tỏ sự đáng tiếc về sự kỳ thị có hệ thống đáng lý không bao giờ nên xảy ra hoặc phải chấm dứt từ lâu.
Trudeau tuyên bố: “Công việc hàng đầu của bất kỳ chính phủ nào là phải gìn giữ cho công dân của họ được an toàn. Về điều này, chính phủ chúng ta đã thất bại, đã có lỗi với cộng đồng người đồng tính. Thật xấu hổ đau buồn và hối tiếc vì những điều chúng ta đã làm. Tôi đứng đây ngày hôm nay để nói là chúng tôi đã sai, chúng tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, chúng tôi xin lỗi tất cả cộng đồng người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính, chuyển giới. Chúng tôi xin lỗi; chúng tôi sẽ không bao giờ để điều này xảy ra nữa.”
Cùng với lời chính thức xin lỗi này, chính phủ cũng trích ra số tiền 145 triệu đồng để bồi thường cho những nạn nhân công chức người đồng tính bị các cơ quan chính phủ sa thải oan ức. Các đại diện người đồng tính có mặt hôm đó cũng đã khóc cho một trang sử đen tối đã khép lại.
9. Khóc cha mất
Nhưng, theo tôi nghĩ, hình ảnh Justin Trudeau khóc cảm động nhất là lúc ông gục đầu trên quan tài của người cha trong tang lễ của Thủ tướng Pierre Trudeau diễn ra ngày 3 tháng 10 năm 2000 ở Montreal.

03-10-2000, trong tang lễ diễn ra tại Nhà Thờ Đức Bà Notre-Dame Basilica Montreal, Justin Trudeau quì khóc nức nở trước quan tài của cha, cựu Pierre Elliott Trudeau, sau khi đọc một bài điếu văn cảm động khiến nhiều người tham dự rơi lệ.
Nguyên là một giáo viên dạy môn kịch nghệ và Pháp văn, đối với Justin Trudeau không khó khi soạn viết một bài điếu văn 935 chữ thật thắm thiết cô đọng bằng cả Anh và Pháp ngữ. Ông mở đầu bài điếu văn bằng cách dùng câu “Friends, Romans, countrymen” trong vở kịch Julius Caesar của William Shakespeare, là lời đầu mà vị tướng Mark Anthony thốt lên trong tang lễ của đại đế Julius Caesar.
Ông nhắc lại kỷ niệm lúc ông 6 tuổi được cha dắt đi theo trong một chuyến công du thăm viếng một căn cứ bí mật quân sự và khoa học Canada vùng gần Bắc Cực. Ông nói đó là dịp ông được gần cha ông nhiều nhất vì khi ở Ottawa, dường như lúc nào cha ông cũng bận rộn trong công việc.
Ông nói lúc đó ông mới cảm nhận được cha ông là một người có quyền lực như thế nào. Cái tên Pierre Elliott Trudeau truyền tải rất nhiều thứ cho rất nhiều người: chính trị gia, nhà trí thức, giáo sư đại học, luật sư, nhà báo, tác giả sách, thủ tướng. Nhưng trên hết, ông là một người cha. Justin nói: “Ông đã yêu thương các con bằng niềm đam mê và lòng hâm mộ suốt cuộc đời ông. Ông dạy anh em chúng tôi tự tin ở chính mình. Đứng lên cho chính mình. Hiểu biết mình và chấp nhận trách nhiệm với chính mình.”
Justin Trudeau kết thúc bài điếu văn với câu “Je t’aime, papa.” (Con thương cha, cha ơi) và gục đầu lên quan tài cha cho nước mắt tuôn rơi…
Phan Hạnh
Tháng 1/2018

Xem thêm

Nhận báo giá qua email