Vị thủ tướng thích chó

Phan Hạnh

Bạn móc bóp lôi tờ giấy bạc năm chục đô Canada ra ngắm nghía xem, bạn sẽ thấy hình vị thủ tướng yêu thích chó và thích cầu cơ để nói chuyện với người khuất mặt. Vâng, đó chính là William Lyon MacKenzie King (1874-1950), ông thủ tướng Canada thứ mười, nắm quyền lâu nhất (22 năm), một người cả đời sống độc thân, tin ở thế giới vô hình và rất yêu thương chó. Người ta thường bảo chó là bạn tốt nhất của người. Với trường hợp của thủ tướng Mackenzie King, lời nói đó quá đúng luôn vì quả thật suốt cuộc đời, ông sống độc thân, ít anh em, ít bạn bè, không thích giao du và chỉ có mấy con chó làm bầu bạn, có khi còn làm cố vấn cho ông nữa.
Trong một bài phát biểu chân thành cảm động của ông được Hiệp hội Các Đài Phát Thanh Canada thu âm giữ lại vào năm 1944, ông Mackenzie King mô tả cách thức “người bạn nhỏ Pat” (ông luôn xem con chó tên Pat như là một người bạn) của ông dạy ông về lòng trung thành và danh dự như sau: “Nếu tôi đã từng quyết định đúng trong một số mục tiêu quan trọng mà tôi theo đuổi thì đó là nhờ sự giúp đỡ bằng nhiều cách của người bạn nhỏ của tôi.” Để kỷ niệm tròn 25 năm ông làm thủ lãnh Đảng Tự Do, Hiệp Hội nói trên đã tặng thủ tướng một bức tượng bằng đồng hình ông với con chó. Ông đã vô cùng xúc động bởi cử chỉ này.

Ông chỉ thích giống chó Irish Terrier (người Việt gọi nó là chó sục, nghĩa là sục sạo hay lục lạo, hoặc chó đào đất, do gốc La Tinh terra nghĩa là đất), một giống chó mà theo tôi nghĩ, hình dạng nó không đẹp, nhưng ông King miêu tả nó một cách âu yếm là “đỏ, dẻo dai và hình chữ nhật”. Bạn cứ nghĩ đi, một con chó hình chữ nhật! Người ta bảo “xấu đẹp tùy người đối diện” quả không sai! Mấy con chó hình chữ nhật này hiện diện trong suốt cuộc đời ông và ảnh hưởng đến tâm hồn ông nữa đó.

Có ba con chó Irish Terrier mà ông đều đặt tên là Pat vì chúng do đôi vợ chồng Godfroy và Joan Patterson trong nhóm bạn thân ít ỏi của ông tặng. Vợ chồng Patterson tặng ông con chó con Irish terrier đầu tiên vào tháng 7 năm 1924lúc con chómới sáu tháng. Ông cưng nó lắm, chia sẻ với nó phần ăn nhẹ buổi tối của ông gồm bánh quy yến mạch và Ovaltine. Ông nói chuyện với nó, đọc sách cho nó nghe, tóm lại xem nó như là một thành viên trong gia đình ông. Pat nhanh chóng trở thành bạn đồng hành thân nhất của ông.
Ngay cả có khi ông nghĩ con Pat là sứ giảcủa mẹông mang lại cho ông thông điệp của thương yêu vìông vô cùng yêu mẹ. Với ông, mẹông là người phụ nữ toàn hảo nhất trên cõi đời mà trọn đời ông thương yêu, tôn kính và sùng bái. Không tìm được người phụ nữ toàn hảo nào khác như mẹông để cưới làm vợnên ông sống độc thân suốt đời chăng?Mừng sinh nhật thứ 74 của mẹ năm 1916 một năm trước khi mẹ qua đời, lúc đó tuy đã 42 tuổi nhưng ông vẫn ôm hôn mẹ 74 chiếc hôn. Khi con Pat liếm mặt ông, ông chợt tưởng nhớ đến mẹ và xem đó như thể là cái hôn trìu mến của mẹ từ bên kia thế giới gởi cho ông.

Mọi chuyện xảy ra với con chó Pat thứ nhất và những cuộc phiêu lưu của nó trong suốt 17 năm của cuộc đời nóđều được MacKenzie King ghi lại đầy đủtrong nhật ký, một phần của bộ nhật ký đồ sộ khoảng 30 ngàn trang giấy với 7.5 triệu chữ màông khởi sự ghi chép từ tuổi thiếu niên cho đến trước khi chết.

Trong suốt cuộc đời của con Pat, Mackenzie King hầu như lúc nào cũng nhắc tới nó. Chẳng hạn trang nhật ký viết ngày 7 tháng 7 năm 1939, ông ghi lại một cách thành khẩn và tôn kính về cuộc đi dạo chơi tuyệt vời của ông với con Pat vào ngày hôm đó. Ông xem nó như người bạn tốt nhất, ca ngợi nó như là “một thiên thần nhỏ bé do thượng đế ban cho qua hình ảnh một con chó, vị cứu tinh bé nhỏ của tôi” (a God-sent little angel in the guise of a dog, my dear little saviour).

Năm 1940, con Pat đã sống với ông được 16 năm vàđang vướng nhiều đau bịnh. Ông phải đình chỉ một buổi họp nội các chiến tranh đểở bên con chó và cầu chúc nó an lành trong vòng tay Thiên Chúa. Ông tin chó cũng có linh hồn, cósự hiện hữu của thế giới bên kia, vàông tìm cách chuyện trò với con chó cưng đã chết.

Ông cũng viết trong nhật ký rằng khi một người lẻ loi xa cách trong quan hệ với đồng bạn thì sẽ nhanh chóng nhận ra sự trung thành của con chó, sẽ thấy nó là con vật hoàn hảo vì điều duy nhất nó đòi hỏi là luôn được ở gần chủ, chia sẻ sự đồng cảm với chủ, và thuần túy tin tưởng chủ.”

Nhà báo Bruce Hutchison có viết một bài khá dài về con chó Pat mà ông gọi là “the beloved political pet” (con vật cảnh chính trị yêu quý) đăng trên báo Victoria Times. Hutchison cho rằng Pat là một hình ảnh quen thuộc ở Ottawa, quen thuộc còn hơn là nhiều chính trị giachỉ thíchâm thầm sau hậu trường. Con chó Pat nổi tiếng vì nó là“đệ nhất khuyển”, con chó của thủ tướng. Bốn ngày trước lễ khánh thành Lord Elgin Hotel, khách sạn sang trọng bậc nhất ở thủđô, “đệ nhất khuyển” Pat chết già vào ngày 15 tháng 7 năm 1941. Thủ tướng nhận được không biết bao nhiêu là cú gọi điện thoại, điện tín và thư viết tay chia buồn từ khắp nơi. Sự ra đi của “đệ nhất khuyển” Pat thậm chí còn được tường thuật tin tức trên trang nhất các báo ở Ottawa, nơi mà người bạn nhỏ đáng yêu của thủ tướng là một cảnh tượng quen thuộc.
Bốn ngày sau, thủ tướng tham dự buổi lễ quan trọng khánh thành Lord Elgin Hotel với gương mặt buồn rầu ảm đạm vìngay trước khi đến dự lễ, ông đã ghé thăm mộ của con Pat vàvẫn chưa nguôi niềm thương tiếc con chó cưng của ông. Hôm đóông mặc áo nỉ sậm màu, thắt ca-vát đen để tỏ lòng thành kính, ve áo giắtđóa hoa màu tím tươi nhất màông ngắt từ bó hoa đặt trên mộ con chó. Đối với ông – theo như lời ông ghi trong nhật ký – những đóa hoa nói lên ý nghĩa cuộc đời tái sinh, niềm vui của đời sống bất tận và là sự bày tỏ cảm xúc thực sự từ trái tim của ông đối với con chó Pat.

Mackenzie King tin những con chó của ông có linh hồn đặc biệt; ông cho đó là những thiên thần phò trợ cho ông. Ông nói bằng cách “đọc” các phản ứng của chúng, ông có thể lựa chọn đúng nhiều quyết định quan trọng.
Nhà báo Hutchison mô tả Pat như một thực thể hiện hữu ở Laurier House, tư dinh thủ tướng, rằng Laurier House sẽ là một nơi càng im lìm trống vắng hơn khi không có sự hiện diện của Pat nữa.
Ngay sau cái chết của Pat thứ nhất vào năm 1941, vợ chồng Patterson mang tặng cho Mackenzie King một con Irish terrier khác để thay thế là con Pat II để nó làm bạn đồng hành mới. Pat II qua đời vào năm 1947, và cũng được chôn tại Kingsmere Estate trong Công Viên Gartineau cạnh thủ đô Ottawa. Thủ tướng Mackenzie King đã nhận con chó thứ ba là Pat III năm 1948 khi ông đang chuẩn bị giã từ sân khấu chính trị để nghỉ hưu ở tuổi 73. Pat III là bạn đồng hành của ông cho đến khi ông qua đời năm 1950 vì bịnh sưng phổi. Sau đó, Pat III được giao cho bạn bè của ông.

MacKenzie King là người hăng say với công việc, mỗi ngày bỏ ra rất nhiều thì giờ để làm việc tận tụy. Điều này khiến tôi liên tưởng đến tổng thống Ngô Đình Diệm của chính thể Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, người từng tuyên bố “Tôi không phải là thần thánh, tôi chỉ là một người bình thường, tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.”
Mackenzie King không thích tham dự các sự kiện xã hội, đám đông, dạ tiệc. Ông cho đó như là một sự lãng phí thì giờ. Ông nói thà ông dành lúc buổi tối để ngồi nghĩ chuyện nước non một mình, vừa nhâm nhi tách Ovaltine nóng ấm bên ngọn lửa lung linh từ lò sưởi với con Pat nằm bên cạnh dưới chân ông. Với ông, văn phòng thủ tướng trên đồi Quốc hội làm sao ấm cúng bằng ở tư dinh Laurier House của thủ tướng, ngày nay trở thành một di tích lịch sử quốc gia.
Về việc ông không cảm thấy thoải mái tự nhiên trước đám đông, sử gia Michael Bliss có nhận định qua một quyển sách về con người của thủ tướng Mackenzie King, ông Bliss cho rằng “Điểm yếu lớn nhất của Mackenzie King là ông không có khả năng viết hay thuyết trình trôi chảy trước công chúng. Ông thiếu tài hùng biện, thiếu một nhân cách thu hút quần chúng. Ông dễ hồi hộp và lúng túng khi phải đưa ra một bài phát biểu chính thức hoặc cuộc tranh luận trong quốc hội.” Vậy mà ông làm thủ tướng lâu nhất, là một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất đãtạo và để lại nhiều thành quả cho nước cho dân.Sử gia Margaret MacMillan đã so sánh tài quản trị đất nước của Mackenzie King như thủ tướng Đức PhổOtto von Bismarck và xem ông là một thiên tài chính trị. Bismarck dựng nước và Mackenzie King giữ nước, duy trì sự hợp tác bền vững của dân Canada gốc Anh và gốc Pháp.

Ông vượt qua được những khó khăn trong thập niên 1920, cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới, thế chiến thứ hai. Ông là một chính trị gia với bề ngoàikhô khan nhưng bề trong thâm trầm sâu sắc vàđặc biệt quan tâm đến sự an sinh của công dân. Ông có công trong việc phát triển thủ đô Ottawa, biến nó thành một thành phố trật tự và xinh đẹp hơn cho xứng đáng với tầm vóc của một thủ đô quốc gia. Ông có công thiết lập các chính sách bảo đảm quyền lợi của người dân: quỹ hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, phụ cấp gia đình. Vàông là người bổ nhiệm một phụ nữ đầu tiên vào thượng nghị viện. Ông từng được bình chọn là vị thủ tướng Canada được mến mộ nhất nữa.
Sự thành công của ông một phần cũng nhờ thuởđó chưa có các phương tiện truyền thông tân tiến như bây giờ. Nếu không, ông cũng sẽ bịhàng ngũ dư luận viên báo chísoi mói bới tung lên mọi ngõ ngách đời tưvà sẽ khó mà sống nổi. Thế nào họ cũng đả kích niềm tin vào bói toán cầu cơ gọi hồn của ông và dị nghị vềsựyêu thích chó quá mức của ông. Người ta biết tất cả những điều thầm kín bí mật của ông cũng là nhờđọc được những quyển nhật ký màông dặn trong di chúc là phải đốt đi. Không ngờ người ta đọc thấy ly kỳ hấp dẫn quá, đốt chi cho uổng và còn in thành sách để phổ biến cho đại chúng đọc nữa.
Thế là sự hiện diện liên tục của con Pat ở bên cạnh ông đương nhiên đóng góp sự tham gia của nó trong quá trình điều hành đất nước Canada một cách vững chắc trong cả các giai đoạn nguy cấp và tình thế khó khăn của đất nước. Có một điều nghe hơi khó tin nhưng là sự thật: ông thủ tướng của chúng ta đôi khi nhìn cái cách ngoắc đuôi của con chó mà đưa ra quyết định đúng trong các chính sách của chính phủ. Đây là một hình thức bói có hiệu nghiệm đối với ông.

Vào giữa cuộc tranh đấu gay go trong kỳ bầu cử liên bang năm 1925, Mackenzie King và Đảng Tự Do của ông đang gặp rắc rối. Chiến dịch tranh cử của ông với sự kiên trì ngân sách không thuận lòng với cử tri; chính phủ đa số của ông có nguy cơ bị giảm xuống thành thiểu số. Trong một buổi xế chiều dừng chân tại thành phố Kingston, Ontario, ông kín đáo ghé tham vấn ý kiến một cô đồng tên là Rachel Bleaney, người mà ông tin cậy nhất. Ông không bao giờ nói với cô đồng rằng ông là thủ tướng, và ngay cả giới phóng viên săn tin cũng không biết. Kết quả cuộc bầu cử, Mackenzie King mất ghế trong quốc hội; Đảng Tự Do của ông thua. Đảng Bảo Thủ do Arthur Meighen cầm đầu giành được 116 ghế, đánh bại Đảng Tự Do 101 ghế. Sự kiện này đưa đến cuộc khủng hoảng hiến pháp King-Byng sôi nổi một thời.
Trong lúc theo đuổi cuộc đời chính trị chăm chỉ miệt mài, MacKenzie King mang hình ảnh một con người trầm tĩnh điềm đạm trước công chúng. Trong cuộc sống riêng tư, ông rất kín đáo, lặng lẽ, nặng về tâm linh. Người dân Canada ít ai biết hoặc không hề biết có những lần ông phải nhờ qua các đồng bóng, nhà ngoại cảm, các buổi cầu cơ gọi hồn, đọc lá chè để nói chuyện với các linh hồn của những người khuất mặt mà ông mến mộ, chẳng hạn như thiên tài toàn năng người Ý Leonardo da Vinci, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, thủ tướng Wilfrid Laurier, mẹ ông, và cả con chó Pat đầu tiên đã qua đời vào ngày 15 tháng 7 năm 1941 và được chôn gần các di tích trong dinh cơ Kingsmere của thủ tướng.

Việc ông sở hữu và thường xuyên sử dụng cả bảng cầu cơ và quả cầu pha lê được đề cập trong một bài viết đăng trên tạp chí Time vào năm 1953, ba năm sau khi ông mất. Tiết lộ này gây sốc cho cả nước. Những tin đồn rầm rộ lan truyền về những điều kỳ quặc của ông MacKenzie King chỉ đúng sự thật một phần nhỏ, đa số còn lại là tin thất thiệt, là “fake news” như chữ tổng thống Donald Trump hay dùng.

Vì ông quá yêu thương con chó, người ta dựa vào lý do đó mà đồn thổi sai sự thật rằng sau khi con Pat đầu tiên chết, ông MacKenzie King thuê chuyên viên nhồi xác (taxidermist) để giữ lại hình hài con chó Pat mãi mãi bên cạnh ông. Nhưng nhật ký chi tiết của ông là bằng chứng rõ ràng nhất. Tuy ông để di chúc yêu cầu đốt nhật ký sau khi ông chết, các thân nhân hậu duệ nhận thấy đó là một nguồn tài liệu lịch sử giá trị nên giữ lại. Nhật ký hàng ngàn trang giấy của ông được xuất bản sau khi ông qua đời tiết lộ rằng ông từng gọi hồn con chó Pat bằng các phiên lên đồng để tham vấn về chính sách đối ngoại, về việc ban lệnh nhập ngũ và về quyết định ông có nên tiếp tục ra ứng cử chức vụ Lãnh đạo Đảng Tự do hay không.

Con Pat thứ nhất mất vì bệnh già ngày 15 tháng 7 năm 1941. Ám ảnh bởi cái chết và thế giới bên kia, ông MacKenzie King thường bày tỏ ước muốn rằng sau khi ông chết đi, ông vẫn có thể liên lạc với người sống, giống như ông hy vọng được đoàn tụ mãi mãi trong thế giới tâm linh với ba con chó của ông như lời ông ghi trong nhật ký đêm cuối năm, 31 tháng 12 năm 1941: “Đêm nay ngồi ôn lại mọi chuyện, biến cố làm cho tôi xúc động sâu xa hơn cả có lẽ là cái chết của con Pat. Những năm dài chúng tôi có nhau, đặc biệt là những tháng đầu xuân sang hè đúng là một cuộc hành hương tâm linh khó quên. Người bạn nhỏ đã dạy tôi cách sống và cách làm thế nào để nhìn về tương lai mà khỏi bận tâm cho đến khi thả mình vào vòng tay của cái chết. Chúng ta sẽ đoàn tụ nơi cõi khác, tôi tin chắc điều đó.”

Tôi cũng mong cho ông được toại nguyện, mặc dù ba con chó Pat của ông chôn ởOttawa, còn mộông thì chôn trong nghĩa trang Mount Pleasant Toronto, nơi mà vào năm 2000 đãđược chính quyền công nhận là một địa điểm lịch sử quốc gia của Canada. Vài năm trước tình cờ vào nghĩa trang này chụp cảnh mùa thu, chúng tôi thấy ai đó đặt trên mộông ba đồng xu; tôi đoán hay là họ muốn gieo quẻ chăng?
Phan Hạnh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email