VIẾT LẠI CHUYỆN NGÀY XUÂN

LTS: Bài này, Nguyễn Ngọc Ngạn viết năm 1990, tức là đã 28 năm, được in trong tập truyện “Trong Sân Trường Ngày Ấy” do Xuân Thu xuất bản tại Hoa Kỳ. Thời điểm ấy, tất nhiên tài liệu sách báo chưa có nhiều như bây giờ, nhất là chưa có nguồn cung cấp phong phú từ internet. Nhưng với sự cố gắng tối đa, tác giả đã cho chúng ta cái nhìn tương đối xác thực về diễn tiến tình hình chính trị miền Nam, đưa dần đến biến cố Mậu Thân 1968.
Thời Báo hân hạnh gởi đến quý độc giả nguyên bản năm 1990, với sự đồng ý của tác giả là “không bổ túc thêm tài liệu”.

Nguyễn Ngọc Ngạn
Hơn hai mươi năm sau biến cố Mậu Thân, cuộc tổng tấn công của Việt Cộng nổ ra trong đêm mùng một Tết Nguyên Đán 1968, vẫn còn là một dấu tích thật lớn trong lòng mọi người miền Nam, bởi nó không những là một vết đậm lịch sử quá gần gũi xét về thời gian, mà hơn thế nữa, là một biến động mà dường như mọi người trong chúng ta đều dự phần, cách này hay cách khác. Bằng những tài liệu thu thập được từ cả hai phía, chúng tôi xin lược thuật dưới đây vài trận đánh tiêu biểu nhất diễn ra ngay tại thủ đô Sài Gòn để độc giả hải ngoại tìm về khung cảnh cũ trong giây lát.
Khi khai thác tài liệu sách báo, đặc biệt là từ phía địch, dĩ nhiên chúng tôi tự đặt cho mình một nguyên tắc rất dè dặt, bởi không phải chi tiết nào cũng khả tín. Nguyên tắc này cũng áp dụng với tài liệu từ phía Hoa Kỳ nhưng được viết ra bởi các tác giả phản chiến cố tình đưa độc giả vào quỹ đạo sai lạc của họ. Tuy vậy, đối với tài liệu địch, chúng tôi hết sức chú ý đến yếu tính thời gian, bởi biết rõ rằng: Tài liệu viết ra trong lúc cuộc chiến còn đang tiếp diễn, nhu cầu tuyên truyền đang là một mặt trận lớn, thì những gì địch đưa ra, dĩ nhiên chúng ta khó có thể tin được. Ngày nay, cuộc chiến đã xong, nhu cầu tuyên truyền không còn cần thiết nữa – vả lại những bí mật của thời chiến tự nó cũng dần dà phơi ra ánh sáng, thì những tài liệu của địch tiết lộ gần đây có thể có mức độ khả tín cao hơn ngày trước. Tôi xin nêu một dẫn chứng: Sau đêm mùng một Tết Mậu Thân, tờ The Vietnam Courier, cơ quan tuyên truyền bằng Anh Ngữ của Việt Cộng đưa tin: “Các chiến sĩ biệt động ta đã tấn công và chiếm giữ tòa Đại Sứ Mỹ suốt hai ngày đêm rồi lặng lẽ rút lui.”
Nhưng cũng bản tin ấy, cuốn “Mậu Thân Sài Gòn” xuất bản năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, địch sửa lại: “Các chiến sĩ biệt động ta đã đánh chiếm tòa Đại Sứ Mỹ từ lúc 2 giờ 45 sáng mùng hai Tết và làm chủ tình hình đến 9 giờ sáng.” Nghĩa là khoảng sáu tiếng đồng hồ thay vì hai ngày đêm như chúng tuyên truyền hai mươi năm trước.
Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh điểm này để xin lưu ý độc giả về việc phán đoán tài liệu mà chúng tôi sẽ trích dẫn khá nhiều trong bài tường thuật dưới đây. Và để giữ tính cách khách quan, mọi chi tiết về danh tánh, diễn tiến câu chuyện đều sẽ được giữ nguyên, không sửa đổi, không hư cấu. Xin mời bạn đọc theo dõi, khởi sự từ bối cảnh chính trị của Sài Gòn những năm trước 1967.
Sau hiệp định Genève, Hồ Chí Minh cho một số cán bộ tập kết ra Bắc và gài lại một số khá lớn tại miền Nam, đứng đầu chỉ đạo là Lê Duẩn, Bí Thư Xứ ủy Nam Bộ. Trong hai năm đầu, Lê Duẩn vẫn hy vọng là sẽ có tổng tuyển cử thống nhất Bắc Nam, cho nên một mặt, y tiến hành vận động quần chúng nông thôn, một mặt đẩy mạnh việc thành lập các phong trào tại đô thị, chú ý nhiều đến các tầng lớp công nhân, thanh niên và sinh viên học sinh. Bước đầu là dựng lên Khu Ủy Sài Gòn, trong đó có Ban Cán sự đặc trách sinh viên học sinh do Hồ Hảo Hớn, bí danh Hai Nghị lãnh đạo. Hồ Hảo Hớn là giáo viên tư thục, dạy trường Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, thường gọi là “Giáo Chiếu,” có giấy tờ hợp lệ nên rất dễ dàng vận động đồng nghiệp và học sinh. Hai Nghị lập ra “Nghiệp Đoàn Giáo Học Tư Thục,” qui tụ một số giáo viên nằm vùng hoặc có tư tưởng thiên Cộng để hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn. Chúng dụ dỗ được một số học sinh theo chúng tại các trường Huỳnh Khương Ninh, Nam Việt, Việt Nam Học Đường và Kiến Thiết. Về sau lan sang các trường Văn Lang, Nguyễn Văn Khuê, Gia Long, Đạt Đức v.v… Khi có phong trào hiệu đoàn, chúng thường gài người vào nắm giữ các chức vụ trong ban đại diện ở mỗi trường để dễ bề hoạt động công khai. Năm 1956, miền Nam khước từ tổng tuyển cử vì hai lý do. Thứ nhất, hiệp định Genève không do chính quyền Quốc Gia miền Nam ký kết, mà chỉ là một thỏa ước giữa Pháp và Việt Minh nhằm chia đôi đất nước. Thứ hai, quốc tế không thể bảo đảm cuộc bầu cử sẽ hoàn toàn tự do, bởi Cộng Sản chiếm giữ miền Bắc, dân số đông hơn miền Nam lại có đủ mọi thủ đoạn sắt máu để bắt dân phải bầu cho phía chúng. Âm mưu thống nhất hai miền bị thất bại, Lê Duẩn đưa ra một bản “Đề cương về đường lối cách mạng miền Nam,” nhấn mạnh đến phương thức bạo lực mà y gọi là “không còn con đường nào khác.” Năm 1959, Trung Ương Đảng chỉ thị phát động chiến dịch Đồng Khởi, tuy không thắng lợi nhưng cũng gây được một chút chú ý trong quần chúng. Song song với sự khuấy phá tại nông thôn, chúng ráo riết gia tăng các hoạt động nội thành. Năm 1960, Sài Gòn và Gia Định kết hợp thành lập Khu Sài Gòn-Gia Định do Võ Văn Kiệt làm Bí Thư Khu Ủy. Ban Cán Sự Thanh Niên được đổi thành Ban Vận Động Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Giải Phóng do Trần Quang Cơ, bí danh Tám Lượng làm Bí Thư và Hồ Hảo Hớn, bí danh Hai Nghị làm Phó Bí Thư. Cuối năm đó, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời (20 tháng 12) và ba tuần lễ sau, Hội Liên Hiệp Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Giải Phóng thành hình (9 tháng 1 năm 1961), dụ dỗ một số thanh niên nhẹ dạ xung vào Đội Quyết Tử do Lê Hồng Tư, học sinh Văn Lang, cầm đầu. Để gây tiếng vang, bọn này tổ chức ám sát Đại Sứ Hoa Kỳ Nolting, nhưng trái lựu đạn nội hóa không nổ và Lê Hồng Tư bị bắt giam cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. (Hiện nay y làm thư ký Liên Hiệp Công Đoàn quận Tân Bình). Tháng 8 năm đó, Ban Cán Sự Thanh Niên tổ chức họp mật tại Đức Hòa, bị phát giác. Quân đội ta đột kích vào tận cơ sở của địch, bắn chết tại chỗ Bí Thư Trần Quang Cơ, tức Tám Lượng và bắt sống Lê Quang Vịnh. Vịnh là giáo sư Pétrus Ký, bỏ dạy học vào bưng theo Việt Cộng. Tại mật khu, Vịnh được chỉ thị viết bản báo cáo về tình hình phong trào thanh niên Sài Gòn để gửi ra Bắc nhân dịp Hội Nghị Sinh Viên Quốc Tế họp tại Hà Nội ngày 22 tháng 6 năm 1961. Viết chưa xong, Vịnh đã bị bắt và giam mãi đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới ra. Cộng Sản “lại quả” cho y chức Chủ Tịch Côn Đảo một thời gian. Mới đây, đầu năm 90, y cùng với đám miền Nam bất mãn như Hồ Hữu Nhật, Huỳnh Tấn Mẫm, thành lập Ban Liên Lạc Thanh Niên, thuộc hệ thống Câu Lạc Bộ Kháng Chiến. Nhờ cuốn hồi ký “Đường Đi” của Lê Quang Vịnh (nhà xuất bản Thanh Niên, 1984), chúng ta biết thêm được một vài dữ kiện quan trọng mà trước đây vẫn nằm trong nghi vấn. Chẳng hạn năm 1957, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt tại Ban Mê Thuột. Thủ phạm Hà Minh Trí bị bắt tại chỗ. Vào tù, y khai là đạo hữu Cao Đài. Chính phủ Ngô Đình Diệm vì sợ mang tiếng kỳ thị tôn giáo nên rất biệt đãi hắn trong tù, cho hưởng qui chế rộng rãi, ngày ngày có báo đọc. Chính Lê Quang Vịnh gặp hắn trong tù cũng không biết hắn là người cùng phe. Mãi sau 30 tháng 4 năm 1975, người ta mới thấy Hà Minh Trí mang quân hàm trung tá công an và hiện làm trưởng ty công an Tây Ninh. Vợ cũng là thiếu tá công an. Ở hải ngoại, nhiều người không theo dõi tài liệu trong nước, giờ này vẫn biết rằng: Năm 1957, Tổng Thống Diệm bị một dân vệ ám sát trong cuộc kinh lý!
Trở lại vụ đột kích xã Mỹ Hưng quận Đức Hòa tháng 8 năm 1961, sau khi Trần Quang Cơ tức Tám Lượng bị quân đội VNCH bắn chết tại chỗ, Hồ Hảo Hớn bí danh Hai Nghị lên thay chức Bí Thư cho đến tháng 10 năm 1967 thì Phan Chánh Tâm, bí danh Ba Vạn lại thay Hồ Hảo Hớn lãnh đạo thành đoàn. Trong dịp Mậu Thân, Ba Vạn không nhận được chỉ thị cụ thể của Khu Ủy, cho nên chẳng biết phải làm gì, chỉ sai đàn em đi rải truyền đơn tại xóm Bàn Cờ.
Từ khoảng 1961 đến Mậu Thân 1968, hoạt động nội thành của Việt Cộng gia tăng rất nhanh, nhất là từ sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nguyễn Thị Định viết trong hồi ký rằng: Năm 1959 là thời kỳ đen tối nhất của cách mạng miền Nam vì sự hoạt động hữu hiệu của công dân vụ và Ấp Chiến Lược. Nhưng từ sau 1963, Việt Cộng có nhiều thuận lợi lớn, nhờ những xáo trộn chính trị liên tục tại thủ đô. Chúng cài được người vào Nghiệp Đoàn Ký Giả, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử, Hội Phụ Nữ Phật Tử, Hội Họa Sĩ Trẻ, Nghiệp Đoàn Giáo Chức, Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ, Hội Bảo Vệ Phụ Nữ và nhiều đoàn thể khác, chưa kể những phong trào hoặc liên minh do chính chúng lập ra, hoạt động công khai hoặc bán công khai. Chúng dùng chiêu bài dân tộc để xúi giục chống Mỹ cứu nước. Đáng kể nhất là từ niên khóa 1966-1967 trở đi, chúng nắm được Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, biến số 4 đường Duy Tân làm sào huyệt hợp pháp của chúng. Niên khóa 1966-1967, Hồ Hữu Nhật làm Chủ Tịch Tổng Hội. Niên khóa kế tiếp do một cán bộ khác lên thay là Nguyễn Đăng Trừng, can dự trực tiếp vào biến cố Mậu Thân tại Sài Gòn. (Phó tiến sĩ Hồ Hữu Nhật hiện làm giám đốc công ty. Còn Trừng thì làm Phó thủ lãnh Luật Sư Đoàn Việt Cộng mới thành lập năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh).
Tính đến năm 1967, tại Sài Gòn, Thành Đoàn Việt Cộng đã tổ chức được ba lực lượng:
– Lực lượng võ trang: Hoạt động bí mật, chuyên ám sát khủng bố, đặt chất nổ, gây xáo trộn trong thành phố…
– Lực lượng võ trang tuyên truyền: Hoạt động bán công khai, len lỏi vào các trường học, nhà máy và các xóm lao động. Bọn này cũng đảm nhận nhiều công tác ám sát trong giới sinh viên.
– Lực lượng công khai: Gồm thanh niên sinh viên học sinh có giấy tờ hợp pháp, nắm giữ các hiệu đoàn, các ban đại diện, xuất bản báo chí, tổ chức ca nhạc và công tác chính là rải truyền đơn xách động, xúi giục biểu tình, bãi khóa, đình công…
Sau chính biến miền Trung, năm 1967 vẫn là năm hỗn loạn nhất về chính trị tại miền Nam, bởi năm đó có cuộc bầu cử tổng thống và thượng nghị viện vào ngày 3 tháng 9. Hơn mười liên danh ứng cử tổng thống đã làm rạn nứt tình đoàn kết quốc dân, được phía địch khai thác triệt để bằng chiêu bài “chống bầu cử gian lận.” Trong bối cảnh đó, Trung Ương Đảng chỉ thị Trung Ương Cục Miền Nam tiến hành cuộc Tổng Công Kích vào dịp Tết Mậu Thân. Ngày 25 tháng 10 năm 1967, chúng ban hành Nghị Quyết số 14, mệnh danh là “Nghị Quyết Quang Trung” hàm ý Việt Cộng sẽ chiến thắng và vào thành ăn Tết như Vua Quang Trung trong trận Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789. Âm mưu này được Tôn Thất Lập triển khai qua bản nhạc “Người Đợi Người” sáng tác ngay sau đó:
“Người đợi người trong ngày hội trùng tu
Người đợi vào Thăng Long một tối
Người đợi nghe nửa đêm hòa bình…”
Để thực hiện chiến dịch Tổng Công Kích, Việt Cộng bố trí tại ven đô 25 tiểu đoàn bộ binh sử dụng riêng cho Sài Gòn Gia Định, phối hợp cùng đặc công, biệt động và vũ trang tuyên truyền của Thành Đoàn. Nhiều đơn vị chính qui được điều từ miền Bắc vào, ngơ ngác không nắm rõ tình hình, nên khi lệnh ban hành vẫn cứ án binh bất động. Và ngay cả nhiều đơn vị địa phương cũng không tin là chúng sẽ nổi dậy vào lúc đó, Trần Bạch Đằng, trong bài “Nhật Ký Mậu Thân” viết năm 1988, kể lại rằng: Ngày mùng hai Tết, bộ tư lệnh mặt trận Sài Gòn của y di chuyển từ Long An xuống Bình Chánh, gặp tiểu đoàn Phú Lợi từ Hà Nam Ninh vô tăng viện. Vừa mệt vừa đói, cả tiểu đoàn nằm lăn ra nghỉ. Gã tiểu đoàn trưởng trình diện Trần Bạch Đằng và nói:
– Chúng tôi được lệnh đánh kho xăng Nhà Bè. Nhưng không biết kho xăng đó nằm ở đâu!
Trần Bạch Đằng ngao ngán giữ cả tiểu đoàn lại làm lực lượng bảo vệ cho bộ tư lệnh.
Cũng hôm đó, Trần Bạch Đằng gặp một tiểu đoàn địa phương Việt Cộng nằm chơi tại Bến Lức, mặc dầu cuộc Tổng Công Kích đã bắt đầu từ đêm hôm trước. Đằng tức quá, hỏi một cán bộ:
– Chính trị viên tiểu đoàn đâu?
Gã cán bộ thưa:
– Báo cáo, bữa nay Tiểu đoàn trưởng chúng tôi cưới vợ. Chính trị viên cùng toàn ban chỉ huy đi ăn cưới! Tất cả còn đang nhậu, chưa về!
Cũng cần nhắc lại, cuộc Tổng Công Kích toàn miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Phạm Hùng, Bí Thư Trung Ương Cục, thay thế Nguyễn Chí Thanh vừa bị ta giết chết. Dưới Phạm Hùng có Nguyễn Văn Linh và Hoàng Văn Thái, Trung Ương Cục lập thêm Đảng ủy tiền phương do Trần Văn Trà và Võ Văn Kiệt lãnh đạo. Rồi Đảng ủy tiền phương lại lập ra hai bộ tư lệnh, một phụ trách phía Bắc Sài Gòn và một phụ trách phía Nam Sài Gòn. Phía Bắc do Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ và Lê Đức Anh. Phía nam, quan trọng hơn, vì đánh thẳng vào trung tâm thành phố, do Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng chịu trách nhiệm. Trong cuốn “TET” của Don Oberdorfer, Doubleday xuất bản năm 1971 tại New York, tác giả ghi rõ tướng Trần Độ là người chịu trách nhiệm đánh Sài Gòn. Nhưng theo các tài liệu của Việt Công, thì không thấy nhắc đến Trần Độ, trừ trường hợp ông ta dùng một bí danh khác mà chúng ta không biết. Tư lệnh mặt trận Sài Gòn là Tướng Trần Hải Phụng và tham mưu trưởng là Đại Tá Nguyễn Đức Hùng, tức Tư Chu. Theo tôi nghĩ thì lúc đó, cuộc Tổng Công Kích dĩ nhiên do Trung Ương Đảng điều động, nhưng Hà Nội dùng toàn cấp chỉ huy hoặc gốc miền Nam, hoặc sống lâu ở miền Nam, trực tiếp xuất đầu lộ diện để được tiếng là quân dân miền Nam tự nổi dậy.
Trần Độ là tướng có tên tuổi từ Điện Biên Phủ, Ủy Viên Trung Ương Đảng và lý thuyết gia của Đảng. Ngay từ 54, Độ đã làm tới chính ủy sư đoàn, kề cận Võ Nguyên Giáp rồi. Nếu có vào Nam tham dự trận Mậu Thân, chắc cũng phải cải danh để đánh lừa dư luận quốc tế. Báo chí miền Nam dựa theo tin ngoại quốc, loan tin Trần Độ chỉ huy trận Mậu Thân và thậm chí bảo y đã bị bắn chết tại Chợ Lớn. Nhưng sau đó mới biết tin này không đúng. Trần Hải Phụng đặt Bộ Chỉ Huy mặt trận lưu động trong phạm vi Bến Lức, Gò Đen, Bình Chánh, sát nách thủ đô Sài Gòn. Trạm liên lạc và tuyến xuất phát nội thành đặt trên lầu tiệm phở Bình, số 7 đường Yên Đổ. Tiệm phở Bình này là địa điểm giao liên bí mật của Việt Cộng từ sau ngày đảo chánh Ngô Đình Diệm. Chính nơi đây, vào đêm mùng một Tết, Tư Chu đã thay mặt Bộ Tư Lệnh ban lệnh Tổng Công Kích thành phố.
Về phía Quốc Gia, chính quyền không hề dự đoán được âm mưu của địch, cho nên vẫn tôn trọng hưu chiến và thậm chí còn bãi bỏ giới nghiêm trong hai đêm 30 và mùng 1 Tết. Về phía địch, để đánh lạc hướng, chúng xúi bọn trí thức thân Cộng ra tuyên cáo kêu gọi chính phủ kéo dài thời gian hưu chiến để tiến đến ngưng bắn và hòa bình luôn! Nhiều người ngây thơ tưởng đó là thiện chí thực của địch, cho nên đã lên án phía Việt Nam Cộng hòa hiếu chiến. Bộ Nội Vụ phải ra thông báo yêu cầu đồng bào đừng mắc mưu Cộng Sản. Riêng âm mưu tổng tấn công thì cả Quân đội lẫn Cảnh sát đều không biết. Có một dịp may hiếm có, nhưng lại để lỡ mất. Đó là vào tháng 10 năm 1976, bí thư Khu Đoàn Sài Gòn Gia Định Hồ Hảo Hớn vào mật khu nhận chỉ thị về kế hoạch Tết Mậu Thân.Y là người duy nhất của Thành Đoàn được Võ Văn Kiệt cho biết trước vụ Mậu Thân. Lúc y trở về, đến xa cảng miền Tây, ngồi trên chiếc Vélo Solex, thì một hồi chánh viên tên Hai Hưng nhận diện được vào báo ngay cho Cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát chưa kịp khai thác bí mật quan trọng về cuộc tổng tấn công thì Hồ Hảo Hớn lên cơn sốt rét và chết trong phòng tạm giam bót Quận 5. Thành ra âm mưu Mậu Thân vẫn được giữ kín!
Theo Tướng Trần Văn Đôn trong cuốn “Nam Việt Nam 1954-1975” thì ngày 29 Tết, tiểu khu Bình Định cũng bắt được trọn ổ Tỉnh Ủy Việt Cộng với nhiều tài liệu liên hệ đến cuộc tổng công kích. Nhưng cả tiểu khu, Quân đoàn và Phòng Nhì Bộ Tổng Tham mưu đều lơ là không khai thác, mặc dầu có lời khuyến cáo của Tướng Westmoreland. Tổng Thống Thiệu vẫn cho hưu chiến, cho đốt pháo, bãi bỏ giới nghiêm và quân đội chỉ ứng chiến 50%. Địch chuyển vận hàng chục ngàn quân vào chiến trường mà chúng ta không biết.
Quá nửa đêm mùng một Tết, tức khoảng hai giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968, chúng bắt đầu tiến quân vào tử địa. Sau đây là chi tiết trận đánh tiêu biểu, nhằm mục tiêu chính trị hơn là quân sự. Đó là:
Trận đánh Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ:
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ là một dinh thự tráng lệ và vững chắc nằm trên Đại Lộ Thống Nhất, góc đường Mạc Đĩnh Chi, do hãng thầu RMK-BR xây cất hai năm mới hoàn tất, phí tổn tổng cộng lên đến hai triệu sáu trăm ngàn Mỹ kim. Tính ra tiền Việt Nam thời ấy là khoảng 307 triệu đồng. Tòa nhà này cao sáu tầng, dài 65 thước và rộng 15 thước, gồm 240 phòng, được khánh thành ngày 29 tháng 9 năm 1967, nghĩa là bốn tháng trước khi bị Việt Cộng đánh vào. Trong khuôn viên của Tòa Đại Sứ, có ba building. Khu nhà chính trông ra mặt đường Thống Nhất, gọi là Chancery building, căn nhà phụ phía Mạc Đĩnh Chi là tư thất của Đại Tá hồi hưu Jacobson, phụ tá dân sự của Tòa Đại Sứ. Và phía bên kia là U.S. Consulate building. Trên sân cỏ chung quanh các building, nhiều bồn trồng hoa được xây bằng xi măng, vừa mỹ thuật vừa kiên cố. Cổng tòa Đại Sứ luôn luôn có nhân viên M.P. đứng gác, chưa kể hai trạm cảnh sát Việt Nam bên ngoài, một nằm tại phía Thống Nhất và một nằm trên vỉa hè Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội gọi Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ là “Tòa Nhà Trắng Phương Đông” và chúng cần phải tấn công để gây xôn xao dư luận trong quần chúng Mỹ. Công tác này được giao cho Ba Đen điều động.
Ba Đen tên thật là Ngô Văn Vân, năm đó đã 42 tuổi, sinh quán huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, Bắc Việt, nhưng vì mồ côi cha mẹ nên tha phương cầu thực vào miền Nam từ nhỏ. Ở Sài Gòn, hắn xin được việc tại công ty Ba Son, nơi Tôn Đức Thắng đã hô hào đình công năm 1912 và gây được màng lưới khá đông đảo của Việt Minh. Tại đây, Ba Đen bị tuyên truyền lôi kéo, gia nhập tổ chức năm 20 tuổi và hoạt động trong lực lượng biệt động nội thành. Hắn lấy bí danh Ba Đen bởi vóc dáng nhỏ bé và đen đủi. Năm 1958, Ba Đen đã bị bắt một lần và được thả năm 1960.
Lúc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ còn đặt tại số 39 đường Hàm Nghi, Ba Đen và đồng bọn đã đặt chất nổ vào ngày 30 tháng 3 năm 1965, gây tử thương cho 22 thường dân vô tội và phá hủy một số xe cộ đậu dọc hai bên đường. Y cũng đã đặt chất nổ rạp Kinh Đô tại đường Lê Văn Duyệt và cơ quan MAAG, đồng thời phá hoại nhiều dinh thự khác trong thành phố. Nhờ những thành tích đó, y được Đảng chiếu cố, giao công tác đặc biệt này..
Trước Tết Mậu Thân ba ngày, Ba Đen đang ở Sài Gòn thì được lệnh gọi lên Trảng Bàng, trong vùng an toàn của Việt Cộng. Nơi đây, gã nhận chỉ thị đánh Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Toán biệt động cảm tử của gã chỉ có tất cả 17 người, gọi là toán D5, thuộc chi bộ Hồ Chí Minh, do Ba Đen làm bí thư kiêm chỉ huy trưởng, Út Nhỏ làm phó bí thư, Bảy Tiến và Sơn làm chính trị viên. Trần Hải Phụng hứa ẩu với Ba Đen rằng, chỉ cần cầm cự hai tiếng đồng hồ, từ 3 giờ đến 5 giờ sáng, rồi sẽ có lực lượng chính qui tăng viện và tiếp quản! Tham mưu trưởng Nguyễn Đức Hùng cũng vẽ ra cho Ba Đen một viễn ảnh hết sức oai hùng: Toán biệt động của gã sẽ bắt trói Đại Sứ Bunker, nhân dân thành phố sẽ nổi dậy chống Mỹ cứu nước. Chừng đó, đích thân Ba Đen sẽ đưa Bunker ra trước mặt nhân dân để đại sứ Hoa Kỳ van lạy xin khoan hồng! Ba Đen sẽ được ra Hà Nội yết kiến Bác Hồ, dự buổi liên hoan dành cho những anh hùng giải phóng!
Nhận lệnh xong, Ba Đen chuẩn bị lên đường. Gã dùng xe Dodge nhà binh do nội tuyến cung cấp, chở đồng bọn từ Trảng Bàng theo quốc lộ 1 về Hóc Môn. Tất cả đều mặc quân phục bộ binh. Từ Hóc Môn, chúng đổi xe Jeep, thay quân phục Nhảy Dù, cho tên đi đầu đeo lon thiếu tá và mang kiếng đen. Các trạm kiểm soát hỗn hợp dọc đường ngại đụng chạm, nên không xét hỏi gì cả, nhất là vào dịp Tết.
Về đến Sài Gòn, Ba Đen đưa quân vào một căn nhà cơ sở tại đường Nguyễn Đình Chiểu. Con mẹ chủ nhà, Việt Cộng nằm vùng, vốn có thói mồm loa mép giải, chửi bới quân đội và cảnh sát Quốc Gia, thoạt nhìn thấy hai chiếc xe chở đầy lính Nhảy Dù vào nhà mình, liền la toáng lên:
– Mấy ông định vô ăn cướp hay sao đây!
Ba Đen và đàn em tái mặt vì chút xíu nữa thì bại lộ. Gã phổ biến kế hoạch chớp nhoáng rồi cho cả bọn phân tán, mỗi cơ sở ba người, bảo phải túc trực tại chỗ để chờ lệnh. Liền sau đó, Ba Đen đến tiệm phở Bình gặp Tham Mưu Trưởng Tư Chu. Tại đây, gã thay mặt chi bộ, long trọng tuyên bố hạ quyết tâm tiến đánh Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Hiện diện lúc đó, ngoài Tư Chu còn có Ba Thắng, Chính ủy Khu Sài Gòn Gia Định, thay mặt Bộ Tư Lệnh chấp nhận lời thề của Ba Đen.
Nửa đêm mùng một Tết, 17 đứa đến gặp nhau tại phở Bình, ăn uống, nhận vũ khí rồi chờ tới 2 giờ 30 sáng thì xuất phát. Chúng chia nhau trên ba chiếc xe hơi, chạy tới mục tiêu. Theo phân công, Ba Đen sẽ chỉ huy một toán đánh vào cổng chính phía Thống Nhất. Út Nhỏ đánh phía mặt đường Mạc Đĩnh Chi, còn Bảy Tiến thì tấn công phía dãy nhà nhân viên. Trong cuốn “Tet” của Obordorfer có nói rõ người cung cấp vũ khí là Nguyễn Văn Sáu, và địa điểm giấu vũ khí là tiệm sửa xe của bà Nguyễn Thị Phê tại số 59 Phan Thanh Giản. Tác giả “Tet” còn viết rằng chính Sáu cũng tham gia trận đánh này và bị bắt sống. Nhưng theo chính Ba Đen kể lại nhiều lần sau 1975 trên báo chí và đài phát thanh, thì tôi không thấy lần nào gã nhắc đến tên Nguyễn Văn Sáu. Những cái tên được Ba Đen nói đến là Út Nhỏ, Bảy Tiến, Sơn, Mang, Vinh, Đực, Văn v.v… Oberdorfer cũng tường thuật là bọn Ba Đen đưa quân đến Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bằng một chiếc xe vận tải hiệu Peugeot và một chiếc taxi. Nhưng tài liệu Việt Cộng cho biết chúng chở nhau trên ba chiếc xe du lịch loại nhỏ. Tài liệu Quân Sử của VNCH nói rõ hơn là trong ba chiếc xe đó, có chiếc Citroen của Nguyễn Văn Mười bị bắn nát tại chỗ.
Khi chiếc xe đầu tiên vừa tới cổng chính Tòa Đại Sứ, chúng khai hỏa một tràng AK nhắm thẳng vào hai nhân viên M.P. gác cửa. Đó là trung sĩ Daniel và binh nhất Sebast. Cả hai vừa chạy lùi vào vừa bắn lại, đồng thời đóng cánh cổng sắt và phát tín hiệu “Signal 300” có tần số đặc biệt, liên lạc trực tiếp với các xe tuần cảnh lưu động trong trường hợp cấp cứu. Ngay lúc đó, một toán Việt Cộng trên chiếc xe thứ hai, dừng lại ở ngã ba góc Mạc Đĩnh Chi, đem chất nổ đặt sát bức tường bên ngoài tòa Đại Sứ, khoét một lỗ hổng để chui vào. Lượng chất nổ khá lớn, làm vỡ tung một mảng tường chiều ngang gần một thước. Chúng ùa vào, chia ra ba nhóm như đã phân công từ trước. Toán của Ba Đen chạy lại mặt tiền, đụng độ hai quân cảnh Mỹ vừa từ ngoài cổng lui vào. Dù bị bất ngờ, họ vẫn chống cự anh dũng, sau khi liên lạc cầu cứu. Họ hạ được chính trị viên Bảy Tiến khi tên này băng ngang sân cỏ để vòng sang phía dãy nhà nhân viên. Rồi Daniel bị trúng đạn vào trán, còn Sebast bị bắn cả băng AK vào ngực. Cả hai chết tại chỗ. Máy truyền tin nổ tung, cắt đứt mọi liên lạc. Lúc đó là khoảng 2 giờ 55 sáng. Các nhân viên an ninh Hoa Kỳ và cảnh sát Việt Nam bên ngoài đều lơ là phòng thủ đêm đó, bởi là đêm mùng một Tết, lại đang hưu chiến. Cho nên khi xảy ra biến động, họ phản ứng không kịp. Họ tìm vị trí phòng thủ để bắn trả, nhưng không biết Việt Cộng tiến vào hướng nào và lực lượng địch có bao nhiêu. Viên sĩ quan an ninh tòa Đại Sứ là Leo Crampsey đêm đó về ngủ tại tư gia đường Pasteur. Còn trung sĩ Thủy Quân Lục Chiến Harper thì ngồi chơi bên dãy nhà nhân viên. Nghe tiếng nổ đầu tiên, ông chạy lao về tòa nhà chính, gặp một người lao công Việt Nam đang đứng núp sát bờ tường. Harper lôi người đó vô trong rồi cùng hạ sĩ Zahuranic điện thoại xin tăng viện. Trong hoàn cảnh gần như tuyệt vọng, Harper đã chiến đấu dũng cảm và sau trận đánh, được Tòa Đại Sứ tặng thưởng huân chương anh hùng. Trong Tòa Đại Sứ lúc ấy chỉ có tất cả ba quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, hai nhân viên dân sự Việt Nam và sáu nhân viên dân sự Hoa Kỳ. Tất cả đều phải tự lực chống trả theo sáng kiến cá nhân và họ đã thanh toán được nhiều tên địch.
Ngoài sân, đặc công Việt Cộng bắn hỏa tiễn liên tiếp lên các tầng trên, ở mặt tiền building, mục đích phá hoại và đàn áp lực lượng bên trong, bởi chính chúng cũng không rõ chúng phải đối địch với bao nhiêu người. Trung sĩ Soto đứng gác trên sân thượng, nhìn rõ Việt Cộng tràn vào, đứng núp ở các bồn trồng hoa bằng xi măng trên sân cỏ. Nhưng ông chỉ có cây súng ngắn, bắn từng phát xuống. Tuy vậy, ông cũng hạ sát được Chính trị viên Út Nhỏ, chỉ huy toán đặc công phía Mạc Đĩnh Chi. Ông liên lạc với hai người bạn Thủy Quân Lục Chiến trong tòa nhà, nhưng không ai trả lời vì hệ thống truyền tin đã đứt đoạn. Ông tưởng cả hai đã chết nên một mình nằm lại trên sân thượng tử thủ bằng cây súng ngắn 38. Phía bên dãy nhà nhân viên, hạ sĩ Marshall đang ngủ thì nghe chạm súng, vội choàng dậy leo lên nóc, bắn xuống đám Việt Cộng dưới sân cỏ. Chúng bắn hỏa tiễn lên làm anh bị thương. Nhưng anh không chịu rút lui để băng bó. Anh tiếp tục chiến đấu và chết tại chỗ. Thêm hai quân nhân Mỹ nữa hy sinh ngay ở những phút đầu tiên, đó là Thomas và Mebust. Hai ông này đang ngồi trên xe tuần cảnh gần nhà thờ Đức Bà, nghe tín hiệu cấp cứu, lập tức phóng tới. Họ chưa hiểu chuyện gì, mới bước xuống xe đã bị Việt Cộng núp bên trong bắn ngã.
Bọn Việt Cộng vào được hành lang tòa Đại Sứ, nhưng ngỡ ngàng không biết tiến lui thế nào trong một dinh thự quá nhiều phòng “hiện đại!” Chúng bắn loạn xạ để đè nén sự hoảng hốt. Nhiều đứa chỉ quen đặt chất nổ phá hoại, chưa bao giờ thực sự cầm súng chiến đấu, chưa bao giờ đối diện phe địch, cách sử dụng vũ khí chỉ mới học trên lý thuyết, cho nên lúc này hết sức hoang mang. Bằng chứng là cả hai tên mang B40 là Vinh và Mang, chui vào căn phòng quá nhỏ mà bắn phá. Kết quả cả hai đều chết vì sức ép do chính mình bắn ra!
Khi mới vào, chúng không gặp sức kháng cự nào đáng kể. Nhưng chỉ một lúc sau thì lực lượng hỗn hợp Việt Mỹ bắt đầu kéo đến. Ở dưới đường, quân đội tăng viện không vào được vì cổng chính đã khóa chặt. Lỗ hổng ở góc tường thì bị hỏa lực địch chế ngự. Hai bên cầm cự khá lâu, rồi binh nhất Paul Healey hét lên một tiếng, ôm súng xông đại vào theo kiểu Rambo, mặc cho địch xối xả bắn ra. Anh mở được vòng vây, đưa đồng đội tiến vào trong khuôn viên trận địa, đẩy hết Việt Cộng vào bên trong dinh thự.
Trên sân thượng, trực thăng Mỹ đổ quân xuống, nhưng địch bắn lên gắt quá, trực thăng không dám đáp. Cũng may, phía dưới đã tràn vào được và lần lượt thanh toán bọn đặc công còn sót lại trong các ngõ ngách của tòa Đại Sứ. Đến lúc trời hừng sáng thì chỉ còn mình Bí thư kiêm chỉ huy trưởng Ba Đen và một đàn em. Cả hai ngó ra bên ngoài, mong ngóng lực lượng chính qui tăng viện như lời Tư Chu đã hứa. Nhưng chẳng thấy bóng dáng đồng đội, cũng chẳng thấy nhân dân nổi dậy đả đảo Mỹ Ngụy, mà chỉ thấy quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa dày đặc vây kín! Gã đàn em, đã bị thương nhẹ, luống cuống chạy trốn qua tư thất của Đại tá Jacobson. Ba Đen thấy tình thế tuyệt vọng, tự bắn vào chân rồi nằm lăn ra, chờ lính Mỹ đến bắt, kết thúc trò đùa ngông cuồng của bè lũ tàn bạo.
Riêng phía bên nhà Đại tá Jacobson thì tên Việt Cộng cuối cùng còn làm trận chiến kéo dài thêm một lúc nữa.
Đại tá Jacobson từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ nhiều năm tại Âu Châu và Đông Nam Á. Ông về hưu năm 64 và xin làm trong phái bộ ngoại giao tại Sài Gòn, bởi trước đó mười năm, ông đã theo Tướng O’Daniel qua đây một thời gian lúc ông Diệm về nước. Ông được cấp căn nhà ngay trong khuôn viên tòa Đại Sứ, ở chung với cựu Trung sĩ Josephson, cố vấn đặc biệt của Đại Sứ Bunker. Mới đêm hôm qua, ông Jacobson đãi tiệc giao thừa 140 người khách Mỹ Việt rất trọng thể. Vì tự coi mình là nhân viên dân sự, ông không mang súng và cũng chẳng giữ vũ khí tại nhà. Đêm nay, ông cũng đi chúc tuổi bạn bè Việt Nam và mãi đến gần nửa đêm mới về. Ngủ được vài tiếng, ông nghe tiếng nổ rung chuyển cả mặt đất và vỡ tung lớp cửa kiếng nhà ông. Ông choàng dậy, nhìn qua cửa sổ và thấy Việt Cộng tiến vào sân cỏ tòa Đại Sứ. Nhưng ông lục khắp nhà chỉ tìm được một trái lựu đạn M.26. Cựu Trung sĩ Josephson từ phòng riêng bò qua, cũng không có súng, đành vớ đại cái mắc áo rồi nằm chờ Việt Cộng vô để đánh!
Khoảng 6 giờ 45, Jacobson nằm trên sàn nhà, lầu hai, ngó xuống cầu thang thì thấy có những vết máu trên sàn, tầng dưới. Ông nằm yên một lúc nghe ngóng, nhưng không thấy động tĩnh gì cả và cũng không biết có bao nhiêu tên địch trong nhà mình. Ông bò vào phòng, điện thoại cho một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, nói nhỏ với họ rằng trong nhà ông có Việt Cộng. Được tin ấy, quân đội bên ngoài quyết định bắn lựu đạn cay vào lầu dưới. Đại tá Jacobson đoán rằng, tên địch hoặc sẽ phải chạy ra sân, hoặc lên lầu. Ông sẵn sàng đợi ở cầu thang và rút chốt lựu đạn. Chờ một lúc không thấy Việt Cộng lên lầu, ông bò lại, mở cửa sổ phía sau và ra hiệu cho lính Mỹ bên ngoài biết ông cần vũ khí và mặt nạ chống hơi cay. Lính Mỹ bên ngoài rất đông, nhưng vì vẫn chưa biết trong các dãy nhà của tòa Đại Sứ còn bao nhiêu Việt Cộng ẩn nấp, nên tất cả vẫn dè dặt thủ thế. Binh nhất Paul Healey một lần nữa, lại can đảm băng ngang khu sân cỏ, quăng cây Colt 45 và mặt nạ qua cửa sổ cho Jacobson. Vừa lúc đó, tên Việt Cộng leo lên lầu và xả nguyên băng AK về phía trước mặt. Đại tá Jacobson nằm phục sẵn sau cánh cửa, điềm tĩnh bắn lại mấy phát. Tên đặc công cuối cùng gục ngã. Ông chờ thêm một lúc nữa, không thấy động tĩnh gì, mới biết rằng mấy phát súng của ông đã kết thúc trận đánh điên dại của 17 cán binh Việt Cộng. Ông được tặng thưởng huy chương anh dũng của tòa Đại Sứ và xin giữ cây AK làm kỷ niệm..
Mười bảy con vật tế thần Đảng đẩy vào đây để gây tiếng vang, chỉ có mình tên cầm đầu sống sót. Có lẽ Đảng cũng không ngờ Ba Đen lại sống, bởi Đảng đã dự kiến tất cả đều phải chết! Y được điều trị vết thương rồi đi tù mãi đến 30 tháng 4 năm 1975. Tiệm phở Bình của tên Ngô Toại dĩ nhiên cũng bị cảnh sát tóm gọn vào hôm mùng 10 Tết. Ngày nay, đường Yên Đổ được đổi tên thành Lý Chính Thắng và Việt Cộng vẽ tấm bảng ghi công tại căn nhà số 7, kể rõ rằng: “Từ năm 63, căn nhà này đã là trạm liên lạc và nuôi giấu cán bộ biệt động nội thành.”
Vẫn theo cuốn Tết của Oberdorfer, thì trong số những đặc công bị hạ sát, có cả người tài xế lâu đời của tòa Đại Sứ mà nhiều người nghi là nội tuyến của Việt Cộng. Nhưng trong mấy lần được phỏng vấn sau này, không thấy Ba Đen nhắc đến nhân vật đó. Oberdorfer nói rõ người tài xế ấy tên Nguyễn Văn Đề, làm cho Mỹ từ năm 51 và khi chết trong sân tòa Đại Sứ Mỹ, người ta thấy có cây AK bên cạnh.
Tất nhiên không phải bất cứ tài liệu nào của địch cũng đáng tin cậy. Bởi ngay trong trận đánh này, Ba Đen tường thuật lại rằng: “Tất cả 17 người, chỉ có mình tôi sống sót…” Nhưng trong cuốn “Thành Phố Hồ Chí Minh” do nxb Thành Phố HCM ấn hành năm 83, các tác giả lại nêu con số khác với Ba Đen. Họ viết: “Mười tám chiến sĩ biệt động đánh chiếm tòa Đại Sứ Mỹ đêm mùng một Tết Mậu Thân.” Hai cuốn sách một phía đã nói khác nhau rồi.
Một thí dụ khác để độc giả thấy tính cách tuyên truyền láo lếu của Việt Cộng: Cũng trong cuốn “Thành Phố Hồ Chí Minh,” có đoạn như sau:
“Cả nước tự hào về những người con tiêu biểu của Sài Gòn-Gia Định trong hai cuộc kháng chiến, như Lê Văn Tám, Trần Văn Ơn, Thái Văn Lung, Trần Bội Cơ, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang, Lê Thị Riêng, Trần Văn Kiểu, Trần Quang Cơ, Thích Quảng Đức, Quách Thị Trang, Phạm Văn Cội và bao nhiêu anh hùng liệt sỹ khác đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Thành Đồng Tổ Quốc.” (trang 147).
Đọc đoạn văn trên, người ta thấy rõ Việt Cộng cố ý chơi trò mập mờ, vơ vào, làm như Hòa Thượng Thích Quảng Đức và Quách Thị Trang là người của chúng, hoặc ít ra cũng do chúng chỉ đạo, trong khi thực tế, hai vị đó đấu tranh nhằm những mục tiêu khác hẳn, chưa chắc đã dính dấp gì đến Việt Cộng. Trong những cái tên chúng vừa kể, ta biết được: Trần Văn Kiểu (Chín. K.) và Lê Thị Riêng là hai Đảng ủy viên thành phố, bị chết trong trận Mậu Thân, Trần Quang Cơ (Tám Lượng) là Bí thư Khu Ủy Sài Gòn Gia Định, bị bắn tại Đức Hòa năm 61. Nguyễn Văn Trỗi là Đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản, đặt chất nổ giết người, bị xử tử ngày 15 tháng 10 năm 1964. Làm sao có thể xếp chung Hòa Thượng Thích Quảng Đức và Quách Thị Trang vào đó được!
Ở điểm này, chúng tôi thấy cần phải mở một dấu ngoặc để nói về một vấn đề rất tế nhị là vai trò của tôn giáo trong cuộc chiến chống Cộng của chúng ta trước 1975. Gần đây, một số người tại hải ngoại đã tung ra những cuốn sách nêu lên hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Hoặc gián tiếp lên án Công Giáo gắn liền với chủ nghĩa thực dân, hoặc ám chỉ Phật Giáo có nhiều hành vị thân Cộng, phải chịu trách nhiệm trong việc mất miền Nam. Cả hai khuynh hướng ấy đều cực đoan và thiên vị cả. Vấn đề là tùy cá nhân chứ không phải chủ trương của tôn giáo.
Trên thực tế, chúng ta biết có một số linh mục thân Cộng như Nguyễn Ngọc Lan (theo Nhật Ký Mậu Thân của Trần Bạch Đằng), và một số khác thiên tả hoặc cấp tiến nhưng bị Cộng Sản lợi dụng, như Chân Tín, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cầm, Thanh Lãng v.v… Về phía Phật Giáo, có những tu sĩ thân Cộng như Thích Minh Châu, Viện trưởng Đại Học Vạn Hạnh (theo chính hồi ký của Thích Minh Châu đăng trong Toàn Cảnh, Số 3 tháng 6/1990, kể lại cuộc gặp gỡ giữa ông và Hồ Chí Minh năm 1958 tại Ấn Độ). Có người cho rằng các nhà sư Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh đều hoạt động cho Cộng Sản. Nhưng chúng tôi chưa đọc được tài liệu nào chính xác, ngoại trừ sự kiện Thượng Tọa Thích Thiện Minh bị tòa án mặt trận xét xử về tội chứa chấp sáu lao công đào binh và một số thanh niên trốn quân dịch trong Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử (Việc Từng Ngày của Đoàn Thêm).
Riêng về trường hợp Hòa Thượng Thích Quảng Đức mà Việt Cộng vơ vào, xếp chung với các “liệt sỹ” của chúng thì tôi hiểu như sau:
Hòa Thượng Thích Quảng Đức tên thật là Lâm Văn Túc, quê ở Khánh Hòa, đi tu từ nhỏ, vào Nam năm 1943. Ông đã đi hành đạo nhiều nơi ở lục tỉnh, sang cả Nam Vang cho đến lúc xấp xỉ bảy mươi, ông về trụ trì tại chùa Kim Cương, Phú Nhuận. Lúc bấy giờ ở Phú Nhuận có một số chùa là cơ sở bí mật của Việt Cộng như Chùa Pháp Hoa, Chùa Phổ Quang và Chùa Quan Thế Âm. Khi cao trào đấu tranh Phật Giáo chống chính phủ Ngô Đình Diệm lên cao, các nhà sư thân Cộng bên chùa Quan Thế Âm lợi dụng vị thế lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, liền âm mưu thỉnh ông rời Chùa Kim Cương sang Chùa Quan Thế Âm từ tháng 7 năm 1962. Ngày 11 tháng 6 năm 1963, ông tự thiêu. Từ đó, chùa Quan Thế Âm mặc nhiên trở thành một địa điểm đấu tranh công khai của Phật Giáo. Chính những Phật tử nhiệt thành với đạo pháp hằng ngày đến đó, không hề biết đó là ổ Việt Cộng. Theo Trần Bạch Đằng trong cuốn “Ba trăm năm Phú Nhuận” (do Bộ Phận Nghiên Cứu Sưu Tầm Lịch Sử xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 2 năm 1989) thì “sau vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức, chùa Quan Thế Âm trở thành cơ sở quan trọng của Ban Tuyên Huấn Khu Ủy Sài Gòn Gia Định. Có hầm để ẩn núp, in truyền đơn, in báo, tài liệu. Hầm dài 6m, rộng 5m, về sau là nơi đặt tòa soạn báo An Lạc của Ban Tuyên Huấn.”
Như vậy là Việt Cộng đã lợi dụng cái chết của vị hòa thượng trên bảy mươi tuổi này, chứ không phải nhà sư đã tự thiêu theo kế hoạch của Việt Cộng. Ngày 12 tháng 6 năm 1963, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam rầm rộ làm lễ truy điệu cố hòa thượng. Đó cũng chỉ là kế hoạch chia rẽ mà thôi.
Hiện nay, Việt Cộng lấy đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận đổi tên thành đường Thích Quảng Đức, và chùa Quan Thế Âm, số 68 đường này được dựng bảng ghi công là cơ sở lâu năm của Cách Mạng.
Cũng trong cuốn “Ba trăm năm Phú Nhuận,” tác giả Khánh Giang viết một câu rất láo ở trang 341 như sau:
“Các nhà sư trẻ trong chùa Pháp Hoa đều gia nhập lực lượng biệt động thành!”
Đây là một dụng ý láo khoét của Việt Cộng. Thực ra là bọn Việt Cộng trong lực lượng biệt động thành, giả dạng làm tu sĩ ẩn núp trong chùa Pháp Hoa. Chứ không có nhà sư nào lại đi làm đặc công đặt chất nổ giết người cả! Chùa Pháp Hoa là trạm giao liên từ năm 1945, sân chùa có hầm chứa được bốn người. Trong trận Mậu Thân, biệt động Việt Cộng ém quân tại chùa này và tiến đánh Bộ Tổng Tham Mưu. Hai tên Việt Cộng giả dạng trụ trì tại chùa này là Thích Như Nguyệt và Thích Pháp Lang. Ngoài ra còn có Thích Như Niệm là ủy viên kinh tài của lực lượng Phật Giáo Cách Mạng.
Qua một vài dữ kiện trên đây, chúng ta thấy được quả thực có việc lợi dụng danh nghĩa Phật Giáo trong cuộc chiến Quốc Cộng trước 1975. Nhưng, dù là Phật Tử hay không, cần phải nhìn rõ sự lợi dụng ấy, đồng thời phân biệt những cá nhân thân Cộng và cả một tập thể tôn giáo, để khỏi mất tình đoàn kết dân tộc, gây nên những nghi kỵ hoàn toàn vô ích. Những cuốn sách biên khảo hay hồi ký gần đây, vì một mặc cảm nào đó, đã làm sống lại vấn đề kết án tôn giáo này thân thực dân, tôn giáo kia thân Cộng, đều chỉ gây hậu quả tại hại cho quần chúng, không rút tỉa được kinh nghiệm gì cho việc dựng nước sau này. Có thể đó cũng là những tài liệu lịch sử, nhưng tôi nghĩ đưa ra ở giai đoạn này hoàn toàn không cần thiết, khi mà mọi người cần dành nỗ lực cho việc quang phục quê hương.
Tất nhiên bất cứ xáo trộn nào của nội bộ miền Nam cũng có thể bị Việt Cộng lợi dụng khai thác. Nhưng tôi thấy cần phải minh xác một điều ở đây, dựa trên các tài liệu của ta và địch, là cuộc đấu tranh Phật Giáo khởi sự hoàn toàn do Phật Giáo chủ xướng và nhằm mục tiêu mà họ cho là chính đáng. Mãi về sau, Việt Cộng mới nhảy vào khuấy phá, và điều này khó có thể tránh được. Cuốn “Lược Sử Đoàn Thanh Niên Thành Phố” của Việt Cộng viết:
“Khi phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật Giáo lên cao (1963-1964), Ban Cán sựThanh Niên Sinh Viên Học Sinh (Thành Đoàn Cộng Sản) tuy chưa chủ động lãnh đạo, nhưng đã xác định rõ tính cách quần chúng của phong trào, nên đã mạnh dạn tung lực lượng “tấp vô,” để từng bước giành thế chủ động, nắm quần chúng…” (trang 152).
Ở một đoạn khác, chúng viết:
“Chủ trương của Khu Ủy là tấp vô phong trào Phật Giáo để giành quyền lãnh đạo phong trào. Những người lãnh đạo của Phật Giáo lúc này không còn đáp ứng nổi nội dung (nhiệm vụ) mới của Phong trào.” (trang 105).
Dĩ nhiên chủ trương của Việt Cộng là như thế, nhưng chúng có thực sự lãnh đạo được phong trào Phật Giáo hay không lại là chuyện khác. Trong các tài liệu của phía Việt Nam Cộng Hòa để lại, cũng như của địch viết mới đây, chúng ta được biết chắc chắn là Việt Cộng có khai thác được một số mâu thuẫn nội bộ của chúng ta, bởi ngày ấy, Bí thư thành đoàn Cộng Sản cũng như một số đoàn ủy viên, đều có giấy tờ hợp lệ, hoạt động công khai trong giới sinh viên học sinh. Chẳng hạn Hồ Hảo Hớn, Phan Chánh Tâm, Dương Văn Đầy (Y Khoa) và Trầm Khiêm (Văn Khoa) v.v… là những tên mà sinh viên Sài Gòn các niên khóa từ 63 đến 68 vẫn thường gặp thấy hằng ngày. Chúng ta chưa quên vụ học sinh Lê Văn Ngọc, trường Thời Đại, bị chết trong cuộc biểu tình chống chính phủ ngày 26 tháng 11 năm 1964. Bọn chúng khôn khéo vận động để tang lễ được cử hành trong khuôn viên Viện Hóa Đạo, chủ ý lôi kéo tôn giáo vào chính trị. Tôi nhớ năm 1965, chúng ồn ào hỗ trợ vụ đấu tranh đòi miền Trung tự trị của Tướng Thi. Rồi khi chính quyền Sài Gòn đem quân ra dẹp loạn, thì chúng lại tổ chức đêm không ngủ, hô to khẩu hiệu “chống nội chiến.” Năm 1967, chúng chuẩn bị bãi khóa, đình công sau cuộc bầu cử Tổng Thống dưới chiêu bài: “Chống bầu cử gian lận,” dù bất cứ liên danh nào đắc cử! Vụ tranh chấp lộ trình xe Lam xe buýt cũng vậy. Chúng cứ đâm bên này, xúi bên kia, giống như những cuộc ẩu đả giữa Công Giáo và Phật Giáo sau ngày đảo chánh Tổng Thống Diệm. Tất cả đều là những bài học đắt giá mà mọi người chúng ta đều ít nhiều phải chịu trách nhiệm, ngày nay không nên trách cứ lẫn nhau về những lỗi lầm cũ.
Sau trận đánh Tòa Đại Sứ Mỹ, tờ The Vietnam Courier, cơ quan tuyên truyền bằng Anh ngữ của Việt Cộng đã tường thuật một bài khá dài, trong đó nói rõ toán đặc công của Ba Đen “đã tiêu diệt hơn hai trăm quân địch, đa số là thành phần chủ chốt trong bộ máy chiến tranh của Sài Gòn!”
Trên thực tế thì chỉ có năm quân nhân Mỹ dũng cảm hy sinh như đã kể ở trên và hơn hai mươi người khác bị thương. Từ năm người lính, Hà Nội tăng lên thành hơn hai trăm nhân vật quan trọng, nghề nói phét phải coi là độc nhất vô nhị trên thế giới!
Đem mười bảy cán bộ đánh chiếm một mục tiêu quá lớn lao, Việt Cộng thực chất chỉ muốn chơi một ván bài tháu cáy. Chúng thí mạng mười bảy thằng cùi, để đổi lấy sự chú ý của thế giới, để hỗ trợ phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Tiếc thay, ván bài tháu cáy ấy quá tầm thường mà Hoa Kỳ không dám thò tay bắt. Mới bảy giờ sáng, hàng loạt thông tín viên quốc tế ở Sài Gòn đã đánh điện đi khắp nơi, la hoảng lên là tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, cứ điểm an toàn cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam, đã bị chiếm đóng! Rồi cứ thế, các cơ quan truyền thông thổi phồng mãi lên theo chiều hướng bi thảm, chỉ muốn đầu hàng! Trong khi thực tế cho thấy, canh bạc Mậu Thân đã làm Việt Cộng gần cạn láng, về cả sự tổn thất nhân mạng cũng như tác động tinh thần.
Biến cố Mậu Thân cho chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa Quốc Gia và Cộng Sản. Cộng sản không phải chỉ tàn ác với đối phương, với dân lành, mà ngay cả đối với cán bộ đảng viên của chúng. Chỉ thị đánh mục tiêu nào, Đảng cũng hứa sẽ có quân tiếp viện, kỳ thực chỉ là trò đem con bỏ chợ, đẩy cán binh vào chỗ chết! Tiếc thay, khí thế chiến thắng Mậu Thân của miền Nam, đáng lẽ phải được nuôi dưỡng và đẩy mạnh hơn nữa, thì người bạn Hoa Kỳ lại đơn phương ngưng oanh tạc, lăm le tiến vào bàn hội nghị, mở đầu cho cuộc tháo chạy bị thảm sau này. Tung quân vào chiến dịch Mậu Thân, Việt Cộng đã đánh một ván bài cháy túi, nhưng báo chí Hoa Kỳ nhất định tường thuật theo ý muốn của họ, đảo ngược sự thật. Mùng 7 Tết, Trần Bạch Đằng kéo tàn quân về Bến Lức, ngao ngán nhìn nhau. Võ Văn Kiệt, Trịnh Đình Thảo, Trần Hải Phụng, Nguyễn Ngọc Lan, Châu Tâm Luân, Cao Hoài Hà, Thiếu Sơn, Nguyễn Văn Chi, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Văn Kiết… một lũ gặp nhau thở không ra hơi! Nhớ lúc mới ban hành Nghị Quyết Quang Trung, Thành Đoàn đã họp với Trần Bạch Đằng và ngông cuồng hứa với hắn rằng ngày mùng 5 Tết, sẽ tập họp nửa triệu đồng bào tiến bộ tại vườn Tao Đàn, mít tinh mừng chiến thắng, kéo nhau sang chiếm lĩnh dinh Độc Lập! Kế hoạch không khác gì chuyện giả tưởng. Thế mà, theo chính Trần Bạch Đằng kể, thì mới 10 giờ sáng mùng hai Tết, Tham mưu trưởng Nguyễn Đức Hùng từ nội thành chạy ra gặp Bộ Tư lệnh tiền phương, đã “nghẹn ngào báo cáo: Tôi có linh cảm là tất cả các đồng chí biệt động của ta đã hy sinh!…” (Nhật ký Mậu Thân, nxb Trẻ, 1988). Linh cảm cái gì nữa! Chính hắn đã đẩy đàn em vào chỗ chết rồi vờ vịt nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu, chẳng khác gì năm 1956, bác Hồ đã khóc thương nông dân sau khi ra lệnh đấu tố giết cả trăm ngàn người!
Chỉ trong tuần lễ đầu của chiến dịch Mậu Thân, con số tổn vong của địch trên khắp các mặt trận đã lên tới 27,706 tên, 5,019 đứa khác bị bắt sống. Nhưng quan trọng hơn nữa là hầu hết những cơ sở bí mật nội thành mà chúng khổ công gây dựng từ 1954 đến 1968 đều bị phá vỡ, phải khởi sự lại từ đầu. Thêm vào đó, biến cố Mậu Thân còn giúp miền Nam bạch hóa gần hết những tên nằm vùng hợp pháp, bởi khi cháy nhà mới ra mặt chuột! Nhìn ở góc cạnh nào, người ta cũng phải thấy được rằng miền Nam đã thắng lớn, dù bị đặt ở thế chống đỡ thụ động và bất ngờ. Chỉ riêng có báo chí Hoa Kỳ ngày ấy cứ khăng khăng loan tin VNCH và đồng minh thất trận! Năm 1988, để kỷ niệm hai mươi năm chiến dịch Tổng Công Kích, nhà xuất bản Trẻ thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tập tài liệu “Mậu Thân Sài Gòn,” trong đó khá nhiều nhân vật được yêu cầu viết lại phần nhận định của mình. Giữa các bài viết phần lớn là gượng gạo ca ngợi chiến thắng, người ta thấy Trần Văn Trà chỉ lanh quanh né tránh, không đả động gì trực tiếp đến các trận đánh Mậu Thân, mặc dù y là tư lệnh Đảng ủy mặt trận tiền phương của chiến dịch ấy. Y không nói gì về Mậu Thân là điều dễ hiểu, bởi thực sự, đối với y, Mậu Thân chẳng có gì đáng nói, ngoại trừ những tổn thất không thể chối cãi được!
Nguyễn Ngọc Ngạn
1990

Xem thêm

Nhận báo giá qua email