Việt Nam nới lỏng thị trường trái phiếu để giải cứu bất động sản

Chính phủ Việt Nam vừa quyết định nới lỏng một số quy định kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giúp khai thông nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản vốn đang gặp bế tắc sau hàng loạt vụ bê bối về phát hành trái phiếu.
Theo Nghị định 08 được ban hành ngày 5/3, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể kéo dài thời hạn trái phiếu thêm tối đa hai năm nếu họ gặp khó khăn về thanh toán trái phiếu đến hạn, điều mà trước đây họ không được phép làm. Tuy nhiên, việc kéo dài thời hạn này phải được các trái chủ đồng ý.
Khi đến hạn thanh toán trái phiếu mà chủ phát hành không thể thanh toán đầy đủ bằng tiền thì có thể dùng tài sản khác để thanh toán. Việc này cũng phải được các trái chủ đồng ý và nhà phát hành chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán.
Một điểm mới nữa của Nghị định 08 là tạm ngưng xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân như là điều kiện để được mua trái phiếu trái doanh nghiệp. Trước đây, muốn được phép mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải nắm giữ danh mục chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng trong 180 ngày.
Quy định này giúp sàng lọc những nhà đầu tư đủ điều kiện để tránh việc những người dân không có hiểu biết, không có kinh nghiệm bị dụ dỗ mua trái phiếu của các doanh nghiệp có vấn đề, như điều đã từng xảy ra với trái phiếu An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được ngân hàng SCB bán ra cho khách hàng đến gửi tiết kiệm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không còn bị giới hạn thời gian là 30 ngày để bán trái phiếu kể từ khi loan báo đợt chào bán. Nhờ đó, họ có thêm thời gian tìm kiếm người mua.
Ngành bất động sản Việt Nam đang gặp khủng hoảng trầm trọng nhất trong những năm gần đây do thiếu vốn và thanh khoản thấp trong lúc các ngân hàng siết chặt dòng tín dụng cho bất động sản còn kênh dẫn vốn từ trái phiếu đang bị người dân mất lòng tin sau các vụ bê bối trái phiếu của các tập đoàn như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Riêng trong vụ trái phiếu An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà chủ tịch tập đoàn là bà Trương Mỹ Lan đã bị bắt giữ hồi tháng 10 năm ngoái về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hàng chục ngàn người dân đã bị SCB dẫn dụ mua trái phiếu rác giờ có nguy cơ mất trắng tài sản.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều người nắm giữ trái phiếu bất động sản đã bán đổ bán tháo số trái phiếu mà họ có để lấy lại tiền, bất chấp bị lỗ.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email