Hiện thời có hàng triệu người theo học các môn phái võ thuật tại Việt Nam. Võ cổ truyền nở rộ tái hội nhập với cái môn võ khác trong các buổi biểu diễn, thượng đài tranh thắng bại. Trước kia có thời võ bị cấm, bây giờ lại rất phát triển và có khi mở hội để tập trung các môn phái cả trong nước và từ nước ngoài trở về biểu diễn.
Đó là vì võ thuật do nhiều tầng lớp thanh thiếu niên theo học đông đảo nên được đưa vào chương trình hội võ, nhằm có thể huy động một lực lượng lớn lao khi cần cũng như tất cả các bộ môn khác, các loại văn hóa khác được định hướng, tuyên truyền. Mục đích hội võ là mong thống nhất các môn phái võ cổ truyền thành một khối và lấy Vovinam làm quốc võ. Cuối cùng đã thất bại.
Chỉ còn võ Bình Định do danh xưng và xuất thân từ đất tổ Quang Trung đại đế đang được đề cao, phát triển.
Trong đó, các nhân tài võ Bình Định được đề cao, các lò võ được phát triển mạnh mẽ và nhất là môn trống võ Tây Sơn mà cái tố chất võ học cổ truyền Bình Định được hội tụ, thấm đượm vào, như chứa đựng tinh hoa, tinh thần dũng mãnh từ đội quân Tây Sơn kéo về Thăng Long của Nguyễn Huệ ngày xưa. Trống võ từng hồi vang lên khôi phục nền độc lập, chủ quyền của Thăng Long, làm rạng danh nền võ Việt…
Niềm tin mới cho con nhà võ được xây dựng bằng cách xử dụng thuật bình cũ rượu mới. Võ sư các nơi tụ họp để chọn ra một môn phái tiêu biểu cho võ thuật Việt Nam. Khi Vovinam thất bại vì không được các môn võ khác công nhận là quốc võ thì võ Bình Định được đẩy ra thay mặt, như vớt vát đi nỗi thất vọng về Vovinam.
Đúng ra võ Bình Định hình thành cũng từ phần nhiều các vị khai sáng xuất thân bởi các môn Thiếu Lâm, Nga Mi, Côn Lôn của Trung Quốc hòa hợp với võ thuật cổ truyền nước ta mà lập thành các môn phái. Nổi tiếng nhiều người biết có lò võ An Thái ở An Thái, một võ sư khác là Diệp Bảo Sanh người Hoa dạy võ Tàu ở Bình Định cũng được gọi luôn là võ Bình Định.
Con gái của vị võ sư này ở ngoại quốc từng về biểu diễn võ Bình Định hết sức tinh vi xuất sắc.
Ngoài đoàn quân Tây Sơn của ba nhà anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ thì sau này võ Bình Định còn lưu truyền và phát triển rộng rãi thành nền tảng võ thuật Tây Sơn hiện nay.
Tới giờ vẫn còn các loại võ như roi Thuận Truyền, quyền An Thái nức tiếng giang hồ, nhất là cụ Hồ Ngạnh với ngọn roi bất khả chiến bại trong giới võ lâm, không ai là không biết đến tới trở thành huyền thoại.
Ngọn roi còn truyền lại rất phổ biến là đường roi Thái Sơn, bài quyền nổi danh là bài Bạch Long Quyền, miếng võ ghê gớm là miếng Thò tay bốc ruột người. Ngoài ra còn phải kể đến bài quyền chiến lược để giao đấu, biểu diễn song đấu. Cả các bài quyền Mai Hoa Quyền, Lão Mai Quyền, Liên Hoa Quyền đấu đài.
Trong các thế đá của các phái võ Tây Sơn, lừng danh nhất là thế đá của phái Tây Sơn Nhạn của cụ Chính Hóa. Đó là ngọn đá Tam Chiến, ngọn Bình Sa Lạc Nhạn và thế đánh lật vai mang tên Kim Kê Độc Lập…
Võ Bình Định từ Tây Sơn trên con đường dài phát triển xuống phương Nam đã có nhiều biến hóa. Võ sư Chính Hóa nghiên cứu, nhập thêm môn Thiếu Lâm nội quyền để dạy cho các đệ tử.
Võ Bình Định trở nên lợi hại hơn. Các đệ tử của võ sư Chính Hóa như Quốc Vũ, Trâu Đen, anh Bảy Tây Sơn Nhạn, con nuôi thầy Chính Hóa, và cả anh Nguyễn Anh Kiệt biệt danh Phi Hổ lúc thượng đài đã áp dụng tung chân đá một lượt đòn liên hoàn cửu cước. Thế đá liên hoàn đặc biệt này đá bay ngay đối thủ xuống đài trong những lần tranh vô địch thời trước 75.
Nghe nói sau này, Anh Kiệt bị bắt “cải tạo” và trong tù anh bị gãy cả tay chân, không biết rồi ra sao.
Sau đó, khác với Vovinam, phái Tây Sơn Nhạn biến mất, không thấy xuất hiện ở Saigon nữa.
Các lò võ Tây Sơn Nhạn không còn nghe tới.
Kỳ võ lâm cổ truyền tập hợp biểu diễn tại Việt Nam, không thấy phái Tây Sơn Nhạn biểu diễn. Nhưng có một điều vô cùng hệ trọng trong làng võ thuật biết rõ là Tây Sơn Nhạn chỉ hoạt động ở nước ngoài mà thôi.
Tại sân Tinh Võ, quận 5, có lúc hiện ra một võ sư lớn tuổi có vẻ bệ rạc được đưa lên truyền hình và được nhiều người giúp đỡ vật chất để phát triển phái Tây Sơn Nhạn trở lại.
Ông võ sư này có hoàn cảnh khốn cùng: Mẹ và vợ mất, con dại đau ốm đang phải xoay xở đủ mọi nghề để nuôi đứa con gái đi học.
Bạn bè trong giới thấy vậy nên giúp đỡ ông xây nhà, làm nóc và tạo một sân võ tạm thời để ông dạy võ Tây Sơn Nhạn độ nhật. Tình trạng khốn khổ khiến ông đành lộ dạng để hành nghề kiếm ăn thay vì môn phái không chủ trương như thế. Nói đến võ Tây Sơn Nhạn chính thống có nguồn gốc từ võ Tây sơn Bình Định một phần, từ xưa vốn rạng danh là lò võ có nhiều đệ tử thượng đài nhất, nay không muốn xuất hiện ra.
Thì cái bí mật được hé lộ ra theo lời kể từ trong môn phái.
Trước đây Tây Sơn Nhạn có một người đệ tử đàn anh. Sau khi thành tài đã từ bỏ lò võ của thầy, tự xưng là Hồng Nhạn hay Bạch Nhạn gì đó và mở một lò Tây Sơn Nhạn khác có ý tranh chấp cả với Tây Sơn Nhạn cũ của thầy Chính Hóa. Người ta cho môn binh khí của Hồng Nhạn dùng nức tiếng đương thời là Liên Hoàn Xích. Thuở đó nhiều người trong lò thầy Chính Hóa rất tức giận, cho là anh này phản sư nên định kéo nhau đi trừng trị kể luôn cả người học của phái Hồng Nhạn ra.
Chuyện này không biết về sau kết cục như thế nào. Rồi bỗng nhiên thấy có một võ sư già xuất hiện dạy võ Tây Sơn Nhạn ở Tinh Võ kể trên. Không biết có phải anh Hồng Nhạn đó không.
Thực sự đó hoàn toàn là một nhánh khác, không phát xuất từ cội nguồn Tây Sơn Nhạn cũ. Việc nầy cần xác minh lại cho đúng.
Khi thầy Chính Hóa mất, người vợ góa rất trẻ đã lấy một người đệ tử của thầy, không rõ có phải võ sư Thắng hay không, cũng từng mở trường dạy Tây Sơn Nhạn lấy tên Thiếu Lâm Hội Quyền.
Võ thuật theo thời gian, lúc nào cũng du nhập và biến hóa thêm mãi như ngày xưa Thiếu Lâm chia thành Nam phái và Bắc phái.
Phái Thiếu Lâm ở chùa tu hành một chỗ nên ít phát triển. Còn phái Thiếu Lâm rời chùa lên miền Bắc, hành tẩu giang hồ, giao tranh, đụng chạm nhiều với nhiều giới, nhiều môn phái nên chiêu thức phát triển hơn.
Võ thuật Bình Định và các phái võ Tây Sơn ở các nơi khác nhau, dù trong hay ngoài nước đều học hỏi để tạo thêm các thế võ khác hay trên căn bản võ thuật cổ truyền mà sáng tạo, đổi mới tân tiến hơn xưa.
Trong câu chuyện trao đổi quyền thuật, Vòng Phắc Quay, chưởng môn phái Bạch Hạc chính tông, không cho Thiếu Lâm là giỏi hơn. Anh cho biết nhiều thế võ còn dạy ở các lò võ cũ đã tồn tại ba bốn trăm năm, rất bất lợi mà các võ sư vẫn cứ đem dạy cho đệ tử hoài. Đó là bởi không chịu học hỏi võ thuật cận đại để cầu tiến.
Hiện nay, võ Bình Định được dương cao thanh thế vì có sự hỗ trợ của nhà nước VN. Vì thế mà tất cả các lò võ Bình Định đều cố gắng góp công, đặc biệt nhất là tiết mục biểu diễn trống võ Tây Sơn. Không phải bây giờ chúng ta mới được chứng kiến cuộc biểu diễn đánh trống trận này, mà trước đây trong mục nói chuyện về văn hóa, cụ Hồ Hữu Tường từng mời dàn trống võ Tây Sơn mười hai chiếc, gọi là mười hai chi, có âm dương hòa hợp đánh biểu diễn ở trường Quốc Gia Âm Nhạc cho khán giả dự kiến.
Trống võ Tây Sơn danh bất hư truyền. Với hai tay cầm hai chiếc dùi, cô gái Tây Sơn múa tay trình diễn màn đánh trống như mưa sa gió táp, khiến người xem không khỏi liên tưởng đến hồi trống mà người phu xe Nhật bản đánh lên trời long đất lở, sóng thần từ biển dâng tràn khắp nơi trong phim Người phu xe.
Người phụ nữ chín đời từ ông cha tổ nghiệp đời Tây Sơn truyền lại nên giới thiệu lai lịch trống võ rất rõ ràng, khúc triết gây được sự lôi cuốn nơi người nghe.
Đó là một di sản hết sức quí báu. Trống Tây Sơn gồm mười hai chiếc bao gồm cả thiên can địa chi. Tiết tấu được xây dựng từ nền văn hóa dân gian của đất võ Bình Định mà tạo thành ra.
Trống võ gồm có ba phần, ba hồi. Người sử dụng trống đồng thời phải biết võ Bình Định căn bản
Thứ nhất là luyện quân, tập hợp quân, thúc quân nghe thôi thúc.
Thứ nhì là hãm thành, công thành hết sức dữ dội, hung hãn tàn phá.
Thứ ba là toàn thắng trở về, khúc khải hoàn vang lên tiết tấu tưng bừng, sáng lạn, rực rỡ của niềm vui thắng trận.
Người đánh trống dùng dùi thuần thục. Lúc gõ dùi, lúc múa dùi biểu diễn từ chậm đến mau. Có lúc như tướng lĩnh thúc quân, có lúc như cả đoàn quân đang hành binh thần tốc băng rừng vượt núi tiến như vũ bão từ Qui Nhơn ra Thăng Long. Trong tiếng trống dường có cả chiêng và kèn vang rền thúc giục khắp chiến trường.
Lúc công thành, tiếng trống vươn cao nhất chứa đầy hùng khí. Cả mười hai trống cùng lúc đánh liên hồi. Toàn thân người đánh trống hai tay, hai chân, cả thân mình như vận khí công, phát nội lực, âm thanh phát ra tiếng kim mộc thủy hỏa thổ, với điệu kèn rít vang oanh liệt ngất ngưởng kiêu hùng cho đến khi khải hoàn ca tưng bừng rộn rã, cờ phất trống rung, bỗng ngừng im phắt! Người huyện võ lúc nào cũng phải khẳng khái chân chính ra sao thì người luyện trống võ Tây Sơn Bình Định cũng như vậy
Tú Hà