Hôm thứ Sáu 27 tháng 11, Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran, đã bị ám sát ở Damavand, phía đông Tehran.
Cuộc tấn công xảy ra ở Absard, một ngôi làng nằm ngay phía đông thủ đô, nơi nghỉ mát của giới ăn trên ngồi chốc của Iran.
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy hai chiếc xe, một chiếc bị nổ tung và một chiếc bị bắn từ phía trước.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết một chiếc xe tải cũ với chất nổ được giấu dưới một đống gỗ đã phát nổ khiến chiếc xe du lịch chở ông Fakhrizadeh đi gần đến. Khi xe của Fakhrizadeh dừng lại, có ít nhất 5 tay súng xuất hiện và bắn xối xả vào xe.
Trong thông cáo ngày 27/11 của bộ Quốc Phòng Iran, Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, đứng đầu Phòng Nghiên cứu và Đổi mới của bộ, đã không qua khỏi sau khi được khẩn cấp đưa vào bệnh viện.
Fakhrizadeh là sĩ quan cao cấp của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) và đứng đầu dự án vũ khí hạt nhân của Iran. Ông là giáo sư vật lý tại Đại học Imam Hussein ở Tehran và từng là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật lý của Iran (PHRC).
Đây không phải là lần đầu tiên Fakhrizadeh bị mưu sát. Yossi Melman, nhà báo chuyên về các vấn đề tình báo Israel cho hay ông này đã thoát khỏi một vụ ám sát cách đây vài năm.
Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri nói rằng các nhóm khủng bố và thủ phạm của hành động mù quáng này cần biết rằng “màn trả thù nặng nề” đang chờ chúng.
Tổng thống Iran Rouhani ra thông cáo lên án “bàn tay tàn nhẫn” của Hoa Kỳ và “tay sai” Israel “đã vấy máu một người con của dân tộc”. Giới chính trị gia và quân sự Iran đồng loạt lên án vụ tấn công và thề báo thù.
Hossein Dehghan, một cố vấn quân sự của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cáo buộc rằng qua vụ ám sát Fakhrizadeh, Israel đã cố gắng kích động “một cuộc chiến toàn diện”.
Dehghan viết trên Twitter: “Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời chính trị của … đồng minh của họ (Tổng thống Mỹ Donald Trump), bọn Zionists (Israel) tìm cách tăng cường sức ép lên Iran và tạo ra một cuộc chiến toàn diện.”
Cáo buộc của Iran và không phải là vô lý. Trong bốn năm qua, hình như cứ mỗi lần ông Tổng thống Hoa kỳ gặp chuyện bực mình là ông ấy lại lôi Iran ra đấm đá vài phát. Mối hồi đầu năm, ông đã ra lệnh trừ khử tướng Qasem Soleimani, chỉ huy trưởng lực lượng Quds của Iran. Ít tuần nay, ông ấy lại gặp chuyện không vui.
Đùa vậy thôi, nhưng quả thật, vụ sát hại này có mùi, hoặc thoang thoảng mùi Mossad. Mức độ chính xác như một trận đánh được tiến hành của cuộc tấn công đã là chữ ký của các điệp viên của Israel.
Khung cảnh nơi Mohsen Fakhrizadeh bị hạ sát. Ảnh do thông tấn Fars công bố
Nhà báo Julian Borger của tờ The Guardian viết từ Washington, nhận định: “Nếu Mossad thực sự đứng sau vụ ám sát, Israel đã có một cơ hội đang dần khép lại để thực hiện nó (việc trừ khử Fakhrizadeh) với sự bật đèn xanh từ một tổng thống Mỹ, và chẳng có bao nhiêu nghi ngờ rằng Trump, người đang tìm cách đóng vai trò phá thối trong những tuần cuối cùng tại nhiệm của ông ta, đã ra dấu chấp thuận, nếu không là hỗ trợ tích cực. Ông (Trump) được cho là đã đòi hỏi các lựa chọn quân sự ở Iran, sau thất bại trong cuộc bầu cử.
Dina Esfandiary, một thành viên của Century Foundation (một tổ chức nghiên cứu ở Hoa kỳ), nói: “Tôi nghĩ rằng họ sẽ phải được Washington bật đèn xanh. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm được điều đó nếu không có (sự đồng ý đó). Về động cơ, tôi nghĩ đó chỉ là thúc đẩy Iran làm điều gì đó ngu ngốc để chắc ăn rằng chính quyền Biden bị trói tay khi họ tham gia theo đuổi các cuộc đàm phán và giảm leo thang.”
Người biểu tình đốt ảnh của TT Donald Trump, hàng đầu và TT đắc cử Joe Biden trước Bộ Ngoại giao Iran hôm 28 tháng 11 năm 2020. Photo: AP / Vahid Salemi
Nhưng cú tweet lửng lơ của ông Trump, mặc dù chỉ tweet lại lời của ký giả Israel Yossi Melman, cũng khiến cho người ta nghĩ đến Mossad.
Trump đã tweet lại những gì Melman viết “…ngoài công việc của một giáo sư vật lý, Fakhrizadeh còn “đứng đầu chương trình dự án bí mật Amad xem xét khả năng chế tạo bom hạt nhân” và “cầm đầu các nỗ lực vũ khí hóa nó”. “Ông ta là người đứng đầu chương trình quân sự bí mật của Iran và bị Mossad truy nã trong nhiều năm.”
Mạng xã hội Twitter dậy lên những câu vừa hỏi vừa trả lời: Vụ ám sát diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đi Trung đông, gặp Thủ tướng Israel Netanyahu, Thái tử Mohammed bin Salman (UAE). Báo chí Israel xác nhận trong cuộc họp giữa Pompeo và Netanyahu có mặt Yossi Cohen, xếp tình báo Mossad.
Những nghi ngờ về việc Iran phát triển bom hạt nhân đã khiến EU, Mỹ và LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề vào năm 2010.
Đến năm 2015, theo thỏa thuận mà Iran đạt được với Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức, Tehran hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Nhưng sau khi Tổng thống Trump xóa bỏ thỏa thuận đó (năm 2018), có tin là Iran lại tăng cường chương trình hạt nhân. Đầu tháng này, IAEA cho biết Iran có lượng uranium làm giàu gấp 12 lần lượng cho phép theo thỏa thuận, tuy chưa đạt đến mức độ có thể dùng làm bom.
Mossad
Mohsen Fakhrizadeh là ai?
Fakhrizadeh là nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng nhất của Iran và là một chuẩn tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ưu tú.
Đã từ lâu, Fakhrizadeh bị phương Tây, Israel, các người Iran lưu vong nghi ngờ là kẻ chủ mưu và lãnh đạo một chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Báo New York Times từng so sánh Fakhrizadeh với J. Robert Oppenheimer, nhà vật lý lãnh đạo Dự án Manhattan, trong Thế chiến thứ hai đã sản xuất những vũ khí nguyên tử đầu tiên.
Ông là nhà khoa học Iran duy nhất có tên trong bản “đánh giá cuối cùng” năm 2015 của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), gồm các câu hỏi về chương trình hạt nhân của Iran, gồm cả câu hỏi và chương trình có nhằm phát triển bom hạt nhân hay không.
Năm 2018, Mossad đã đột nhập vào kho lưu trữ tài liệu hạt nhân bí mật của Iran ở Tehran và chuyển về Israel được hơn 100.000 văn kiện và hồ sơ (file) máy tính. Các văn kiện và hồ sơ cho thấy Dự án AMAD của Iran, do Fakhrizadeh lãnh đạo được phát triển từ năm 1989 đến năm 2003, nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. (Khi Iran tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran từng chối không hề có một chương trình như vậy.) Khi chia sẻ thông tin chộp được với các đồng minh châu Âu và Hoa Kỳ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói, “hãy nhớ cái tên đó”, ám chỉ Fakhrizadeh.
Năm 2003, Iran buộc phải từ bỏ Dự án Amad, nhưng không từ bỏ tham vọng hạt nhân. Netanyahu tin rằng Iran đã khôn khéo chia chương trình của họ làm hai, một công khai và một bí mật, tiếp tục công việc nghiên cứu và phát triển hạt nhân với danh nghĩa để phát triển kiến thức khoa học thực dụng.
Công việc này được tiếp tục trong nhiều tổ chức của Iran. Hồi năm 2018, các tổ chức này được SPND, một tổ chức bên trong Bộ Quốc phòng Iran chỉ huy. Theo Netanyahu, người đứng đầu công tác đó cũng là người từng cầm đầu Dự án Amad – Tiến sĩ Mohsen Fakhrizadeh.
Sau cái chết của Fakhrizadejh, bao nhiêu ngón tay đã chỉ vào Mossad.
Mohsen Fakhrizadeh, bên phải, đang ngồi họp với Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei ở Tehran, Iran, ngày 23 tháng 1, 2019. Ảnh trên trang mạng chính thức của văn phòng lãnh đạo tối cao Iran
Tổng thống Rouhani cáo buộc “những kẻ giết mướn cho chế độ Zionist đàn áp” đã đứng đằng sau vụ ám sát. Những kẻ “giết mướn” mà ông tổng thống Iran nhắc đến là Mossad. TT Trump lập lại lời của Yossi Melman cũng nhắc đến Mossad.
Mahmoud Mousavi Majd, một điệp viên CIA và Mossad, bị Iran kết tội đã cung cấp lộ trình của Qassem Soleimani để Mỹ dùng drone hạ sát. Majd đã bị Iran xử tử
Mossad, còn được viết là Mosad, tên đầy đủ Mossad Merkazi le-Modiin ule-Tafkidim Meyuhadim – Viện Tình báo và Hoạt động Đặc biệt) là một trong ba tổ chức tình báo lớn của Israel, cùng với Aman (tình báo quân sự) và Shin Bet (an ninh nội bộ). Nhiệm vụ chính của Mossad là thu thập thông tin tình báo nước ngoài, phân tích thông tin tình báo, phản gián và các hoạt động bí mật.
Phương châm trước đây của Mossad là một câu trích dẫn từ Kinh thánh Cựu ước (Proverbs 24: 6): “ Vì con phải nhờ mưu khôn mà đánh giặc; Ðâu có nhiều mưu sĩ thì đặng toàn thắng.” (Bản dịch của Bibleglot.com)
Phương châm sau đó được đổi thành một đoạn khác, cũng trích sách Châm ngôn (Proverbs 11:14).
“Dân sự sa ngã tại không chánh trị; Song nếu có nhiều mưu sĩ, bèn được yên ổn.” (Bản dịch của Bibleglot.com)
Mossad tách biệt với các định chế dân chủ của Israel. Giám đốc Mossad báo cáo và chịu trách nhiệm trực tiếp và duy nhất cho Thủ tướng.
Bởi vì không có luật nào xác định mục đích, mục tiêu, vai trò, sứ mệnh, quyền hạn hoặc ngân sách của tổ chức này, nó và vì nó được miễn trừ khỏi luật hiến pháp của Israel, Mossad đã được mô tả là một “nhà nước ngầm”.
Được chính thức thành lập vào tháng 12 năm 1949 với tên gọi là Viện Điều phối, Mossad là đơn vị kế thừa bộ phận tình báo của Haganah, lực lượng quân sự Do Thái ở Palestine trong thời kỳ ủy nhiệm của Anh. Reuven Shiloah, người từng tham gia vào các hoạt động đặc biệt và ngoại giao bí mật trong thời kỳ trước khi có chính quyền, là giám đốc đầu tiên. Thời mới được khai sinh, Mossad đã không gặp may. Năm 1951, một nhóm gián điệp của Israel ở Baghdad đã bị lộ và nhiều điệp viên bị bắt.
Sau khi Shiloah về hưu (1952), Isser Harel, người trước đây đứng đầu Shin Bet lên thay thế.
Vài chiến công của Mossad
Phần lớn các thành tích của Mossad, như Wikipedia liệt kê dưới đây, là ám sát.
• Trộm bài diễn văn của Nikita Khrushchev – Năm 1956, trong một phiên họp kín của Đại hội đảng CS Sô viết lần thứ 20, Krushchev đọc một bài diễn văn nảy lửa lên án Stalin. Điệp viên của Mossad sao được bài phát biểu này và chuyển cho Hoa Kỳ. Mỹ công bố bài phát biểu khiến Liên Xô tím mặt.
• Chiến dịch Garibaldi (1960) – Điệp viên Mossad ở Buenos Aires truy ra vị trí, nhận dạng, bắt cóc và sau đó là đưa được Adolf Eichmann, đao phủ Đức Quốc xã đã trốn lánh từ sau Thế chiến II
• Vụ ám sát Herberts Cukurs (23 tháng 2 năm 1965) – Hoạt động của Mossad ở Montevideo, trong đó tên tội phạm chiến tranh chạy trốn nổi tiếng của Latvia Herberts Cukurs bị ám sát.
• Chiến dịch Diamond (1963–1966) – Chiến dịch bí mật bắt đầu vào giữa năm 1963 và kết thúc vào ngày 16 tháng 8 năm 1966. Mossad đánh cắp một chiếc Mig-21, loại chiến đấu cơ tối tân nhất của Nga lúc bấy giờ, từ Iraq bay về một căn cứ không quân ở Israel.
• Cơn thịnh nộ của Thượng đế (Wrath of God, bắt đầu từ năm 1972) – chiến dịch bí mật của Mossad nhằm ám sát những tay khủng bố Palestine và những người được cho là có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ thảm sát các lực sĩ Israel tại Thế vận hội Munich 1972. Hầu hết các vụ ám sát được thực hiện bằng chất nổ.
• Vụ Lillehammer (21/7/1973) – Một vụ tai tiếng lớn nhất của Mossad: Điệp viên Israel hạ sát một bồi bàn người Ả Rập ở Lillehammer, Na Uy vì nhầm nạn nhân là Ali Hassan Salameh, người đứng đầu hoạt động của Tháng Chín Đen. Phần lớn nhóm điệp viên Mossad này bị bắt và bị xét xử vì tội sát nhân.
• Chiến dịch Entebbe (4 tháng 7 năm 1976) – Thu thập thông tin tình báo để giúp biệt kích Israel giải cứu 102 con tin vụ cướp máy bay tại phi trường Entebbe ở Uganda.
• Vụ ám sát Zuheir Mohsen (1979) – Giết Zuheir Mohsen thủ lĩnh của Sa’iqa.
• Vụ ám sát Yehia El-Mashad (13/6/1980) – diễn ra ở Paris, Pháp. Mossad ám sát Yehia El-Mashad nhà khoa học nguyên tử người Ai Cập, người tham gia phát triển lò phản ứng hạt nhân của Iraq.
• Chiến dịch Opera (7 /6/1981) – Thu thập thông tin tình báo về tiến trình của lò phản ứng hạt nhân của Iraq, dẫn đến cuộc không kích của Israel vào vị trí này.
• Chiến dịch Moses (tháng 11, 1984 – tháng 1, 1985) – Lập kế hoạch di tản khoảng 8.000 người Do Thái Ethiopia sang Israel.
• Bắt cóc Mordechai Vanunu (1986) –Mordechai Vanunu, một kỹ thuật viên hạt nhân người Israel đã trốn khỏi Israel đến Anh quốc và tiết lộ bí mật nguyên tử của quốc gia. Một nữ điệp viên Mossad đã dụ Vanunu đến Rome, sau đó, Vanunu bị bắt cóc và đưa về Israel.
• Vụ ám sát Gerald Bull (22 tháng 3 năm 1990) – Điệp viên Mossad bắn chết nhà khoa học Canada Gerald Bull khi ông đang làm việc trong Dự án Babylon Supergun cho Saddam Hussein.
• Vụ ám sát Atef Bseiso (8/6/1992) – Vụ ám sát người đứng đầu cơ quan tình báo PLO Atef Bseiso.
• Vụ ám sát Fathi Shaqaqi (26 tháng 10 năm 1995) – Điệp vụ tại Sliema, Malta. Fathi Shaqaqi, người sáng lập tổ chức Hồi giáo Jihad và là người khởi xướng các vụ đánh bom tự sát chống lại Israel, bị ám sát.
• Vụ ám sát Khaled Mashal (ngày 25 tháng 9 năm 1997) – Điệp vụ ám sát người đứng đầu Cục Chính trị Hamas ở Amman …thất bại.
• Vụ ám sát Izz El-Deen Sheikh Khalil (26 tháng 9 năm 2004) – vụ giết nhà lãnh đạo Hamas Izz El-Deen Sheikh Khalil ở Damascus.
• Chiến dịch Orchard (6 tháng 9 năm 2007) – Thâm nhập lò phản ứng hạt nhân của Syria để thu thập bằng chứng và thông tin về mục tiêu, dẫn đến cuộc không kích của Israel nơi này.
• Vụ ám sát Imad Mughniyah (12/2/2008) – hạ sát Imad Mughniyah thủ lãnh của Hezbollah ở Damascus.
• Vụ ám sát Muhammad Suleiman (1 tháng 8, 2008) – Hạ sát Muhammad Suleiman, người đứng đầu chương trình hạt nhân của Syria, ở Tartus.
• Chiến dịch Thế vận hội Olympic (2008-2010) – Xâm nhập Cơ sở Hạt nhân Natanz và phá hủy các máy ly tâm. Đây là hoạt động chung với các cơ qian tình báo AIVD, CIA, DGSE và MI6.
• Vụ ám sát Mahmoud al-Mabhouh (19/1/2010) – Mahmoud al-Mabhouh, điệp viên của Hamas ở Dubai.
• Vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran (2010-2012) – các điệp viên do Mossad đào tạo và trang bị ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran.
• Vụ ám sát Muhammad Al-Zuari (ngày 15 tháng 12 năm 2016) – Bị cáo buộc giết chết Muhmmad Al-Zuari điệp viên của Hamas ở Tunis.
• Vụ ám sát Fadi Mohammad al-Batsh (ngày 21 tháng 4 năm 2018) – Bị cáo buộc giết chết Tiến sĩ Fadi al-Batsh, kỹ sư Hamas, ở Kuala Lumpur.
• Trộm tài liệu của văn khố hạt nhân của Iran (2018)
• Vụ ám sát Aziz Asbar (5/8/2018) – Mossad bị cáo buộc giết Aziz Asbar, nhà khoa học của Syria ở Masyaf.
• Bắt giữ Hussein Mahmoud Yassine (24/7/2019) – Bắt giữ một nghi can đặc vụ ngầm của Hezbollah tại Sân bay Quốc tế Entebbe trong một hoạt động hợp tác với ISO. [5]
• Truy tầm và trừ diệt Hassem Yussuf Zabib và Yasser Ahmed Tzahr, hai chiến binh Hezbollah (24/8/2019).
Trong nhiệm kỳ 11 năm (1952–63), Harel đã thành công trong việc xây dựng Mossad thành một tổ chức chuyên nghiệp cao có khả năng tiến hành các hoạt động trên khắp thế giới.
Một trong những thành công vang dội nhất của Mossad thời đó là vụ bắt giữ trùm đao phủ phát xít Adolf Eichmann ở Argentina vào năm 1960 và đưa ông ta về Israel để xét xử tội ác chiến tranh. Chiến công này đã chứng tỏ sự thành thạo và tự tin của cơ quan này trong các hoạt động có rủi ro cao. Chiến dịch đó – Operation Final, sau này được dựng thành phim với Ben Kingsley trong vai Eichman.
Mossad cài nhiều điệp viên Israel ở Ả Rập và các quốc gia khác. Nổi tiếng nhất trong số này là Eli Cohen, một người Do Thái gốc Ai Cập. Cohen đã thâm nhập vào các cấp cao nhất của chính phủ Syria bằng cách đóng giả là một doanh nhân Syria trước khi bị phát giác và hành quyết vào năm 1965.
Bìa hai trong số những quyển sách viết về Mossad
Mossad và các điệp viên của nó đã thực hiện các hoạt động bí mật chống lại kẻ thù của Israel và những tên tội phạm chiến tranh cũ của Đức Quốc xã sống ở nước ngoài.
Nhưng có lẽ sở trường của Mossad là ám sát. Các điệp viên Mossad đã theo dõi và ám sát các thủ lãnh du kích Ả Rập chịu trách nhiệm về vụ thảm sát các vận động viên Israel tại Thế vận hội Olympic Munich 1972. Mossad cũng có liên quan đến một số vụ ám sát các nhà lãnh đạo Palestine ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.
Theo danh mục các hoạt động nổi tiếng của Mossad mà thế giới biết được, đăng tải trên Wikipedia, gồm 32 cả thảy, đã có hơn phân nửa là ám sát và bắt cóc.
Nếu là dân ghiền phim và truyện trinh thám gián điệp của thế giới không ai là không biết đến cái tổ chức tình báo đầy tính huyền thoại này của Israel. Các nhân vật – điệp viên, của Mossad trong phim ảnh và tiểu thuyết đôi khi còn trên cơ cả CIA nữa. Tuy nghèo hơn CIA về phương tiện, các điệp viên của Mossad lạnh lùng, kín đáo và hữu hiệu hơn CIA nhiều. (Nói vậy chứ theo Wikipedia, ngân sách hàng năm của Mossad được ước tính vào khoảng 10 tỷ shekel (2,73 tỷ Mỹ kim), cũng theo ước tính đó, tổ chức này sử dụng trực tiếp khoảng 7.000 người, biến nó thành cơ quan gián điệp lớn thứ hai ở thế giới phương Tây, chỉ đứng sau CIA của Mỹ.)
Như bất kỳ một tổ chức tình báo nào khác trên thế giới, Mossad cũng được các nhà văn chuyên viết truyện gián điệp – phần lớn là nội địa, cường điệu hóa và huyền thoại hóa trong những tác phẩm của họ. Các nhà làm phim, với sự hỗ trợ của chính phủ, cũng tiếp tay đưa Mossad lên tận mây xanh với những điệp vụ xuất quỷ nhập thần. Nếu bạn ghiền phim gián điệp, Netflix hiện có không dưới 5 bộ phim truyền hình và vài cuốn phim dài với những nhân vật chính phụ là điệp viên Mossad, trong đó có bộ phim truyền hình Homeland. Trong tiểu thuyết và phim ảnh, ngưởi ta thấy nhiều khi, CIA phảỉ cầu cứu Mossad trong những tình cảnh khó khăn, và hầu như lần nào những điệp viên Do thái cũng đều gỡ bí được cho CIA.
Liệu có đánh nhau to không?
Logo của Mossad tên trang mạng chính thức của Mossad
Quay lại với vụ ám sát ông tướng kiêm nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, chính quyền Iran đổ cho Mossad và Mỹ, dân chúng đổ xuống đường (hoặc bị xua xuống đường) kêu gào “Death to America”.
Tại Tehran, người biểu tình đã xuống đường đốt ảnh của Trump và (tội nghiệp) cả hình của Tổng thống đắc cử Joe Biden, người đã nói rằng chính quyền của ông sẽ xem xét tái ký thỏa thuận hạt nhân của Tehran với các cường quốc trên thế giới.
Lãnh tụ tôn giáo Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề của nhà nước, đã đòi phải “trừng phạt nặng nề” những kẻ đứng sau vụ sát hại Fakhrizadeh, “nhà khoa học hạt nhân và quốc phòng nổi bật của đất nước”.
Tổng thống Hassan Rouhani tuy đã mạnh miệng tố cáo Israel, “Chúng tôi sẽ đáp trả vụ ám sát vị tử đạo Fakhrizadeh vào thời điểm thích hợp.” Nhưng Rouhani nói Iran “không dại gì để rơi vào bẫy của bọn Zionist, những kẻ đang tìm cách tạo ra sự hỗn loạn”.
Phía Israel chưa lên tiếng, nhưng khó mà chối cãi rằng Mossad không có dính dấp gì đến vụ ám sát. Cuộc phục kích kiểu quân sự, có kế hoạch cẩn thận, hoàn toàn có những nét tương đồng với các vụ ám sát trước đây – cũng nhắm vào các nhà khoa học của Iran, mà họ đã bị cáo buộc là thủ phạm. Từ năm 2010 đến 2012, có bốn nhà khoa học nguyên từ của Tehran đã bỏ mạng, một người bị thương trong những vụ được coi là tác phẩm của Mossad).
Cuộc tấn công đã làm dấy lên lo ngại về việc có thể sẽ nổ ra một cuộc chiến lớn giữa Iran, Israel và có thể, cả Hoa Kỳ.
Quân đội Mỹ đã điều động một hàng không mẫu hạm trở lại khu vực, trong khi một dân biểu Iran đề nghị trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hiệp Quốc để đáp trả vụ ám sát.
Liên hiệp quốc đã vội vã lên tiếng kêu gọi kiềm chế. Stephane Dujarric, phát ngôn nhân của Tổng thư ký Antonio Guterres, cho biết: “Tất nhiên chúng tôi lên án bất kỳ vụ ám sát hoặc giết người phi pháp. Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và cần tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng trong khu vực”.
Nhưng có lẽ LHQ chỉ lo xa. La thì la chứ trong lúc này, chẳng ai muốn đánh nhau cả, đặc biệt là Iran và Mỹ trong lúc này. Tất cả chỉ muốn làm ồn lên thôi, và càng ồn càng tốt.
Những người hiểu chuyện cho rằng mục tiêu rõ ràng của những kẻ thù của Iran, và có thể là của chính Iran luôn, là từ nay đến trước ngày nhậm chức của tân tổng thống Mỹ – tạo nên những căng thẳng hết mức, nhưng không thực sự khai mào một cuộc xung đột toàn diện.
Chính quyền Trump – đang ở những ngày cuối cùng, có thể đang ráng sức làm mọi chuyện còn có thể làm được để thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh cho những người theo đường lối cứng rắn với Iran, nhưng xung đột lớn với Tehran hoàn toàn không phù hợp với chương trình dài hạn của họ. Đội ngũ của Trump đang bận rộn với việc rút quân khỏi Afghanistan và Iraq. Chương trình tranh cử của Trump đã cam kết chấm dứt các cuộc chiến tranh không thấy ngày kết thúc. Đánh Iran có thể sẽ gây ra một cuộc xung đột khác. Mục tiêu của chính quyền Trump lúc này chỉ là muốn tạo ra thêm nhiều hận thù để gây khó khăn, cản trở khả năng hòa giải trong tương lai.
Iran cũng không muốn – và không còn sức lực để lao vào một cuộc chiến. Đất nước này đã bị Covid-19 tàn phá. Nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ. Cuộc bầu cử tổng thống lại sắp sửa diễn ra, Hassan Rouhani – người có lập trường tương đối ôn hòa, sẽ phải đối mặt với Hossein Dehghan, nhân vật đầu tiên công bố sẽ ứng cử, là người theo đường lối cứng rắn, và thân cận với người ra quyết định thực sự của Iran, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Kế hoạch của Iran rõ ràng là đường dài, và rõ ràng là họ đã thấy được rằng đánh nhau với Mỹ, Israel và các đồng minh chống Iran khác trong khu vực thì sẽ thiệt hại nặng mà chỉ gây ra những tổn thất không đáng kể cho kẻ thù. Vậy thì, chỉ còn có biện pháp la lối để ra vẻ.
Cuối cùng là Israel, kẻ được cho là đang cố gắng đẩy mọi người vào cuộc chiến. Mọi nỗ lực của Benjamin Netanyahu đều nhằm mục đích giữ vững vị thế cường quốc hạt nhân duy nhất ở Trung đông. Nhưng Israel hiện cũng không phải đang ở trong những điều kiện lý tưởng nhất để mở cuộc chiến tranh với Iran. Netanyahu đang lo vì mất Trump, vị tổng thống Mỹ ra mặt chiều lòng Israel nhất từ trước đến nay, và cũng đang lo về việc phải đối mặt với một cuộc bầu cử khác có thể xảy ra vào năm 2021.
Thế nên chắc là Israel sẽ không muốn một mình chống lại Iran để mà lãnh hỏa tiễn tử hai mặt – phía bắc và phía đông, trong khi tương lai chính trị của Netanyahu quá mờ mịt. Nếu thực sự Israel là thủ phạm – cáo buộc mà cho tới nay Israel vẫn im – thì mục đích của vụ ám sát chỉ là gây hấn với phe diều hâu của Iran và khiến ngoại giao ít có khả năng thành công hơn. Đồng thời, nó cũng nhằm nhắn gửi với Iran và quốc tế rằng phe diều hâu của Iran yếu xìu, không thể bảo vệ nổi những nhân vật quan trọng nhất của họ.
Thế nên, khi cả ba đều không ai có thực tâm muốn đánh nhau, mà chẳng có lý do khẩn cấp nào để nổ súng, những ngày sắp tới sẽ chỉ toàn những lời đe dọa, tố cáo.
Đỗ Quân
(lượm lặt từ Wikipedia, Brittannica, The Guardian, RT, CNN…)