Vụ giẫm đạp kinh hoàng nhất trong thập niên 2010

Cho đến hôm nay, hơn một tuần lễ sau thảm kịch đêm 29 tháng 10 tại Itaewon, khu phố ăn chơi về đêm của Hán thành, vẫn còn được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Với con số người thiệt mạng, vụ giẫm đạp ở Hán thành trong đêm Halloween là một trong những thảm kịch lớn có nguyên nhân là tụ tập quá đông đảo và giẫm đạp lên nhau trên thế giới tính từ năm 2000 đến nay.

Các giới chức chính quyền, từ Thủ tướng chính phủ đến chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia đã đều lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi về những thiếu sót đã dẫn đến cái chết của 156 người: từ các biện pháp quản lý đám đông đến đáp ứng các lời kêu cấp cứu.


Giẫm đạp?
Trong Tiếng Việt chỉ có từ “giẫm đạp”, chỉ hành động, và “bị giẫm đạp” chỉ tình trạng khi súc vật, hay con người, ngã xuống bị những người khác giẫm đạp lên thân mình trong một hoàn cảnh thiếu kiểm soát. Và một vụ tai nạn do giẫm đạp được gọi tắt là “vụ giẫm đạp”. Nhưng trong nhiều trường hợp, giẫm đạp không đủ chính xác.
Anh ngữ có hai từ: “stampede” và “crowd crush”.
Stampede là khi một bầy súc vật hoặc một đám đông người lồng lên phóng chạy – có thể do hoảng hốt vì gặp nguy hiểm hay cảm thấy nguy hiểm. Với stampede, những sinh vật phóng chạy còn có đường, có khoảng trống mà chạy.
Như trường hợp ở các sân vận động khi có biến, có tin khủng bố chẳng hạn, khán giả phóng chạy ra các cửa để thoát.
Crowd crush là tình cảnh tạo ra bởi sự chèn ép, đè nén của các thân người bị dồn cục ở một điểm hoặc nhiều điểm.
Với stampede, những sinh vật phóng chạy còn có đường, có không gian trống mà chạy, nhưng với crowd crush, chẳng những không có đường chạy mà còn không có một chút khoảng trống để nhúc nhích.
Thế nên vụ xảy ra ở Hán thành có thể coi là một crowd crush vì người đi chơi phố bị dồn cục trong những con hẻm nhỏ, không có lối thoát.


Trong buổi lễ tưởng niệm đầu tiên được tổ chức, Thủ tướng Han Duck-soo thừa nhận với các gia đình có người thân gặp nạn rằng những thất bại của các cơ quan chính quyền trong việc quản lý đám đông đã đóng một vai trò trong thảm họa và cho biết chính phủ sẽ làm việc với tất cả các bộ, cơ quan và tổ chức y tế để bảo đảm những vấn đề như vậy trong thời gian các sự kiện tự phát không bao giờ xảy ra nữa.

Cảnh sát trưởng Đại Hàn, Yoon Hee-keun, đã xin lỗi vì phản ứng khẩn cấp «không đầy đủ» – ông thừa nhận đã có rất nhiều cú điện thoại báo động khẩn cấp trước khi thảm họa xảy ra.
Sự việc đêm 29 tháng 10 là thảm họa giết chết nhiều người nhất của Đại Hàn từ sau vụ chìm phà Sewol vào năm 2014, khiến 304 người thiệt mạng và phơi bày các quy tắc an toàn lỏng lẻo và các thất bại của các quy định. Vụ giẫm đạp đêm Thứ Bảy đã đặt ra câu hỏi cho công chúng về những gì Đại Hàn đã làm kể từ đó để ngăn chặn thảm họa do con người gây ra.
“Tôi hết lòng xin lỗi những người đã gặp nạn trong tai nạn gần đây mặc dù nhà nước chịu trách nhiệm vô hạn đối với sự an toàn của người dân”, Bộ trưởng Nội vụ và An toàn, Lee Sang-min, nói trong một phiên họp quốc hội hôm thứ Ba.

Thị trưởng của Seoul, Oh Se-hoon, cũng đã rơi nước mắt xin lỗi trong một cuộc họp báo với giới truyền thông và cho biết chính quyền thành phố sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực hành chính sẵn có “cho đến khi mọi người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường của họ”.

 

Con hẻm hẹp này là nơi những người đi chơi Halloween bị ép cứng vào nhau đến chết.
Ảnh: Getty Images

Một số yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến thảm họa, bao gồm thiếu các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát đám đông do không có cơ quan tổ chức cho Halloween. Đêm đó, ước tính có khoảng 100.000 người đã đổ về Itaewon. Chỉ có 137 cảnh sát viên có mặt tại hiện trường, hầu hết là cảnh sát giao thông và phòng chống tội phạm.
Theo báo Hankyoreh, thảm họa Itaewon là “có thể dự đoán được”, xuất phát từ “việc thiếu cẩm nang hướng dẫn quản lý an toàn trong trường hợp xảy ra tai nạn đè bẹp đám đông và phản ứng tự mãn của chính quyền”.

Tờ báo bảo thủ Chosun Ilbo cho biết trong một cuộc họp ở quận Yongsan, được tổ chức vài ngày trước khi thảm họa xảy ra, “hầu như không có biện pháp an toàn nào được chuẩn bị”.
“Thiệt hại có thể được giảm thiểu và đám đông lan rộng ra do cảnh sát và chính quyền địa phương thiết lập các kế hoạch an toàn để chặn giao thông đến Itaewon-ro [đường phố chính], nối với con hẻm nơi xảy ra tai nạn. Nó cũng có thể thực hiện các biện pháp để làm cho tàu điện ngầm không dừng lại [tại ga Itaewon].”

Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã chỉ thị cho chính phủ đưa ra một hệ thống kiểm soát đám đông đối với các sự kiện không có tổ chức. Ông cũng kêu gọi nội các nhận phần “trách nhiệm nặng nề”.

Bộ trưởng Nội vụ đã bày tỏ sự hối tiếc vào thứ Ba vì trước đó đã tuyên bố rằng nhiều cảnh sát cũng sẽ không ngăn chặn được thảm kịch.
Những người không ưa cái hội Halloween đã bị thương mại hóa và du nhập vào những nơi không hề có truyền thống này, đã cho rằng về sự kiện đêm 29 tháng 10 tại Itaewon ngoài sự tắc trách của các cơ quan có trách nhiệm về an toàn và an ninh trật tự cho xã hội còn là một thảm kịch do ma quỷ gây ra.

Tuy nhiên, trong lịch sử còn có những vụ giẫm đạp với những thiệt hại về nhân mạng lớn hơn nhiều.
Những thảm kịch đó đã diễn ra ở nơi mà chính quyền (cũng là thần quyền) đã tự hào về khả năng, kỹ thuật, có những tài nguyên khổng lồ để tổ chức và quản lý đám đông.
Rồi khi thảm kịch đổ xuống, họ thản nhiên khẳng định những gì xảy đến cho các nạn nhân là do ý muốn của Thượng đế!

 

Vụ giẫm đạp khủng khiếp nhất thế kỷ

Số người chết vì bị đám đông giẫm đạp trong hội Halloween ở khu chơi đêm Itaewon đã được xác định ở mức 156 người.
Con số đó không bằng một phần mười vụ xảy ra vào ngày 24 tháng 9 năm 2015, trong cuộc hành hương thường niên – được gọi là Hajj, của người Hồi giáo.

Tai nạn xảy ra ở Mina gần thánh địa Mecca ở Saudi Arabia ngày hôm đó đã được coi là thảm họa chết chóc nhất trong lịch sử lâu dài của các thảm kịch trong những cuộc hành hương hajj.
Hàng chục năm sau đó, người ta vẫn chưa đồng ý với nhau về các con số thiệt hại nhân mạng. Nhưng theo ước tính hợp lý, hơn 2.400 người đi bộ đã bị giẫm đạp và đè chết trong khoảng thời gian chỉ hơn 10 phút.

 

Những người hành hương ném đá cuội vào một cây cột ở Mina. Ảnh: Vahid Salemi/AP
Đại thánh đường Hồi giáo ở Mecca trong cuộc hành hương hajj. Photo: Ali Haider/EPA

Mecca, thánh địa Hồi giáo ở Saudi Arabia, hôm đó có hơn hai triệu người tụ tập. Họ đến để tham dự cuộc hành hương của tín đồ Hồi giáo.
Được gọi là Hajj, cuộc hành hương hàng năm của tín đồ Hồi giáo hầu như gắn liền với các thảm kịch. Từ giẫm đạp, hỏa hoạn, bạo lực, đến chìm tàu, rớt máy bay và cả dịch bệnh.
Lễ hajj bao gồm một chuỗi các nghi lễ được quy định chặt chẽ tại Đại Thánh đường Hồi giáo (Grand Mosque) ở Mecca và bốn địa điểm khác cách đó vài dặm. Nó diễn ra trong năm ngày liên tục trong tháng 12 âm lịch Hồi giáo và là bắt buộc ít nhất một lần trong đời đối với tất cả những người Hồi giáo có đủ khả năng thực hiện chuyến đi và có thể hỗ trợ gia đình của họ trong thời gian họ vắng mặt. Những người không theo đạo Hồi bị cấm vào các thành phố thánh Mecca và Medina, và nếu vi phạm có thể bị phạt tử hình.
Mina – còn được gọi là Muna, là một thung lũng và khu dân cư tọa lạc ở quận Masha’er trong tỉnh Makkah, nằm cách Mecca 8 cây số về phía đông nam, có diện tích khoảng hai mươi cây số vuông.

Vào ngày thứ ba của lễ Hajj, người Hồi giáo được lệnh phải ra đi từ sáng sớm trước khi mặt trời mọc về Mina để thực hiện nghi lễ Ném đá Quỷ hoặc Rami. Trước đó một ngày, những người hành hương đã phải thu thập những viên sỏi. Tại Mina, họ sẽ ném những viên sỏi này vào ba cây cột đá đứng – được gọi là Jamarat.
Vào ngày đầu tiên, họ chỉ ném bảy viên đá nhỏ vào cây cột đầu tiên, được gọi là “Satan lớn”. Việc ném đá tiếp tục diễn ra trong ba ngày tiếp theo và sau khi hoàn thành nghi lễ, những người hành hương đi 7 vòng quanh Kaaba – một cấu trúc bằng đá hình khối ở trung tâm Đại Thánh đường Hồi giáo ở Mecca.
Sau đó, họ nói lời cầu nguyện từ biệt và cầu xin Thượng đế chấp nhận cuộc hành hương của họ, điều mà mọi người Hồi giáo đú sức khỏe phải thực hiện một lần trong đời.
Ý nghĩa của Ném đá Quỷ xoay quanh sự kiện lịch sử khi Satan cố gắng thuyết phục Tiên tri Ibrahim (Abraham) chống lại lệnh của Allah đòi hy sinh đứa con trai duy nhất của ông. Do đó, việc ném đá cuội vào ba cột Jamarat biểu thị niềm tin mạnh mẽ của Tiên tri Ibrahim và sự từ chối Satan. Sau lễ Rami, những người hành hương tiến hành nghi lễ hiến tế, tiếp theo là phân phát thịt cho những người kém may mắn và nghèo khổ.

Hôm thứ Năm 24 tháng 9 năm 2015, hai triệu người hành hương ghi tên đã vào Mina, cùng với họ còn có thêm khoảng chừng hai trăm ngàn người nữa không ghi tên. Họ mặc những bộ quần áo giản dị màu trắng tượng trưng cho sự bình đẳng trong mắt Thượng đế, phụ nữ che đầu nhưng để lộ mặt.
Mina – còn gọi là Thành phố Lều, cũng là nơi có một mạng lưới chằng chịt với hơn 100.000 lều bằng sợi thủy tinh chống cháy, có máy điều hòa nhiệt độ, nơi hầu hết những người hành hương tạm trú qua đêm. Nó bao gồm hàng trăm con hẻm dành cho người đi bộ, nhiều con đường lớn hơn trông giống nhau và một số đường dành cho người đi bộ chính dẫn song song đến và đi từ Cầu Jamarat.

 

Hàng trăm ngàn người hành hương tiến về Cầu Jamarat, ở Mina, trong lễ hajj.
Photo: Ashraf Amra/Apaimages/Polaris
Những tấm vải liệm che phủ thi thể các nạn nhân bị giẫm đạp. Ảnh: AFP/Stringer

Vào buổi sáng ngày hôm đó, nhiệt độ xấp xỉ 43 độ C. Những người hành hương đã đến vào khoảng bình minh sau một đêm bắt buộc ở lại trong sa mạc rộng mở và đã được phân tán đến khu vực của họ để chờ đến giờ được sắp xếp cho họ thực hành nghi thức ném đá.
Con số hơn hai triệu không phải là lớn nhất trong số những cuộc tụ tập trước nay.
Nhưng hơn hai triệu người, đến từ hơn 180 quốc gia, nói hàng chục ngôn ngữ, và cùng có rất ít kinh nghiệm về việc tuân theo các quy tắc, đang cố gắng làm cùng một điều ở cùng một nơi trong cùng một ngày, đã tạo nên một đám đông nguy hiểm.

Hãy hình dung, lúc 8 giờ 45 phút sáng hôm đó, ngay trước khi thảm kịch xảy ra, hàng trăm ngàn người hành hương tạo thành những dòng người dày đặc chảy qua các con hẻm để hòa vào dòng người lớn hơn trên các con phố phụ và đổ ra các dòng chính hướng về Cầu Jamarat. Cùng lúc đó, một lượng lớn những người hành hương đã hoàn thành nghi lễ quay trở lại đang chảy qua các kênh khác theo hướng ngược lại, để đến các lều ở Mina. Theo thiết kế thì hai luồng người đó, vào và ra, sẽ không trộn lẫn. Dòng chảy vào đặc nhất là vào một con kênh có tên là Đường 204, đường này có hàng rào thép cao hai bên. Sự chuyển động ở đó rất chậm nhưng không thể thay đổi, vì tốc độ được dựa trên bước đi của những người già nhất và ốm yếu nhất, và bị đẩy phải ở phía sau bởi hàng dặm bộ hành. Về phía trước, đám đông dồn nén cho đến khi ngực người này ép sát lưng người kia – một mật độ rất nguy hiểm.

Tại sao tai nạn xảy ra vẫn còn là một câu hỏi. Lực lượng an ninh được bố trí túc trực tại các chốt để điều tiết luồng người. Sau tai nạn, Iran tố cáo rằng chuyện dồn đông người để xảy ra tắc nghẽn là do dọn đường cho một ông hoàng xứ Saudi Arabia hoặc một số nhân vật quan trọng khác. Điểm hấp dẫn của tuyên bố này là nó đưa ra một giải thích đơn giản và đổ tội lên sự ngạo mạn của giới ăn trên ngồi chốc Saudi Arabia. Nhưng lý do đó có lẽ không đúng. Ngay từ trước 9 giờ sáng tình hình trên Đường 204 đã rất nguy kịch: áp lực đám đông quá lớn khiến mọi người không còn có thể chủ động bước, họ đã bị đẩy về phía trước bởi những lực không thể ngăn cản. Không có sự hoảng loạn, nhưng nhiều người hành hương ngày càng lo lắng, và lo lắng là chính đáng. Trong những điều kiện như vậy, chỉ cần một sự việc nhỏ nhất – một người nào đó bị vấp ngã, một người nào đó ngất xỉu – là có thể gây ra hậu quả thảm khốc.

Điều xảy ra tiếp theo ở Mina không chỉ là một trục trặc nhỏ. Cách lối vào cây cầu tám trăm thước, có một con đường phụ ngắn nối góc vuông vào Đường 204. Con đường phụ này, được gọi là Đường 223, đáng lẽ ra không có ai, nhưng chỉ sau chín giờ sáng một đám đông lớn những người hành hương mất phương hướng đã đi xuống nó, mặc dù bị cảnh sát ngăn cản. Đám đông này được đẩy từ phía sau vào đám đông của những người đang di chuyển trên Đường 204. Không ai biết những người mới đến từ đâu ra. Họ có thể là những người hành hương hướng đến cây cầu đã đi theo một tuyến đường song song, Đường 206, đổ vào đường phụ, Đường 223, rồi lại đổ vào đám đông trên tuyến đường chính, Đường 204. Nhưng có một số bằng chứng cho thấy rằng đây là những người trở về từ buổi lễ, vì lý do nào đó đã lạc đường và tách ra khỏi dòng người đang đổ ra ngoài. Thế nhưng bất kể họ từ đâu ra, việc họ đột ngột xuất hiện trên Phố 204 thể hiện một thất bại lớn của các nhà chức trách Saudi Arabia – những người tự xưng là người bảo vệ cuộc hành hương hajj.

Hiện tượng này làm tắc nghẽn dòng chảy trên đường phố chính, làm ngưng chuyển động về phía cây cầu và nhanh chóng tạo thêm các sức ép khi đám đông kéo dài tiếp tục di chuyển về phía trước mà không nhận thức được điều gì đang xảy ra phía trước. Không có đoạn băng ghi hình nào được công bố rộng rãi và những người sống sót không thể kể rõ ràng vì bị lẫn lộn và chấn thương, nhưng điều chắc chắn là đối với những người ở giữa ngã tư, việc thoát thân là không thể. Áp lực ngày càng lớn đến nỗi một số khách hành hương bị tuột dép, và nhiều người bị rách quần áo. Những người mà hai tay bị kẹt cứng ở hông đã không thể nâng tay lên để che lấy ngực mà thở. Tiếng hét và tiếng la hét bắt đầu. Trong vòng vài phút ngắn ngủi, những nạn nhân đầu tiên đã chết, trong số đó có nhiều người chết đứng. Họ bị ép nén vào nhau đến nghẹt thở: áp lực đè lên ngực của họ có thể đã vượt quá 1.000 cân Anh. Cũng chính áp lực đó đã đẩy mọi người vào các rào thép vững chắc. Một số nam thanh niên khỏe mạnh đã có thể tự giải thoát và trèo qua rào, hoặc chuyền các trẻ em qua rào, đến nơi an toàn, nhưng chẳng có bao nhiêu người có được sức khỏe như thế.

Chuyện trở nên tồi tệ hơn: một phản ứng dây chuyền bắt đầu khi một hoặc vài người hành hương ngã xuống. Điều này tạo ra một khoảng trống, nơi mà áp lực từ đám đông đã đẩy những người gần bên họ vào ngay lập tức, và lần lượt mở rộng khoảng trống đó, biến một đám ít người ngã xuống thành một đám người ngã đông hơn, lớn hơn. Như những quân cờ domino bị xô đổ, dòng người ngã đổ dài trên cả hai con đường. Có những nơi mười nạn nhân chồng lên trên nhau. Nguyên nhân chính của những cái chết gần giống nhau – ngạt thở do trọng lượng quá lớn của các thân người đè lên, cũng có người hộp sọ bị vỡ nát và những lá phổi bị xương sườn gãy đâm thủng. Một số nhân chứng sau đó cho biết họ đã nhìn thấy thân mình bị xé toạc.

 

Xe cứu thương chở những người bị thương trong vụ giẫm đạp đến bệnh viện Mina. Ảnh: AFP/ Mohammed Al-Shaikh

Vụ giẫm đạp kết thúc tương đối nhanh trên con đường phụ, nhưng trên trục chính, Đường 204, chỉ kết thúc sau khi các cuộc gọi khẩn cấp đã làm ngưng được dòng chảy ngược dòng. Bị mắc kẹt trong số những người chết có hơn một ngàn người bị thương, nhiều người trong số đó đang rên rỉ hoặc kêu cứu, gào xin nước. Nắng nóng gay gắt. Các đội cấp cứu bắt đầu nhanh chóng di chuyển nhưng việc tiếp cận khó khăn vì quá đông, họ cũng không đủ sức vì quy mô công việc quá lớn. Phải mất 10 giờ để hoàn thành việc di tản. Nhiều nỗ lực đã bị lãng phí vào việc dời các xác chết trong khi những người bị thương hầu như không được chăm sóc và tiếp tục chết.
Con đường đã bị đóng cửa ngày hôm sau, nhưng cuộc hành hương hajj vẫn diễn ra như đã được sắp xếp, và thậm chí những người hành hương vừa thoát nạn đã tiếp tục nghi thức ném đá Quỷ.

Đúng như cách họ vẫn làm, chính phủ Saudi Arabia ra thông báo cho hay con số người chết là 769 người – một con số thấp mà họ vẫn khẳng định, nhưng sự dối trá đó đã bị bác bỏ bởi con số những người – từ 42 quốc gia, nhiều tuần sau đó vẫn mất tích vì thi thể không bao giờ được nhận dạng, và, theo luật Hồi giáo, đã phải chôn nhanh chóng.
Iran, quốc gia đối thủ đông người theo hệ phái Shiite của Saudi Arabia, bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 464 người hành hương thiệt mạng. Mali mất 312 người; Nigeria, 274; Ai Cập, 190; Bangladesh, 137; Indonesia, 129; danh sách này còn kéo dài.

Người Saudi Arabia rất tự hào về việc tổ chức hajj, và họ cảm thấy xấu hổ – thậm chí bị đe dọa. Chính phủ Saudi Arabia đã phản ứng với sự khó hiểu điển hình, hứa hẹn một cuộc điều tra kỹ lưỡng và công khai – nghĩa là một sự che đậy – và đổ lỗi thảm kịch cho những người hành hương vì đã không tuân theo chỉ dẫn. Người phụ trách hajj là thái tử kiêm bộ trưởng nội vụ, Mohammed bin Nayef. Một ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, giới chức tôn giáo cao nhất của Saudi Arabia, vị đại mufti Abdul Aziz bin Abdullah al-Sheikh, đã trấn an bin Nayef rằng ông ta không có lỗi và những cái chết là do ý muốn của Thượng đế.

Lời kể của một nhân chứng

Ông Sajjad Shah, người Pakistan đã dành gần một tháng để tìm kiếm thi thể của người em gái, một nạn nhân trong vụ giẫm đạp.
Theo ông Shah, ngay trước 9 giờ sáng ngày 24 tháng 9, hai nhóm chuẩn bị cho một trong những nghi thức lớn cuối cùng của cuộc hành hương – ném đá quỷ – đã va chạm tại giao lộ của hai con đường. Syeda, người em gái của ông và Irtaza, con của bà này, lúc đó ở gần phía trước đám đông đổ qua cầu Jamarat.

“Mọi người bị ép chặt đến mức không thể thở được và bắt đầu đổ vào nhau, và nhiều người bị mắc kẹt dưới chân.”
Con đường được hai bên bởi những hàng rào cao 14 bộ Anh, Irtaza đã cố gắng leo qua. Nhưng anh đã bị ngất trong vài giờ và khi tỉnh lại, anh ta quá yếu để kéo mẹ ra khỏi một đống thi thể. “Đó là mẹ tôi”, người đàn ông 26 tuổi hét lên. Nhưng một cảnh sát viên đã kéo anh ra. “Không có mẹ gì hết, đi về!” Khi anh quay lại sau đó, anh không thể tìm thấy bà.
Người cháu trở về khách sạn và gọi về Pakistan cho Shah, báo cho ông biết mẹ nó chết ngay trước mắt nó.

Một mình và không thể nói được tiếng Ả Rập, Irtaza đã dành nhiều ngày để lùng sục những xác chết nằm rải rác trên đường phố, lật những tấm giẻ đắp trên mặt các nạn nhân, với hy vọng đó là mẹ của mình. Shah nói: “Nó đi qua những vũng máu với thi thể ở khắp mọi nơi. “Đó là thứ gần nhất với địa ngục trên trái đất.”

 

Thành phố Lều Mina

Khi Shah lấy được chiếu khán sang Saudi Arabia, ông đến Mina, người cháu trai đã trở nên điên dại vì đau buồn. Vào thời điểm này, năm ngày sau thảm kịch, nhà chức trách đã bắt đầu dọn xác, vì vậy Shah và Irtaza đã từ bỏ những con đường đẫm máu và đi tìm ở nhà xác thành phố. Tại đó, Shah nhìn thấy khoảng sáu hoặc bảy chiếc xe tải chở đầy xác người đậu bên ngoài. “Các thi thể bị thối rữa. Máu chảy ra từ xe ngựa và len lỏi đến cửa nhà xác và thấm qua mặc dù chúng đã được niêm kín.” Họ được phát vé vào, nhưng buộc phải để lại điện thoại bên ngoài. Những hàng xác người nằm trên sàn nhà xác và các bác sĩ bị choáng ngợp bởi số lượng xác. “Tôi đã nhìn thấy những cảnh tượng khủng khiếp ở nhà xác: nói một cách đơn giản là sự ngược đãi người chết. Họ dường như không biết mình đang làm gì”.

Sau 20 ngày tìm kiếm, Shah và Irtaza đã tìm được xác của Syeda. Shah nói: “Tôi không còn tức giận, chỉ thấy đầy đau buồn. “Cơ thể của cô ấy vẫn còn nguyên quần áo, nhưng khuôn mặt của cô ấy đã bị biến dạng vì chảy máu.”

Xác Syeda được chôn cùng một khối lượng lớn các người chết khác trong những ngôi mộ thô sơ ở Mina.
Ông Shah được thông báo rằng những ngôi mộ này có thể sẽ được sử dụng lại vào năm tới, rất nguy hiểm là nguy cơ một vụ giẫm đạp khác, và hóa chất sẽ được đổ vào để làm tan xác các thi thể.

 

Ý muốn của Thượng đế?

Thảm kịch trong cuộc hành hương hajj năm 2015 là vụ giẫm đạp có nhiều chết người nhất trong lịch sử.
Nhưng “ý muốn của Thượng đế” đã thể hiện trong nhiều hajj trước đó.
Trước vụ giẫm đạp tại Miana chỉ hơn mười ngày, hôm 11 tháng 9 năm 2015, đã có nhất 107 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương khi một cây cần cẩu đổ xuống Đại Thánh đường Hồi giáo ở Mecca.

 

Ngày 12 tháng 1 năm 2006: Hơn 360 người hành hương chết trong một vụ giẫm đạp ở Mina. Một ngày trước khi cuộc hành hương hajj bắt đầu, một tòa nhà tám tầng được sử dụng làm nhà trọ gần Đại Thánh đường Hồi giáo ở Mecca đã bị sập đổ, khiến ít nhất 73 người thiệt mạng.

Một tuần trước đó, hôm 6 tháng 1, có 76 người chết khi một khách sạn ở trung tâm thành phố bị sập.

Ngày 22 tháng 1 năm 2005: Ba người hành hương bị đè chết trong một vụ giẫm đạp tại lễ ném đá ở Mina.

Ngày 1 tháng 2 năm 2004, vào ngày cuối cùng của lễ hajj, một vụ giẫm đạp do nghẽn tắc tại Mina đã giết chết khoảng 250 người hành hương và hàng trăm người bị thương.

Ngày 11 tháng 2 năm 2003: 14 tín đồ, gồm 6 phụ nữ, đã chết trong một vụ giẫm đạp vào ngày đầu tiên của nghi lễ ném đá, nhiều người bị thương.

Ngày 5 tháng 3 năm 2001: Một vụ giẫm đạp tại Mina trong ngày cuối cùng của lễ hành hương giết chết 35 tín đồ hành hương.

Ngày 9 tháng 4 năm 1998: Hơn 118 người thiệt mạng và 180 người bị thương trong vụ giẫm đạp tại Mina.

Ngày 15 tháng 4 năm 1997: 343 người hành hương thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại thành phố lều Mina. Hơn 1.500 người bị thương.

Ngày 24 tháng 5 năm 1994: 270 người hành hương thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp trong nghi lễ ném đá ở Mina.

Ngày 2 tháng 7 năm 1990: Một vụ giẫm đạp lớn xảy ra trong một đường hầm ở Mina sau khi hệ thống thông gió của nó bị hỏng, giết chết 1.426 người hành hương, phần lớn đến từ châu Á.

Ngày 10 tháng 7 năm 1989: Một cuộc tấn công ở bên ngoài Đại Thánh đường Hồi giáo, giết chết một người và làm bị thương 16. Mười sáu người Shiite Kuwait bị kết tội và bị xử tử vài tuần sau đó.

Ngày 31 tháng 7 năm 1987: Lực lượng an ninh Saudi Arabia trấn áp một cuộc biểu tình trái phép do những người hành hương Iran tổ chức. Theo một số liệu chính thức, hơn 400 người, trong đó có 275 người Iran thiệt mạng.

Ngày 20 tháng 11 năm 1979: Hàng trăm tay súng phản đối chính phủ Saudi Arabia đã tự rào chắn bên trong Đại Thánh đường Hồi giáo, bắt hàng chục người hành hương làm con tin. Con số chính thức của vụ tấn công và giao tranh sau đó là 153 người chết và 560 người bị thương.

Tháng 12 năm 1975: Một đám cháy lớn bắt đầu do một bình khí đốt phát nổ trong một trại hành hương gần Mecca giết chết 200 người.

Bên cạnh những vụ giẫm đạp, còn có không ít tạ nạn hàng không mà nạn nhân là những tín đồ Hồi giáo trên đường đến hay về từ các cuộc hành hương đến Mecca và Mina. Vụ có số người chết nhiều nhất xảy ra ngày 9 tháng 8 năm1980. Tất cả 287 hành khách và 14 nhân viên phi hành chuyến bay Saudia Flight 163 thiệt mạng khi chiếc phi cơ cất cánh từ phi trường Riyadh phải hạ cánh khẩn cấp sau khi phát giác lửa cháy ở khoang hàng hóa.

Đỗ Quân (nguồn: Vanity Fair, The Guardian, Wikipedia…)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email