Vua cũng thua thằng liều

Lý Anh

Giữa lúc tình hình Đông Bắc Á vô cùng căng thẳng do những vụ thử vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn gây ra, nhiều người lo sợ chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ do nguyên thủ 2 nước dọa nhau “nút bấm nguyên tử đã sẵn sàng trên bàn làm việc của mỗi người”.
Đầu tháng 01/2018, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un (Kim Ủn) bỗng bày tỏ thiện chí qua lời tuyên bố Bắc Hàn sẽ tham dự Thế vận hội Mùa đông ở Đại Hàn, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bỗng dịu xuống, Nam – Bắc Hàn nối lại đường giây nóng và các cuộc hội đàm đã gián đoạn hai năm nay.

Bắc Hàn là quốc gia cực quyền nghèo nhất nhì thế giới, Kim Ủn là một bạo chúa hung tàn, giết người như ngóe, nhờ có vũ khí nguyên tử, ăn nói ngang tàng và liều lĩnh, chỉ bị trừng phạt về kinh tế, chưa bị treo cổ như Saddam Hussein, cựu Tổng thống Iraq. Đúng như các cụ ta từng nói: “Vua cũng thua thằng liều”.

Nối lại đàm phán Nam – Bắc Hàn

Trong bài phát biểu đầu năm ngày 01/01/2018, tuy Kim Jong-un vẫn cứng rắn với Hoa Kỳ, nhưng bất ngờ bày tỏ thiện chí với Nam Hàn, chúc mừng Thế vận hội Mùa Đông 2018 thành công tốt đẹp, đồng thời thông báo Bắc Hàn sẽ tham dự thế vận hội này. Kim Ủn nói: “Sự kiện thể thao mùa đông được tổ chức ở Đại Hàn là dịp tốt cho đất nước. Chúng tôi hy vọng Thế vận hội Mùa đông thành công. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước khác nhau theo trình tự, trong đó có danh sách đoàn lực sĩ đến PyeongChang tham dự”. Sau đó, Ủn còn nói, cử một phái đoàn tới Thế vận hội Mùa đông 2018 là cơ hội tốt để thể hiện sự đoàn kết giữa người dân 2 miền nam và bắc Bán đảo Triều Tiên.

Một số người đặt câu hỏi: Đây là thiện chí của Kim Ủn hay bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, nay tung “hỏa mù” để tranh thủ sự đồng tình và viện trợ của miền nam?
Khoảng ba giờ chiều ngày 03/01 (giờ địa phương), kênh liên lạc giữa Bắc và Nam Hàn vốn bị cắt đứt từ cuối năm 2015 do Bình Nhưỡng thử hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nguyên tử nay được nối lại. Chính phủ 2 miền Nam Bắc đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm luân phiên tại Nhà Hòa Bình, phía Nam Hàn và Điện Tongil ở phía Bắc Hàn. Hai địa điểm này đều nằm trong làng Panmunjom (Bàn Môn Điếm), nơi Nam Bắc Hàn từng có các cuộc đàm phán lịch sử trong khu vực phi quân sự (DMZ) được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngày 09/01/2018, đoàn đàm phán của Bắc Hàn do ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Thống nhất Tổ quốc Bắc Hàn, dẫn đầu, bước qua biên giới được canh phòng cẩn mật. Sau khi bắt tay với các vị trong đoàn đàm phán Nam Hàn do ông Cho Myoung-Gyon, Bộ trưởng Thống nhất Nam Hàn dẫn đầu, hai bên hội đàm với nhau khoảng 11 tiếng đồng hồ.

Ông Cho Myoung-Gyon, Bộ trưởng Thống nhất Nam Hàn, cho truyền thông hay, nội dung ưu tiên trong cuộc hội đàm ngày 09/01 là Thế vận hội Mùa đông tại Pyeongchang, nhưng cũng bàn đến một số vấn đề liên quan đến việc cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Nam và Bắc Bán đảo Triều Tiên. Ông cho biết, Bắc Hàn quyết định cử các lực sĩ cùng một đoàn quan chức cấp cao và một đội cổ vũ dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang vào tháng tới. Trong cuộc hội đàm lần này, hai bên không đề cập đến các vấn đề liên quan đến vũ khí nguyên tử.

Hoa Kỳ thận trọng trong việc bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đối thoại giữa 2 miền nam và bắc Triều Tiên, đồng ý hoãn các cuộc tập trận chung với quân đội Đại Hàn cho đến sau Thế vận hội Mùa đông 2018. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng nói đối thoại là “một việc tốt”, có thể Hoa Kỳ sẽ tham gia vào các cuộc hội đàm “vào thời điểm thích hợp”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng lo ngại rằng, có thể “Bình Nhưỡng đang cố gắng chia rẽ Hoa Thịnh Đốn và Hán Thành, làm suy yếu nỗ lực của Hoa Kỳ buộc Bắc Hàn phải từ bỏ việc phát triển vũ khí nguyên tử”.

Ngày 09/01, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng hoan nghênh Bắc Hàn tham gia Thế vận hội Pyeongchang, nhưng cũng nhắc lại rằng chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng trên thế giới, các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc.

Đóng góp của TT Moon Jae-in
Sau cuộc hội đàm giữa 2 đoàn đại biểu Nam và Bắc Hàn ngày 09/01, dư luận cho rằng, TT Đại Hàn Moon Jae-in là người đã có công lớn trong việc nối lại đường giây nóng và hội đàm lần này.
Như chúng ta biết, Tổng thống Moon Jae-in là người khi ra tranh cử Tổng thống Đại Hàn đã nói rõ, nếu đắc cử sẽ thay đổi đường lối cứng rắn của Hán thành trong quan hệ với láng giềng phương Bắc. Theo ông, muốn xóa bỏ căng thẳng giữa 2 miền nam và bắc, tăng cường giao lưu tốt hơn chống đối lẫn nhau.
Giáo sư Andrei Lankov, giảng dạy tại Đại học Kookmin tọa lạc tại Seongbuk District, Hán Thành, từng nói: Ông Moon Jae-in là người muốn thay đổi đường lối cứng rắn của Hán Thành trong quan hệ với Bắc Hàn. Bình thường hóa quan hệ sẽ rất khó khăn, nhưng Moon Jae-in sẽ thúc đẩy quan hệ giữa hai miền trong một số lĩnh vực. Ví dụ, khôi phục hoạt động của khu liên hợp công nghiệp Kaesong (Khai Thành) và gửi viện trợ nhân đạo. Tóm lại, Moon Jae-in chủ trương mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai miền Triều Tiên.
Đúng như nhận xét của Giáo sư Andrei Lankov, sau khi đăng quang Tổng thống Đại Hàn vào ngày 10/05/2017, một tháng sau (06/2017), trong bài phát biểu chào mừng khai mạc Giải Vô địch Taekwondo thế giới do Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF) tổ chức tại Muju, cách thủ đô Hán Thành 240 cây số về phía nam, Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in chính thức mời các lực sĩ miền bắc tham dự Thế vận hội Mùa Đông tổ chức tại Nam Hàn. Ông nói: “Tôi tin tưởng vào sức mạnh của thể thao vốn đã và đang tạo lập hòa bình. Tôi vui mừng được chứng kiến hoạt động giao lưu thể thao đầu tiên giữa Nam và Bắc Hàn …”.

Nhờ vậy, ngày 01/01/2018, sau khi Kim Ủn tuyên bố Bắc Hàn tham dự Thế vận hội Mùa đông, quan hệ giữa 2 miền nam và bắc mới tiến triển mau lẹ như vậy.

Kim Jong-un thao túng thế giới?
Chiến tranh Triều tiên từ 1950 đến 1953 giữa 2 miền nam và bắc Triều Tiên kết thúc bằng “Hiệp định Đình chiến”, không phải là “Hiệp định Hòa bình”, bởi vậy, có thể nói cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, hai bên tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh, có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến. 

Khi vừa nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump lên tiếng phê phán chiến lược “nhẫn nại đối với Bắc Hàn” của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và các vị Tổng thống đời trước, đồng thời cảnh cáo Bắc Hàn phải tuân theo trừng phạt của quốc tế, bằng không sẽ giải quyết bằng vũ lực. Trong khi đó, Bắc Hàn liên tục bắn thử hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nguyên tử, đe dọa có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ liên tiếp cho máy bay tàu chiến vây quanh Bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, người đứng đầu 2 quốc gia Bắc Hàn và Hoa Kỳ còn “bùng nổ cuộc khẩu chiến” đe dọa nhau về “nút bấm nguyên tử”. Sau khi Kim Ủn khẳng định nút bấm nguyên tử sẵn sàng trên bàn làm việc của mình và cảnh báo, Mỹ nằm trong tầm tấn công của vũ khí nguyên tử Bắc Hàn, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lập tức đăng tải dòng tweet khẳng định nút bấm nguyên tử của Hoa Thịnh Đốn “to và có sức mạnh hơn”. Dù bình luận này của ông Trump đứng trước không ít chỉ trích, trong đó có lời nhận định của cựu Phó Tổng thống Joe Biden cho rằng, bình luận của ông Trump có thể khiến đồng minh mất niềm tin vào Hoa Thịnh Đốn, tình hình Đông Bắc Á càng căng thẳng.

Đầu năm 2018, Kim Ủn bỗng nói lên những lời bày tỏ thiện chí của mình đối với người anh em phương bắc vốn coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Nam – Bắc Hàn lập tức nối lại đường giây nóng gián đoạn từ cuối năm 2015. Hoa Kỳ đồng ý hoãn tập quân sự chung giữa hai nước Mỹ Hàn theo đề nghị của Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in …
Bắc Hàn là quốc gia thường gây ra nhiều căng thẳng, nay bỗng bày tỏ thiện chí, khiến đối thủ của mình thở phào và nhượng bộ. Qua đó có thể nói, căng thẳng hay không đều do Bắc Hàn chủ động, Kim Ủn là kẻ thao túng thế giới (?).
Nhìn lại lịch sử Bắc Hàn (1945 – nay), ba đời họ Kim đều thành công trong việc bảo vệ đất nước. Đối nội ông cháu họ Kim thống trị bằng bàn tay sắt, tẩy não, thậm chí còn giết người như ngóe. Đối ngoại thì, tấn công hay phòng thủ đều chủ động, nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho mình.

Trước kia Bắc Hàn lợi dùng Đàm phán sáu bên (Six-party talks) về vấn đề nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên với sự có mặt của đại diện 6 nước: Bắc Hàn, Đại Hàn, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc, để được các nước viện trợ kinh tế và lặng lẽ phát triển vũ khí nguyên tử. Ví dụ, khi Bắc Hàn đồng ý thực hiện cuộc hội đàm giữa Tổng thống Đại Hàn Kim Da-jung và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il, Bình Nhưỡng nhận được khoản tiền viện trợ từ Hán Thành là 500 triệu Mỹ kim và xây dựng khu công nghiệp Kaesong. Trong khi đó trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không làm cho Bắc Hàn chùn bước. Tóm lại, thách đố của Hoa Kỳ, thiện chí của miền nam, trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đều không thể thay đổi quyết tâm phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.

Khi Bắc Hàn có loại vũ khí nguyên tử bắn đến lãnh thổ Hoa Kỳ, Kim Jong-un trở thành “ông ác”, “ông thiện”. Lúc bấy giờ Ủn khiến nhiều người lo sợ có thể xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử, cũng có thể làm cho tình hình Đông Bắc Á bớt căng thẳng, Nam – Bắc Hàn hòa giải, xích lại gần nhau hơn nữa.
Năm 2013, Ủn từng mồm loa mép giãi gây chiến bằng hỏa tiễn đạn đạo, năm 2015 lại tỏ thiện chí đồng ý họp nguyên thủ Nam và Bắc Hàn, ít lâu sau thì im hơi lặng tiếng do Tổng thống Nam Hàn thời đó là bà Park Geun-hye, không có thiện chí với miền bắc. Bây giờ, người đứng đầu Đại Hàn luôn luôn muốn cải thiện quan hệ với Bắc Hàn theo chiều hướng tốt đẹp hơn, trong tay Kim Ủn lại có vũ khí nguyên tử bắn đến nước Mỹ, nên càng huyên hoang hơn …

Ba đời họ Kim và các vị Tổng thống khuynh hữu của Đại Hàn là những kẻ gây ra tình hình căng thẳng giữa 2 miền nam bắc Bán đảo Triều Tiên, trong khi đó, dân chúng 2 miền lại muốn có cuộc sống hòa bình, dân tộc tự chủ, thoát khỏi sự khống chế của cường quyền quốc tế. Hy vọng những điều họ mong muốn trở thành hiện thực!
Lý Anh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email