What can be done?

Nguyễn Thơ Sinh

Tuần lễ đầu tiên sau “4th of July” năm 2016 thật kinh hoàng đối với nhiều người. Hôm thứ ba ngày 5 tháng 07, một người đàn ông da đen bán CD dạo bị cảnh sát bắn chết (trong lúc xô xát) tại Baton Rough, Louisiana. Sang tối thứ tư (ngày 6/7/2016) một người đàn ông da đen khác bị cảnh sát bắn chết (khi cảnh sát chặn xe vì lý do đèn signal phía sau bị hỏng) tại St Paul, Minnesota.

Đến tối thứ năm, ngày 7/7/2016 tại Dallas, Texas, một vụ nổ súng khác xảy ra. Lần này tay súng là một cựu chiến binh Mỹ (Army Reservist) đã mai phục bắn chết 5 cảnh sát và 7 cảnh sát khác bị thương.

Liên tiếp trong ba ngày liền. Những sự kiện diễn biến bất ngờ ấy đã liên tục xảy ra. Dân Mỹ gần đây đã quá quen với những vụ tai nạn kiểu này nhưng vẫn bàng hoàng. Không cảnh sát bắn người – thì cũng là người dân bắn cảnh sát. Chuyện đau lòng này đã trở thành chuyện cơm bữa.

Lần này ba sự kiện xảy ra quá gần nhau, cuối cùng biến thành chuyện ba-cây-chụm-lại-nên-hòn-núi cao, thu hút sự tập trung của toàn nước Mỹ và thế giới.

Quả nhiên thế. Đi đâu cũng nghe nói về ba vụ nổ súng mới xảy ra lần này. Báo chí nhiều tháng qua (loan tin các vụ nổ súng xảy ra khắp nơi trên đất Mỹ) xem ra vẫn chưa ngán. Chuyện không lạ lẫm gì. Nhưng trong bối cảnh mới, vụ trước chưa kịp nguội đã thấy vụ sau xảy đến. Dân chúng ngỡ ngàng và lo lắng. Họ lắc đầu nhìn nhau: Không lẽ những bài học đau thương trong quá khứ chẳng để lại chút kinh nghiệm xương máu nào cho cảnh sát và dân chúng? Hay bài học này không thể áp dụng được. Xung đột giữa cảnh sát và người dân (đặc biệt dân da đen dễ bị tình nghi) trên đất Mỹ thời nào cũng có. Chỉ khác là dạo gần đây truyền thông được internet chắp cánh và smart-phone quá sẵn, chuyện gì cũng có thể phát tán rất nhanh, bé xé ra to, chỉ cần vài giờ đồng hồ là nước Mỹ sẽ xôn xao lên tại đủ bốn múi giờ.

Phải làm sao đây? Không lẽ cứ để chuyện này xảy ra mãi?

Rất nhiều giấy mực đã viết về những vụ án tương tự. Quốc hội và Thượng viện đã họp đi họp lại. Các chính khách đã đưa ra rất nhiều đường lối khác nhau nhưng chẳng tóm lại được sự đồng thuận nào. Các học giả thì đưa ra học thuyết này, giả thiết kia để giải thích và cảnh báo. Sách báo cũng nhảy vào góp phần khiến cho đề tài bạo hành súng đạn (gun violence) và kiểm soát súng (gun control) thêm phần náo nhiệt. Dân chết. Cảnh sát chết. Thiên hạ hoài nghi: Chẳng lẽ nước Mỹ lần này thực sự vô phương trước những chuyện đau lòng diễn ra trên sân nhà của mình.

Ah! What can be done? Can we resolve it or not?

Chương trình bình luận đề tài “shootings” của các đài truyền hình lớn như CNN, ABC, CBS hay các chương trình radio khắp nơi (cứ bật máy lên) sẽ nghe thấy. Giải thích có. Tiên liệu có. Nhắc nhở có. Kêu gọi đoàn kết và xóa bỏ hận thù có. Chia buồn cũng có. Nhưng xem ra những điều đó (hình như) đã nghe nói đến từ lâu. Thực tế đau lòng đến độ hiển nhiên. Mỹ: Thiên đường của những ai muốn mua súng. Mỹ: Nơi chuyện “lỡ-tay” của cảnh sát gây chết người không hiếm. Mỹ: Người da màu xô xát với cảnh sát xảy ra quá dễ dàng? Mỹ: Liệu có còn an toàn cho người da màu và cảnh sát? Mỹ: Hồn ai nấy giữ. Mỹ: Wild wild West? Mỹ: Chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp đây?

Từ Tổng thống Barack Obama cho đến các chính khách, thậm chí ngay cả NRA (National Rifle Association) là tổ chức bênh vực đấu tranh cho quyền mang súng của người Mỹ (mang về doanh thu khá lớn: 348 triệu Mỹ kim năm 2013) đã không ngừng các chiến dịch đấu khẩu mỗi lần những vụ nổ súng xảy ra. Loạn xạ hết cả lên. Tu chính án II thì vẫn thế. Các nỗ lực kêu gọi chỉnh sửa Tu chính án II cho phù hợp với bối cảnh hiện tại chỉ dừng lại ở chỗ nói-cho-xong. Nhiều tiểu bang khó chịu trước tình trạng chính quyền liên bang bế tắc trong cách xử lý đã tự mình có luật riêng để kiểm soát súng đạn. Trong khi đó những biển quảng cáo lớn tại những trục đường xa lộ của nhiều nơi vẫn thấy quảng cáo ì xèo những chương trình giới thiệu súng (gun show) đồ sộ, to lớn…

Nay đang vào mùa phiếu, các ứng cử viên tổng thống muốn dọn vào Nhà Trắng không thể yên lặng mãi trước những vụ nổ súng. Hiển nhiên người ta mong đợi họ sẽ có những phát biểu trong cương vị presumptive nominee. Với hai đảng lớn: Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa, họ buộc phải lên tiếng. Chí ít họ sẽ lợi dụng các tình tiết nóng hổi mới xảy ra để đánh bóng kế hoạch vận động của mình. Đây là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được.

Vậy họ đã nói gì?

(Ngay sau khi vụ nổ súng tại Dallas đã cướp đi 5 sinh mạng của lực lượng cảnh sát hôm thứ sáu) Hillary Clinton cho CNN biết bà sẽ có những kế hoạch đối phó. Bà tỏ ra bức xúc trước tình trạng hỗn-quân-hỗn-quan hiện nay. Điều này không sai. Quá nhiều vụ xô xát nổ súng dẫn đến những cái chết rất lãng xẹt giữa cảnh sát Mỹ và người dân. Theo bà: Ba vụ nổ súng gần đây là lời kêu gọi yêu cầu Mỹ nên có một hành động thiết thực giải quyết vấn đề nghiêm trọng này: A call to action. Nhất định phải có những can thiệp cụ thể, không thể đợi chờ lâu hơn được nữa.

Nguyên văn lời bà đã nói với xướng ngôn viên Wolf Blitzer của Đài CNN như sau: And as president, I would implement the very comprehensive set of proposals that I’ve been making for more than a year. Cụm từ bà sử dụng “very comprehensive set of proposals” cho thấy đây là kế hoạch hành động chi tiết vốn được bà âm thầm biên soạn hơn một năm qua.

Bà cho biết thêm (nguyên văn): We must do more to have national guidelines about the use of force by police, especially deadly force. We need to do more to look into implicit bias. And we need to do more to respect and protect our police. Ở đây chúng ta thấy bà đang nhắm tới việc cải tổ lại thủ tục công vụ của cảnh sát (cấp quốc gia) khi họ sử dụng các phương tiện khống chế. Bà cho rằng Mỹ cần xem xét kỹ hơn cội rễ của những đối xử phân biệt. Bà kêu gọi nên có nhiều nỗ lực hơn nữa bảo vệ lực lượng cảnh sát cũng như giúp xã hội tôn trọng nhiệm vụ của họ. Nên nhớ cảnh sát thiệt mạng trong khi thi hành công vụ tại Mỹ là một tổn thất lớn lao. Năm 2015, có đến 42 cảnh sát đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Còn năm 2016, mới chỉ có nửa năm, con số cảnh sát chết khi thực hiện công vụ đã lên đến 26 người (tăng 44% so với cùng thời kỳ năm ngoái).

Còn đối thủ của Hillary Clinton, Mr. Donald Trump của Đảng Cộng hòa đã nói gì nhân vụ này? Trước khi ông kịp đưa ra những phát biểu, người ta nghĩ ông chẳng nói gì được nhiều. Bởi lẽ ông không thể đi ngược lại các tư tưởng của Tổ chức NRA cũng như chuyện ông tin tưởng rằng “súng trong tay người tốt sẽ ngăn chặn được các vụ nổ súng do kẻ xấu gây ra”. Lần này, ba ngày liền, ba vụ nổ súngxảy ra, hai vụ cảnh sát bắn người và một vụ bị dân bắn ngược lại. Nói gì bây giờ? Nhưng ông vẫn lên tiếng (nguyên văn): “Our nation has become too divided. Too many Americans feel like they’ve lost hope. Crime is harming too many citizens. Racial tensions have gotten worse, not better. This isn’t the American Dream we all want for our children.” Với phát biểu rất chung chung này, ông nói mà như không nói gì. Rút ra từ phát biểu này, theo ông, tội phạm ở Mỹ là nguyên nhân của mọi phiền phức, nhất là khi tội phạm đi chung với những căng thẳng xoay quanh các vấn đề chủng tộc. Và nước Mỹ đang chia rẽ rất sâu sắc.

Với dân chúng Mỹ, khi nói về đề tài căng thẳng giữa cảnh sát và dân chúng, có người đề xuất: Tại sao không để cảnh sát da màu làm việc tại những khu dân da màu sinh sống? Không dễ dàng chút nào. Vì để được chọn vào lực lượng cảnh sát người nộp đơn phải có học, có trình độ, có lý lịch tư cách đạo đức tốt. Chỉ xét về mặt này thôi cũng đủ thấy công việc tuyển mộ cảnh sát da màu không phải dễ. Thực tế là vậy, khá buồn, nhưng chẳng thể thay đổi được. Còn những ai có đủ tư cách (học vấn và lý lịch tốt) sẽ không chọn con đường cảnh sát bởi sẽ phải đối diện với những vấn đề tội phạm vốn rất phức tạp. Đồng lương cảnh sát chẳng bõ bèn gì so với nguy hiểm của nghề này đem lại.

(Còn lỡ như) tại khu da trắng do cảnh sát da trắng làm việc bỗng có người da màu lạc vào (thì họ) phải làm sao? Chuyện này vì thế nói dễ nhưng không dễ. Hơn nữa với não thức đối xử phân biệt hiện diện trong tâm lý xã hội Mỹ từ nhiều thập niên qua: Dân da trắng có ưa gì người da màu. Thấy da đen xuất hiện ở khu trắng người ta sẽ chau mày. Ví dụ cụ thể, người da trắng sẽ bỏ một tiệm nails đi chỗ khác nếu như họ thấy nhiều khách da đen đến tiệm nails đó. Thợ nails cũng không mặn mà gì với khách da màu (trừ phi biết rõ họ là người típ rộng, mà thành phần này thì lại không nhiều). Còn các khu dân cư chỉ cần thấy Mỹ đen dọn đến dân da trắng sẽ tìm cách bỏ đi. Thậm chí dân Mễ cũng ngán dân da đen. Cứ thế… Sự đố kỵ ngấm ngầm này chẳng thể cứ nói muốn bứng tận gốc là bứng được.

What can be done now?

Lẽ ra hai vụ cảnh sát bắn người (nạn nhân đều là da đen), một tại Baton Rouge của Louisiana là Alton Sterling, 37 tuổi và một người khác tại St Paul của Minnesota là Philando Castile, 32 tuổi sẽ dấy lên một làn sóng đòi hỏi cảnh sát phải cẩn thận hơn khi tiếp cận người da đen. Nhưng với vụ bắn cảnh sát (do một người da đen gây ra) tại Dallas khiến 5 cảnh sát thiệt mạng và 7 cảnh sát khác bị thương, trọng tâm của yêu cầu này đã bị loãng hẳn đi. Bởi người ta sẽ nói: Đấy! Dân da đen là vậy. Có muốn mềm mỏng với họ cũng không được. Tử tế gì!

What can be done? Làm gì bây giờ? Câu hỏi đó hình như nghe thì dễ, nhưng để tìm được câu trả lời thỏa đáng mới thấy khó.

Hay là tất cả cảnh sát phải mang theo máy ghi hình gắn trên áo (body camera) để họ bớt đi những đối xử thô bạo không cần thiết (vì không ít cảnh sát có thể đã lạm dụng chức vụ). Hay là cấm hẳn… mà cấm cái gì bây giờ? Không lẽ cấm Mỹ đen ra đường(!) Cấm Mỹ đen mang súng? Cấm Mỹ đen lái xe cũ. Cấm Mỹ đen bán dạo CDs…

Mỹ là xứ xở của nhiều tu chính án nơi quyền tự do của người dân được bảo vệ rất cao. Kể cả quyền được mang súng… Có lẽ Uncle Sam chỉ có thể…

Và những cái “có thể” ấy xem ra vẫn chỉ là những ốc đảo hoang tưởng giữa sa mạc, hiện ra rất rõ trong tầm mắt nhưng thực ra chúng chỉ là những ảo ảnh mà thôi.

 

Nguyễn Thơ Sinh

 

Xem thêm

Nhận báo giá qua email