Canada đã phê duyệt vaccine Covifenz mới từ nhà sản xuất Medicago vào tháng trước, trở thành quốc gia đầu tiên làm như vậy. Tuy nhiên, những nỗ lực của công ty dược phẩm sinh học có trụ sở tại Québec City để cho phép loại thuốc này được sử dụng ở các quốc gia khác đã bị gián đoạn trong tuần này sau khi một giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nó “rất có thể” sẽ không được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vì Medicago thuộc sở hữu một phần của nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris International.
Mariangela Simao, phụ tá tổng giám đốc của WHO đã trích dẫn hiệp ước kiểm soát thuốc của tổ chức này cấm “liên can” đến các công ty thuốc lá trong một cuộc họp báo tuần qua, nơi bà thông báo việc phê duyệt Covifenz bị tạm dừng.
Canada là một trong 182 nước ký vào Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá, được ký kết năm 2005, kêu gọi các thành viên bảo vệ các chính sách sức khỏe cộng đồng “khỏi các lợi ích thương mại và các lợi ích khác của kỹ nghệ thuốc lá”.
Trong một tuyên bố với CTV News, Bộ Y tế Canada cho biết họ ủng hộ đầu tư vào vaccine của Medicago và thỏa thuận này không bị vi phạm.
Liệu WHO có đảo ngược quyết định hay không vẫn còn phải chờ xem, nhưng trong thời gian chờ đợi, Bộ Y tế Canada cho biết họ đã sẵn sàng chia sẻ đánh giá của mình đối với Covifenz và cho biết họ sẽ “yểm trợ việc cấp phép ở các quốc gia khác, cũng như cho phép các quốc gia khác tiếp cận các nguồn cung cấp vaccine Covifenz có thể có trong những tháng tới”.
Medicago cho biết họ tin rằng quyết định của WHO dựa trên các cổ đông của công ty “chứ không phải về tính an toàn và hiệu quả đã được chứng minh của vaccine của chúng tôi”.
Philip Morris Investments, một công ty phụ thuộc Philip Morris International, là cổ đông của Medicago từ năm 2008 và làm chủ khoảng 1/3 công ty, theo trang web của công ty sản xuất thuốc lá Mỹ-Thụy Sĩ. Tập đoàn Mitsubishi Tanabe Pharma có trụ sở tại Nhật Bản là cổ đông chính của Medicago.
Chính phủ liên bang đã công bố một thỏa thuận trị giá 173 triệu đô-la vào năm 2020 để giúp Medicago phát triển vaccine và mở rộng cơ sở sản xuất. Chính phủ cũng đã đặt mua 76 triệu liều Covifenz.
GlaxoSmithKline đã hợp tác với công ty để sử dụng các protein có nguồn gốc thực vật để tạo ra loại vaccine, mà khi phê duyệt Bộ Y tế Canada cho biết có hiệu quả 71% đối với nhiễm trùng có triệu chứng và 100% hiệu quả đối với bệnh nặng do Covid-19 gây ra.
Việc chấp thuận vaccine Covifenz tại Canada đã tạo ra một tiếng vang trong một số người do dự về vaccine. Một số người Québec nói với CTV News rằng họ đã tránh các loại vaccine dựa trên mRNA khác đặc biệt để chờ vaccine dựa trên thực vật được cấp phép ở Canada.
LCC (Theo CTV)