Huy Lâm
Ngày 29 Tháng 6 năm 1956, tổng thống lúc bấy giờ là Dwight Eisenhower đã ký thành đạo luật có tên Đạo luật Trợ cấp Liên bang xây Xa lộ (Federal-Aid Highway Act) để bắt đầu xây dựng hệ thống xa lộ xuyên bang dài 41,000 dặm chạy ngang dọc khắp nước Mỹ, với tổng cộng chi phí được dự trù vào khoảng 26 tỷ Mỹ kim.
Theo ý kiến của Eisenhower, hệ thống xa lộ này, sau khi hoàn tất, sẽ loại bỏ đi những con đường thiếu an toàn, những đoạn đường vòng vo bất tiện, giảm bớt nạn kẹt xe và tất cả những thứ cản trở khác làm cho việc di chuyển đường xa bị chậm lại. Ngoài ra, một lý do khác nữa được những người ủng hộ việc xây hệ thống xa lộ đưa ra là “nếu trong trường hợp những thành phố trọng yếu của nước Mỹ bị tấn công bởi vũ khí nguyên tử, hệ thống đường xa lộ này còn giúp cho việc di tản dân chúng ở những khu vực nằm trong mục tiêu tấn công được nhanh và dễ dàng hơn.” Và vì vậy, việc xây dựng hệ thống xa lộ, ngoài sự tiện lợi, còn là điều “hệ trọng đối với quyền lợi quốc gia.”
Trong toàn bộ dự án xa lộ liên bang, một trong những xa lộ đầu tiên được khởi công là xa lộ I-95 – chạy dọc theo miền duyên hải phía đông của nước Mỹ, cực bắc của nó đụng ranh giới giữa tiểu bang Maine và Canada, cực nam của nó là thành phố Miami, Florida, và cho đến nay được mệnh danh là con đường xa lộ bận rộn nhất nước Mỹ.
Hầu như tất cả những ai sống ở miền đông đều biết tới nó và đã từng phải sử dụng xa lộ này. Tuy nhiên, có nhiều người đến nay vẫn chưa biết một điều khác thường về con đường này, và nếu cố Tổng thống Eisenhower có bất ngờ sống lại thì có lẽ ông cũng không tin được là con đường xa lộ bắc nam được khởi công từ ngày ông còn sống đến nay hơn 60 năm sau vẫn chưa hoàn tất. Hiện nay vẫn còn một phần gián đoạn dài tám dặm rưỡi nằm ở khu vực biên giới giữa hai tiểu bang Pennsylvania và New Jersey. Những ai cần đi qua đoạn này thì bắt buộc phải đi vòng vì cái vết đứt trên. Lý do thì có nhiều nhưng tựu trung là vì bị giới nhà giàu và những nhóm bảo vệ môi trường chống đối và vì vậy con đường vẫn chưa xây dựng xong. Điều này cũng có nghĩa là toàn bộ kế hoạch xây dựng hệ thống xa lộ xuyên bang nguyên thủy sau hơn nửa thế kỷ có thể nói vẫn chưa hoàn thành. Không ai phủ nhận sức mạnh kỹ thuật của nước Mỹ và không một chướng ngại nào từ trước tới nay mà kỹ thuật không thể vượt qua. Nhưng trong trường hợp của xa lộ I-95 thì kỹ thuật đã phải chịu thua quyền lực của giới nhà giàu và giới hoạt động xã hội.
Xa lộ I-95 có thể được xem như một kỳ quan của nước Mỹ. Theo Bộ Giao thông Vận tải, đây là xa lộ chạy dọc trục nam bắc dài nhất nước Mỹ và là xa lộ được sử dụng nhiều nhất nếu tính về số dặm đường mà các loại xe chạy trên đó.
Đây còn là xa lộ hoạt động có hiệu năng nhất, mặc dù phục vụ cho khu vực chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm diện tích đất của nước Mỹ nhưng lại chiếm tới gần 40 phần trăm dân số – tương đương khoảng 110 triệu người. Theo Liên đoàn Hành lang I-95, một nhóm gồm các cơ quan chính quyền lo việc trông coi và bảo trì con đường, cho biết mật độ dân số sống dọc theo con đường có thể sánh ngang với khu vực Tây Âu, nghĩa là cũng đông đúc lắm.
Dọc trên con đường này, nó đi xuyên qua biết bao nhiêu những thành phố tráng lệ và lộng lẫy, biết bao nhiêu những thị trấn tuyệt đẹp trên bản đồ nước Mỹ. Và mặc dù đã được cưu mang và công nhận ở tất cả mọi địa danh nó đi qua, I-95 không hẳn được người đời yêu mến hay được nhắc nhở tới nhiều – tuy có được xuất hiện trong một vài ca khúc coi như là phần an ủi. Nói cách khác, nó không được nổi danh như một số thành phố mà nó đi ngang qua như New York, Miami, Washington là vì nó chẳng có cái gì gọi là đặc biệt, không có những cảnh nước non hùng vĩ, không có những khúc quanh co cho người ta có cảm giác chu du, nhưng mỗi ngày nó vẫn âm thầm lằm công việc của nó mà chẳng hề ỉ ôi than van hay đòi hỏi điều gì. Nó cần mẫn và dễ dãi với tất cả mọi người.
Ngoại trừ một điều là trong phạm vi của tiểu bang New Jerseyt, tại một khúc nối quan trọng, I-95 đã không làm tròn được công việc được giao phó là giúp cho người lái xe đi thẳng một lèo mà không cần phải ngừng hay quẹo trái quẹo phải.
Nếu bạn có dịp lái xe đi về hướng bắc trên xa lộ I-95, ngang qua thành phố Princeton, nơi có ngôi trường đại học danh tiếng mà nhà bác học Eistein từng dạy học và nghiên cứu ở đây nhiều năm, có một tấm bảng cắm bên lề đường nhắc nhở bạn là xa lộ I-95 hướng bắc sắp sửa chấm dứt và nếu không cẩn thận, người lái xe có thể đi trật qua con đường khác và sẽ phải chật vật lắm mới tìm lại được đúng con đường để tiếp tục đi về phía bắc thêm tám dặm để rồi sau đó mới được nối lại với I-95. Bởi thế, nhiều khách du lịch khi lái xe qua đoạn đường này thường hay bị lạc vì không quen. Mà quen thế nào được khi đang lái xe ngon trớn thì xa lộ bị đứt một đoạn như thế. Trên thế giới có lẽ I-95 là xa lộ duy nhất bị ngắt thành hai đoạn riêng biệt.
Đáng lẽ ra khúc đường này cũng có một xa lộ hẳn hoi nhưng chỉ vì không ai chịu xây cho nó đấy thôi. Từ cuối thập niên 1930, một kế hoạch được đệ trình lên chính phủ đề nghị xây dựng hệ thống xa lộ xuyên bang, và chính những tác giả của kế hoạch này còn xem nó như con đường huyết mạch nam bắc xuyên qua khu vực trung tâm của New Jersey. Đến năm 1955, Tổng thống Eisenhower đã chọn hầu hết kế hoạch xây dựng trên khi ông đưa đề nghị về một hệ thống xa lộ xuyên bang lên quốc hội. Trong đó ông cũng chọn xây đoạn xa lộ I-95 này.
Trong khoảng thời gian cuối thập niên 1950, các giới chức giao thông cũng đã đi tới sự đồng thuận về cách đặt tên cho các xa lộ xuyên bang: những xa lộ chạy theo chiều ngang đông-tây sẽ mang số chẵn, bắt đầu từ miền tây với số nhỏ nhất qua tới miền đông là số lớn nhất; cũng thế, những xa lộ đi theo chiều dọc bắc-nam sẽ mang số chẵn, bắt đầu từ miền nam với số nhỏ nhất và tên đường lớn dần lên về hướng bắc.
Đến đầu thập niên 1970, hầu hết xa lộ I-95 đã được xây dựng xuyên qua tiểu bang New Jersey. Tuy nhiên vẫn còn một đoạn còn lại chưa được xây: đoạn đường đó có tên là Somerset Highway, là đoạn nối giữa Pennsylvania và khu đô thị hoá phía bắc của New Jersey mà Eisenower và các tác giả của kế hoạch nguyên thuỷ năm 1939 cho là đoạn đường rất quan trọng cho việc phát triển.
Kế hoạch xây dựng vẽ xa lộ I-95 đi xuyên qua trung tâm Thung lũng Hopewell, là khu vực được chắp nối bởi những nông trại, những thị trấn nhỏ, và đất đai tài sản của những người gìàu có sống trong khu vực nằm lọt giữa thành phố Princeton và sông Delaware. Xa lộ cũng cắt ngang khu vực có tên là Sourlands, vùng đồi thoai thoải nằm cạnh rặng núi Appalachians được quy thành khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.
Người dân sống trong khu vực Hopewell đã nhất định chống lại kế hoạch xây dựng xa lộ ngay từ đầu. Thậm chí có người đã kiên trì theo đuổi việc chống lại kế hoạch xây dựng gần suốt đời họ. Thế nên, một giáo sư của Đại học Princeton đã đề nghị là nếu không cho xây trên mặt đất thì tại sao không xây xuyên dưới lòng đất. Nhưng đề nghị này cũng bị chống đối và người dân còn tỏ ra tức giận hơn.
Thế rồi gặp lúc kinh tế khủng hoảng, giá xăng dầu tăng cao, ngân sách thiếu hụt, cuộc bầu cử cận kề, những nhóm bảo vệ môi trường tiếp tục chống đối mạnh, và vì vậy kế hoạch xây dựng đoạn xa lộ này sau đó bị xếp xó. Tờ New York Times còn phụ hoạ thêm “xây xa lộ sẽ làm thiệt hại đến môi trường thiên nhiên khu vực được nhiều người cho là một trong những thung lũng đẹp nhất của New Jersey” – bài báo trên được xem như chiếc đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài của đoạn xa lộ I-95.
Và do đó đoạn đứt rời kỳ cục của xa lộ I-95 hiện hữu kể từ đó cho đến nay.
Năm 1982, quốc hội liên bang ra lệnh phải nối đoạn đường đó. Một dự luật năm đó được thông qua với sắc lệnh là hệ thống xa lộ xuyên bang phải được hoàn tất với đoạn cuối cùng nối xa lộ I-95 lại với nhau.
Giới chức tiểu bang Pennsylvania ngay sau đó bắt đầu phác thảo kế hoạch. Tiến trình nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường và kế hoạch chuẩn bị mất nhiều năm, và công việc xây dựng được bắt đầu năm 2010.
Nay thì các giới chức của Pennsylvania cho biết là họ sẽ hoàn tất đoạn xa lộ I-95 phần của họ vào Tháng 8 tới đây.
Các giới chức New Jersey cho biết là họ nhắm ngày xây dựng xong cũng vào khoảng thời gian này.
Vì vậy ta có thể tin là đến cuối năm nay, xa lộ I-95 chạy từ cực bắc đến cực nam của nước Mỹ sẽ được hoàn tất, mặc dù đã phải mất đúng 61 năm.
Xa lộ I-95 có thể được coi như con đường thiên lý gập gềnh gặp quá nhiều gian nan nhưng rồi cũng đã có một kết cuộc viên mãn.
Huy Lâm