Xe hơi bay và những thử thách

Đầu thập niên 1960, một bộ phim hoạt hình nhiều tập có tên Gia đình Jetson (The Jetsons) được trình chiếu trên truyền hình ở Mỹ. Bộ phim thành công, thu hút được nhiều khác giả theo dõi đến nỗi được chiếu liên tục trong suốt gần ba thập niên, mãi tới năm 1989 mới chấm dứt với lý do là phần đông những giọng nói chính cho bộ phim… qua đời.

Bộ phim kể câu chuyện về một gia đình kiểu mẫu người Mỹ sống trong một xã hội tương lai nơi mà kỹ thuật đóng một vai trò không nhỏ trong cuộc sống của họ. Hầu như tất cả mọi sinh hoạt trong nhà đều có liên quan tới kỹ thuật: lối đi trong nhà là hệ thống tự động, người hầu việc là người máy, mọi thiết bị và đồ gia dụng cũng tự động. Và một điều đặc biệt khác nữa là mỗi khi ra khỏi nhà để đi bất cứ đâu, phương tiện di chuyển của họ là… xe hơi bay.

Nay, sau đúng 60 năm kể từ khi tập đầu tiên của bộ phim được trình chiếu, kỹ thuật xe hơi bay không còn chỉ là điều tưởng tượng mà đã thành hiện thực. Mặc dù có lẽ còn mất thêm một thời gian nữa trước khi những chiếc xe hơi bay được đưa vào sử dụng rộng rãi, và hơn nữa, cần phải giải quyết một vấn đề hơi rắc rối: bãi đáp.

Hiện có hàng trăm công ty, mới có mà cũ từng nhiều năm trong nghề hàng không cũng có, đang làm việc liên tục để hoàn thiện kỹ thuật cho loại xe tương lai này – cũng còn được gọi là taxi bay hoặc eVTOLs (viết tắt của tiếng Anh là xe điện bay và đáp theo chiều thẳng đứng). Chỉ trong 12 tháng qua, đã có năm công ty khởi nghiệp đã được đưa lên dàn chứng khoán. Điều này cho thấy người ta đang đánh cá đây có thể là loại xe của tương lai, và những công ty nói trên đang làm thay đổi diện mạo của một tương lai gần mà ở đó đi taxi bay là phương tiện khả thi về mặt kinh tế so với đi taxi truyền thống.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với loại xe khoa học viễn tưởng này lại không phải ở trên không mà là ngay chính trên mặt đất: Các công ty nghiên cứu và chế tạo xe hơi bay cho đến nay vẫn chưa nghĩ ra cách để giải quyết các vấn đề như tìm địa điểm, xin cấp giấy phép và xây dựng các bãi đáp cho loại xe của họ hạ cánh và cất cánh để cho phép một mô hình kinh doanh mới ra đời – đó là sản xuất và vận hành loại taxi bay trên không.

Vấn đề nói trên có thể có những tác động rất lớn đối với ngành kỹ nghệ xe hơi bay còn khá non trẻ này, và việc có thể biến nó thành hiện thực hay không với hy vọng rằng không lâu nữa phương tiện di chuyển trong thành phố nơi chúng ta sống sẽ là trên không trung chứ không phải trên bộ. Các công ty tham gia vào việc nghiên cứu và chế tạo xe hơi bay ngay từ buổi đầu, như Joby Aviation, Airbus và Archer Aviation, đặt nhiều trọng tâm vào những thử thách trong việc thiết kế và chế tạo những chiếc xe tương lai có thể bay trên không và có đủ độ an toàn để được Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) chứng nhận. Nói một cách công bằng, những thử thách nói trên là rất đáng kể. Đó là chưa kể chi phí thiết kế một chếc xe mẫu đầu tiên cũng rất tốn kém.

Cho đến nay, hầu hết các nhà đầu tư tiên phong của các công ty trên đã mau mắn cho rằng nếu giải quyết được những khó khăn nói trên có nghĩa là đã hoàn tất được 90% công việc cần thiết để đưa loại xe hơi bay vào hoạt động một cách khả thi về mặt thương mại. Nhưng họ lại không chú ý tới một loạt những vấn đề khác một khi những chiếc xe kỹ thuật mới này sẵn sàng chuẩn bị để bay: hạ cánh và cất cánh ở đâu, làm thế nào để hội nhập vào hệ thống kiểm soát không lưu hiện có, và liệu công chúng có chấp nhận một số lượng lớn những chiếc xe mà cũng có thể gọi là máy bay tương đối khá lớn này bay qua bay lại bầu trời bên trên căn nhà của họ hay không. Giải quyết những khó khăn đó và xây dựng cơ sở hạ tầng trên mặt đất chính là cái phần “90% khác” của vấn đề nếu muốn đưa loại xe hơi bay này vào hoạt động.

Các công ty chế tạo loại xe bay cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng đó hứa hẹn rằng loại xe kỹ thuật mới của họ sẽ cắt giảm thời gian di chuyển rất đáng kể bằng cách bay ở bên trên dòng xe cộ đang luân lưu bên dưới và tránh được nạn kẹt xe. Tuy nhiên, để đáp ứng được lời hứa hẹn đó, bãi đáp phải được xây dựng ở đúng nơi mà hành khách cần, nghĩa là địa điểm phải thuận tiện.

Việc xây dựng mạng lưới bãi đáp ở trên cao tại các thành phố ở Hoa Kỳ, trên những toà cao ốc và những bãi đậu xe xếp tầng, sẽ rất quan trọng để biến các dịch vụ taxi bay và thậm chí cả những chiếc xe bay thuộc sở hữu của tư nhân trở thành một phương tiện giao thông khả thi. Trên thực tế, cho đến nay các công ty vẫn chưa hiểu rõ được mức độ khó khăn của những thử thách đó.

Đối với các công ty khởi nghiệp, vấn đề là không có bao nhiêu địa điểm phù hợp để xây dựng bãi đáp tại các thành phố lớn ở Mỹ. Dưới đây là một vài yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng nói trên: tiếng ồn, hầu hết các đường bay được phép hoạt động tại các thành phố như New York đều đã bị các phi trường làm chủ hết, và với các kiến trúc hiện đang có sẵn thì cũng cần sửa sang lại cho đủ vững chắc để có thể chứa được các xe hơi bay và đồng thời cung cấp đủ hệ thống sạc điện cho những xe hơi bay đó.

Ngoài những yếu tố nói trên, tất cả các bãi đáp được dự tính sử dụng trong tương lai thì không thể có những kiến trúc khác ở chung quanh vì vấn đề an toàn. Đòi hỏi này được ghi trong quy định của cơ quan FAA dành cho các bãi đáp trực thăng mà nhiều người trong ngành nghĩ rằng cũng sẽ được sử dụng như là khuôn mẫu dành cho các bãi đáp xe hơi bay trong tương lai. Điều này có nghĩa là để được cơ quan FAA cấp phép xây dựng bãi đáp, các công ty chế tạo xe hơi bay phải chứng minh cho thấy đường bay vào bãi đáp có an toàn hay không, và trong trường hợp xe bị trục trặc kỹ thuật thì phải giải quyết ra sao để bảo đảm an toàn cho mọi người chung quanh.

Để bảo đảm sự an toàn thì trước hết chủ nhân của các bất động sản gần bên có thể sẽ không bao giờ được phép xây bất cứ kiến trúc nào cao hơn bãi đáp – và điều này có thể sẽ là vấn đề đưa đến sự chống đối từ những chủ nhân bất động sản nói trên.

Thành phố New York với những bãi đáp trực thăng có thể xem như kim chỉ nam cho các công ty xe hơi bay theo đó học hỏi để chuẩn bị cho tương lai. Để được FAA cấp phép xây dựng bãi đáp là một thử thách lớn, và vấn đề không chỉ dừng ở đó. Các cư dân sống trong vùng cũng thường chống đối những dự án xây dựng lớn – như hồi năm ngoái họ đã lớn tiếng chống đối công ty Amazon xây dựng một trụ sở chính tại thành phố Long Island. Năm 1977, một vụ tai nạn trực thăng xảy ra trên nóc toà nhà Pan Am làm thiệt mạng năm người và kể từ đó đến nay nhiều người vẫn còn cảm thấy lạnh gáy khi nghe ai đó nói tới bãi đáp trực thăng trên nóc các cao ốc.

Kết quả một cuộc phân tích cũng cho thấy các công ty xe hơi bay sẽ không đủ khả năng để xây các bãi đáp ở những địa điểm mà nhiều người cần có phương tiện di chuyển nhất. Đó là những trung tâm đô thị có mật độ dân số dày đặc, không chỉ người đông mà nhà cửa, cao ốc cũng san sát nhau, và để tìm được những bãi đậu lý tưởng không phải là điều dễ làm.

Cuối cùng có thể các thành phố sẽ bị buộc phải đưa bãi đáp tới những khu vực bên ngoài trung tâm thành phố – các trung tâm mua sắm bị bỏ hoang có thể là những địa điểm lý tưởng. Nhưng làm vậy là đã không còn đúng với mục đích chính của taxi bay là giúp hành khách tránh được nạn kẹt xe trong thành phố. Và nếu điều này xảy ra thì các công ty taxi bay sẽ phải suy tính lại mô hình kinh doanh của họ, và có lẽ sẽ phải tập trung vào những thị trường nhỏ hơn, chẳng hạn như thay thế một phần những máy bay trực thăng cũ cồng kềnh tốn chỗ hiện vẫn đang hoạt động.

Trong tương lai ngắn hạn, có nhiều khả năng những xe hơi bay mới này được sử dụng như là phương tiện di chuyển hàng không khu vực – nghĩa là các chuyến bay giữa các thành phố và thị trấn – thay vì là các chuyến taxi bay bên trong thành phố.

Nhưng cho dù kết quả là thế nào, những chiếc xe hơi bay mà vài thập niên trước đây chỉ nhìn thấy trong các bộ phim hoạt hình thì nay mai thực sự sẽ bay qua bay lại trên bầu trời là điều ít ai ngờ tới. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà kỹ thuật phát triển không ngừng và thay đổi từng ngày, và qua đó gây ảnh hưởng lên cuộc sống hàng ngày của chúng ta và trong tương lai sẽ còn gây ảnh hưởng nhiều hơn nữa.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email