Lý Anh
Sau 16 ngày thi tài đọ sức (09 – 25/02) giữa gần 3000 lực sĩ, Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang 2018 kết thúc tốt đẹp trước sự có mặt của gần 40.000 khán giả tại sân vận động PyeongChang và hàng triệu người trên thế giới trước các loại máy truyền hình. Kết quả: Thứ nhất Na Uy với 39 huy chương (14 vàng); Đức Quốc thứ nhì với 31 huy chương (14 vàng); thứ ba Gia Nã Đại với 29 huy chương (11 vàng); Hoa Kỳ thứ tư với 23 huy chương (9 vàng) …
Bên cạnh những kỹ lục mới các lực sĩ đạt được, Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang 2018 còn được gọi là “Thế vận hội Hòa bình” hay “Thế vận hội Hữu nghị” do đoàn đại biểu cao cấp của Bắc Hàn khi tham dự lễ khai và bế mạc Thế vận hội, khi hội đàm với Tổng thống Nam Hàn, đã nói những lời thân thiện, khiến tình hình khu vực Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á … bớt căng thẳng, giảm bớt nguy cơ có thể xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử!
Theo tin từ Thanh Ngõa đài, Phủ Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc, các quan chức cao cấp Nam – Bắc Hàn đều nhất trí: Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 đã tạo cơ hội khôi phục quan hệ Nam – Bắc Hàn. Hai bên nhất trí sau Thế vận hội vẫn phối hợp nhằm thúc đẩy quan hệ Nam – Bắc, tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, thượng tuàn tháng 03/2018, Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in lại cử một đoàn gồm một số quan chức cao cấp, trong đó có 2 đặc phái viên là Suh Hoon – Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia và Chung Eui-yong – Chủ nhiệm Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống, đến Bình Nhưỡng cùng giới chức Bắc Hàn hội đàm tìm cách giảm bớt mọi căng thẳng để có thể tiến tới các cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn. Đoàn đã được lãnh tụ tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un tiếp đón và mở tiệc chiêu đãi.
Cuộc gặp mặt giữa các quan chức Nam và Bắc Hàn lần này tạo thêm nhiều cơ hội cho nam bắc Bán đảo Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau! Đặc biệt, hai bên đã thỏa thuận cuộc họp thượng đỉnh Nam Bắc Hàn lần thứ ba, giữa Tổng thống Moon Jae-in và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, sẽ diễn ra vào tháng 04/2018 tại Bàn Môn Điếm, phía bên lãnh thổ Nam Hàn.
Quan chức cao cấp Đại Hàn đến Bình Nhưỡng
Theo bản tin đầu đề High-level Seoul officials to head to North Korea for talks (Quan chức cao cấp Hán Thành đến Bắc Hàn hội đàm) của Hyung-Jin Kim, ký giả AP, đăng trên The Washington Post, số ra ngày 04/03/2018, Thứ Hai ngày 05/03, Tổng Thống Đại Hàn gửi một phái đoàn gồm các quan chức cao cấp do Giám Đốc An Ninh Quốc Gia Suh Hoon dẫn đầu tới Bình Nhưỡng cùng những người có thẩm quyền ở Bắc Hàn thảo luận làm thế nào xóa bỏ chương trình vũ khí nguyên tử tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn.
Đoàn quan chức cao cấp này là những đặc sứ Đại Hàn đầu tiên đến Bình Nhưỡng sau 10 năm quan hệ Nam và Bắc Hàn gián đoạn. Chuyến đi của họ diễn ra sau khi hai miền bày tỏ thiện chí trong Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018.
Trong chuyến thăm hai ngày, đoàn đặc sứ Đại Hàn đã thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn.
Trước đây, Nam Hàn từng cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng để đạt được các thỏa thuận đột phá nhằm giảm bớt các mối hận thù, tiến tới các cuộc đàm phán cấp cao. Hai cuộc họp thượng đỉnh của hai miền Nam Bắc Hàn, diễn ra vào năm 2000 giữa Tổng thống Nam Hàn Kim Dae-jung cùng Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il; năm 2007 giữa Tổng thống Roh Moo-hyun cùng ông Kim Jong-il, đều diễn ra sau khi đặc phái viên Nam Hàn đến Bình Nhưỡng bàn thảo các chi tiết liên quan đến các cuộc hội nghị thượng đỉnh. Quan chức cao cấp cuối cùng của Nam Hàn đến Bình Nhưỡng là Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Đại Hàn Kim Man-bok đã viếng thăm Bình Nhưỡng một vài tháng trước hội nghị thượng đỉnh Nam Bắc Hàn diễn ra vào năm 2007.
Bắc Hàn sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ
Ngày 25/03, ông Kim Yong-chol, Trưởng phái đoàn cấp cao Bắc Hàn sang tham dự lễ bế mạc Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang 2018 nói với Tổng thống Moon Jae-in rằng, Bắc Hàn sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ.
Khi hội kiến Tổng thống Moon Jae-in, đoàn đại biểu Bắc Hàn cho biết, sự phát triển trong mối quan hệ giữa hai miền nam bắc Bán đảo Triều Tiên cần phát triển song song trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đại Hàn, bởi vậy, Bình Nhưỡng cũng muốn đối thoại với Hoa Thịnh Đốn. Đây là cuộc gặp thứ hai của Tổng thống Moon Jae-in với các quan chức Bắc Hàn trong vòng 2 tuần qua, diễn ra trong dịp Thế vận hội Mùa Đông 2018 khai và bế mạc.
Phản ứng về tuyên bố đối thoại của Bắc Hàn, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Ann Nauert cho biết, Hoa Thịnh Đốn đang phối hợp chặt chẽ với Hán Thành trong một lập trường phản ứng thống nhất với Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh, cải thiện mối quan hệ giữa 2 miền Nam và Bắc Hàn không thể tách rời việc xóa bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Ngày 25/02, quan chức Tòa Bạch ốc cũng cho rằng, họ đang xem xét liệu thông điệp Bắc Hàn đưa ra có phải là bước đi đầu tiên hướng đến con đường xóa bỏ chương trình vũ khí nguyên tử hay không? Bất cứ các cuộc đối thoại nào cũng phải dẫn đến việc chấm dứt chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, bởi vậy, trước khi Bình Nhưỡng thực hiện điều đó, Hoa Thịnh Đốn vẫn tiếp tục trừng phạt Bắc Hàn về kinh tế.
Phát ngôn viên Tòa Bạch ốc Sarah Sanders tuyên bố: “Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng sức ép tối đa nhất đối với Bắc Hàn, thực hiện các biện pháp trừng phạt mới và mạnh nhất với hy vọng Bình Nhưỡng xóa bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử …”.
Họp thượng đỉnh Nam – Bắc Hàn tại Bàn Môn Điếm?
Ngày 07/03/2018, hãng thông tấn Yonhap loan tin về kết quả chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Chung Eui-yong, cố vấn An ninh cấp cao của Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in. Theo bản tin đó, 2 vị đứng đầu Nam Bắc Hàn là Tổng thống Moon Jae-in và Kim Jong-un đã đồng ý tổ chức họp thượng đỉnh vào tháng 04/2018.
Ông Chung Eui-yong cho biết, hội nghị thượng đỉnh Nam Bắc Hàn lần thứ ba, giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, sẽ diễn ra tại Nhà Hòa bình, trong khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm, phía nam biên giới thuộc lãnh thổ Nam Hàn. Khu vực này do Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc quản lý, là nơi các đại diện quân sự của Trung Quốc, Nam Bắc Hàn và Liên Hợp Quốc từng hoàn tất thỏa thuận đình chiến vào năm 1953.
Nếu không có gì thay đổi, đây lả lần đầu tiên một thành viên trong vương triều họ Kim đặt chân lên lãnh thổ Đại Hàn Dân Quốc kể từ ngày chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một lệnh ngưng bắn vào năm 1953 tạm thời chấm dứt 3 năm chiến tranh. Lệnh ngưng bắn đó là cơ sở cho tình trạng ngưng chiến căng thẳng dọc theo 248 km đường biên giới được bảo vệ kiên cố giữa hai miền nam bắc.
Thông báo bất ngờ trên được đưa ra sau chuyến thăm hai ngày tới Bình Nhưỡng của ông Chung với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae-in. Ông Chung và các đặc phái viên Nam Hàn khác đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Trong một cuộc họp báo, ông Chung Eui-yong cho biết: Nam Bắc Hàn đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo để cùng nhau trao đổi những vấn đề liên quan tiến tới giảm bớt căng thẳng quân sự, cũng như đồng ý tổ chức cuộc điện đàm đầu tiên trước hội nghị thượng đỉnh Nam Bắc Hàn. Không những thế, Bắc Hàn còn cam kết từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời tuyên bố họ không có lý do gì để sở hữu vũ khí nguyên tử nếu chế độ được bảo đảm an toàn, các mối đe dọa quân sự đối với Bắc Hàn được đẩy lùi …
Dư luận về những diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên
Theo Koreal Herald, tờ báo phát hành hàng ngày bằng tiếng Anh ở Hán Thành, trước quan hệ ngày càng thắm thiết giữa Nam và Bắc Hàn, nhà phân tích Cheong Seong-chang thuộc Đại Học Sejong, thành phố tự trị Sejong, nhận định: “Kim Jong-un đồng ý gặp Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in tại phía nam Bàn Môn Điếm thuộc lãnh thổ Đại Hàn thể hiện tính cách táo bạo và kiên quyết của nhà lãnh đạo Bắc Hàn”. Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là, Đại Hàn đã có thái độ bình tĩnh khi giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên nhằm ngăn chặn các căng thẳng ngày càng lên cao, nhất là về quân sự. Đồng thời, ông cũng cho rằng, Hán Thành đã có niềm tin đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, giáo sư Koh Yu-hwan, giảng dạy môn Triều Tiên học tại Đại học tư thục Dongguk, Hán Thành, cho rằng: Quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nam và Bắc Hàn thể hiện quyết tâm của hai bên trong việc tự giải quyết cuộc khủng hoảng nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Koh Yu-hwan nhận định: “Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa Nam và Bắc Hàn trong năm 2018. Điều này chứng tỏ họ chủ động giải quyết mối quan hệ bế tắc giữa nam và bắc”.
Ông Koh Yu-hwan cũng đề cập tới chuyện Bình Nhưỡng có thể sẽ đàm phán với Hoa Thịnh Đốn về việc xóa bỏ chương trình vũ khí nguyên tử Bắc Hàn đang theo đuổi.
Từ lâu Bắc Hàn vẫn khẳng định chương trình nguyên tử không thể đưa lên bàn đàm phán vì đó là cách chống trả duy nhất của họ đối với “thái độ hung hăng của Hoa Kỳ”. Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn giữ vững lập trường chỉ nói chuyện với Bình Nhưỡng khi nước này đồng ý xóa bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử.
Được biết, gần đây, Kim Jong-un tuyên bố, Bình Nhưỡng không nhất thiết phải duy trì chương trình nguyên tử nếu các mối đe dọa chống lại Bắc Hàn được loại bỏ, nước này được đảm bảo về an ninh.
Nhìn chung, dư luận các nước trên thế giới đều phấn chấn, lạc quan về tương lai ổn định trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra câu hỏi “Quan hệ ấm áp này kéo dài được bao lâu?”. Nếu như, Bắc Hàn lại tiếp tục thử hỏa tiễn đạn đạo hay vũ khí nguyên tử, bị cộng đồng quốc tế phản đối, lúc đó quan hệ Nam Bắc Hàn sẽ ra sao?
Lý Anh