Xuân Quê Hương

Thuyền Đời …
Chuyện non nước mình; chuyện trên quê hương mình, từ sau ngày 30 tháng Tư…

Thuyền Đời …
23 Chương!
1 ước mơ: Tự Do!

Kỳ trước, Chương Một: Dòng Sông Quê Hương – Dòng Cửu Long.
Đây, Chương Hai: Xuân Quê Hương.

. . .
Rời khỏi trại tù, về với gia đình đã mấy tháng nay; tôi vẫn còn lắm thứ ngỡ ngàng, lắm điều xa lạ. Phố xá, láng giềng, bây giờ không còn giống với những hình ảnh thân yêu trong ký ức; trước khi miền Nam bị mất, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đất nước mất chủ quyền. Nhân dân mất quyền tự do. Láng giềng thay chủ. Chủ mới là gia đình hay thân quen của những người phục vụ cho chế độ mới, chế độ cộng sản. Những người chủ cũ đã bị nhà cầm quyền cưỡng bức phải bỏ nhà cửa ra đi. Họ phải vào sống trong các vùng hoang sơ. Chốn lưu đày này có tên gọi hoa mỹ là “Vùng Kinh Tế Mới.” Những căn nhà nào coi được mắt đối với kẻ thắng cuộc, đã bị tịch thu với bất cứ lý do nào đó mà họ muốn, như là… nhà có người đã cộng tác, hay có người thân làm việc trong chính quyền miền Nam. Có nhà bị lấy mất vì gia đình có người đã bỏ trốn, vượt rừng hay vượt biển ra đi tìm tự do.
Xã hội cộng sản gông cùm đời sống, trói buộc tư tưởng người dân. Người quen, và người chưa từng biết nhau, cùng giống nhau ánh mắt tránh né, đầy e dè, sợ sệt. Người ta trông như đang mang những mặt nạ. Những mặt nạ có cùng một khuôn mẫu. Chúng giống y nhau nét u uất với mệt mỏi, mất niềm tin, hết hy vọng ở tương lai. Chúng nó có cùng nụ cười gượng gạo, cười chào lấy có.
Thế nhưng, cái khung cảnh quanh tôi, bây giờ, lại có rất nhiều thứ quen thuộc, không khác chi mấy, so với thời còn trong lao tù; nơi mà chế độ cộng sản gọi là “trại cải tạo.” Bây giờ, quanh quẩn nơi đây cũng lá cờ máu, cũng chữ vàng trên băng vải đỏ, cũng cái đài phát thanh. Cái đài phát thanh của nhà nước the thé giọng đọc chanh chua, huênh hoang với những ngôn từ tuyên truyền lừa mị, kỳ chướng; chúng nó chí chóe châm chích màng tai dân chúng từ sáng sớm đến khuya tối. Nơi đây, bây giờ cũng thế, cũng đêm họp tổ để “kiểm điểm,” “đấu tranh,” “đấu tố” …

Mang xác thân trở về nơi phố cũ
Phố xưa đây, sao vẫn thấy ngỡ ngàng
Màu cờ máu vây kín mù ước vọng
Tự do đây? … sao như chốn lao tù!

Có tiếng xe gắn máy dừng trước sân nhà. Nghe tiếng động cơ quen thuộc, tôi bước nhanh ra cửa và thấy cái dáng bạn tôi ngồi lom khom trên yên xe giữ tay lái, hai chân bơi bơi để lùi xe vào gần cửa nhà hơn. Tôi vui mừng gọi lớn:
– Ê, Vũ!
Nghe tiếng tôi, Vũ quay lại nhìn và thân mật hất mặt sang hướng yên xe phía sau ra dấu và rủ rê tôi:
– Đi, cà phê!
– Ừ!… Có cần tao thay đồ cho… lịch sự không?
Tôi hỏi để hỏi, như thói quen, chứ Vũ cũng biết rằng thằng bạn mình bây giờ chẳng còn áo quần nào đúng với cái nghĩa lịch sự như tôi nghĩ. Vũ lấy điếu thuốc khỏi môi, thư thả cùng khói thuốc, ngó tôi ngắm nghía từ trên xuống dưới, rồi cười hề hề:
– Mày có mặc áo và mặc quần… Vậy là lịch sự quá rồi!… Lên xe đi “ông”!
– Ừ! Đi thì đi!… nhưng mày chờ tao chút chớ, tao nói ít tiếng cho trong nhà biết với!
Tôi quay nhanh vào nhà, cho biết là mình đi uống cà phê với bạn và lấy cái áo kaki vàng cầm theo. Bộ quân phục kaki màu vàng nhạt của thời còn học ở quân trường, mặc khi đi phép cuối tuần; bây giờ chỉ còn sót lại cái áo đã bạc màu và sờn cổ này.
Thấy tôi trở ra, Vũ hút thêm hơi thuốc cuối thật dài, rồi cho tàn thuốc xuống rãnh nước bên lề đường. Vặn chìa khóa mở điện, Vũ nhóng người đạp cho máy chạy. Với tay nghề của Vũ, động cơ 72 phân khối của chiếc Honda từ thời còn đi học, nổ máy chạy ngay. Qua ống thoát hơi đã được chế biến, tiếng máy ấm và vang rền thật đã tai. Không chần chờ, để bạn mình phải kêu nhắc thêm, tôi lên ngồi trên yên xe. Vũ gác hờ chân trên cần sang số, rồi quay nhìn ra phía sau lưng, hỏi tôi:
– Rồi chưa? … Chạy nghen mậy?!
– Ừ, chạy được rồi!
Tôi trả lời bạn. Và rồi câu thăm hỏi của Vũ làm tôi thoáng bồi hồi khi nhìn lại một đoạn đời, tôi lẩm bẩm như nói với chính mình: “Bọn mình già đi mất!”
Vũ chẳng nói chi cả; chắc là nghe không rõ đâu, nhưng bận lòn lách lái xe nên không hỏi hay trả lời. Như tôi đã đoán, nhập vào dòng xe cộ chạy trên đường xong, Vũ nghiêng mặt hỏi vói ra phía sau:
– Mày vừa nói cái gì mà già?
Tiếng xe cộ inh ỏi ồn ào quá. Tôi chồm tới, gần bên tai Vũ, nói lớn cho bạn mình nghe:
– Tao nói… bọn mình già rồi!
– Ờ!… Ừ!
Vũ ờ ừ, cho có vẻ là nghe tôi nói. Nhưng tôi biết, Vũ chưa hiểu hết ý tôi, và cũng chẳng buồn hỏi han chi thêm; yên lặng giữ tay lái mà theo dòng xe cộ trên đường.
Thật vậy, chúng tôi đã già đi mất!
Tôi nhận ra, Vũ bây giờ thâm trầm hơn, thận trọng quay ra phía sau hỏi thăm, xem tôi có ngồi vững trên yên xe chưa, trước khi phóng xe chạy. Rồi nhìn lại, chính mình cũng không còn cái nhanh lẹ nhảy lên yên xe ngồi như trước đây. Hai đứa tôi đã già nhiều hơn tuổi đời chưa đến ba mươi. Qua rồi thời tuổi trẻ bạt mạng. Cái thời, mặc cho thằng ngồi phía sau tự biết lo thân mà giữ sao mình ngồi dính trên yên xe, thằng cầm lái không cần phải hỏi han dông dài, cứ mặc tình nhấn tay ga, vút vèo phóng đi ngay…

Sắp Tết!
Dạo này, thành phố đang trong những ngày cận Tết nên càng lắm thứ có màu đỏ, đỏ lòm; thêm nhiều cờ máu và băng vải đỏ. Chúng nó được căng ngang qua lộ; treo trên cột đèn, cột phất phơ dọc theo lề đường, máng trên tường vách, cắm trước cửa các trụ sở và cơ quan… Khắp nơi nơi, chằng chịt các biểu ngữ với những thứ chữ nghĩa rất là nặng mùi “cách mạng”. Ngó đâu đâu cũng thấy những câu chữ tuyên truyền; chúng tương tự như nhau, hay lập đi lập lại những sáo ngữ như là: mừng đảng-mừng xuân, đảng đã cho ta mùa xuân… Những câu mừng xuân đã không hề mang lại chút gì hân hoan, vui mừng của mùa xuân. Trái lại, chúng nó như những bệt sơn man trá, nhầy nhụa. Những bệt sơn tô đỏ, phết vàng, lên những thi thể dân lành trong các hố chôn người tập thể. Họ đã bị quân cộng sản “giải phóng” bằng cách chôn sống, hay giết chết một cách dã man trong ngày Tết Mậu Thân 1968.

Phản bội hiệp ước đình chiến ba ngày Tết; chỉ trong hai mươi sáu ngày tấn công và chiếm đóng, thảm sát của cộng sản đã làm cả thế giới kinh hoàng, ghê tởm. Hàng chục hố chôn người tập thể được tìm thấy trong và xung quanh Huế; vùi chôn đến hơn bốn ngàn nạn nhân, bao gồm nữ và nam, từ bô lão đến trẻ sơ sinh. Chỉ riêng trong các hố chôn người ở Khe Đá Mài, người ta đã tìm thấy gần năm trăm thi thể.
Bây giờ, những biểu ngữ quanh tôi, cho dù có được tạo dựng cầu kỳ, trịnh trọng; chúng nó cũng vẫn là các thứ bê bết, dối trá một cách thật là trơ trẽn. Người ta không thể nào quên tội ác của cộng sản từ khi cướp chính quyền vào năm 1945 đến nay; từ chính sách cải cách ruộng đất bất nhân, đến những cuộc đấu tố hành quyết man rợ từ Bắc vào Nam.
Hàng năm, khi xuân về thì đảng lại tung hô chào đón “đại thắng mùa xuân”! Cái “đại thắng” của những kẻ đào đường, phá cầu, giật mìn xe đò, đốt trường học, pháo kích vào chợ và nhà dân… là cơn giông tố hãi hùng phủ trùm triền miên trên thân phận của quê hương và dân tộc!
Công Lý và Tự Do là hai danh từ mang ý nghĩa cao quý của quốc gia; nhân loại đã hy sinh biết bao xương máu để bảo vệ công lý và tự do. Ngược lại, chế độ cộng sản vốn độc tài, rất ghét sợ công lý và căm thù tự do. Cho nên, khi vừa cưỡng chiếm miền Nam họ liền cho thay đổi tên hai con đường, đường Công Lý và đường Tự Do, của thủ đô Sài Gòn ngày trước, thành các con đường mang các tên gọi kỳ dị: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Đồng Khởi. Chúng nó đã khởi nguồn cho câu thơ mỉa mai, truyền miệng trong dân chúng ở miền Nam; hai câu thơ quen thuộc, ghi lại trang lịch sử đen tối nhất của dân tộc, mà hầu như người dân miền Nam nào cũng nghe biết, sau ngày Sài Gòn bị mất tên:
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý,
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.”

Đã thế hàng năm họ vẫn rình rang ăn mừng cái “đại thắng” man rợ ấy, nhảy nhót trên nỗi khổ nhục xót đau của hàng triệu tù nhân khổ sai trong các trại tù và gia đình thân nhân của họ bị trù dập, đọa đày trong sinh kế. Nhân dân miền Nam chân chính kém may mắn, cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, họ cũng bị đảng đạp vùi xuống tận đáy bùn đen của xã hội chủ nghĩa. Khẩu hiệu “lao động là vinh quang” của đảng; thực chất chính là chánh sách cưỡng bức, là phương cách bóc lột mồ hôi, nước mắt và máu của người dân miền Nam.
Sau ngày 30-4-1975, Ginetta Sagan, một ký giả u Châu, đã viết về miền Nam Việt Nam như sau: “Dưới chính sách khắc nghiệt của cộng sản Việt Nam, nếu cái cột đèn mà biết đi chắc nó cũng… vượt biên”. Câu viết ngắn gọn của bà Sagan, đã diễn tả được một thực trạng rất bi đát của dân tộc Việt Nam trước thảm họa cộng sản. Người ta cuống quýt tìm đủ mọi cách để trốn thoát gông cùm của những kẻ xưng danh là “cách mạng,” là “giải phóng dân tộc.”
Gần triệu người đã liều mình trốn đi!
Người trốn đi, dù không biết mình đi đâu, sẽ đến đâu; cứ trốn đi, miễn sao thoát khỏi ngục tù cộng sản. Hầu hết, người vượt biên và vượt biển đều không hề có kinh nghiệm về hải hành hay xuyên rừng. Người ra đi đều biết và chấp nhận những khó khăn, kể cả nguy hiểm đang chờ đón họ.
Trong ba người vượt trốn tìm tự do thì chỉ có một người đến nơi an toàn, một người chết và một người sẽ bị bắt lại và bị tù đày!
Họ là những người chậm chân trong những ngày đầu di tản; không được may mắn, để theo các tàu dân sự vận chuyển lớn, như tàu Trường Xuân, các tàu chiến của hải quân, các chiến hạm của Mỹ, như USS Midway, mà lánh nạn. Hoặc họ chính là những người còn hy vọng vào con người cộng sản, cũng có chút lương tâm và sáng suốt, không nỡ đối xử với những người dân miền Nam như kẻ thù không đội trời chung; và họ sẵn sàng cộng tác với nhà cầm quyền mới, để cùng xây dựng đất nước, trong hòa bình của dân tộc.
Nhưng rồi nhân dân miền Nam đã lầm.
Lầm to!
Dưới chánh sách trả thù vô cùng tàn bạo của cộng sản, họ đã phải sống lầm than và mất tất cả. Họ đã bị cướp mất từ tài sản đến quyền tự do và cả phẩm giá con người!
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, người dân chỉ ra đi khi đã cùn đường, không còn cách nào có thể sinh sống tại quê hương của mình. Những năm sau này, người ta liều mình, chỉ biết cầu mong vào số mệnh, khi vượt trốn đến đất nước tự do. Đến nơi nào cũng được, miễn sao thoát khỏi địa ngục cộng sản Việt Nam. Những cuộc ra đi tìm tự do, sau khi cộng sản chiếm miền Nam, đã tạo thành một cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam kể từ ngày lập quốc. Ðây là một cuộc bỏ phiếu vĩ đại; chống lại chế độ cộng sản bằng chính mạng sống của mình.
Đảng cộng sản đã cướp đoạt mùa xuân!
Mùa xuân đã không về trong lòng người miền Nam còn uất hận chế độ bạo quyền!

Gió lùa vùn vụt bên tai.
Các băng vải đỏ và màu cờ máu cuốn vút qua, để rồi lại hiện ra và nối nhau như bất tận.
Tôi nhắm mắt, không muốn đọc, không muốn nhìn thành phố thân yêu ngày nào đang bị nhuộm đỏ. Tôi muốn lừa dối trí óc mình, để tìm về một thời yên ấm trong tình người, trong tôi. Nhưng tiếng người la réo thô tục, tiếng bánh xe ngốn nghiến mặt lộ, tiếng động cơ gào rú, tiếng còi xe inh ỏi; những âm thanh hỗn loạn vây chặt lấy tôi trong những sự thực đầy chán chường. Chừng như, tất cả những bực dọc, bất mãn với chế độ cầm quyền trong lòng người dân, đang trút đổ vào những âm thanh hỗn loạn ấy; cho vơi, cho nhẹ bớt đi trong tâm trí, trong lòng mình…

– Ê!… ngủ gục té chết nghen mậy!
Tiếng Vũ nói như hét lên để đánh thức tôi. Tôi cười trấn an bạn mình:
– Ngủ nghê gì!… ngủ thì đã bị văng xuống đường mất rồi, chờ đến mày gọi à!
– Chứ… tao thấy mày nhắm mắt?!
– Tao không muốn thấy, nên… nhắm mắt!
– Hả?… Ừ!… nhắm thì cứ nhắm…
Vũ chưa hiểu được ý bạn, nhưng không hỏi thêm; “Hả” rồi cứ “ừ” đại và nói xuôi theo tôi cho xong. Rồi Vũ ân cần dặn dò tôi:
– Nhưng mày nhớ là, không chết trong tù, thì đừng có ngủ gục rồi té chết,… chết lãng nhách!
– Đúng vậy!… Mà… sắp tới chưa, bạn hiền?
– Tới rồi! Mở mắt ra đi “ông”!… Cà phê đây!
Vũ thân mật bảo tôi và bớt tốc độ, quanh xe vào trong sân quán.
Dọc theo sông, ngoài kia có chợ nhóm nên xô bồ, ồn ào. Nhưng chỉ chạy qua vài trăm mét, khung cảnh nơi quán cà phê rất khác biệt, thật yên bình.
Sân quán rộng lớn. Chỗ đậu xe thoải mái, tuỳ ý khách. Bàn ghế thấp, bằng gỗ và nhựa, đơn sơ, tạp nhạp. Ghế và bàn để rải rác dưới bóng mát của các tàng cây trong sân quán.
Vũ chọn một bàn gần bờ sông, và dựng xe kế bên. Tôi khoác cái áo kaki vàng lên người, che bớt bộ xương bọc da trong áo thun “ba lỗ,” nhưng không gài nút áo, cho thoáng mát, rồi kéo ghế ngồi xuống.

. . .

Con tạo xoay dần, chồng chất thêm tuổi đời, không dung thứ một ai.
Ông chủ quán trông già yếu. Cô con gái xinh trẻ của những năm trước đây, trước khi miền Nam bị cộng sản cai trị, nay trông khác hẳn đi, khó mà nhận ra; giờ là một thiếu phụ mệt mỏi với gánh nặng gia đình, trong cái xã hội chủ nghĩa ác nghiệt.
Khung cảnh của quán không thay đổi chi mấy.
Cái khác biệt rõ rệt nhất đó là sự trống vắng, ít bàn ghế và thiếu mất lời ca tiếng nhạc. Những tình khúc ngọt ngào, nồng nàn hương vị tình yêu, của nhạc miền Nam trước đây, đều bị cấm đoán. Quân “cách mạng” cho rằng, tất cả những gì ở miền Nam tự do, từ con người đến văn hoá đều xấu xa, đều cần phải “giải phóng” triệt để. Tất cả các thứ, từ sách giáo khoa đến thơ văn, âm nhạc của miền Nam đều cho là “đồi trụy,” đã bị thu gom mà thiêu huỷ, bị cấm lưu trữ hay sử dụng.
Quán cà phê này đã chọn yên lặng!
Cái yên lặng dễ chịu hàng triệu lần hơn phải nghe loại nhạc mệnh danh là “cách mạng.” Tôi ngẫm nghĩ, cho dù ly cà phê với hương vị độc đáo của Café Du Monde, lọt vào trong quán với thứ nhạc “cách mạng” ấy, cũng biến ngay thành chất uống đắng nghét, khét ngẹt.
Với loại nhạc vô duyên đó, chắc gì đã có những dòng thơ “Em Hiền Như Ma Soeur” thật tình tứ:

“Đưa em về dưới mưa,
nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ,
chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay,
vuốt tóc em lưng dài.
Đôi ta vào quán trưa,
nhắc nhau tình phôi pha
.”

Không riêng gì nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, những chàng trai trẻ như Vũ và tôi, cũng sẽ không hứng thích gì để đưa em vào quán trưa nào đó, đang léo nhéo cái thứ âm nhạc gọi là “cách mạng,” để mà tình tứ “nhắc nhau tình phôi pha”!

Lấy điếu thuốc cho mình, rồi tôi đẩy bao thuốc hút sang mời Vũ. Hớp miếng cà phê, tôi lắng nghe vị đắng của cà phê và khói thuốc thật nồng ấm bên tình bạn. Ngó trông ra con đường dẫn vào quán, vẫn chưa thấy bóng dáng của Phát. Thường khi đi uống cà phê như thế này, có Phát đến. Tôi nóng lòng hỏi thăm:
– Phát đâu? … Mày có rủ thằng Phát không vậy? … Sao chưa thấy nó đến?!
Cũng như Vũ, Phát cùng là bè bạn từ trung học. Rồi khi vào quân trường, Phát và tôi còn ở chung đại đội. Trong xã hội với công an rình rập, lo sợ bị bắt bớ tù tội vô cớ như hiện nay; không mấy ai muốn tiếp xúc thân mật với những người tù “cải tạo”, như tôi. Chỉ còn ba thằng bạn thường ngồi với nhau trong quán…
Hút hơi thuốc dài, Vũ ngó ra ngoài sông một lúc, ngập ngừng, nói nhỏ:
– … chắc nó… “đi” rồi!
Sau khi cộng sản chiếm miến Nam, chữ “đi” thường được dùng để báo tin cho nhau: ai đó đã vượt biên, vượt biển đi tìm tự do… Cũng có thể là đi mà không bao giờ tới, đi xa rời cõi trần thế…
Tôi nghe mà ngẩn ngơ một lúc, rồi hỏi thêm:
– Hồi nào? … tới chưa?
– Tao chưa rõ hồi nào. Hồi nãy, định tấp vô rủ thằng Phát đi uống cà phê với tụi mình, thì thấy “tụi nó” ngồi hút thuốc ngoài hàng ba nhà thằng Phát… tao không dám ghé vô, vọt thẳng tới mày đó…
Tôi biết “tụi nó” mà Vũ ám chỉ là bọn công an. Trong thời buổi này, rất nhiều lý do bị “nhà nước” chiếm lấy nhà. Vì có người vượt biên là một lý do thường nhất. Tôi nghe mất mát, nát trong lòng:
– Ừ!… chắc vậy rồi… mong nó bình an!
Vũ ngẫm nghĩ:
– Mùa này… biển bắt đầu êm rồi!
Vũ tìm một lý do để cùng tôi thấy an tâm hơn về Phát. Nhưng cả hai đều biết, tin tức nhận được về vượt biển lắm đau thương. Cái giá của tự do đánh đổi bằng chính mạng sống của mình và người thân. Ai cũng biết, vượt biên bằng đường bộ hay vượt biển qua đại đương mênh mông, là lao thân mình vào hiểm nguy muôn bề; nhưng người ta phải chấp nhận khi ra đi tìm tự do.

. . .

Tiếng máy tàu văng vẳng. Tôi ngó theo ánh mắt của Vũ, ra ngoài sông. Gió từ dòng sông thoáng nhẹ, man mát mùa xuân. Nước lớn đầy, màu phù sa trải lên trên hai bên bờ, làm con sông trước quán trông rộng mênh mông. Có chiếc ghe chở nặng, trầm mình, chầm chậm xuôi theo dòng nước. Tiếng máy thư thả êm đềm, như không muốn khuấy động yên bình. Ghe chở hàng, mui gỗ đóng kín, dài đến nửa lòng khoang. Dưa hấu chất vun đầy ra đến tận mũi ghe. Người đàn bà đứng kềm cái máy đuôi tôm phía sau ghe, giữ hướng cho ghe chạy. Dưới khoanh bóng mát nhỏ hẹp của mái che, ông chồng ngồi bẹp trên nóc mui vừa lua miếng cơm, vừa trông chừng hai đứa con cùng sông nước với vợ mình. Đứa con gái lớn vừa ăn, vừa đút cơm cho em.
Đời thương hồ, lấy ghe làm nhà, quanh năm đây đó để mưu sinh; dập dềnh suốt tháng này sang năm khác, mấy đứa nhỏ học hành chữ được, chữ mất, sao không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống trên sông có lắm khó khăn, thiếu thốn đủ bề; gặp khi đau ốm nặng, thường không kịp đưa lên bờ, đến nơi cấp cứu. Những con sông chở nặng phù sa, mang đến nguồn sống cho hàng vạn người; nhưng nó cũng cướp đi sinh mạng của chồng, vợ, và những đứa trẻ phải sống trên sông nước. Thường thì đời cha lại nối tiếp đời con, cứ đeo mang theo nghiệp trôi dạt trên sông nước. Đời thương hồ nay đây, mai đó, không biết đâu là bến bờ, lênh đênh như cánh lục bình trên sông. Hình ảnh ghe thuyền bây giờ còn là ước mơ vượt thoát chế độ cộng sản, gợi nhắc đến biệt ly tan tác trong triệu con tim.
Mùa biển êm hay mùa biển động, người ta vẫn ra đi!
Giờ này đây, bao con thuyền mong manh đang đưa thuyền nhân lênh đênh vượt đại dương tìm đến bến bờ tự do…

. . .

– Giờ còn tụi mình…
Vũ nói lầm thầm như nói một mình, rồi bỏ lửng.
Cũng như bạn mình, thật khổ tâm khi chọn con đường ra đi, rời bỏ quê hương cùng thân bằng quyến thuộc. Một lần đi là một lần vĩnh biệt, sao không khỏi đớn đau. Ra đi là nghìn trùng cách biệt; biết đến bao giờ mới được trở về, đón xuân có trọn vẹn ý nghĩa mùa xuân trên quê hương!
Chúng tôi yên lặng, nhìn theo khói thuốc. Khói thuốc cuốn bay theo gió. Chợt nghe khói thuốc như vương cay đôi mắt. Hai đứa tôi nhìn theo bóng dáng chiếc ghe ngoài sông xa dần, lòng chập chùng với lắm ưu tư.

Xuân sắp về!

Mùa xuân vẫn về trong không gian, trong mùa màng, nhưng đã không về với “đại thắng mùa xuân” của đảng. Xuân quê hương đã không còn trên quê hương Việt Nam, đã không về trong lòng người!
Dọc theo hai bên bờ sông, đây đó từng rặng dừa nước xanh mướt. Đám lục bình còn vướng víu với hàng lau, lao chao nhấp nhô theo gợn sóng đùa vào. Những mảng lục bình ngoài khơi, lững lờ theo vận nước đang đổi chiều trôi ra cửa biển…

Bùi Đức Tính

Audio/ Thuyền Đời – Chương 2:

Xem thêm

Nhận báo giá qua email